"Người của biển"
Nguyễn Hùng Dũng sinh năm Nhâm Dần, 1962. Và chả hiểu tại sao, anh mê biển từ khi còn học phổ thông, chỉ ước mơ được đi trên những con tàu viễn dương để được thỏa chí tang bồng.

Lời tác giả: Đã có không ít bài báo viết về Anh hùng Lao động Nguyễn Hùng Dũng - nguyên Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dầu khí Việt Nam. Ông đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Có điểm đặc biệt là ông giao du với anh em báo chí rất nhiều, nhưng lại không muốn kể về mình.

Khi được giao viết về ông cho cuốn Kỷ yếu 15 năm Thành lập Hội Dầu khí Việt Nam, tôi rất băn khoăn và thấy rằng mình không đủ bút lực viết về ông. Bởi trước đây, tôi đã từng viết một phóng sự về ông, mang tên “Người của biển”; và cho đến giờ, tôi thấy không thể viết hay hơn phóng sự đó. Vì thế, tôi đã xin phép ông cho đưa vào cuốn Kỷ yếu này phóng sự “Người của biển” và kèm theo lá thư chia tay của ông gửi tập thể lãnh đạo và CBCNV Petrovietnam.

Xin giới thiệu lại phóng sự “Người của biển”.

Anh hùng Lao động Nguyễn Hùng Dũng

Anh hùng Lao động Nguyễn Hùng Dũng

“…Một chàng trai Hà Nội nhưng lại có máu lãng du và mê biển cả đến mức như “phải lòng”, nên quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển.

Hai ngày trước, từ trên tàu, anh gọi điện bằng hệ thống Icom báo cho vợ biết là anh sẽ về cảng hôm nay. Nhưng anh chỉ được ở lại có một ngày rồi đi. Anh nhớ vợ và hai con quá, cho nên muốn chị mang con xuống Hải Phòng… Thế là chị xin nghỉ làm để đưa con xuống đón chồng…

Người trực văn phòng đón ba mẹ con bằng ánh mắt ái ngại. Anh rót nước cho họ uống rồi nói khó nhọc từng tiếng: “Chị ạ. Tàu anh ấy về từ trưa. Nhưng khi vừa cập cảng lại có điện của giám đốc yêu cầu mang thiết bị cho một giàn khoan gấp, thế là lại đi luôn. Anh ấy gọi điện về, bảo chị đừng buồn. Chắc chục ngày nữa tàu về bờ bảo dưỡng, anh ấy sẽ về ở nhà lâu…”.

Chị ngồi lặng lẽ và thấy thương chồng, thương con muốn trào nước mắt. Thế rồi ba mẹ con lại lếch thếch ra ga và đi chuyến tàu chiều về Hà Nội…”.

***

Đọc những dòng trên, hẳn bạn đọc nghĩ rằng đây là trích kịch bản của một bộ phim truyện nào đó.

Không, đây là câu chuyện có thực và từ gần hai chục năm trước. Người thuyền trưởng đó là Nguyễn Hùng Dũng, nay đang là Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), đơn vị thành viên của Petrovietnam. Còn người vợ của anh là chị Bùi Kim Dung. Gặp anh, nhìn vóc người cao lớn, gương mặt cương nghị, có cặp mắt lúc nào cũng lấp lánh ánh cười và đặc biệt là có bộ râu rất quyến rũ, tôi cứ thoáng nghĩ, giá mà Dũng có duyên đi làm diễn viên thì chắc cũng sẽ dễ trở thành “sao”. Một lần, tôi nói với nhà báo Xuân Ba điều đó, ông lườm tôi một cái tưởng rách cả mắt và rằng: “Người như thế đi làm diễn viên cho phí. Đó là kẻ lãng du, là người của biển”. Đúng thật! Nguyễn Hùng Dũng là kẻ lãng du, là người của biển.

Nguyễn Hùng Dũng sinh năm Nhâm Dần, 1962. Và chả hiểu tại sao, anh mê biển từ khi còn học phổ thông, chỉ ước mơ được đi trên những con tàu viễn dương để được thỏa chí tang bồng. Thế là học xong lớp 10 ở một trường danh tiếng Hà Nội là Trường Việt - Đức, Dũng thi Đại học Hàng hải và xuống Hải Phòng học. Hằng tuần, anh lại lên tàu về Hà Nội và cứ khi xuống ga Trần Quý Cáp, thì lại có một người con gái dắt xe đạp đợi anh… Người đó là Bùi Kim Dung, một người bạn học.

Trong những năm học đại học, Dũng là người học hành chểnh mảng, điểm học thì lên xuống như sóng biển, khi tốt nghiệp gia đình muốn anh ở lại trường để học tập và rèn luyện thêm, nhưng với Dũng, ở lại trường làm thầy giáo thì khác gì bắt cá biển nhốt vào bể, vậy là anh dứt khoát từ

Anh hùng Lao động Nguyễn Hùng Dũng (người đứng giữa) trong chuyến công tác trên giàn khoan

Anh hùng Lao động Nguyễn Hùng Dũng (người đứng giữa) trong chuyến công tác trên giàn khoan

Nhưng người có máu lãng du thì lại hay vấp phải sóng gió cuộc đời.

Không chịu ở lại làm thầy, Dũng đi làm thủy thủ tàu viễn dương của Tổng công ty Vận tải biển VOSCO. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, được làm thủy thủ tàu viễn dương là ước mơ của vô vàn thanh niên. Không những được thỏa sức lang thang đi đến những vùng đất thần tiên mà cũng là nghề có cơ hội làm giàu. Nhưng đi tàu viễn dương được 1 năm, Dũng lại nhảy sang làm thuyền trưởng một con tàu đánh cá loại 450 mã lực thuộc Bộ Thủy sản. Gần 5 năm lênh đênh trên tàu đánh cá, sóng gió biển khơi và những gian khổ của nghề thủy thủ đã rèn luyện cho Dũng trở thành một thuyền trưởng có bản lĩnh và thuộc luồng lạch, sóng gió vùng biển thềm lục địa Việt Nam như thuộc căn nhà mình. Những ngày đi tàu đánh cá, Dũng thấy sự đổi thay từng ngày trên vùng biển thềm lục địa của nước nhà, ấy là những giàn khoan mọc lên ngày càng nhiều, kèm theo đó là sự tấp nập của đủ các loại tàu phục vụ cho ngành Dầu khí. Và thế là cứ mỗi khi tàu đi qua các giàn khoan, anh lại ước mơ có một ngày được làm việc ở các giàn khoan.

Biết tài của Dũng cũng như phẩm chất đáng quý và cần có của một thuyền trưởng như anh, một người bạn đã giới thiệu anh về Xí nghiệp Tàu Dịch vụ Dầu khí.

Tàu dịch vụ cho giàn khoan là tàu chuyên làm nhiệm vụ chở các thiết bị kỹ thuật và vật tư cần thiết cho giàn khoan. Do đặc điểm công việc cho nên tàu dịch vụ thường phải cập vào chân các giàn khoan để cho cần cẩu trên giàn đưa hàng lên. Đưa tàu vào chân giàn khoan là công việc cực kỳ khó và đòi hỏi người thuyền trưởng phải có tay nghề cao và đặc biệt là phải xử lý tình huống giỏi. Nếu như trên tàu hàng, thuyền trưởng đứng chỉ huy và ra mệnh lệnh điều khiển thì tàu dịch vụ, người thuyền trưởng phải trực tiếp cầm lái và tự quyết định xử lý tất cả mọi việc. Sở dĩ phải như vậy, bởi lẽ khi con tàu vào giàn khoan, khoảng cách giữa tàu và chân đế giàn có khi chỉ còn là vài chục mét, trong lúc sóng biển cao hàng mét, thì việc hô hét, truyền mệnh lệnh sẽ mất thời gian và chỉ cần chậm tích tắc là con tàu cả ngàn tấn đã có thể bị sóng đánh va vào chân đế giàn khoan và khi đó hậu quả sẽ là khôn lường. Khi trời yên biển lặng, điều tàu vào không khó khăn lắm, nhưng khi biển động, sóng dựng như núi, gió thổi bạt cả người, đó mới là lúc thử thách bản lĩnh người thuyền trưởng. Ngày ấy, hầu hết tàu dịch vụ của ta phải thuê thuyền trưởng và một số vị trí chủ chốt là người nước ngoài.

Một điều may mắn cho Nguyễn Hùng Dũng là khi anh làm trên con tàu OSA đã được một thuyền trưởng người Mỹ nhiệt tình “truyền nghề” điều tàu. Sở dĩ ông thích anh vì thấy anh từng là thuyền trưởng, lại thông minh, nhanh nhẹn và không nề hà bất cứ việc gì, đặc biệt là Dũng được anh em cả Tây lẫn ta quý mến bởi cách sống hòa đồng và sẵn sàng giúp đỡ cộng sự. Sau nhiều lần thử thách và thậm chí giao cho Dũng chỉ huy tàu vào giàn khoan trong lúc biển động, ông đã trực tiếp nói với ông Nguyễn Quang Thường, Giám đốc Xí nghiệp (và sau là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn), để đề bạt anh lên Đại phó (Thuyền phó Nhất).

Một kỷ niệm không bao giờ quên đối với Nguyễn Hùng Dũng là khi anh đi tàu Mimosa, một con tàu thuê của nước ngoài. Tàu ra giàn khoan 3 chân ở mỏ Bạch Hổ. Thuyền trưởng là người nước ngoài. Ra đến giàn khoan thì gặp thời tiết xấu, tàu không thể thả neo. Mà không đưa được thiết bị lên giàn thì có nghĩa là cả giàn khoan phải ngừng làm việc. Trong hoàn cảnh đó, buộc tàu phải vào để dỡ hàng, tình thế cực kỳ khó khăn. Đúng lúc vào gần giàn thì tàu mất điều khiển, chân vịt mũi không hoạt động. Thuyền trưởng cuống lên, không điều khiển nổi tàu. Trong phút nguy cấp, các thủy thủ chỉ còn biết nhìn Dũng cầu cứu. Thế là Dũng giành lấy quyền điều khiển. Không có chân vịt mũi để điều khiển cho tàu đứng yên, vậy mà anh vẫn điều khiển được con tàu mặc dù có lúc sóng đánh dạt vào chỉ cách chân đế giàn vài mét.

Việc thay thế thuyền trưởng nước ngoài điều tàu ra giàn khoan trong thời tiết xấu, chuyện xử lý tàu mắc cạn, chuyện đưa tàu vào bến mà khoảng cách giữa đuôi tàu và mũi tàu với tàu khác chỉ còn… nửa mét của Dũng đã được anh em truyền tụng đến mức như huyền thoại.

Những năm tháng đi tàu đã tạo cho Nguyễn Hùng Dũng một bản lĩnh vững vàng hiếm có. Thuyền trưởng là người chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động của con tàu cũng như sinh mệnh của các thủy thủ. Người thuyền trưởng là người đầu tiên ra các quyết định xử lý trên tàu và là người cuối cùng rời tàu khi con tàu đắm. Người thuyền trưởng không được phép đổ lỗi và phải cực kỳ quyết đoán, đặc biệt là mỗi khi gặp khó khăn, không được phép bàn lùi. Và trong bất luận hoàn cảnh nào, người thuyền trưởng phải là chỗ dựa của mọi người.

Có một câu chuyện nhỏ thế này.

Vào dịp tháng 5 vừa rồi, lúc tàu Bình Minh 02 đang thu nổ địa chấn thì bị tàu hải giám Trung Quốc xông vào cắt cáp. Trong giờ phút căng thẳng tột độ như thế thì chính những mệnh lệnh và lời nói của Nguyễn Hùng Dũng đã như liều thuốc tăng lực cho cán bộ, công nhân viên trên tàu. Một thủy thủ trên tàu đã nói với chúng tôi: “Lúc ấy, được nghe tiếng anh Dũng qua máy “Anh và mọi người đang ở bên các em đây” là chúng em vững tâm hẳn”.

Người ta bảo nghề thủy thủ tạo cho con người ta kiểu “ăn sóng nói gió”, với rất nhiều người chắc là không sai, nhưng với Nguyễn Hùng Dũng thì chưa hẳn đúng. Ai từng được nghe Dũng đọc những bài thơ về biển, hát những bài ca về thủy thủ và nghe anh sôi nổi đàm đạo chuyện văn chương, thơ phú với dân văn nghệ sĩ thì ắt phải thay đổi quan niệm đó.

Có lẽ chính phẩm chất của người thuyền trưởng đã giúp anh rất nhiều và tạo nên những bản lĩnh của Nguyễn Hùng Dũng khi anh được giao trọng trách là Tổng Giám đốc PTSC, một đơn vị có bề dày truyền thống. Và từ năm 2008 cho tới nay, người thuyền trưởng Nguyễn Hùng Dũng đã cùng tập thể thủy thủ đưa con tàu PTSC đạt được những kết quả to lớn. Năm sau kết quả sản xuất kinh doanh cao hơn năm trước đến 30% và là một đơn vị có doanh thu dịch vụ nhất nhì trong Tập đoàn. Ghi nhận những thành tích và nỗ lực phấn đấu của tập thể người lao động Tổng công ty PTSC, ngày 28-5-2010, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng PTSC danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Ngày trước, làm thủy thủ, Nguyễn Hùng Dũng thường xa nhà biền biệt, thì bây giờ, làm Tổng giám đốc, anh lại biền biệt xa nhà. Người mà Dũng hãi nhất chính là cô con gái. Đã có một lần, chỉ vì câu hỏi của con gái mà anh không dám rời khỏi nhà một tuần và ăn đủ một tuần bữa sáng - trưa - chiều, mặc dù suốt ngày ù tai vì điện thoại của các ông bạn. Ấy là khi anh nghe được câu con gái hỏi mẹ: “Mẹ ơi, từ giờ đến tết bố có ăn cơm ở nhà không? Con thích được ăn cơm với bố lắm!”.

Tết này, PTSC đón Tết hẳn là vui vì đơn vị hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng. Không biết người thuyền trưởng Nguyễn Hùng Dũng có được đón xuân ở nhà với vợ con không hay là lại “Nhổ neo ra khơi…”.

(Năm 2012)

Vĩ thanh:

Nếu viết đủ, viết đúng về Nguyễn Hùng Dũng thì chắc chắn phải hàng trăm trang giấy.

Nhưng để mọi người hiểu về Nguyễn Hùng Dũng, thiết nghĩ chỉ cần đọc những dòng thư chia tay với người dầu khí trước khi ông nghỉ hưu là quá đủ.

Toàn văn lá thư như sau:

Hôm nay là ngày cuối tôi làm việc tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và ngày mai với tôi sẽ là một khởi đầu mới.

Hơn 30 năm dành trọn niềm tin, tình cảm, trí tuệ, sức lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Dầu khí, trải qua nhiều công việc, vị trí và đơn vị trong Tập đoàn, chứng kiến những thăng trầm và quá trình lớn mạnh, trưởng thành của ngành Dầu khí, tôi xin chân thành cảm ơn cô chú, anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp đã giúp tôi hiểu được giá trị văn hóa Dầu khí, thấu hiểu được những hy sinh mất mát, vai trò và những đóng góp quan trọng của Tập đoàn trong sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo quốc gia.

Cảm ơn sự bao dung, hỗ trợ giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, anh chị em, bạn bè đồng nghiệp đã tạo điều kiện cho tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tôi cũng cảm ơn những hoài nghi đố kỵ để tôi có được niềm tin và cơ hội vượt lên chính mình.

Tôi cảm ơn PTSC - nơi đã cho tôi yêu thương khát vọng, dạy tôi khát khao cống hiến, cho tôi cơ hội trưởng thành và giúp tôi hiểu được giá trị niềm vui, hạnh phúc và vinh quang.

Xin chân thành cảm ơn và cúi đầu tạ lỗi về sự cống hiến, hy sinh, mất mát của bao thế hệ những người lao động dầu khí cùng người thân, những người đã đổ mồ hôi, máu và nước mắt, thậm chí cả cuộc sống và sinh mệnh chính trị để Petrovietnam có được cơ đồ, vị thế và vinh quang ngày hôm nay.

Đặc biệt tôi cảm ơn tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc, anh chị em các đoàn thể chính trị, Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Tổng thầu PETROCONs, các đơn vị thành viên PTSC, PV Power, DQS, PV GAS, VSP, PVFCCo, PVCFC…, các đối tác, nhà thầu phụ đã tin tưởng, đồng hành, hỗ trợ và giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo trong việc hồi sinh Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trước khi về nghỉ.

Tôi kính chúc tập thể lãnh đạo Petrovietnam với truyền thống anh hùng của những người đi tìm lửa sẽ tiếp tục gương mẫu, đoàn kết lãnh đạo Tập đoàn, các đơn vị thành viên tổ chức vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả các dự án phát triển mỏ, các công trình, nhà máy đã đầu tư; mở rộng quy mô, hoàn thành đầu tư xây dựng nhiều công trình dự án mới trong và ngoài nước. Đồng thời sớm đưa Lô B, Cá Voi Xanh, Lạc Đà Vàng… vào khai thác. Hoàn thành đúng tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3&4, Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; xử lý triệt để những tồn tại và khó khăn vướng mắc tại các dự án Long Phú 1, VNPoly, nhiên liệu sinh học, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, Tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn… Các đề án năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn sẽ sớm thành hiện thực góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng quốc gia để người lao động dầu khí sẽ tự hào viết tiếp những trang sử mới hào hùng và vinh quang. Chắc chắn Petrovietnam sẽ vươn lên một tầm cao mới tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, không phụ lòng tin của Đảng, Chính phủ và nhân dân dành cho Petrovietnam.

Xin kính chúc toàn thể các đồng chí lãnh đạo và người lao động ngành Dầu khí cùng người thân trong gia đình luôn khỏe mạnh, hạnh phúc, thành công và bình an.

Trân trọng!”.

Nguyễn Như Phong


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​