PV GAS định hướng phát triển LNG hiệu quả, bền vững
Theo ông Nguyễn Công Luận – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), trên cơ sở xu hướng chuyển dịch năng lượng và phát triển kinh tế xanh, theo chiến lược và định hướng phát triển, PV GAS đã và đang triển khai các dự án năng lượng xanh, sạch, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu như điện khí LNG.

Kinh tế xanh - xu hướng chuyển đổi mới của doanh nghiệp

Tiến sĩ Bùi Đức Hiếu - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thuật ngữ “nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh” có nguồn gốc từ nhu cầu ngày càng tăng về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, vốn đã trở thành chủ đề nóng từ cuối thế kỷ XX. Khái niệm này phát triển dựa trên cơ sở của khái niệm “phát triển bền vững”, đặc biệt là để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng trong giải quyết các vấn đề suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và những hạn chế của các mô hình kinh tế truyền thống ưu tiên tăng trưởng mà không xem xét các tác động môi trường.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc UNEP, nền kinh tế xanh là một hệ thống các công cụ nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững mà không làm suy thoái môi trường. Nó bao gồm các hoạt động kinh tế, chính sách và đầu tư nhằm giảm lượng khí thải carbon, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên, đồng thời ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Các nguyên tắc và trụ cột chính của nền kinh tế xanh bao gồm: Nền kinh tế carbon thấp: Giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và thực hành tiết kiệm năng lượng; Sử dụng hiệu quả tài nguyên: Tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên bằng cách giảm thiểu chất thải, tái chế và thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; Công bằng xã hội: Đảm bảo lợi ích kinh tế được phân bổ công bằng, giải quyết các vấn đề như nghèo đói, bất bình đẳng và tiếp cận các dịch vụ cơ bản; Bảo tồn vốn tự nhiên: bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên như rừng, nước, đất và đa dạng sinh học, công nhận vai trò của các yếu tố này đối với sự phát triển kinh tế và hạnh phúc của con người; Việc làm xanh: Tạo cơ hội việc làm trong các lĩnh vực góp phần bảo tồn hoặc khôi phục chất lượng môi trường, gồm: năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, quản lý chất thải, nông nghiệp bền vững….

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bao gồm việc tích hợp 5 trụ cột này vào các lĩnh vực khác nhau, bao gồm năng lượng, nông nghiệp, sản xuất và vận tải, thông qua các chính sách của Chính phủ.

Nhiều diễn đàn được tổ chức trao đổi về tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi xanh tại các doanh nghiệp

Hiện nay, giảm phát thải với mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vị toàn cầu. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 11/2021 (COP26), Việt Nam cùng 150 quốc gia đã cam kết mạnh mẽ về phát thải nhà kính với mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ của trái đất. Với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ đã đặt mục tiêu: Cường độ phát thải trên GDP vào năm 2030 giảm ít nhất 15% so với năm 2014, và ít giảm ít nhất 30% đến năm 2050. Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95% đến năm 2030. Tỉ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.

Thời gian gần đây, sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh làm chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế các-bon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.

PV GAS định hướng phát triển LNG hiệu quả, bền vững

Cùng trong xu thế chuyển đổi xanh, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), hoạt động trong lĩnh vực năng lượng với chức năng chính phát triển ngành công nghiệp khí đã và đang triển khai các dự án liên quan đến chuyển dịch năng lượng (CDNL) hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu như điện khí LNG.

PV GAS định hướng phát triển LNG hiệu quả và bền vững

Chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên cập bến Thị Vải sáng ngày 10/7/2023

LNG là viết tắt của Liquefied Natural Gas – nghĩa là khí thiên nhiên hóa lỏng hoặc khí tự nhiên hóa lỏng. Đây là một loại khí đốt tự nhiên chủ yếu là Methane (CH4) được thu thập từ các mỏ khí tự nhiên, sau khi thu thập được làm sạch để loại bỏ tạp chất và hóa lỏng để tồn trữ và vận chuyển dễ dàng.

LNG có độ tin cậy cao và rất an toàn cho con người và môi trường. Đây là loại nhiên liệu hóa thạch sạch nhất và có hiệu quả kinh tế cao nhất. Trữ lượng LNG trên thế giới còn rất dồi dào, đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lâu dài, cùng một số ứng dụng phổ biến như: Sử dụng LNG làm nhiên liệu thay thế cho than đá trong các buồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện; làm nhiên liệu đốt cháy cho các hệ thống sưởi ấm, hệ thống sấy khô trong các khu dân cư và xưởng sản xuất thực phẩm; làm nhiên liệu thay thế cho xăng và dầu diesel trong ngành vận tải; Sử dụng làm nhiên liệu trong các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, sản xuất gạch, gốm sứ…

Với đặc điểm có mức phát thải thấp hơn các nhiên liệu hóa thạch khác (dầu, than đá…), khí thiên nhiên (LNG) được xem là bước “trung gian” trong quá trình chuyển tiếp từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, kinh tế xanh hoàn toàn.

Tại Việt Nam, PV GAS là đơn vị đầu tiên và duy nhất thời điểm hiện tại đủ điều kiện xuất nhập khẩu LNG, đồng thời sở hữu kho cảng LNG Thị Vải – tổ hợp LNG đầu tiên được đưa vào vận hành tại thị trường nội địa.

Kho cảng LNG Thị Vải có khả năng tiếp nhận được tàu LNG tải trọng lên đến 100.000 tấn, với bồn chứa LNG 180.000 m3 và các thiết bị công nghệ hàng đầu và tiên tiến nhất; với công suất qua kho là 1 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 1, và nâng cấp lên 3 triệu tấn LNG/năm vào giai đoạn 2.Tính đến tháng 6/2024, PV GAS đã nhập khẩu thành công 5 chuyến tàu LNG với tổng khối lượng hơn 300.000 tấn LNG, trong đó chủ yếu cung cấp cho các nhà máy điện trong giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và LNG đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện (trong đó nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là 22.400 MW chiếm 14,9%). Với cơ cấu nguồn điện như trên, cùng với định hướng đến năm 2050 không còn sử dụng than cho phát điện thì vai trò chạy nền của các nhà máy điện khí LNG trong hệ thống điện là điều tất yếu vì là nguồn điện duy nhất không bị ảnh hưởng bởi thời tiết so với thủy điện, điện gió và điện mặt trời.

PV GAS định hướng phát triển LNG hiệu quả và bền vững

Ông Nguyễn Công Luận – Phó Tổng Giám đốc PV GAS chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế xanh

Chia sẻ tại Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ VIII – 2024, ông Nguyễn Công Luận – Phó Tổng Giám đốc PV GAS cho biết, trên cơ sở xu hướng CDNL và phát triển kinh tế xanh, theo chiến lược và định hướng phát triển, PV GAS sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Thu gom, tàng trữ, phân phối và kinh doanh khí; Phát triển hệ thống hạ tầng LNG; Chế biến và sản xuất các sản phẩm mới phục vụ cho hóa dầu, hydro xanh, ammonia xanh.

PV GAS cũng đang triển khai hợp tác cùng các đối tác với mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành ít nhất một dự án thử nghiệm (pilot project) sử dụng Hydro/Ammonia xanh; Phát triển kinh doanh hạ tầng, dịch vụ.

Trong thời gian trước mắt và trung hạn, bên cạnh khí nội địa, LNG được xác định là sản phẩm nòng cốt. Đối với lĩnh vực này, PV GAS sẽ tập trung: Nghiên cứu và triển khai các dự án kho LNG tiếp theo tại các vị trí phù hợp với các Quy hoạch/Chiến lược phát triển năng lượng của quốc gia/địa phương; Nghiên cứu triển khai quy hoạch, phát triển, xây dựng, vận hành và khai thác các kho LNG theo mô hình “Kho cảng LNG trung tâm cung cấp cho các trung tâm nhiệt điện vệ tinh” (LNG Hub); Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác nhập khẩu/kinh doanh LNG.

Về lâu dài, PV GAS sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển năng lượng tái tạo trong lĩnh vực kinh tế xanh như: Phát triển sản xuất Hydro xanh, Ammonia xanh; Phối trộn Hydro vào đường ống dẫn khí; Thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), Thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).

Ông Nguyễn Công Luận kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hoạch định/triển khai chính sách đầu tư vào LNG trên cơ sở tối ưu hóa nguồn lực quốc gia, ủng hộ quan điểm phát triển, xây dựng hạ tầng kỹ thuật quốc gia về điện khí LNG theo mô hình các kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub). Mô hình này là phương án tối ưu về chi phí cho tất cả các khâu bao gồm mua nguồn LNG, đầu tư hạ tầng, phân phối và truyền tải, góp phần giảm giá thành sản xuất điện từ nguồn LNG nhập khẩu. Ngoài ra, mô hình Kho Cảng LNG trung tâm còn giúp tận dụng tối ưu tài nguyên diện tích cảng biển và mặt nước cho các mục đích khai thác và phát triển kinh tế khác.

Về nhập khẩu, PV GAS mong các cấp có thẩm quyền ủng hộ cơ chế tiêu thụ LNG cho phát điện, chấp thuận cơ chế chuyển ngang giá, phí và bao tiêu sản lượng điện dài hạn từ 75%- 80%; Bổ sung các quy định liên quan đến xác định cước phí nhập khẩu, tồn trữ, tái hóa và phân phối LNG. Đồng thời, giao Petrovietnam/PV GAS xây dựng quy trình nhập khẩu, đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch, từ đó trở thành đầu mối tạo lợi thế đàm phán với các nhà cung cấp LNG giai đoạn từ nay đến 2030.

Minh Đức


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​