Trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Năng lượng quốc tế Singapore, Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết, chưa bao giờ thế giới chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng sâu sắc và phức tạp như hiện tại. Ông Birol đưa ra dự báo, mức tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 1,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Do đó, thế giới vẫn cần nguồn cung dầu từ Nga, ít nhất là từ 80 - 90% sản lượng xuất khẩu dầu của Nga hiện nay để đáp ứng nhu cầu về nhiên liệu. Ngoài ra, ông Birol cho rằng, quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày của liên minh OPEC+ đã làm nảy sinh những rủi ro do suy thoái toàn cầu sắp xảy ra.
Khác với nhận định của lãnh đạo IEA, một số chuyên gia Nga nhận định, hầu hết dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2023 của IEA và một số tổ chức quốc tế là lạc quan quá mức. Con số 1,7 triệu thùng/ngày thậm chí còn cao hơn mức tăng trưởng trung bình hàng năm trong thời kỳ tiền Covid-19 (mức 1,5 triệu thùng/ngày). Kịch bản này chỉ có thể xảy ra trong trường hợp dỡ bỏ các hạn chế Covid-19 tại Trung Quốc, tăng cường các chuyến bay quốc tế và sự sụt giảm bất ngờ của lạm phát, cũng như giảm căng thẳng địa chính trị. Ngoài ra, theo dự báo của các chuyên gia Nga, tốc độ gia tăng nguồn cung dầu thô toàn cầu năm 2023 sẽ ở mức từ 700.000 thùng/ngày đến 1,8 triệu thùng/ngày và hoàn toàn có thể tăng chậm lại, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố địa chính trị.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu của nước này trong tháng 9 đã giảm 2% so với cùng kỳ, xuống còn 40,24 triệu tấn (tương đương 9,79 triệu thùng/ngày). Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, con số này đã giảm 4,3%, xuống còn 370,4 triệu tấn (tương đương 9,9 triệu thùng/ngày). Kết quả này xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ của nước này sụt giảm trong bối cảnh tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, sau thời gian ngừng hoạt động và bảo dưỡng định kỳ, trong tháng 9 vừa qua, các nhà máy lọc dầu quốc doanh của Trung Quốc đã tăng 36% sản lượng xuất khẩu các sản phẩm chế biến so với cùng kỳ, lên 5,64 triệu tấn. Cũng theo số liệu của cơ quan trên, nhập khẩu dầu từ Nga vào Trung Quốc trong tháng 9 vừa qua đã tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021, lên 7,46 triệu tấn (tương đương 1,82 triệu thùng/ngày). Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu dầu của Nga sang nước này đã tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2021, lên 64,25 triệu tấn. Nga vẫn xếp sau KSA – nhà xuất khẩu dầu lớn nhất cho Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm với 65,84 triệu tấn.
Bộ trưởng Năng lượng KSA Abdulaziz bin Salman mới đây cho biết, xuất khẩu dầu từ KSA sang châu Âu đã tăng gấp đôi, lên đến 950.000 thùng/ngày. Đồng thời, chính quyền KSA đang tiếp tục tham vấn với chính phủ các nước EU liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Năng lượng KSA đã chỉ trích động thái bơm dầu dự trữ chiến lược ra thị trường của một số quốc gia là nhằm mục đích thao túng và có thể dẫn đến những hậu quả kinh tế bất lợi trong tương lai gần.
KHÍ ĐỐT & LNG
IMF mới đây dự báo, giá khí đốt thiên nhiên và giá điện ở châu Âu sẽ tăng kỷ lục trong năm 2023. Theo đó, trong kịch bản cơ sở, dự trữ nhiên liệu tại châu Âu sẽ đủ cho mùa hè 2023. Tuy nhiên trong trường hợp thời tiết lạnh giá bất thường hoặc nguồn cung cấp khí đốt của Nga ngừng hoàn toàn, người dân châu Âu sẽ phải giảm 6% lượng tiêu thụ. Khi đó, các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong EU sẽ phải đối mặt với mức thiệt hại khoảng 3% GDP. Theo số liệu của IMF, tính đến giữa tháng 9/2022, nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu đã giảm 80% so với cùng kỳ năm 2021. Nga đã ngừng xuất khẩu khí đốt sang một số quốc gia như Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Litva, Hà Lan và Ba Lan, Do đó, chi phí sinh hoạt ở các nước châu Âu trong năm 2023 và 2024 có thể tăng lần lượt 7% và 9%. Lạm phát của EU trong năm 2022 sẽ ở mức 8,3% và sẽ giảm xuống 6,2% vào năm 2023.
Thời tiết ấm áp bất ngờ ở châu Âu đang đẩy lùi thời điểm bắt đầu mùa rút khí tại các trung tâm lưu trữ khí đốt ngầm, trong khi giá khí đốt giao ngay tiếp tục giảm. Giá một hợp đồng giao ngay vào cuối tuần qua tại trung tâm TTF (Hà Lan) đã ở mức 342 USD/1000m3 và giao ngày 24/10 là 394 USD/1000 m3. Đồng thời, giá khí đốt theo hợp đồng kỳ hạn tháng 11 tại trung tâm TTF đã giảm xuống còn 1031 USD/1000 m3. Theo số liệu của Gas Infrastructure Europe (22/10), tỷ lệ dự trữ khí trong các kho chứa ngầm tại châu Âu đã đạt 93,43%. Đến ngày 25/10, theo số liệu của sàn ICE, giá khí đốt tại châu Âu đã giảm xuống 989 USD/1000 m3, mức thấp nhất kể từ ngày 14/6/2022. Điều này được cho là xuất phát từ tỷ lệ dự trữ trong các kho khí ngầm tại châu Âu đã đạt 93,5%; thời tiết ấm áp hơn trong khu vực và tỷ lệ điện gió trong cơ cấu sản xuất điện trong tháng 9 và tháng 10 tăng đáng kể, lần lượt ở mức 13,5% và 17,7%.
Dự án Nigeria LNG đang trì hoãn việc giao hàng đến cảng Galp (Bồ Đào Nha) do bất khả kháng vì lũ lụt trong tuần vừa qua. Công suất của Nigeria LNG là 22 triệu tấn mỗi năm. Theo ước tính của Rystad Energy, nếu các chuyến hàng LNG từ Nigeria bị dừng, nguồn cung LNG toàn cầu sẽ giảm 4%. Trong trường hợp nguồn cung này bị cắt giảm, các nhà nhập khẩu của Bồ Đào Nha sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất (nguồn cung từ Nigeria chiếm 50% sản lượng nhập khẩu LNG vào nước này), cũng như tập đoàn dầu khí Shell, khách hàng lớn nhất của Nigeria.
Bộ trưởng Tài chính và Ngân khố Thổ Nhĩ Kỳ Nureddin Nebati mới đây cho biết, nước này đang đề nghị Gazprom giảm giá khí đốt đối với khối lượng giao hàng lớn, đồng thời đề nghị cho trả chậm. Động thái này diễn ra khi các phương tiện truyền thông cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng trì hoãn các khoản thanh toán khí đốt cho Nga đến năm 2024. Theo Ria Novosti, các cuộc đàm phán liên quan đến giá khí đã diễn ra vào đầu tháng 9. Hai bên đã thống nhất chuyển 25% khoản thanh toán khí đốt sang RUB.
Qatar Energy mới đây đã công bố thỏa thuận hợp tác với tập đoàn Shell trong dự án mở rộng sản xuất LNG tại mỏ North Field South (NFS) ở Qatar. Tỷ lệ tham gia của Shell trong dự án là 9,3%. Trước đó vào tháng 9/2022, Qatar Energy đã thông báo đối tác đầu tiên trong dự án là tập đoàn Total Energies với 9,375% cổ phần. Qatar hiện là một trong 3 quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Nước này đang nỗ lực mở rộng khai thác khí đốt và sản xuất LNG từ cụm mỏ phía bắc tại Vịnh Ba Tư. Trong tháng 6/2022, TotalEnergies và Eni đã trở thành đối tác quốc tế đầu tiên tham gia dự án mở rộng sản xuất LNG lớn nhất thế giới North Field East (NFE) với tổng cộng 25% cổ phần trong dự án. Theo kế hoạch của Qatar Energy, nước này sẽ sản xuất 126 triệu tấn LNG mỗi năm vào năm 2027.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Gruzia, Tổng thống Azerbaijan I.Aliyev tuyên bố, nước này có kế hoạch xuất khẩu khoảng 20 tỷ m3 khí sang EU hàng năm bắt đầu từ 2027. Bên cạnh đó, Azerbaijan cũng có kế hoạch tăng xuất khẩu dầu ra thị trường quốc tế thông qua các đường ống dẫn dầu Baku - Tbilisi - Ceyhan và Baku-Supsa.
XĂNG & ĐIỆN
Nga đang hỗ trợ các nhà máy lọc dầu của Belarus bằng cách tiêu thụ một phần sản lượng nhiên liệu diesel đầu ra tại thị trường Nga thông qua khoản thanh toán bằng cơ chế điều tiết (за счет демпферных выплат). Theo đó, công ty Promsyrieimport (thuộc sở hữu của Cơ quan quản lý tài sản Liên bang Nga) mua nhiên liệu diesel từ Belarus, sau đó bán trên sàn giao dịch hàng hóa SPIMEX. Trong tháng 9, PromSyrieImport đã nhận được quyền bán xăng và dầu diesel tại Nga do một “tổ chức nước ngoài” sản xuất. Trong danh sách “tổ chức nước ngoài” này có Công ty Belneftekhim – đơn vị sở hữu các nhà máy lọc dầu Novopolotsk, Mozyr ở Belarus. Trong thời gian từ 10-24/10, Promsyrieimport đã nhập khoảng 8500 tấn dầu diesel từ Belarus. Các nhà máy lọc dầu của Belarus bị thiệt hại nặng do lệnh trừng phạt của Mỹ/phương Tây và mất thị trường Ukraine (Belarus cung cấp 45% lượng xăng nhập khẩu và 37% lượng diesel nhập khẩu vào Ukraine).
LB NGA
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov mới đây cho biết, ngay cả trong kịch bản giá dầu thận trọng, ở mức 70 USD/thùng, ngân sách LB Nga vẫn sẽ thu về hơn 8000 tỷ rúp (khoảng 131 tỷ USD) mỗi năm từ nguồn thu dầu khí trong vòng 3 năm tới (2023 - 2025). Ông Siluanov cho biết thêm, thị trường hiện nay đang trong tình trạng khó khăn cho cả người bán và người mua dầu thô. Quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày của OPEC+ đã chứng minh việc điều tiết thị trường phụ thuộc vào các nhà sản xuất dầu chính trên thế giới. Trước đó, trong năm 2021, ngân sách nhà nước Nga đã thu về 9056 tỷ rúp doanh thu từ dầu khí.
Bộ Giao thông Vận tải LB Nga mới đây đã đề xuất mức giá trần đối với cước vận chuyển một số loại hàng hóa bằng tàu của Nga (liên quan trực tiếp đến vận chuyển dầu thô và sản phẩm dầu mỏ). Theo Kommersant, chi phí vận chuyển dầu của Nga hiện nay đã cao hơn từ 2-4 lần so với trước chiến sự. Mức giá hiện tại vẫn đảm bảo việc giao hàng có lãi khi dầu Urals được giao dịch quanh mức 72 - 73 USD/thùng. Tuy nhiên, chưa rõ cước vận chuyển sẽ tăng thêm bao nhiêu sau khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô vào châu Âu có hiệu lực từ ngày 05/12. Thực tế cho thấy, trong một số trường hợp, chi phí vận chuyển cao là yếu tố cản trở hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga. Ví dụ vào tháng 9 vừa qua, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ có thể từ chối mua dầu ESPO do giá cước vận chuyển cao (đắt hơn 5-7 USD/thùng so với các loại dầu tương tự từ nước khác). Một vấn đề khác mà các giới chuyên gia lo ngại là các biện pháp do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chỉ áp dụng cho các chủ tàu Nga, trong khi hiện nay, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bởi các hãng tàu nước ngoài.
Theo Bloomberg, Nga đang lách lệnh cấm vận của EU bằng cách xây dựng một đội tàu chở dầu “ngầm” để bán dầu cho những người mua giấu tên. Theo công ty môi giới tàu biển Braemar, Nga đã mua 240 tàu chở dầu lớn và nhỏ. Kết quả là, xuất khẩu dầu của Nga bằng đường biển trong tháng 9 đã tăng mạnh. Sản lượng giao hàng cho người tiêu dùng châu Âu đã giảm xuống mức tối thiểu, trong khi tăng nhiều lần sang các thị trường châu Á. Sản lượng xuất khẩu nhiên liệu sang các nước châu Á tăng lên 4 triệu thùng/ngày. Cũng theo Bloomberg, Nga đang chuẩn bị phương án giao dịch với khách hàng bằng cách ship-to-ship trên biển trong bối cảnh lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga và EU bằng đường biển sẽ có hiệu lực từ ngày 05/12.
Công ty tiện ích Saibu Gas (Nhật Bản) đã ký hợp đồng cung cấp LNG với nhà điều hành mới của dự án Sakhalin-2 Sakhalinskaya Energya, để thay thế hợp đồng với nhà điều hành cũ Sakhalin Energy. Theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản), các nội dung trong hợp đồng mới cơ bản giống như hợp đồng cũ. Dự án sẽ cung cấp LNG cho Saibu Gas đến tháng 3/2028 với khối lượng 65.000 tấn mỗi năm. Trước đó, các hợp đồng tương tự với nhà điều hành mới đã được ký kết bởi JERA (liên doanh giữa Tokyo Electric Power và Chubu Electric Power), cũng như các công ty Kyushu Electric Power, Tohoku Electric, Hiroshima Gas và Tokyo Gas. Dự án Sakhalin-2 có công suất sản xuất LNG đạt 9,6 triệu tấn mỗi năm, đảm bảo 9% tổng lượng LNG nhập khẩu của Nhật Bản. Chính phủ nước này đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đối với đảm bảo nguồn cung khí đốt ổn định cho thị trường trong nước với giá cả hợp lý.
Ngày 21/10, giấy phép quyền khai thác tài nguyên hydrocarbon tại các lô dầu khí Chaivo, Odoptu-more, Arkutun-Dagi ở thềm lục địa Biển Okhotsk (thuộc dự án Sakhalin-1) đã được trao cho nhà điều hành mới là Công ty TNHH Sakhalin-1. Thời hạn giấy phép đến ngày 03/12/2051. Công ty TNHH Sakhalin-1 được đăng ký pháp nhân ngày 14/10/2022 tại khu vực Nam-Sakhalin, thuộc quản lý của Rosneft và Công ty Sakhalinmorneftegaz-Shelf, ít nhất là cho đến khi tất cả cổ phần tham gia trong nhà điều hành được phân phối. Công ty sẽ tiếp quản các quyền và nghĩa vụ của nhà điều hành cũ Exxon Neftegaz (công ty con của ExxonMobil, đơn vị nắm 30% cổ phần tham gia dự án). Các pháp nhân khác tham gia dự án Sakhalin-1 còn có Rosneft (nắm giữ 20% cổ phần tham gia), Sodeco (nắm giữ 30%) và ONGC (nắm giữ 20%).
Gazprom đã bắt đầu cung cấp khí đốt cho đường ống khí đốt Kovykta - Chayanda – một phần của hệ thống đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia, để đưa vào vận hành thử nghiệm dưới tải. Theo kế hoạch, nguồn khí đốt từ mỏ khí Kovykta sẽ được thu gom tại đơn vị xử lý khí phức hợp số 2 (UKPG-2) của mỏ, trước khí được bơm vào đường ống Kovykta - Chayanda. Đến tháng 12/2022, toàn bộ mỏ Kovykta và các công suất truyền dẫn khí mới sẽ được đưa vào hoạt động. Đơn vị xử lý khí số 2 là một trong những cơ sở hạ tầng quan trọng nhất trong phát triển mỏ Kovykta, nơi làm sạch và làm khô khí trước khi bơm đến đường ống dẫn chính. Theo dự án, trữ lượng khí có thể thu hồi ở mỏ Kovykta lên tới 1800 tỷ m3 và 65,7 triệu tấn condensate. Công suất thiết kế của đường ống là 27 tỷ m3/năm. Việc đường ống Kovykta - Chayanda sớm đưa vào vận hành, giúp Gazprom gia tăng xuất khẩu khí đốt sang thị trường Trung Quốc. Trong năm 2021, Gazprom đã xuất khẩu 10,39 tỷ m3 sang Trung Quốc thông qua tuyến ống Siberia. Kế hoạch năm 2022 là 15 tỷ m3 và năm 2023 là 22 tỷ m3.
PHÁT TRIỂN
Công ty dịch vụ dầu khí hàng đầu thế giới Schlumberger mới đây đã đổi tên thành SLB sau gần 100 năm hoạt động. Trong thông cáo báo chí của hãng, tên mới nhấn mạnh tầm nhìn của công ty về sự cần thiết phải nỗ lực cho quá trình khử carbon, cũng như chuyển đổi từ công ty lớn nhất thế giới về quy hoạch và phát triển các mỏ dầu khí thành công ty công nghệ toàn cầu về đổi mới năng lượng. Trong năm 2020, hãng đã thành lập bộ phận Năng lượng mới (New Energy), tập trung vào tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong phân khúc năng lượng carbon thấp. Bên cạnh đó, hãng đã cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. SLB dự định kết hợp phát triển các giải pháp năng lượng carbon thấp và truyền thống trong tương lai.
Global CCS Institute mới đây đã xuất bản báo cáo mới về tình hình phát triển các dự án thu gom và lưu trữ carbon (CCS). Theo đó, thế giới hiện có 153 dự án CCS đang trong giai đoạn lập kế hoạch/thiết kế, tăng 61 dự án so với năm 2021 và là mức kỷ lục trong lịch sử. Chúng sẽ được bổ sung vào danh mục 30 dự án hiện đang vận hành và 11 dự án khác đang được xây dựng. Mỹ hiện dẫn đầu với 34 dự án CCS mới được đề xuất. Tiếp theo là Canada, Anh, Na Uy, Úc, Hà Lan và Iceland. Các chính sách thuận lợi, bao gồm giá cao đối với khí thải CO2, hỗ trợ tín dụng, ưu đãi thuế và trợ cấp trực tiếp, đã khuyến khích đầu tư vào các dự án thu giữ carbon trên thế giới. Tuy nhiên, bất chấp sự tăng trưởng về số lượng các dự án, tổng lượng carbon có thể lưu trữ trong tất cả các dự án chỉ đạt 244 triệu tấn CO2 mỗi năm, tức là chưa đến 1% trong số 36 tỷ tấn CO2 phát thải vào khí quyển mỗi năm. Những người ủng hộ CCS cho rằng, công nghệ này có vai trò quan trọng trong việc giữ cho Trái Đất tăng nhiệt độ trong phạm vi 1,5 độ C đến năm 2100. Theo IEA, để đạt mục tiêu này, thế giới cần thu gom và lưu trữ khoảng 1,3 tỷ tấn CO2 mỗi năm đến năm 2030.
Theo số liệu của công ty thị trường Benchmark Mineral Intelligence, thế giới sẽ cần lượng lithium gấp 20 lần sản lượng năm 2021 để đảm bảo nhu cầu từ các nhà sản xuất xe điện và lưu trữ năng lượng đến năm 2050. Theo đó, sản lượng sản xuất hàng năm sẽ đạt 11,2 triệu tấn Li2CO3 quy đổi. Sự phát triển mạnh mẽ của NLTT sẽ thúc đẩy lĩnh vực lưu trữ năng lượng chiếm ⅔ lượng tiêu thụ pin toàn cầu vào năm 2050. Cũng theo Benchmark, gần 20% lượng hóa chất lithium sẽ được sản xuất từ pin tái chế hoặc phế liệu vào năm 2040. Một thống kê của công ty tư vấn Lưu trữ năng lượng (CES) cho biết, khả năng tái chế các loại pin cũ đang tăng nhanh hơn nhiều so với khối lượng thải bỏ. Với sự tăng trưởng nhu cầu pin điện gia tăng, vai trò của nguyên liệu thô thứ cấp ngày càng lớn. Nếu không tăng cường tái chế, thế giới sẽ cần 234 mỏ lithium mới vào năm 2050 (gấp gần 6 lần so với 40 mỏ hiện nay).
Tập đoàn năng lượng TotalEnergies mới đây đã hoàn thành xây dựng nhà máy điện mặt trời Al Kharsaah (công suất 800 MW) tại khu vực ngoại ô thủ đô Doha, Qatar. Đây là nhà máy quang điện mặt trời quy mô lớn nhất Qatar, trải dài trên diện tích 1000 ha, bao gồm 2 triệu module điện mặt trời. Nguồn điện đầu ra của nhà máy sẽ được cung cấp cho Tổng công ty Điện nước Qatar theo hợp đồng có thời hạn 25 năm với mức giá bán 1,567 US cent/KWh. Nhà máy Al Kharsaah có thể cung cấp hơn 10% sản lượng điện tiêu thụ ở Qatar. Với việc hoàn thành dự án, TotalEnergies đang tiến gần hơn đến mục tiêu 35 GW công suất NLTT vào năm 2035 và mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050.