Sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng: Cấp bách và cần thiết

Kỳ I: Bất cập của Luật thuế 71
Ngay từ khi được triển khai thực hiện, Luật thuế 71/2014/QH13 đã bộc lộ khá nhiều bất cập, khiến giá phân bón trong nước không giảm mà còn tăng lên, khiến doanh nghiệp có nguy cơ đi thụt lùi còn nông dân thì gồng gánh chi phí sản xuất cao…

Nhằm khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu là một trong những chủ trương quan trọng của Chính phủ nhằm điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động. Để thực hiện chủ trương này, năm 2014, Quốc hội đã ban hành Luật thuế 71/2014/QH13 (sau đây gọi tắt là Luật thuế 71), có hiệu lực từ năm 2015.

Tại Khoản 1, Điều 3, Luật thuế 71 quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Quy định này được kỳ vọng có thể giảm chi phí giá thành sản phẩm phân bón, giúp người nông dân tăng lợi nhuận trong quá trình canh tác nông nghiệp.

Bất cập của Luật 71 khiến giá phân bón tăng lên đáng kể so với trước đó

Tuy nhiên, ngay sau khi triển khai thực hiện, Luật thuế 71 đã nảy sinh khá nhiều bất cập, không những giá bán phân bón trong nước không giảm mà còn tăng lên, làm hạn chế sản xuất kinh doanh, kìm hãm sự phát triển của các dự án đầu tư sản xuất phân bón. Lý do là khi áp dụng Luật thuế 71, tức không tính thuế GTGT phân bón thì doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ mua vào, kể cả thuế giá trị gia tăng của hàng hoá mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Thay vào đó, toàn bộ chi phí phát sinh được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản xuất phân bón.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội phân bón Việt Nam, từ năm 2015 khi thực hiện Luật thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2% - 7,6%; phân DAP tăng 7,3% - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5% - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2% - 6,1%... so với những năm trước đó khi còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. Giá phân bón đến tay bà con nông dân cũng bị tăng theo, kéo theo đó là chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên đáng kể...

Kỳ I: Bất cập của Luật thuế 71

Giá phân bón tăng làm tăng đáng kể chi phí sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân

Như vậy có thể khẳng định rằng, chính sách thuế VAT phân bón trong Luật thuế 71 hiện hành đi ngược lại hoàn toàn so với kỳ vọng ban đầu của Chính phủ là giảm giá bán phân bón, mang lại lợi nhuận cho người nông dân. Không chỉ như vậy, chính sách thuế VAT hiện nay còn không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới trong sản xuất, dễ dẫn tới bị lạc hậu trong thời cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.

Bên cạnh đó, chính sách này còn gián tiếp làm giảm đóng góp thuế GTGT của doanh nghiệp phân bón, gây thiệt hại cho nguồn thu ngân sách quốc gia..

Đồng thời, Luật thuế 71 còn tạo điều kiện cho phân bón nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến do những ưu đãi về chính sách thuế, khiến giá thành phân bón nhập khẩu trở nên cạnh tranh hơn so với sản phẩm trong nước. Từ đó, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước vốn đã khó khăn lại càng khó khăn, có nguy cơ thua ngay trên sân nhà, mà chính sách thuế GTGT bất hợp lý của Luật thuế 71 là một lý do.

Chưa kể, về dài hạn, nếu không có sự thay đổi thì các doanh nghiệp buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh, trong đó đơn giản nhất là nhập khẩu phân bón về bán dựa trên thế mạnh của mình về hệ thống phân phối, thay vì đầu tư công nghệ hiện đại để tạo nên thế mạnh về sản xuất. Như vậy cuối cùng là sản phẩm nông nghiệp và môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì lẽ các loại sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ lạc hậu giá rẻ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới môi trường và nông sản đầu ra, và đây chính là nguy cơ rất lớn cho ngành nông nghiệp nước nhà…

Kỳ I: Bất cập của Luật thuế 71

Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước bị cạnh tranh gay gắt bởi phân bón nhập ngoại tràn vào do được ưu đãi về thuế

Hiện nay, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là cây lúa. Điển hình là Bộ NN&PTNT đang định hướng quy hoạch 1 triệu ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao nhằm nâng tầm hạt gạo Việt cũng như nền nông nghiệp Việt nói chung so với khu vực và thế giới.

Để đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp thì ngành sản xuất kinh doanh phân bón trong nước phải phát triển do phân bón là vật tư thiết yếu, chiếm khoảng 40 - 50% chi phí sản xuất. Nhưng hiện nay, ngành phân bón, doanh nghiệp phân bón trong nước đang lao đao xuất phát từ những bất cập của chính sách thuế GTGT.

Do đó, ngành nông ngiệp, nông dân, các doanh nghiệp phân bón đang rất trông chờ vào những cơ chế chính sách, quyết sách thật sự đúng đắn; cụ thể là sớm sửa đổi Luật thuế 71, đưa thuế GTGT phân bón về mức 5% như kiến nghị, mong muốn của các Bộ, ban ngành liên quan, nhất là các doanh nghiệp và người nông dân!

Lê Trúc


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​