Petrovietnam không chỉ làm nhiệm vụ của một doanh nghiệp năng lượng, mà còn gắn bó mật thiết với từng bước chuyển mình của đất nước
An ninh kinh tế là một cấu phần thiết yếu trong tổng thể an ninh quốc gia. Đó là khả năng kiểm soát, bảo vệ và phát triển các nguồn lực sản xuất chủ đạo, năng lực ứng phó với khủng hoảng, bảo đảm ổn định vĩ mô, cân đối cán cân thương mại và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu, đặc biệt là năng lượng - một thành tố “xương sống” của an ninh kinh tế.
Petrovietnam là điển hình cho sứ mệnh này. Đảng ủy Tập đoàn trong mọi nhiệm kỳ luôn xác định, Petrovietnam không chỉ làm nhiệm vụ của một doanh nghiệp năng lượng, mà cần gắn bó mật thiết với từng bước chuyển mình của đất nước, nhất là trong các thời điểm khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Petrovietnam đã nêu cao trách nhiệm không chỉ ở tỷ trọng đóng góp vào ngân sách hay GDP, mà còn ở vai trò điều tiết cung - cầu năng lượng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trụ cột kinh tế
Năm vừa qua đã đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp Petrovietnam phá kỷ lục về doanh thu vượt mốc 1 triệu tỷ đồng tính đến cuối năm 2024, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19 (năm 2019) và tương đương với khoảng 9% tổng GDP của cả nước. Tập đoàn đã nộp ngân sách nhà nước 165.000 tỷ đồng, tăng trưởng 52% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Kết quả này góp phần giúp Petrovietnam hoàn thành sớm được kế hoạch sản xuất - kinh doanh 5 năm (giai đoạn 2021-2025), vượt từ 6-32%; giữ vững vị trí hàng đầu về doanh thu và lợi nhuận trong khối doanh nghiệp nhà nước.

Kết quả này được xây dựng trên nền tảng truyền thống nỗ lực đóng góp vì nền kinh tế quốc dân từ khi Petrovietnam ra đời cho đến nay. Từ những ngày đầu thành lập, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Petrovietnam đã nhanh chóng khẳng định vai trò trụ cột trong nền kinh tế Việt Nam. Giai đoạn đầu phát triển, với mức tăng trưởng trung bình từ 18-20%/năm, Petrovietnam đã đóng góp từ 28-30% tổng thu ngân sách nhà nước, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Đây là những con số minh chứng cho vai trò tiên phong của Petrovietnam trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất (sau năm 2015), Petrovietnam vẫn duy trì đóng góp từ 9-13% GDP, chiếm từ 9-11% tổng thu ngân sách chung. Đặc biệt, nguồn thu từ dầu thô luôn chiếm tỷ trọng quan trọng (5-6% tổng thu ngân sách, 7-9% tổng thu ngân sách Trung ương).
Có được kết quả này là sự nỗ lực của toàn Tập đoàn, kiên định ý chí chính trị từ Đảng bộ Petrovietnam đến các Chi bộ trực thuộc sẵn sàng đương đầu với thử thách, tiên phong vượt qua khó khăn. Thực tế đã chứng minh điều này bởi trong thời điểm nền kinh tế gần như “đóng băng” để dồn sức chống chọi với dịch bệnh Covid-19, thị trường thế giới khủng hoảng sâu sắc, năm 2020, gia tăng trữ lượng dầu khí của Petrovietnam vẫn đạt trên 15 triệu tấn quy dầu (kế hoạch năm là 10-15 triệu tấn quy đầu), phát hiện 2 mỏ dầu khí mới và hoàn thành đầu tư đưa 2 công trình dầu khí mới vào khai thác. Tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt 20,64 triệu tấn quy dầu, vượt 1,4% kế hoạch năm.
Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau
Trong “khủng hoảng kép” đại dịch Covid-19 và giá dầu lao dốc năm 2020, nhiều tập đoàn dầu khí thế giới thua lỗ hoặc phá sản. Trái lại, Petrovietnam vẫn duy trì được hiệu quả sản xuất kinh doanh với tổng doanh thu năm 2020 đạt 566 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 83 nghìn tỷ đồng - vượt kế hoạch đề ra. Petrovietnam là một trong số ít các doanh nghiệp dầu khí toàn cầu có lãi trong giai đoạn này.
Các năm sau đó tiếp tục là chuỗi tăng trưởng ấn tượng. Năm 2021 ghi nhận doanh thu đạt 620,2 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 112,5 nghìn tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch trước 3 tháng. Năm 2022, doanh thu đạt 921,2 nghìn tỷ đồng, cao nhất trong 61 năm hình thành Tập đoàn.
Năm 2023, doanh thu tiếp tục đạt 942,8 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách 151,8 nghìn tỷ đồng, dẫn đầu toàn quốc. Năm 2024, Petrovietnam lập kỷ lục với doanh thu vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, vượt thời kỳ trước đại dịch. Năm 2025, thế giới chứng kiến nhiều biến động lớn của kinh tế toàn cầu và thị trường năng lượng, Đảng ủy Petrovietnam tiếp tục dẫn dắt Tập đoàn duy trì truyền thống “vượt phong ba” được ghi nhận qua việc duy trì nhịp độ sản xuất kinh doanh qua từng tháng.
Những con số trên không chỉ là thành tích kinh doanh mà còn là minh chứng cho khả năng “giữ nhịp” nền kinh tế trong những thời điểm then chốt.
Chuyển mình theo “tiếng gọi” của Tổ quốc
TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, ví Petrovietnam là “người lính thầm lặng trong cuộc chiến bảo vệ kinh tế đất nước”.
Trong thời kỳ hậu chiến và cấm vận, khi Việt Nam gần như không còn dự trữ xăng dầu và mất nguồn viện trợ từ Liên Xô, Petrovietnam đã trở thành bệ đỡ chủ lực để duy trì nguồn cung năng lượng cho cả nước. Câu chuyện “14 ngày dự trữ xăng” là lời cảnh báo nghiệt ngã, nhưng cũng là bước ngoặt để khẳng định sứ mệnh sống còn của ngành dầu khí quốc gia. Với sự phối hợp giữa ngoại giao và nỗ lực khai thác trong nước, Petrovietnam đã giúp đất nước vượt qua giai đoạn thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng, phát triển sản xuất và đời sống xã hội.
Từ đó đến nay, Petrovietnam không chỉ được biết đến là tập đoàn năng lượng mà còn là lực lượng đảm bảo an ninh kinh tế, điều tiết cán cân xuất - nhập khẩu, đóng góp tỷ trọng lớn trong thu ngân sách và phát triển nhiều vùng miền khó khăn của đất nước. Những dự án như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh)... đều là những minh chứng rõ nét về vai trò kiến tạo kinh tế vùng của Tập đoàn.
Đặc biệt, Petrovietnam còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thông qua hoạt động khai thác và duy trì hiện diện kinh tế tại các vùng biển xa. Theo TS Lê Đăng Doanh “họ là những chiến sĩ dầu khí trên biển”, nhấn mạnh ý nghĩa kép về kinh tế - chính trị trong mỗi giàn khoan biển khơi.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: “Trải qua 50 năm phát triển, Petrovietnam không chỉ là một doanh nghiệp năng lượng, mà còn khẳng định mình là 'pháo đài' kinh tế của đất nước trong nhiều giai đoạn gian khó khăn”.
Trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ: kinh tế số, kinh tế xanh, mục tiêu phát thải ròng bằng 0... Petrovietnam đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Một mặt, nhu cầu năng lượng vẫn tăng cao để phục vụ phát triển kinh tế; mặt khác, áp lực cắt giảm phát thải CO₂ và chuyển dịch sang năng lượng tái tạo khiến mô hình khai thác truyền thống cần thay đổi.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị năng lượng, biến động thị trường năng lượng thế giới, cùng với yêu cầu đổi mới mô hình quản trị, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước cũng là những yếu tố đòi hỏi Petrovietnam không thể đứng yên.
Kết luận 76-KL/TW ngày 24/4/2024 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41 về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đã nhấn mạnh việc phát huy lợi thế của ngành dầu khí trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới như phát triển các dự án điện gió ngoài khơi phục vụ xuất khẩu, các dự án về sản xuất hydrogen, amonia...
Với định hướng này, Đảng ủy Petrovietnam đang xây dựng lộ trình chuyển dịch mạnh mẽ mô hình quản trị theo hướng hiện đại, minh bạch và chuyên nghiệp sang Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam.
Tập đoàn chuyển hướng tăng đầu tư vào năng lượng mới, gồm điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, hydrogen xanh, đồng thời phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, tích hợp công nghệ xanh trong chuỗi sản xuất.
Petrovietnam cũng chú trọng tận dụng sức mạnh hệ sinh thái Tập đoàn, mở rộng liên kết vùng, đẩy mạnh nội lực từ chuỗi giá trị liên kết trong ngành giữa các đơn vị; ngoài ngành với các tập đoàn/tổng công ty nhà nước và tư nhân; quốc tế với các mở rộng hợp tác.
Xác định rõ vai trò của mình, Đảng ủy Tập đoàn định hướng Petrovietnam tham gia sâu vào chiến lược quốc gia, đặc biệt trong thực thi các nghị quyết chiến lược, như Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng năng lượng; Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ và phát triển doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đây không chỉ là nhu cầu nội tại của Tập đoàn, mà còn là yêu cầu khách quan của đất nước, đòi hỏi các tập đoàn kinh tế trụ cột phải thực hiện sứ mệnh kép: tăng trưởng bền vững và chủ động thích ứng.
Trải qua 50 năm phát triển, Petrovietnam không chỉ là một doanh nghiệp năng lượng, mà còn khẳng định mình là “pháo đài” kinh tế của đất nước trong nhiều giai đoạn gian khó. Từ quá khứ đảm bảo khả năng tự cường cho nền kinh tế đến hiện tại kiến tạo tăng trưởng và tương lai chuyển mình với kinh tế xanh, Petrovietnam vẫn đang âm thầm thực hiện sứ mệnh bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia. Như TS Lê Đăng Doanh kỳ vọng: “Trách nhiệm lịch sử đang gọi tên Petrovietnam trên bản đồ an ninh quốc gia thế kỷ 21”.
Petrovietnam và 5 chữ "An"- Bài 1: Sứ mệnh đảm bảo an ninh năng lượng luôn được đặt lên hàng đầu
Phương Thảo