Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):

Từ khay dầu thô đầu tiên: Hồi ức một thời khai phá
0:00 /
Chọn Giọng
  • Nữ Miền Bắc
  • Nam Miền Bắc
  • Nam Miền Nam
  • Nữ Miền Nam
Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông Lê Quang Trung - nguyên Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro các khóa IV, V, VI, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietsovpetro, là một trong những người đầu tiên của Tổng cục Địa chất được giao nhiệm vụ đặc biệt: tham gia tiếp quản Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Trong những ngày tháng lịch sử ấy, ông đã góp phần quan trọng vào việc đặt nền móng đầu tiên cho ngành Dầu khí Việt Nam.

Ông Lê Quang Trung - nguyên Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro các khóa IV, V, VI, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietsovpetro

Những ngày tháng không quên

Cách đây 50 năm, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Chính phủ đã giao cho Tổng cục Địa chất tổ chức một đoàn cán bộ khẩn trương vào Sài Gòn để tiếp quản và đánh giá tình hình dầu khí ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Đoàn công tác gồm 12 người, ông Lê Quang Trung đi theo nhóm 1 trong chuyến bay sáng ngày 5/5/1975.

“Đúng 7h30 sáng hôm đó, với bộ quân phục bộ đội cụ Hồ cùng mũ tai bèo, đôi giày vải... chúng tôi lên xe ra sân bay Gia Lâm, rồi bay vào sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Trên chuyến bay còn có Thiếu tướng Hoàng Phương - Chính ủy Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, bay vào để chuẩn bị cho lễ mừng đại thắng 15/5/1975”, ông Trung nhớ lại.

Vào Sài Gòn, Đoàn cán bộ của Tổng cục Địa chất được Thượng tướng Trần Văn Trà (Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định) bố trí đến Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản ở số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1.

Đoàn cán bộ ở khách sạn Continental. Hàng ngày, đoàn đi bộ đến số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm để thu thập, nghiên cứu tài liệu dầu khí. Đây là các tài liệu mà các công ty tư bản đã làm với chính quyền Sài Gòn trước giải phóng miền Nam để lại. Đặc biệt, đoàn đã được tiếp cận với 3 thùng phi chứa dầu thô mà các công ty đã khoan tìm thấy dầu và lấy mẫu gửi về.

Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm từng là nơi tiếp quản tài liệu dầu khí, nay là Bảo tàng Địa chất - Ảnh: Mai Phương

“Chúng tôi nhúng tay vào khay dầu, xúc động vỡ òa và reo lên: “Thềm lục địa Nam Việt Nam có dầu!”, ông Trung kể với niềm xúc động như vẫn còn nguyên vẹn sau nửa thế kỷ.

Sau 3 tháng đọc, phân tích, tổng hợp và đánh giá tài liệu có được, đoàn viết báo cáo, cùng với các thùng dầu khô do Công ty Mobil lấy được từ giếng khoan IX (Lô 9) thềm lục địa Nam Việt Nam và quay ra Hà Nội. Báo cáo của đoàn được trình ngay lên Tổng cục Địa chất và Thủ tướng Chính phủ, xác nhận thềm lục địa Nam Việt Nam đã phát hiện được dầu mỏ và khí đốt.

Trên cơ sở báo cáo của đoàn, ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị họp và ra Nghị quyết số 244 NQ/TW về việc triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong cả nước. Trên cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3/9/1975, Chính phủ ra quyết định thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (tiền thân của Petrovietnam). Đến ngày 27/11/1975, thành lập Công ty Dầu khí Nam Việt Nam.

Những bước chân mở đường

Sau ngày thành lập Công ty Dầu khí Nam Việt Nam, ông Lê Quang Trung được giao trọng trách Đoàn trưởng Đoàn Dầu khí 21, cùng với 147 cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý xuống Vũng Tàu xây dựng căn cứ dầu khí. Đơn vị này trực thuộc Công ty Dầu khí Nam Việt Nam.

Nhiệm vụ của Đoàn dầu khí 21 là tiến hành khảo sát địa chất toàn bộ phần đất liền của miền Đông, miền Tây Nam Bộ, các hải đảo từ vĩ tuyến 12 trở vào (từ Thuận Hải đến Kiên Giang) để sơ bộ đánh giá tình hình địa chất rìa bồn trũng Cửu Long (phần đất liền) cùng với tài liệu thu được trước năm 1975, giúp cho Công ty Dầu khí Nam Việt Nam xác định hướng tìm kiếm thăm dò dầu khí trên đất liền và xây dựng kế hoạch hợp tác làm dầu khí trên thềm lục địa Nam Việt Nam.

Ngày 18/4/1976, Đoàn dầu khí 21 đến thị xã Vũng Tàu và được bố trí ở làng thương phế binh đường Trần Bình Trọng. Những người làm dầu khí thời kỳ ấy vô cùng khó khăn, đi khảo sát địa chất phải có cả tiểu đội bộ đội đi cùng để bảo vệ khỏi bọn “phun rô”, nếu không thận trọng có thể vướng bom mìn và cướp đi sinh mạng... Một thời mà sống cạnh Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước - nhưng những người làm dầu khí đã chấp nhận ăn độn 80% tiêu chuẩn lương thực gồm: ngô, sắn, khoai, bo bo, thậm chí cả chuối xanh.

Ông Trung cười nhớ lại một kỷ niệm: “Có hai anh chị từng học ở Liên Xô về nước công tác, sinh đứa con đầu lòng đúng vào những ngày gian khó ấy. Để ghi nhớ quãng đời đặc biệt này, họ đã đặt tên con là... Bo Bo”.

Dẫu vất vả, thiếu thốn là thế, nhưng tất cả anh em trong đoàn vẫn đầy khí thế, đầy niềm tin rằng, thềm lục địa Nam Việt Nam nhất định sẽ có dầu, và đời sống của “những người đi tìm lửa” rồi sẽ khá dần lên.

Tự hào 50 năm Petrovietnam

Nhìn lại 50 năm hình thành và phát triển của Petrovietnam, ông Lê Quang Trung cho rằng, ngành dầu khí đã phát triển rất nhanh, mạnh và có thể sánh vai các tập đoàn, công ty dầu khí lớn trong khu vực và trên thế giới.

Ông đánh giá cao bước trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân của ngành dầu khí nói chung. “Giờ đây, các bạn đã có thể tự chủ, độc lập thực hiện toàn bộ quy trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí. Đây là sự tiến bộ đáng tự hào. Tôi tin rằng ngành dầu khí còn rất nhiều dư địa để phát triển, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn”.

Theo ông, việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thay đổi định danh thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam là rất phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay. Tập đoàn sẽ không còn bó hẹp trong lĩnh vực dầu khí mà mở rộng ra toàn bộ các lĩnh vực công nghiệp - năng lượng: từ dầu khí, đến năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện hạt nhân... từ đó sẽ góp phần giúp cho kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng phát triển, cuộc sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Với 12 năm làm Bí thư Đảng ủy và 16 năm giữ cương vị Phó Tổng Giám đốc Liên doanh Vietsovpetro, ông Lê Quang Trung đã thực hiện trọn vẹn vai trò của một đảng viên trung kiên, một Bí thư mẫu mực và người tận tâm với sự nghiệp dầu khí. Từ những ngày tháng gian khó thuở mới vào Nam đến những thành tựu rực rỡ hôm nay, hình ảnh ông Lê Quang Trung cùng lớp lớp những “người đi tìm lửa” thế hệ đầu tiên mãi là ngọn lửa soi đường cho thế hệ trẻ Petrovietnam tiếp bước, vững vàng tiến xa./.

Hoàng Trang