Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ả Rập Xê-út (Kỳ II)
Ả Rập Xê-út là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người cao nhất thế giới. Chính phủ Ả Rập Xê-út phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sản xuất dầu khí để đáp ứng các yêu cầu trong nước, đặc biệt là nhu cầu của các ngành công nghiệp cơ bản


Một cơ sở dầu khí của Saudi Aramco, công ty dầu khí lớn nhất Ả Rập Xê-út. Ảnh: Life in Saudi Arabia.

Mục tiêu chính sách của Chính phủ

Năm 2016, Ả Rập Xê-út công bố "Tầm nhìn 2030" có mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu và mở rộng nền kinh tế Ả Rập Xê-út bằng cách chuyển nguồn doanh thu từ dầu mỏ cho một nền kinh tế đa dạng mạnh mẽ và tăng cường sự đóng góp của khu vực tư nhân vào tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Ả Rập Xê-út cũng triển khai chiến lược tăng cường sức mạnh tổng hợp trong lĩnh vực dầu mỏ, điều hành định mức khai thác dầu mỏ, duy trì thị phần và sản lượng ổn định để cân bằng giá dầu.

Tầm nhìn 2030 cũng thông qua Chương trình Năng lượng Tái tạo Quốc gia (National Renewable Energy Program NREP), một sáng kiến ​​chiến lược thuộc Chương trình Chuyển đổi Quốc gia (National Transformation Programme), nhằm tăng đáng kể tỷ trọng công suất năng lượng tái tạo lên 3,45 gigawatt (GW) vào năm 2020 và 9,5 GW vào năm 2023. Là một phần của NREP, dự án điện mặt trời đầu tiên Sakara công suất 300 megawatt (MW) được khởi công vào tháng 11/2017 và Dự án Trang trại gió Dumat Al Jandal công suất 400 MW, trang trại gió quy mô lớn đầu tiên ở Ả Rập Xê-út, một trong những trang trại điện gió lớn nhất ở Trung Đông được khởi công từ tháng 8/2020 và hiện nay bắt đầu phát điện.


Một cơ sở dầu khí của Petro Rabigh, công ty hóa dầu đứng thứ ba trong tốp 7 công ty dầu khí hàng đầu ở Ả Rập Xê-út. Ảnh: Life in Saudi Arabia.

Xu hướng thị trường năng lượng ở Ả Rập Xê-út hiện nay

Để giảm tỷ lệ tiêu thụ dầu khí bình quân đầu người, Chính phủ Ả Rập Xê-út đã giảm trợ cấp nhiên liệu và điện xuống khoảng 50% và sẽ ​​tiến tới từ bỏ hoàn toàn việc trợ cấp năng lượng. Giá xăng trong nước ​​được điều chỉnh tăng lên trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2025, khí đốt tự nhiên và etan được nâng lên bằng 75% so với giá thực tế ​​trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng lên 90% vào năm 2020 và điện dân dụng và thương mại đạt 100% giá thực tế trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2025.

Hiện nay, gần như 100% sản lượng điện của Ả Rập Xê-út được tạo ra từ dầu và khí đốt. Ả Rập Xê-út chi ít nhất 900.000 thùng dầu/ngày để sản xuất điện trong giai đoạn có nhu cầu cao nhất, tiêu tốn hơn 19 tỷ USD một năm theo giá cả hiện tại của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Năng lực sản xuất khí tự nhiên được tăng lên để đáp ứng nhu cầu trong nước, đặc biệt là nhu cầu sản xuất điện, lọc nước biển và các ngành công nghiệp khác.


Dự án nhà máy khí đốt Haradh Gas Plant trị giá 110 tỷ USD của Saudi Aramco tại mỏ dầu Ghawar, phía đông bắc của mỏ Jafurah, một dự án có thể đưa Ả Rập Xê-út thành nước xuất khẩu khí đốt. Ảnh: Saudi Aramco.

Công ty dầu khí Ả Rập Xê-út Saudi Aramco cung cấp dầu thô cho các nhà máy lọc dầu trong nước. Saudi Aramco có các nhà máy lọc dầu liên doanh với ExxonMobil của Mỹ, Total của Pháp và Sinopec của Trung Quốc (nơi họ nắm giữ khoảng 63% vốn cổ phần của từng cơ sở), và khoảng 38% trong Petro Rabigh cùng với Sumitomo của Nhật Bản.

Các sản phẩm dầu mỏ được bán lẻ ở Ả Rập Xê-út thông qua các cơ sở khác nhau do các công ty như NAFT (Naft Services Company, công ty hàng đầu điều hành các trạm dịch vụ xăng dầu tại Ả Rập Xê-út), Sahil Petroleum, Fuchs Petroleum và Petromin Ltd. điều hành.

Tất cả các hoạt động liên quan đến cấp phép, thăm dò và khai thác dầu và khí đốt nằm dưới sự kiểm soát và giám sát của Công ty dầu khí Ả Rập Xê-út Saudi Aramco, với sự chấp thuận của Bộ Năng lượng, Công nghiệp và Tài nguyên Khoáng sản Ả Rập Xê-út. (Còn nữa).

Thanh Bình

Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ả Rập Xê-út (Kỳ I)


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​