Dòng khí đầu tiên - "Viên gạch" đặt nền móng cho sự phát triển của ngành công nghiệp khí
Thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ người làm công tác dầu khí Việt Nam đã nỗ lực học tập, nghiên cứu, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, từng bước xây dựng và phát triển ngành Dầu khí nước nhà.
Ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, tiền thân của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) được thành lập trên cơ sở Liên đoàn Địa chất 36 và một bộ phận thuộc Tổng cục Hóa chất.
Ngày 1/2/1975, giếng khoan số 61 (GK-61) được khởi công trên địa phận xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Đây là giếng khoan thăm dò đầu tiên cho phát hiện khí tự nhiên, tại cấu tạo Tiền Hải C, trong trầm tích Mioxen, hệ tầng Tiên Hưng, ở chiều sâu 1146 - 1156 m với lưu lượng trên 100 nghìn m3/ngày đêm. Sau thời gian triển khai công tác thẩm lượng và phát triển khai thác, ngày 19/4/1981, dòng khí công nghiệp đầu tiên được đưa vào buồng đốt turbine nhiệt điện công suất 10 MW tại Tiền Hải để thử nghiệm phát điện.
Ngày 18/3/1975, dòng khí đầu tiên được phát hiện tại GK-61
Ngược về quá khứ trước đó, ngày 18/3/1975, cũng tại GK-61 đã phát hiện ra vỉa khí hóa lỏng (condensate) đầu tiên tại Việt Nam, trên cấu tạo mỏ khí Tiền Hải C.
Với toàn bộ thiết bị nặng hơn 600 tấn, tháp khoan cao 50 m, GK-61 có kết quả khảo sát khả quan, các thông số địa chất, địa vật lý tốt, chỉ ra vỉa có khả năng chứa dầu khí. Sau nhiều nỗ lực triển khai thử vỉa giếng khoan, đến trưa ngày 18/3/1975, tại khoảng vỉa thử 1.148 - 1.150 m đã nhận được dòng khí tự do, lưu lượng khí và condensate tương đối lớn, lưu lượng khí tự do tuyệt đối đạt tới 448.000 m3/ngày đêm. Ở độ sâu 1.146 - 1.152 m với lưu lượng khai thác khoảng 100 nghìn m3/ngày đêm.
Có thể nói, dòng khí đầu tiên phun lên từ lòng đất, đánh dấu một giờ phút lịch sử, một bước tiến quan trọng trong công tác tìm kiếm dầu khí của nước ta.
Thành công nối tiếp thành công
Sau khi dòng khí công nghiệp đầu tiên được đưa vào buồng đốt turbine nhiệt điện công suất 10 MW để thử nghiệm phát điện, rất nhanh chóng, chỉ trong năm đầu, trạm xử lý đã cung cấp 16 triệu m3 khí cho turbine điện, sản xuất được 70 triệu kWh điện, tách được 380 m3 condensate.
Thời điểm đó, bên cạnh cấp khí cho các tổ máy turbine phát điện, Xí nghiệp Khai thác khí (được thành lập theo Quyết định số 852/DK-TC ngày 3/7/1981 của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam) có nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới ống cấp khí cho các hộ tiêu thụ của tỉnh Thái Bình, gồm có: Công ty Gạch men Long Hầu; Công ty Thủy tinh pha lê; các cơ sở sản xuất thủy tinh cách điện, sản xuất phôi thép; Nhà máy sứ liên kết Thái Bình - Hải Dương; Nhà máy sứ Dầu khí; Hợp tác xã thủ công nghiệp Giang Long và nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm công nghiệp khác.
Tính đến cuối năm 1990, tổng cộng 248 triệu m3 khí đã được khai thác, doanh thu hơn 3 tỷ đồng (giá bán khí là 0,5 đồng/m3 thời điểm trước quý IV/1981 và 1,2 đồng/m3 kể từ ngày 1/10/1981; 55 đồng/m3 từ tháng 1/1989, và 110 đồng/m3 từ tháng 6/1989).
Trạm xử lý khí đầu tiên của ngành Dầu khí
Nhờ có nguồn khí phát hiện từ GK-61, tỉnh Thái Bình đã hình thành Khu công nghiệp Tiền Hải. Cùng với đó, việc khai thác khí tại Tiền Hải đã mang đến một diện mạo hoàn toàn mới cho vùng quê lúa Thái Bình, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Từ GK-61 đến hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hoàn chỉnh, đồng bộ
Việc khai thác dòng khí công nghiệp đầu tiên vào ngày 19/4/1981 là mốc lịch sử đầy vẻ vang và tự hào của Petrovietnam. Sự kiện đã đặt "viên gạch" đầu tiên cho sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp khí tại Việt Nam, mở ra một hướng đi hoàn toàn mới, chứng minh tiềm năng dầu khí của đất nước không chỉ tập trung ở phía Nam mà còn hiện diện ngay trên vùng đất đồng bằng Bắc Bộ.
Việc khai thác dòng khí công nghiệp đầu tiên tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã đặt "viên gạch" đầu tiên cho sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp khí tại Việt Nam.
Từ những mét khối khí đầu tiên được đưa vào sử dụng tại Tiền Hải, Petrovietnam đã từng bước phát triển thành một hệ sinh thái công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ. Những bước tiến ấy không chỉ khẳng định nội lực và trí tuệ của các thế hệ người lao động Petrovietnam, còn góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, độc lập, tự chủ về năng lượng.
Ngày nay, Petrovietnam không chỉ là tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, mà còn đang từng bước khẳng định vị thế trong khu vực, tiên phong chuyển mình trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam, mở ra không gian hoạt động mới, không chỉ trong lĩnh vực dầu khí, mà tiến tới mở rộng trong lĩnh vực công nghiệp - năng lượng mới, khẳng định vai trò chủ lực trong việc dẫn dắt ngành công nghiệp - năng lượng quốc gia, với sứ mệnh phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và phụng sự Tổ quốc.
Nhìn lại chặng đường đã qua, GK-61 không chỉ là nơi phát hiện dòng khí đầu tiên của Việt Nam, mà còn là biểu tượng của sự kiên trì, bền bỉ và là “ngọn lửa” của niềm tin. Và trong mạch nguồn truyền thống ấy, dòng khí đầu tiên ngày 19/4/1981 tại Tiền Hải mãi mãi là biểu tượng của khát vọng, trí tuệ và tinh thần tiên phong.
Trần Trung