Tấm lòng bà con Cà Mau với Bác Hồ
Đối với người dân Cà Mau, việc thờ cúng Bác Hồ để thể hiện lòng tôn kính và biết ơn đã như một lẽ tự nhiên trong đời sống tín ngưỡng. Tại nơi tận cùng của Tổ quốc này, có rất nhiều gia đình lập ban thờ Bác và nhiều đền thờ Bác Hồ đã được dựng lên để bà con đến dâng hương tưởng nhớ Bác trong những dịp lễ quan trọng.

Bức bình phong bằng đá nằm giữa sân chính gian thờ Bác Hồ

Về thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cà Mau

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ý nguyện được ra Hà Nội viếng Lăng Bác và thăm nhà sàn nơi Bác ở lúc sinh thời luôn thôi thúc trong lòng mỗi người dân vùng Đất Mũi. Nhưng vì khoảng cách địa lý xa xôi, kinh tế khó khăn nên không phải ai cũng thực hiện được ước mong ấy. Trước nguyện vọng của nhân dân, tháng 10-1994, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) chủ trương xây dựng Nhà sàn Bác Hồ để mọi người trong tỉnh đến viếng thăm. Nhà sàn được xây dựng trong khuôn viên thoáng, rộng và theo đúng nguyên mẫu, tỷ lệ 1/1 với Nhà sàn Bác ở Hà Nội, chất liệu gỗ xây dựng thuộc nhóm I. Lễ khánh thành Nhà sàn Bác Hồ ở Cà Mau được tiến hành vào đúng sinh nhật Bác ngày 19-5-1995.

Qua thời gian, Nhà sàn Bác Hồ ở Cà Mau được đông đảo người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận đến thăm viếng, dâng hương. Nhận thấy tình cảm kính yêu của nhân dân Cà Mau đối với Bác, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau đã trình Bộ Chính trị xin được trùng tu, nâng cấp Khu tưởng niệm Bác Hồ tại TP Cà Mau. Được sự thống nhất, tháng 6-2011, “Công trình tôn tạo Khu tưởng niệm Bác Hồ” được khởi công trên khu đất có tổng diện tích mặt bằng 60.700m², với kinh phí khoảng 75 tỉ đồng, trong đó gồm nguồn tài trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Vingroup, ngân sách địa phương. Công trình gồm các hạng mục chính: Gian thờ, nhà sàn, nhà trưng bày - chiếu phim, nhà đá chủ quyền, khu hồ cảnh, cây xanh và đường nội bộ, nhà chờ, nhà xe… Sau 180 ngày đêm xây dựng, đến cuối tháng 1-2012, Khu thờ Bác hoàn thành. Các hạng mục khác tiếp tục thực hiện và được khánh thành vào tháng 1-2014.

Gian thờ Bác Hồ được xây dựng theo lối kiến trúc mái đình Nam Bộ: Hình quả Ấn, mái ngói, vòm cong. Từ ngoài vào có tam quan, bên ngoài tam quan có đôi sư tử đá trấn giữ (đây là quà của TP Hải Phòng gửi tặng). Giữa cổng tam quan, trên cao là dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh”, hai bên là đôi dòng: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha” thể hiện những tình cao thiêng liêng Bác Hồ dành cho miền Nam và miền Nam dành cho Bác.

Qua cổng tam quan là bước vào khoảng sân rộng, có bức bình phong bằng đá, phía trên bức bình phong có hình tượng ngọn bút và cây đao (văn - võ): Ngọn bút vươn cao thể hiện nền văn hiến của dân tộc đang tỏa sáng; cây đao trút xuống thể hiện sự yêu chuộng hòa bình. Mặt trước bình phong khắc lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Mặt sau bình phong khắc trích lời di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta…”.

Ông Bùi Minh Tiến -  Thành viên HĐTV Petrovietnam dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ

Ông Bùi Minh Tiến -  Thành viên HĐTV Petrovietnam dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ

Ông Bùi Minh Tiến - Thành viên HĐTV Petrovietnam dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ

Nhìn từ bên ngoài vào, bên trái là ba bức phù điêu lớn đứng thẳng theo hàng dọc, bức thứ nhất đắp nổi toàn cảnh: Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ tại Đền Hùng - Phú Thọ vào năm 1954, Bác nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước”. Bức thứ hai và thứ ba đắp nổi toàn cảnh Khu mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc (ở Cao Lãnh, Đồng Tháp) và khu mộ cụ Hoàng Thị Loan (ở núi Động Tranh, Nam Giang, Nam Đàn, Nghệ An) - thân phụ và thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phía sau gian thờ là khu rừng đước xanh mát, với khuôn viên rộng bao quanh, là nơi trú ngụ của hàng nghìn loài chim, cò bay về vào mỗi buổi chiều. Như người đời hay nói “đất lành - chim đậu”, Khu tưởng niệm Bác Hồ là nơi nhiều loài chim làm tổ và sinh sống, tạo nên hệ sinh thái đặc trưng Nam Bộ. Khu tưởng niệm được trồng nhiều loại cây quý, đó là những loài cây đặc trưng của các tỉnh thành trong cả nước gửi về tặng tỉnh Cà Mau nhân dịp khánh thành Khu tưởng niệm Bác.

Bên trong gian thờ bày trí trang nghiêm và tao nhã, hai bên là đôi bình gỗ cao, đôi hạc cưỡi trên lưng rùa bằng đồng, chuông, khánh dùng để hành lễ, bàn gỗ quý để bày mâm lễ cúng, bát hương trầm… Giữa gian thờ, trên bục cao là tượng Bác với chất liệu đồng mạ vàng. Hai bên là đôi câu đối: “Bác với miền Nam tâm huyết vươn cao hồn Đại Việt - Bác cùng cả nước biển trời hướng thẳng mũi Cà Mau”.

Từ ngày khánh thành đến nay, theo thống kê của tỉnh Cà Mau, Khu tưởng niệm Bác Hồ đã đón hàng trăm đoàn, với gần 20.000 lượt khách đến dâng hương, trên 50.000 khách tự do đến tham quan và tưởng niệm Bác.

Được bước vào gian thờ, bày mâm lễ vật, thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính, mong Người phù hộ cho quốc thái dân an, nhà nhà no ấm… đó chính là tâm tư tình cảm, mong ước chân thành của mỗi người khi đến với Khu tưởng niệm Bác Hồ.

Tập thể lãnh đạo, CBCNV PVCFC thăm viếng Khu tưởng niệm Bác Hồ

Tập thể lãnh đạo, CBCNV PVCFC thăm viếng Khu tưởng niệm Bác Hồ

Cũng vì nhớ ơn Bác, vì muốn “truyền lửa” cho đời sau, sau khi Bác mất, khắp nơi ở Cà Mau nhân dân và chính quyền cách mạng đã xây cất đền thờ Bác. Tổng cộng có tới gần 20 đền thờ Bác Hồ đã được dựng lên ở Cà Mau kể từ sau lễ tang Bác năm 1969.

.
 

Niềm tin yêu son sắc của người Cà Mau

Trên bản đồ trải dài hình chữ S của nước Việt Nam, Cà Mau là tỉnh nằm ở tận cùng Tổ quốc, nơi mà trong những năm chiến tranh ác liệt, người dân luôn khắc khoải một nỗi niềm: Được một lần ra thăm Bác, được một lần đón Bác vào thăm. Những người dân Nam Bộ, trong đó có người dân Cà Mau dù sống trong rừng đước, rừng tràm chiến đấu với kẻ thù, nhưng trong những giờ phút chiến tranh quyết liệt nhất vẫn một lòng một dạ theo cách mạng, bởi có một niềm tin son sắt vào Bác Hồ. Hệ thống gần 20 đền thờ Bác Hồ ở Cà Mau trong thời kháng chiến chống Mỹ và Khu tưởng niệm Bác Hồ ở Cà Mau chính là bằng chứng của hiện thực lịch sử thiêng liêng đó.

Ngược dòng lịch sử trở về đầu năm 1955, qua tư liệu ghi chép lại, khi đoàn cán bộ tập kết ra Bắc, má Nguyễn Thị Sảnh - một bà má ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình đã chiết cành cây vú sữa, “om” vào bình tích, rồi gửi theo đoàn cán bộ tập kết ra Bắc dâng tặng Bác Hồ, như dâng tặng tấm lòng những người “miền Nam ruột thịt”, như hứa với Người rằng: Nhân dân miền Nam, nhân dân Cà Mau luôn giữ vẹn tấm lòng thủy chung son sắt với Bác, với Trung ương, với miền Bắc và với sự nghiệp cách mạng do Bác dẫn dắt. Cành vú sữa này Bác tự tay trồng ở Phủ Chủ tịch và hằng ngày chăm sóc cho cây như chăm sóc người thân, người bà con ruột thịt từ miền Nam ra. Hình ảnh Bác Hồ chăm cây vú sữa của đồng bào Cà Mau gửi tặng đã đi vào tranh ảnh, in thành những con tem lưu hành trên mọi miền đất nước, như một biểu tượng về nghĩa tình sâu nặng của Bác đối với đồng bào miền Nam và của đồng bào miền Nam đối với Bác.

Năm 1969, trong lúc cả nước đang phải đối phó với cuộc chiến khốc liệt của Mỹ - Ngụy thì Bác Hồ - Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc từ trần. Nghe tin Bác mất, nhân dân Cà Mau, từ cụ già đến em nhỏ đều không cầm được nước mắt khóc thương Bác.

Cũng vì nhớ ơn Bác, vì muốn “truyền lửa” cho đời sau, sau khi Bác mất, khắp nơi ở Cà Mau nhân dân và chính quyền cách mạng đã xây cất đền thờ Bác. Tổng cộng có tới gần 20 đền thờ Bác Hồ đã được dựng lên ở Cà Mau kể từ sau lễ tang Bác năm 1969. Cho đến nay, hầu hết các đền thờ Bác Hồ đều được tu bổ, tôn tạo cho khang trang, vững chãi như nhiều đền miếu khác ở Nam Bộ. Ngôi đền thờ Bác được dựng lên sớm nhất trên đất Cà Mau là Đền thờ Bác Hồ ở hậu Nà Chim, huyện Ngọc Hiển. Đây là đền thờ Bác Hồ được xây dựng đầu tiên trên đất mũi Cà Mau, do tỉnh đội Cà Mau, tổ Đảng cùng nhân dân địa phương hợp sức xây dựng và hoàn thành vào trung tuần tháng 9-1969 (sau khi Bác mất 7-8 ngày). Đền dựng bằng gỗ đước, ban đầu nhỏ gọn, mỗi cạnh hơn 4m, có sàn cao, ván lót sàn cũng bằng gỗ đước, lợp lá dừa, phía sau đóng bằng ván mắm.

Ông Trần Quang Dũng - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và lãnh đạo PVCFC trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Khu tưởng niệm Bác Hồ

Ông Trần Quang Dũng - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và lãnh đạo PVCFC trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Khu tưởng niệm Bác Hồ

Theo tư liệu ghi chép, trong những năm chiến tranh ác liệt, việc bảo vệ đền thờ Bác là nhiệm vụ cao cả. Có những nơi đền thờ bị bom địch tàn phá thì ngay sau đó cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã chung tay xây dựng lại đền mới ngay trên nền đền cũ vừa bị phá hoại, như khẳng định một điều rằng: Nhân dân Cà Mau giữ gìn đền thờ Bác Hồ như giữ gìn ngọn lửa truyền thống cách mạng, giữ gìn niềm tin và lẽ sống cho chính mình. Đền thờ Bác cũng là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, là động lực tiếp thêm sức mạnh để nhân dân Cà Mau đấu tranh và chiến thắng quân thù. Trước mỗi trận đánh, chiến sĩ ta đến đền thờ Bác thắp nhang để có thêm sự khích lệ và sau trận đánh lại đến thắp nhang báo công với Bác. Đền còn là nơi chi bộ xã, du kích, thanh thiếu niên tổ chức hội họp.

Đến thời bình, đền thờ Bác là nơi vào những ngày lễ hội, Tết cổ truyền bà con quanh vùng mang hoa quả đến thắp nhang tưởng nhớ vị lãnh tụ của dân tộc. Các em học sinh, Đoàn Thanh niên… đến nghe các bậc lão thành kể về những năm tháng kháng chiến gian khổ mà anh dũng, về những chiến công mà cha ông lập nên, về tấm gương hy sinh cao cả, đạo đức cách mạng ngời sáng của Bác Hồ.

Trong những năm chiến tranh ác liệt, việc bảo vệ đền thờ Bác là nhiệm vụ cao cả. Có những nơi đền thờ bị bom địch tàn phá thì ngay sau đó cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã chung tay xây dựng lại đền mới ngay trên nền đền cũ vừa bị phá hoại, như khẳng định một điều rằng: Nhân dân Cà Mau giữ gìn đền thờ Bác Hồ như giữ gìn ngọn lửa truyền thống cách mạng, giữ gìn niềm tin và lẽ sống cho chính mình.

Ngọc Hiển


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​