Chuyện về một người thợ khoan dầu khí

Kỳ 2: Những mũi khoan không thể quên
Trong một chuyến thăm thân tại Vũng Tàu, tôi may mắn có dịp gặp, được nghe ông Lê Quang Nhạc - nguyên Giám đốc Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro kể về cuộc đời của ông - một người thợ khoan dầu khí - một “sĩ phu xứ Thanh”, ngang tàng, trắc trở nhưng cũng thật dung dị.

Hơn 40 năm công tác trong ngành Dầu khí Việt Nam, tham gia khoan hàng trăm mũi khoan tìm dầu trên Biển Đông nhưng đọng lại trong ký ức của ông Lê Quang Nhạc chỉ vỏn vẹn vài mũi khoan đặc biệt như mũi khoan đầu tiên “cắm” xuống móng mỏ Bạch Hổ, hay giếng khoan MSP- 08 bị kẹt choòng…

Kỳ 2: Những mũi khoan không thể quên

Người thợ khoan dầu khí Việt Nam luôn lấm lem với dầu thô, dung dịch khoan.

Vẫn với nụ cười “tỏa nắng”, ông Lê Quang Nhạc kể cho tôi nghe về những kỷ niệm đáng nhớ trong đời làm nghề “khoan khoáy” của mình. Mở đầu ông đã nhấn mạnh: Về “nguyên tắc” thì tôi phải vào liên doanh làm từ năm 1983 nhưng tôi chỉ muốn làm kỹ sư khoan nên quyết “giữ nguyên quan điểm”, do đó được điều sang Bộ phận Kỹ thuật khoan thuộc Phòng Khoan của Tổng cục. Bởi vậy đến tháng 8 năm 1984, tôi mới chính thức vào Xí nghiệp liên doanh. Và cũng phải mất gần 1 năm chúng tôi mới xây dựng được đội khoan của xí nghiệp.

Tôi là một trong những người đầu tiên đặt mũi khoan khai thác trên mỏ dầu Bạch Hổ. Nhưng đây cũng là thời điểm đáng nhớ khi khoan đến mức 3.100m, chúng tôi đã gặp tầng móng. Khi ấy ai cũng buồn lắm bởi về lý thuyết thì tầng móng là hết dầu. Mà gặp móng ở độ sâu này thì chứng tỏ dầu ít hơn dự đoán và mong đợi.

Sở dĩ nói mũi khoan khai thác của giàn MSP-01 này có tính chiến lược là vì căn cứ báo cáo của chúng tôi, nên Tổng cục đã “chuyển hướng” khoan chiến lược để đổi hướng khoan thăm dò khai thác trên mỏ Bạch Hổ từ hướng Nam sang phía Bắc. Thật sự là không ai ngờ được là chưa đến 1 năm sau chuyển hướng thì phát hiện dầu từ giàn MSP-01 phụt lên.

Cũng trong cuốn Lược sử ngành Dầu khí Việt Nam (1961-2020), giếng khoan BH-01 khi khoan đến chiều sâu khoảng 3.000m, giếng gặp phải tầng sét đen và sau đó ở độ sâu 3.030m bắt đầu có những thành phần các mảnh vỡ sắc cạnh của thạch anh và felspat bị kaolinite hóa mạnh được xem như lớp “sạn kết đáy”. Lúc này chưa có khái niệm về móng granite. Vì có biểu hiện dầu nên đội khoan vẫn tiếp tục khoan nhưng càng xuống sâu, đến 3.118m càng bị mất dung dịch mạnh.

Không có hóa chất xử lý, lúc đó đã có sáng kiến dùng vỏ trấu trộn vào dung dịch khoan để chống mất dung dịch. Vỏ trấu tại Bà Rịa được đưa lên máy bay chở ra biển để đội khoan cố gắng khoan đến độ sâu 3.178m. Để bảo đảm an toàn cho giếng và tầng 23, ban lãnh đạo Vietsovpetro quyết định dừng khoan và hoàn tất giếng để thử vỉa. Giếng BH-01 sau 4 tháng khai thác, áp suất giếng từ khoảng 23at bất ngờ tụt xuống còn khoảng 10at. Các giếng sau cũng không bổ sung lưu lượng tốt hơn. Sản lượng giàn MSP-01 chỉ chưa đến 100 tấn/ngày.

Nhớ về khoảng thời gian này, ông Lê Quang Nhạc bảo đây là những ngày đen tối đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam. Bầu không khí u ám, tư tưởng bi quan lan rộng từ Vũng Tàu đến Hà Nội. Từ hy vọng của đất nước, hàng loạt dự án từ xây dựng cảng, khu tập thể chuyên gia (khu 5 tầng) bị dừng giãn, điều động cán bộ chủ chốt về Hà Nội. Vietsovpetro loay hoay với nhiệm vụ bảo đảm 1 triệu tấn dầu/năm, điều chỉnh nhiệm vụ đánh giá trữ lượng mỏ Bạch Hổ lên vòm Bắc (các giàn khoan MSP-02 đến MSP-05).

Để tiếp tục nhiệm vụ thăm dò, đánh giá trữ lượng, giếng BH-06 được khoan với nhiệm vụ khoanh ranh giới phát triển tầng Olicogen về phía Nam, đồng thời cũng để xác định ranh giới tầng 23… Ngày 11/5/1987, tàu khoan Mikhain Mirchin tiến hành thử vửa đáy của giếng BH-06 thì phát hiện dòng dầu có lưu lượng 500 tấn/ngày ở vỉa đáy của giếng.

Chưa đầy 1 năm sau tín hiệu vui từ BH-06, trong khi tiến hành sửa chữa giếng khoan BH-01 theo quy trình công nghệ, ông Vovk V.S trao đổi với Cục trưởng Khoan Phuntov quay lại khoan tầng móng trong giếng BH-01. Nhưng trong quá trình rửa giếng ở đoạn cuối vào ngày 6/9/1988 thì dòng dầu lên mạnh đến 1.000 tấn/ngày. Các giếng khoan tiếp theo đều phát hiện dòng dầu trong tầng đá móng nứt nẻ. Từ đó hình thành quan điểm về thân dầu trong đá móng nứt nẻ tại mỏ Bạch Hổ và các mỏ sau này tại Bể Cửu Long.

Nói về tìm thấy dầu trong tầng đá móng mỏ Bạch Hổ, ông Nhạc bảo, chúng tôi cho rằng, vì thời điểm ấy (đang khoan) để tránh mất dung dịch trong giếng khoan, chúng tôi đổ trấu vào lỗ khoan của giàn MSP-01 khi khoan vào tầng móng nên phải mất khá lâu sau thì dầu trong móng mới “phụt” lên. Thông tin này khiến anh em chúng tôi ôm chầm lấy nhau, có người còn bật khóc vì mừng rỡ. Từ đó, dù đã xây dựng một loạt giàn khai thác phía Bắc đều có lưu lượng dầu thấp, chúng tôi lại quyết định chuyển hướng về phía Nam (từ giàn BK-01 đến giàn BK-11), tập trung khai thác dầu trong tầng đá móng.

Sau này mọi người cho rằng giàn MSP-06 là giàn đầu tiên tìm ra dầu trong tầng đá móng nhưng tôi cho rằng chính lần khoan giàn MSP-01 mới là mũi khoan đầu tiên tìm ra dầu trong tầng móng của mỏ Bạch Hổ - Tất nhiên nhiều người cho rằng bên cạnh những nỗ lực của cán bộ công nhân Vietsovpetro, sự tuân thủ nghiêm túc quy trình công nghệ còn có cả yếu tố “may mắn” nữa.

Kỳ 2: Những mũi khoan không thể quên

Chuyên gia Lê Quang Nhạc trong một chuyến hỗ trợ mua giàn khoan khai thác dầu khí tại Singapore năm 2022.

Trong khi chuyện trò về những điều thú vị khi thực hiện công tác tìm dầu trên biển, người viết bài ấn tượng nhất về câu chuyện nói lên sự say nghề người thợ khoan Lê Quang Nhạc. Ông cho biết, thời điểm ấy đang công tác tại Phòng Công nghệ khoan của Vietsovpetro để xử lý nhiều vấn đề phức tạp trên giàn Tam Đảo 01 - giàn khoan tự nâng đầu tiên của Vietsovpetro.

Ông Nhạc nhớ lại: “Khi ấy khoan giếng anh em vất vả lắm, thay nhau làm ngày - đêm. Công nhân hết ca (14 ngày) thì được về còn cán bộ thì không kể đêm ngày, người nào tăng ca thì 1-2 tháng mới về bờ một lần.

Các bạn cũng biết cái nghề khoan này quan trọng nhất là mấy cái choòng khoan, mà cái nào cái nấy nặng tới mấy trăm cân. Dù có cần cẩu hỗ trợ nhưng mỗi lần đặt mũi thì anh em đều phải đánh vật mấy tiếng đồng hồ mới “thả lỗ” được. Ấy vậy nhưng khi kẹt, vướng mũi khoan, có lần mất cả tuần không kéo lên được. Những lúc như vậy, mũi khoan bị mất dung dịch, dầu thô, khí đồng hành phụt “tung tóe”… thì xác định thợ khoan cả tuần phải lấm lem mặt mũi.

Cái sự cố đáng nhớ nhất là lần làm giàn MSP-08 - mũi khoan số 8. Khi ấy chúng tôi thả mũi khoan chính xuống sâu hơn 3.000m nhưng giữa chừng bị kẹt cứng. Khi đó, một ông người Nga làm chánh kỹ sư công nghệ nghe giàn gọi ứng cứu đã bảo để ngày mai yên sóng gió sẽ “bay” ra xem xét. Thời điểm này tôi đang đảm nhiệm Phó phòng Công nghệ khoan của liên doanh, chả hiểu ra sao mà đêm ấy ngủ mơ, sáng ra tôi bảo ông Chánh kỹ sư là: “Tao ngủ mơ thấy anh em nó kéo cần khoan bị đứt để lại chỗ van ngược”. Ra đến nơi, ông Chánh kỹ sư đứng trên mặt giàn khoan, gọi đội trưởng đội khoan ra hỏi thì đúng là đứt chỗ van ngược thật”.

Kể lại câu chuyện cho tôi nghe mà ông Nhạc bật cười ha hả. Rồi có lẽ như tự biện với mình rằng: “Khi ấy chúng tôi “say” việc lắm, công việc như “ăn” vào tiềm thức nên có những chuyện kỳ lạ không thể giải thích bằng tư duy thông thường được”.

Trong những năm qua, tác giả bài viết được dịp tiếp xúc với nhiều cán bộ, chuyên gia của ngành Dầu khí Việt Nam, được nghe lại hàng trăm câu chuyện “kỳ lạ” về cái giai đoạn đầu đi tìm dầu trên Biển Đông. Chiêm nghiệm lại thì thấy rằng, những người dầu khí khi được trao trọng trách tìm ra nguồn “năng lượng” để “giúp nước, giúp dân” đã khiến hàng trăm, hàng ngàn người nỗ lực làm việc không quản ngày đêm, liên tiếp tạo nên những kỳ tích trong thăm dò, khai thác dầu khí của đất nước.

Giữa năm 1985, giếng khoan BH-01 bắt đầu được khoan từ giàn MSP-01. Giếng có nhiệm vụ vừa khai thác vừa thăm dò. Đây là giếng khoan được toàn thể cán bộ công nhân viên Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đặt rất nhiều kỳ vọng và mong đợi.

Kỳ 1: Hành trình từ một cậu học trò nông thôn đến thợ khoan 

Thành Công (lược ghi)

Xem tiếp kỳ sau ....


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​