Tác giả trong một chuyến đi tác nghiệp trên giàn khoan
Năm 1986, tôi được Ban Biên tập Báo Công an Nhân dân phân công đi Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo viết bài.
Chị Tố Nga, người cộng sự thân thiết của tôi mấy chục năm, khi đó mới tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa Văn làm cán bộ tuyên truyền ở Phòng Công tác Chính trị Công an Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo là người đưa tôi đi các đơn vị công an.
Những năm ấy, Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo là nơi sôi động nhất nước bởi có ngành khai thác dầu. Những khách sạn mọc lên như nấm, rồi những nhà hàng sang trọng và chỗ nào cũng là những câu chuyện đời sống của công nhân Liên doanh Vietsovpetro cao ngất ngưởng. Thậm chí, người ta còn thêu dệt ra là ở ngoài chợ, ai là người của Vietsovpetro thì biết ngay, bởi họ mua đồ không bao giờ mặc cả… Mức lương của họ làm ngoài giàn khoan thì cao gấp cả chục lần so với công nhân làm ở đất liền… Và công việc của những người làm dầu khí thì đầy màu sắc lãng mạn. Chính vì lẽ đó, tôi bảo Tố Nga làm thế nào cho tôi đi viết được ở Vietsovpetro.
Tố Nga gật đầu ngay, nhưng để “lọt” vào được Vietsovpetro lấy tài liệu thì khó vô cùng. Đơn giản là vì công tác bảo mật thông tin được đưa lên hàng đầu. Mà lại còn “dính” đến “người nước ngoài” là Liên Xô, cho nên thông tin luôn được kiểm tra rất cẩn thận.
Tôi nhớ Đại tá Việt, Phó Cục trưởng Cục An ninh Kinh tế được biệt phái sang làm Phó Tổng Giám đốc Vietsovpetro và chỉ chuyên lo về công tác bảo vệ nội bộ… Hồi ấy, công an đưa cán bộ biệt phái sang các ngành kinh tế quan trọng và các dự án kinh tế trọng điểm. Ở Vietsovpetro, việc xét lý lịch công nhân vào làm là do công an đảm nhiệm và xét theo kiểu phải là “ba đời ăn củ chuối”!
Tố Nga lên nói với ông Năm Năng, Giám đốc Công an Đặc khu về nguyện vọng của tôi được đi viết về công tác bảo vệ. Ông Năm Năng đồng ý và viết thư tay cho ông Việt, Phó Tổng Giám đốc Vietsovpetro, trong thư cũng nói là tạo điều kiện cho tôi ra giàn khoan.
Cầm lá thư của ông Năm Năng sang gặp ông Việt, tôi hồi hộp vô cùng, chỉ sợ bị từ chối. Ai ngờ, ông Việt đồng ý ngay và thu xếp cho tôi đi ra giàn khoan ngay ngày hôm sau, trên chuyến bay sớm nhất.
Cả đêm hôm đó tôi sung sướng đến không ngủ nổi. Sáng hôm sau, Tố Nga đến chở xe đạp đưa tôi ra sân bay.
Ngẫm lại, đi ra giàn khoan ngày ấy sao mà đơn giản đến thế. Chẳng có quần áo bảo hộ, chẳng phải đi những đôi giày bảo hộ nặng đến cả gần 1kg như bây giờ… Và cũng chẳng phải cân người và hành lý, cũng chẳng phải học quy tắc an toàn bay. Tôi đi đôi dép rọ Tàu, mặc áo sơ mi cộc tay, xách theo chiếc máy ảnh Jenis cổ lỗ sĩ của Liên Xô và có một cuộn phim đen trắng “ooc vô” của Đức loại 17 Din (tương đương với 200 Asa bây giờ)…
Trực thăng đưa cán bộ, nhân viên ra giàn
Đúng 10 giờ sáng, có lệnh ra máy bay.
Chiếc máy bay đi ra giàn là Mi-8, tuổi tác chắc cũng quá già nua. Trên máy bay có hai hàng ghế băng bằng gỗ và không có dây an toàn.
Khoang hành khách với khoang lái cũng chả có gì ngăn cách, vì thế, khi máy bay cất cánh được khoảng 10 phút tôi mò lên xem phi công lái và vô cùng khoái chí thấy anh em hút thuốc lào sòng sọc… Bây giờ nói điều này, sẽ không ít người cho là “nhà báo… nói phét”, nhưng ngày ấy là thế. Bay máy bay thương mại bằng TU-134, hoặc IL-18 thì được hút thuốc lá thoải mái.
Máy bay cũ, rung bần bật và tiếng động cơ thì lọng cả óc. Nhưng tất cả những cái đó không át nổi cảm giác mãn nguyện, xen lẫn chút tự hào khi được ra giàn khoan. Ngồi ngắm biển trời mênh mông qua cửa sổ máy bay, nhìn những chiếc tàu rẽ sóng đi phía dưới, trong người chỉ dấy lên cảm giác lâng lâng, khó tả vô cùng.
Chiếc Mi-8 bay khoảng hơn ba chục phút thì tới giàn khoan. Theo kế hoạch, tôi chỉ được ở lại giàn khoảng nửa giờ. Vừa vào giàn khoan, chưa kịp đi thăm nom gì thì anh giàn phó mời tôi vào ăn cơm trưa và vừa ăn vừa trao đổi công việc. Tôi hoa cả mắt khi thấy đầu bếp mang ra cho một khay cơm với miếng thịt gà rán to tướng, rồi có cả cá rán, thịt kho, có rau muống luộc và một hộp bánh kem caramen tráng miệng, “kinh khủng” nhất là có cả một lon Coca Cola… Một suất cơm như thế, quả thực là tôi chưa thấy và cũng chưa được ăn bao giờ. Thuở ấy, đi công tác phải mang theo tem gạo, đến bữa xuống nhà ăn tập thể ăn cơm phải nộp 250gr tem gạo… Thức ăn thì thường lèo tèo vài miếng đậu phụ kho, hoặc mấy miếng thịt thái mỏng như giấy... Nhìn suất cơm ấy, tôi chỉ muốn được làm công nhân dầu khí. Bây giờ, nói lại chuyện đó, hẳn rất nhiều người không tin… Nhưng thời bao cấp là thế. Tôi đi bộ đội 5 năm, mà ước mơ duy nhất là được một bữa cơm thật no, hoặc được ăn bữa thịt lợn luộc cho đến khi buồn buồn ở mang tai. Ở Hà Nội ngày ấy, thì ăn cơm độn mì sợi, độn ngô, thậm chí là cả khoai lang hay bo bo… Mỗi tháng tôi được 1kg thịt theo tiêu chuẩn của sĩ quan công an cấp hàm trung úy. Cho nên một suất ăn như trên giàn khoan thì quả là điều không tưởng.
Vừa ăn cơm, vừa trao đổi công việc, rồi đến cả những chuyện như chống công nhân lén đi câu cá, phơi khô để hết ca thì mang về nhà… Thuở ấy, đi ra giàn thì được ăn no, được lương cao, nhưng cuộc sống của gia đình trên bờ thì vẫn khó khăn, cho nên nghĩ cái gì đem về bán ra tiền là lấy…
Máy bay cũ, rung bần bật và tiếng động cơ thì lọng cả óc. Nhưng tất cả những cái đó không át nổi cảm giác mãn nguyện, xen lẫn chút tự hào khi được ra giàn khoan.
Đang vui chuyện thì có loa gọi ra máy bay. Và khi tôi ra xếp hàng lên máy bay đã thấy một cảnh tượng cực kỳ buồn. Đó là nhân viên bảo vệ trên giàn khám từng người công nhân, khám từng túi hành lý… May là chuyến bay đó, không phát hiện thấy ai lấy cái gì.
Trở về đất liền, trong buổi làm việc với Đại tá Việt, Phó Tổng Giám đốc Vietsovpetro, tôi kể lại câu chuyện khám công nhân khi ra máy bay, ông thở dài: “Đó là câu chuyện nhức nhối lắm. Các chuyên gia Liên Xô cũng nhiều lần góp ý là đừng có khám anh em, phải bảo vệ bằng cách khác… Cách nào thì chưa nghĩ ra?”.
Sau chuyến đi ấy, tôi viết một bài trên Báo Công an Nhân dân về công tác bảo vệ ở Vietsovpetro và có tả cảnh khám công nhân trước khi lên máy bay. Lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã gọi Đại tá Việt về báo cáo và nghe nói, ngay sau đó, việc khám anh em công nhân đã chấm dứt.
Nguyễn Như Phong