Cố Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Biên: Vị thủ trưởng có "tâm", có "tầm" của ngành Dầu khí (Kỳ 1)
|
Cố Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Biên
|
Thấm thoắt gần tròn 50 năm kể từ ngày tôi vào nghề dầu khí. Tháng 8-1971, tôi cùng 9 kỹ sư công nghệ lọc hóa dầu và thiết bị dầu khí vừa tốt nghiệp Học viện Dầu khí Rumani về nước, được giới thiệu về Tổng cục Hóa chất nhận công tác. Chúng tôi được gặp ông Nguyễn Văn Biên, Tổng cục phó Tổng cục Hóa chất. Ông Biên được Chính phủ điều động từ Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước sang Tổng cục Hóa chất.
Ngày 3-3-1972, Tổng cục Hóa chất có quyết định thành lập Ban Dầu mỏ và Khí đốt trực thuộc Tổng cục (gọi tắt là Ban Dầu khí), do Tổng cục trưởng Nguyễn Chấn kiêm Trưởng ban, Tổng cục phó Nguyễn Văn Biên và Tổng cục phó Hoàng Hữu Bình kiêm Phó ban. Ban Dầu khí biên chế 50 người.
Ngày 3-9-1975, Tổng cục Dầu khí Việt Nam được thành lập, ông Nguyễn Văn Biên được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng.
Tôi có may mắn được làm việc dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Biên trong những năm ở Ban Dầu khí và thời kỳ đầu của Tổng cục Dầu khí Việt Nam, gắn bó liên tục với nghề dầu khí cho tới lúc nghỉ hưu. Những ký ức về cố Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Biên luôn sống động trong tôi.
Chiến lược “nhìn xa trông rộng”
Ngày 30-4-1975, miền Nam được giải phóng. Ngày 20-7-1975, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) họp tại Sài Gòn để hoạch định đường lối phát triển ngành Dầu khí.
Ngày 9-8-1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu, khí trên cả nước. Đây là văn bản đầu tiên của Đảng về dầu khí. Nghị quyết 244-NQ/TW thực sự là chiến lược phát triển toàn diện ngành Dầu khí trên đất nước Việt Nam, trong đó khẳng định: “Khai thác nhiều dầu khí, vừa đủ dùng trong nước, vừa có thể xuất khẩu”; “Hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành Dầu khí... Tranh thủ triển khai song song việc thăm dò dầu và xây dựng công nghiệp chế biến gồm lọc dầu và hóa dầu”; “Nước ta phải vươn lên tự lực giải quyết những yếu tố cơ bản (khoa học, kỹ thuật, thiết bị, vốn, quản lý) để phát triển ngành Dầu khí trong khi vẫn mở rộng hợp tác với nước ngoài”...
Ngày 3-9-1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu khí Việt Nam. Ngày 23-9-1975, ông Nguyễn Văn Biên được bổ nghiệm giữ chức vụ Tổng cục trưởng.
Nghị quyết 244-NQ/TW gây ấn tượng mạnh về con đường phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, được cộng đồng dầu khí trên thế giới đánh giá: Nhìn xa, trông rộng, hoàn chỉnh, “mở cửa”, “đa phương”..., nhất là trong hoàn cảnh của một đất nước đang bề bộn công việc sau cuộc chiến tàn khốc và bối cảnh quốc tế cực kỳ phức tạp. Có nhà nghiên cứu cho rằng, đó là khí thế “thần tốc”, thừa thắng xông lên. Song, những người trong cuộc lại biết rằng, đó còn là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm trước.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Nguyễn Văn Biên thăm giếng khoan 61, ngày 16-3-1976
Hợp tác đa phương
Được Nghị quyết 244-NQ/TW mở đường, Tổng cục Dầu khí đã nhanh chóng triển khai hàng loạt công việc để hình thành ngành công nghiệp dầu khí mới mẻ của đất nước theo đường lối hợp tác đa phương, đó là:
Tiếp tục hợp tác với Liên Xô thăm dò dầu khí tại miền võng Hà Nội, do các đơn vị từ Tổng cục Địa chất chuyển sang thực hiện. Hình thức hợp tác giữa hai nước là vay vốn dài hạn, lãi suất thấp và hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam tự đầu tư, tự điều hành. Liên Xô cử các chuyên gia kỹ thuật và cung cấp thiết bị thăm dò địa vật lý, thiết bị khoan cho Việt Nam với giá thấp hơn thị trường được quy định trong khối SEV. Giai đoạn 1976-1985, có trên 600 chuyên gia Liên Xô sang tham gia với các đơn vị trong Tổng cục Dầu khí.
Ngày 3-3-1972, Tổng cục Hóa chất có quyết định thành lập Ban Dầu mỏ và Khí đốt trực thuộc Tổng cục (gọi tắt là Ban Dầu khí), do Tổng cục trưởng Nguyễn Chấn kiêm Trưởng ban, Tổng cục phó Nguyễn Văn Biên và Tổng cục phó Hoàng Hữu Bình kiêm Phó ban. Ngày 3-9-1975, Tổng cục Dầu khí Việt Nam được thành lập, ông Nguyễn Văn Biên được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng.
.
Tháng 3-1980, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô ký Hiệp định về việc hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam và thành lập Liên doanh Dầu khí Việt - Xô. Hiệp định này được sửa đổi vào năm 1991 và tiếp tục đạt kết quả tốt, phát huy thành công của sự hợp tác truyền thống giữa hai nước. Sự hợp tác được đánh giá là hiệu quả nhất cho cả hai bên trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí.
Cuối tháng 8-1975, ông Nguyễn Văn Biên cùng bà Nguyễn Thị Bình (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) và ông Nguyễn Cơ Thạch (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) sang thăm Mexico, trao đổi về khả năng hợp tác giữa hai nước. Công ty Dầu lửa quốc gia PEMEX cử đoàn chuyên gia sang Việt Nam trao đổi kinh nghiệm và mời 2 đoàn cán bộ Việt Nam sang thực tập tại các cơ sở của họ. Đây có thể coi là sự mở đầu cho việc triển khai hợp tác với các nước sau này, như Rumani (1976-1978 bàn hợp tác thăm dò ở Đồng bằng sông Cửu Long), Ấn Độ, Iraq, Algeria...
Đầu tháng 9-1975, ông Nguyễn Văn Biên từ Mexico sang Pháp cùng Đại sứ Võ Văn Sung thăm và trao đổi sơ bộ với hãng Elf Aquitaine, mở đầu cho việc tiếp xúc, hợp tác với các công ty dầu lửa ở nước tư bản phương Tây. Công ty dầu lửa của Pháp tỏ ý muốn hợp tác với Việt Nam cả khâu thăm dò, khai thác dầu khí và lọc hóa dầu.
Trong năm 1976, Tổng cục Dầu khí đã tiếp xúc vòng đầu về hợp đồng dầu khí với 17 công ty và chính phủ các nước Pháp, CHLB Đức, Australia, Canada, Na Uy, Italia, Nhật Bản, Mexico, Anh. Năm 1978, Tổng cục Dầu khí đã ký với Công ty GECO của Na Uy hợp đồng khảo sát địa vật lý; ký với Công ty Deminex của CHLB Đức, Công ty Agip của Italia, Công ty Bow Valley của Canada tổng cộng 5 hợp đồng dầu khí trên các lô thềm lục địa phía Nam.
Từ quý IV/1975, chúng ta đã xúc tiến song song 2 dự án lọc hóa dầu. Liên Xô cử đoàn chuyên gia đầu tiên sang giúp Việt Nam, đề xuất lập luận chứng kinh tế kỹ thuật (TEO) xây dựng khu liên hợp lọc hóa dầu 6 triệu tấn/năm. Việc triển khai lập luận chứng kinh tế kỹ thuật từ năm 1979 và chuẩn bị đầu tư suốt thập niên 80 của thế kỷ trước theo cơ chế phối hợp kế hoạch 5 năm giữa Việt Nam và Liên Xô.
Đoàn Việt Nam thăm công trình xử lý dầu thô của PEMEX (Mexico) cuối tháng 8-1975
Tháng 4-1976, Tổng cục Dầu khí trình Chính phủ phương án xây dựng 2 khu liên hợp lọc hóa dầu trong giai đoạn 1976-1985: Một nhà máy 6 triệu tấn/năm hợp tác với Liên Xô; một nhà máy 5 triệu tấn/năm hợp tác với Pháp, Nhật và các nước khác. Đối với dự án lọc hóa dầu 5 triệu tấn/năm, Tổng cục Dầu khí đàm phán với các đối tác Pháp như tổng thầu Technip, tài chính Credit Lyonaise (1976-1978); với Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) nhằm tài trợ thuê BEICIP lập Báo cáo chuẩn bị đầu tư và nghiên cứu khả thi (1977-1980); với các đối tác Nhật Bản đề xuất dự án lọc hóa dầu (1976-1978); với Rumani về dự án lọc dầu và dầu nhờn (1976-1978)... nhưng không thành công vì bị Mỹ cấm vận.
Giai đoạn 1980-1988, Tổng cục Dầu khí tập trung các nguồn lực hợp tác với Liên Xô trong khuôn khổ hiệp định giữa hai chính phủ, thông qua Liên doanh Dầu khí Việt - Xô đạt kết quả tốt.
Từ năm 1989, việc hợp tác đa phương được tiếp tục đẩy mạnh cho cả khâu thăm dò, khai thác và lọc hóa dầu, dịch vụ kỹ thuật.
Có thể thấy, đường lối hợp tác đa phương đã bảo đảm cho ngành Dầu khí Việt Nam đứng vững và phát triển trước các biến động lớn của thời cuộc (như sự tan rã của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa vào năm 1989-1990).
Sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến
Trong bối cảnh những năm 1970, thế giới được chi phối bởi phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu và phe tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu, công nghệ, kỹ thuật, thiết bị dầu khí cũng theo hai trường phái tương ứng.
Rải dây tiến hành đo đạc, thăm dò địa chấn ở Đồng bằng sông Hồng
Việt Nam đứng trong phe xã hội chủ nghĩa, được các nước anh em giúp đỡ, viện trợ về kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật và hệ thống quản lý kinh tế, kế hoạch hóa tập trung và thủ tục xây dựng cơ bản đều theo tiêu chuẩn GOST của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
Tháng 4-1976, Tổng cục Dầu khí trình Chính phủ phương án xây dựng 2 khu liên hợp lọc hóa dầu trong giai đoạn 1976-1985: Một nhà máy 6 triệu tấn/năm hợp tác với Liên Xô; một nhà máy 5 triệu tấn/năm hợp tác với Pháp, Nhật và các nước khác.
.
Tuy vậy, Tổng cục Dầu khí đã mạnh dạn đề xuất và được Nhà nước chấp thuận sử dụng ngay các công nghệ, thiết bị tiên tiến trên thế giới, như: Công nghệ và thiết bị thăm dò dầu khí bằng phương pháp địa chấn từ năm 1975 tại phía Bắc kết hợp giữa máy của Liên Xô và của Pháp; tại Đồng bằng sông Cửu Long hợp tác với Tổng công ty Địa vật lý (CGG) của Pháp; tại thềm lục địa phía Nam hợp tác với Công ty Địa vật lý GECO của Na Uy (năm 1978). Số liệu khảo sát địa vất lý và mẫu địa chất được xử lý, phân tích, tổng hợp bằng các thiết bị, phần mềm tiên tiến thông qua các hợp đồng hợp tác giữa Tổng cục Dầu khí và các đối tác Liên Xô, Pháp, Anh.
Viện Dầu khí được trang bị bổ sung máy móc phân tích, thí nghiệm bằng các thiết bị phương Tây hiện đại, qua việc sử dụng nguồn tài trợ của Chính phủ Pháp giai đoạn 1977-1980.
Công tác thăm dò của các công ty dầu khí phương Tây từ năm 1978 đều được thực hiện bằng các thiết bị tiên tiến nhất lúc bấy giờ, như các thiết bị địa chấn, địa vật lý giếng khoan, dàn khoan biển, thiết bị lên lạc qua vệ tinh, vận chuyển bằng trực thăng đặc chủng của Liên doanh Việt Pháp (HELIVIFRA)...
Hệ thống quản lý, điều hành của Tổng cục Dầu khí từ rất sớm được tiếp cận theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam và GOST của Liên Xô, ngành Dầu khí bắt đầu sử dụng hệ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và của các nước phương Tây (Mỹ, Pháp, Đức, Anh...). Việc quản lý trong xây dựng cơ bản cũng bắt đầu vận dụng kết hợp giữa hệ thống quản lý của Việt Nam, Liên Xô và phương Tây.
Năm 1979, tôi và anh Nguyễn Hữu Hiếu được Tổng cục Dầu khí cử đi đào tạo vể quản lý dự án và thực hiện hợp đồng EPC (thiết kế, mua sắm, xây lắp) theo thông lệ phương Tây bằng tài trợ của UNDP, kết hợp giám sát việc lập luận chứng khả thi (FS) liên hợp lọc hóa dầu 5 triệu tấn/năm do hãng tư vấn BEICIP của Pháp thực hiện.
Hệ thống quản lý, điều hành của Tổng cục Dầu khí từ rất sớm được tiếp cận theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam và GOST của Liên Xô, ngành Dầu khí còn sử dụng hệ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và của các nước phương Tây (Mỹ, Pháp, Đức, Anh...).
(Xem tiếp kỳ sau)
Bỳ Văn Tứ, Nguyên Trưởng ban QLDA Nhà máy Đạm Phú Mỹ