Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ả Rập Xê-út (Kỳ IV)
Luật Cơ bản quy định rằng tất cả của cải tự nhiên, dù là dưới lòng đất, trên bề mặt hay trong lãnh hải, vùng biển quốc gia, đều là tài sản của nhà nước và dưới sự kiểm soát của nhà nước. Như vậy, quyền dầu khí là thuộc sự kiểm soát nhà nước Ả Rập Xê-út.


Một cơ sở dầu khí ở Ả Rập Xê-út. Ảnh: Reuters.

Về việc cấp phép hợp đồng tô nhượng

Luật Cơ bản quy định rằng tất cả các hợp đồng tô nhượng liên quan đến tài sản công phải được cấp phép theo quy định của pháp luật (Điều 15, Luật Cơ bản). Hội đồng Shura (Majlis al-Shura, hay còn gọi là Hội đồng Tư vấn - Consultative Council) có thể bày tỏ ý kiến ​​của mình về các chính sách chung do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đưa ra, về các điều ước quốc tế, công ước quốc tế và các hợp đồng tô nhượng (Điều 15, Luật Hội đồng Shura).

Hội đồng Tư vấn, là cơ quan lập pháp tư vấn cho Nhà Vua về các vấn đề quan trọng đối với Ả Rập Xê-út. Hội đồng Tư vấn hiện bao gồm 150 thành viên do Nhà Vua bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm có thể gia hạn. Dựa trên kinh nghiệm của họ, các thành viên được phân công vào các ủy ban. Có 12 ủy ban giải quyết các vấn đề về nhân quyền, giáo dục, văn hóa, thông tin, y tế và xã hội, dịch vụ và tiện ích công cộng, đối ngoại, an ninh, hành chính, Hồi giáo, kinh tế và công nghiệp, và tài chính. Từ chức năng giới hạn trong việc thảo luận về các quy định và các vấn đề lợi ích quốc gia, từ năm 2004, nhiệm vụ của Majlis Al-Shura đã được mở rộng bao gồm việc đề xuất luật mới và sửa đổi các luật hiện hành mà không cần trình trước Nhà Vua. Ngày 7/4/2003, Majlis Al-Shura đã trở thành thành viên đầy đủ của Liên minh Nghị viện thế giới (the Inter-Parliamentary Union - IPU).

Mọi hợp đồng tô nhượng sẽ có hiệu lực với sự chấp thuận của đa số thành viên của Hội đồng Tư vấn và sau đó được chuyển đến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, người sẽ chuyển hợp đồng tô nhượng đó lên Hội đồng Bộ trưởng để phê duyệt (Điều 17 và Điều 20, Luật Hội đồng Bộ trưởng).


Chevron là công ty dầu khí hàng đầu thế giới hoạt động trong lĩnh vực dầu khí thượng nguồn ở Ả Rập Xê-út liên tục trong hơn70 năm qua, hợp tác chặt chẽ với Saudi Aramco. Ảnh: Chevron.

Nếu quan điểm của Hội đồng Shura và Hội đồng Bộ trưởng cùng nhất trí, hợp đồng tô nhượng sẽ có hiệu lực theo một Sắc lệnh Hoàng gia được Nhà Vua phê duyệt. Nếu có ý kiến ​​khác nhau giữa hai bên, Nhà Vua (với vai trò Thủ tướng) sẽ đưa ra bất cứ quyết định nào mà Nhà Vua cho là phù hợp (Điều 17, Luật Hội đồng Shura).

Thời hạn cho thuê, giấy phép, hợp đồng tô nhượng

Hợp đồng tô nhượng đầu tiên giữa Vương quốc Ả Rập Xê-út và Công ty Standard Oil of California được ký kết vào ngày 29/5/1933, có thời hạn trong 60 năm và được phê chuẩn bởi Sắc lệnh Hoàng gia số 1135 ngày 7/7/1933. Hợp đồng tô nhượng sau đó được sửa đổi và lập lại bằng Hợp đồng bổ sung năm 1939 và Hợp đồng ngoài khơi năm 1948. Sau đó, thỏa thuận này được giao cho Công ty Dầu tiêu chuẩn Mỹ Ả Rập (Arabian American Standard Oil Company) và cuối cùng là Công ty Dầu mỏ Ả Rập Saudi (Saudi Aramco hiện nay) vào những năm 1980 khi Chính phủ Ả Rập Xê-út tăng tỷ lệ nắm giữ lên 100% trong công ty.

Hợp đồng tô nhượng dầu khí thường bao gồm các điều khoản về: (i) Xác định khu vực địa lý trong đó công ty có quyền thăm dò và phát triển; (ii) Các nghĩa vụ tối thiểu đối với việc khoan và thăm dò; (iii) Thời hạn tô nhượng; (iv) Các nghĩa vụ tài chính của công ty (thường là tạm ứng một lần và trả thuế tài nguyên); (v) Nghĩa vụ cung cấp dầu khí cho thị trường trong nước, miễn phí hoặc thấp hơn giá thị trường; (vi) Giới hạn quyền tài sản, chịu sự giám sát của nhà nước; (vii) Một số khoản miễn thuế nhất định.


Tòa nhà trụ sở chính của Saudi Aramco tại thành phố Dhahran (Ả Rập Xê-út). Ảnh: Saudi Aramco.

Năm 2018, Hợp đồng tô nhượng độc quyền của Chính phủ Ả Rập Xê-út với Saudi Aramco đã được gia hạn thêm 40 năm, với khả năng được gia hạn thêm 20 năm. Chính phủ Ả Rập Xê-út sở hữu 100% công ty Saudi Aramco nên họ sẽ ký hợp đồng tô nhượng lâu dài, liên tục với Saudi Aramco trong việc thăm dò và khai thác trữ lượng dầu của đất nước để lấy doanh thu và thu thuế tài nguyên.

Cách thức trao giấy phép, hợp đồng tô nhượng

Các hợp đồng tô nhượng được trao thông qua một Sắc lệnh hoàng gia do Nhà Vua ban hành sau khi được Hội đồng Tư vấn và Hội đồng Bộ trưởng phê chuẩn.

Với sự chấp thuận của Bộ Năng lượng, Công nghiệp và Tài nguyên khoáng sản và Hội đồng Tối cao về Dầu khí và Khoáng sản, Saudi Aramco ký các hợp đồng thuê và các giấy phép cụ thể với các công ty trong nước và quốc tế. Các chính sách hợp đồng và mua sắm của Saudi Aramco tạo thành cơ sở và tiêu chuẩn mẫu cho các hợp đồng thuê và các giấy phép. (Còn nữa)

Thanh Bình

Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ả Rập Xê-út (Kỳ III)

​Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ả Rập Xê-út (Kỳ II)

Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ả Rập Xê-út (Kỳ I)


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​