Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết, Nga đang chịu thiệt hại nặng nề do nguồn cung sang châu Âu sụt giảm, bất chấp giá khí đốt và giá dầu vẫn ở mức cao. Cần lưu ý rằng, châu Âu là thị trường xuất khẩu năng lượng lớn nhất của Nga, chiếm 75% sản lượng khí đốt xuất khẩu và chiếm 55% sản lượng dầu xuất khẩu của Nga. Phía Nga đang cố gắng tìm kiếm khách hàng mới, nhưng sẽ phải đối mặt với các vấn đề hậu cần, đặc biệt là với khí đốt. Ông Birol khẳng định, phía Nga sẽ phải mất 10 năm để chuyển hướng cung cấp năng lượng sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, Nga đang phải đối mặt với những vấn đề trong phát triển nguồn tài nguyên mới do thiếu công nghệ và đầu tư. Do đó, sản lượng khí đốt và dầu thô sẽ giảm trong trung và dài hạn.
DẦU THÔ
Tổng thống Mỹ Joe Biden (20/10) cho biết, SPR của nước này gần như đã giảm gần một nửa. Mỹ sẽ bắt đầu bơm dầu trở lại vào SPR khi giá dầu thế giới giảm xuống 70 USD/thùng. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, tính đến ngày 14/10, mức dự trữ trong SPR đã giảm xuống 405,1 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 1984. Đồng thời, theo dự báo của Bộ này, giá dầu thế giới trong năm 2023 được dự báo ở mức 95 USD/thùng. Do đó triển vọng bổ sung nguồn dự trữ dầu chiến lược của Mỹ trở nên rất mơ hồ.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản, nước này đã không nhập khẩu dầu của Nga trong tháng 9 vừa qua. Tính trong nửa đầu năm tài chính 2022 (từ tháng 4-9/2022), nước này đã giảm gần 60% nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga. Vào tháng 5 vừa qua, chính quyền Nhật Bản đã tuyên bố loại bỏ dần nhập khẩu dầu Nga. Đối với nhập khẩu LNG từ nước láng giềng, trong tháng 9, phía Nhật Bản đã giảm 10,7% sản lượng nhập khẩu từ Nga so với cùng kỳ, xuống còn 582.000 tấn. Tính trong nửa đầu năm tài chính 2022, sản lượng LNG nhập khẩu từ Nga tăng 2,2%. Các lô hàng được giao từ dự án Sakhalin-2.
KHÍ ĐỐT & LNG
Giá cước vận tải của các tàu chở LNG tiếp tục phá kỷ lục và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng khi mùa đông tới gần. Số liệu của Baltic Exchange cho thấy, chi phí vận tải LNG trong tuần này đã tăng lên 450.000 USD/ngày, cao hơn 6 lần so với thời điểm đầu năm 2022. Giới thị trường dự báo giá thuê tàu chở LNG trên các tuyến chính (như Texas - Bắc Âu) sẽ tăng lên 500.000 USD/ngày trong tháng 10 này do nhu cầu cao. Trước đó trong năm 2021, chi phí thuê tàu LNG đã dao động từ 30.000 - 300.000 USD/ngày.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, nước này có kế hoạch đưa vào vận hành các thiết bị đầu cuối LNG đầu tiên ở khu vực Wilhelmshaven và Brunsbuttel đến cuối năm 2022. Các chuyến giao hàng LNG đầu tiên thông qua terminal ở cảng Lubmin có thể sớm được thực hiện trong năm nay. Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế và Phát triển khí hậu Đức Robert Habeck cho biết, nước này sẽ hoàn thành hai đơn vị tái hóa khí nổi để tiếp nhận LNG vào cuối năm 2022. Hai đơn vị khác sẽ vận hành vào tháng 5/2023. Tổng công suất của các đơn vị này là khoảng 33 tỷ m3/năm. Cảng tiếp nhận LNG cố định đầu tiên của Đức dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Bộ trưởng Tài chính và ngân khố Thổ Nhĩ Kỳ Nureddin Nebati cho biết, nước này có khả năng mua và vận chuyển dầu từ nga mà không cần nguồn tài chính và bảo hiểm của phương Tây. Trước đó, Tổng thống Nga V.Putin đã thông báo về khả năng tạo ra một trung tâm khí đốt quốc tế mới ở Thổ Nhĩ Kỳ để thay thế cho nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream. Ý tưởng này đã được nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá tích cực.
LB NGA
Reuters trích dẫn một số nguồn tin trong ngành cho biết, Nga có thể tự đảm bảo đủ số lượng tàu để vận tải, giao dầu mỏ đến các khách hàng, bất chấp những hạn chế mà các nước G7 đưa ra. 80-90% sản lượng xuất khẩu dầu của Nga sẽ tiếp tục được bơm vào thị trường bất chấp những lệnh cấm vận. Xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga sẽ chỉ giảm từ 1-2 triệu thùng/ngày. Hãng vận tải Trafigura lưu ý, một đội tàu khá lớn vẫn có thể tiếp tục vận chuyển dầu cho Nga sau ngày 05/12 – thời điểm lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga của EU có hiệu lực. JP Morgan cho rằng, tác động của kế hoạch áp giá trần sẽ không đáng kể vì Nga có thể lách lệnh cấm gần như hoàn toàn bằng cách sử dụng các tàu của Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như đội tàu trong nước. Do đó, theo các chuyên gia phân tích ngân hàng, xuất khẩu dầu của Nga từ tháng 12 có thể sẽ chỉ giám 600.000 thùng/ngày. Hiện tại, các thương nhân kinh doanh dầu mỏ Nga đã rời khỏi Thụy Sĩ và London.
Chính phủ Nga có thể sẽ thu hồi về quỹ mỏ chưa phân bổ các lô dầu khí đã được cấp phép, nhưng chưa được đưa vào khai thác trong thời gian dài. Trong trường hợp thu hồi về quỹ mỏ chưa phân bổ, Nga có thể tổ chức lại đấu giá cấp phép đối với các lô dầu khí đã bị thu hồi. Theo Kommersant, dư luận đang quan tâm đến cụm mỏ khí Tambei. Hiện tại, giấy phép cụm mỏ này đang thuộc về Gazprom, nhưng được Novatek đặc biệt quan tâm đến cụm mỏ, nhất là mỏ Malyginskoye có trữ lượng khoảng 2000 tỷ m3 khí. Theo Chủ tịch Novatek Leonid Mikhelson, chiến lược khai thác tài nguyên ở Tambei nên chuyển hướng sản xuất LNG, thay vì chiến lược sản xuất khí đốt đường ống của Gazprom (dự kiến vào năm 2026). Ngày 02/09 vừa qua, Phó Thủ tướng Nga A.Novak đã chỉ đạo các Bộ Tài nguyên, Bộ Năng lượng và cơ quan Rosnedra phải hoàn thiện các đề xuất liên quan vấn đề trên trước ngày 26/11 tới.
PHÁT TRIỂN
Trung tâm chứng nhận và phân loại quốc tế trong lĩnh vực năng lượng DNV GL mới đây đã xuất bản báo cáo về Triển vọng Chuyển đổi Năng lượng mới năm 2022 (Energy Transition Outlook 2022). Theo báo cáo, năng lượng tái tạo sẽ tạo ra 83% sản lượng điện toàn cầu, trong đó điện mặt trời chiếm 38% và điện gió chiếm 31%. Tỷ trọng than và khí đốt thiên nhiên trong sản xuất điện sẽ lần lượt ở mức 4% và 8%. Đồng thời, sản lượng điện toàn cầu sẽ tăng từ 27.000 tỷ KWh hiện tại lên 62.000 tỷ KWh vào năm 2050. Nhờ quá trình điện khí hóa, tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng cuối cùng sẽ giảm xuống dưới 50%.
Đến năm 2050, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời sẽ tăng 22 lần so với mức hiện tại, lên 14.500 GW. Trong đó sẽ có 5.000 GW được trang bị các thiết bị lưu trữ năng lượng. DNV cũng dự báo, chi phí trung bình trên một đơn vị năng lượng (LCOE) cho các hệ thống điện mặt trời sẽ giảm từ mức hiện tại là 50 USD/MWh xuống còn khoảng 30 USD/MWh vào năm 2050. Điện mặt trời sẽ là nguồn điện rẻ nhất trên thế giới với biên độ rộng, mặc dù hiệu suất thấp hơn các công nghệ khác. Trong khi đó, công suất lắp đặt điện gió sẽ tăng 9 lần đến năm 2050. Tại châu Âu, năng lượng gió sẽ đảm bảo 50% sản lượng điện toàn khu vực. Khí đốt thiên nhiên sẽ vượt qua dầu mỏ, trở thành nguồn năng lượng sơ cấp lớn nhất vào cuối những năm 2040. Đồng thời vào giữa thế kỷ này, mức tiêu thụ khí đốt thiên nhiên sẽ thấp hơn khoảng 10% so với mức hiện tại. DNV cũng dự báo, tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2025.
Hội đồng Hydrogen (Hydrogen Council) mới đây đã xuất bản báo cáo về thương mại hydro – chìa khóa để khử carbon hiệu quả. Hầu hết lượng hydro tiêu thụ toàn cầu sẽ được vận chuyển trên quãng đường dài thông qua hệ thống đường ống và tàu vận tải. Đến năm 2030, tiêu thụ hydro toàn cầu dự kiến đạt 140 triệu tấn, trong đó 65 triệu tấn được vận chuyển đường dài. Đến năm 2050, mức tiêu thụ hydro toàn cầu dự kiến đạt 660 triệu tấn, trong đó 400 triệu tấn được cung cấp trên các chặng đường dài. Tỷ lệ khí hydro được vận chuyển trên quãng đường hơn 1000 km vào năm 2050 sẽ đạt 50% (khoảng 230 triệu tấn). Các dẫn xuất của hydro như nhiên liệu tổng hợp, amoniac chủ yếu sẽ được cung cấp cho các thị trường tiêu thụ xa. Theo Hydrogen Council, để tạo ra cơ sở hạ tầng giao thông hydro, thế giới cần đầu tư khoảng 1500 tỷ USD đến năm 2050.
Cơ sở hạ tầng vận chuyển hydro sẽ tiết kiệm cho người dùng cuối cùng tổng cộng 460 tỷ USD mỗi năm vì hydro và các dẫn xuất của hydro sẽ được sản xuất ở các khu vực có tiềm năng NLTT tốt nhất. Điều này sẽ làm giảm giá hydro trên toàn thế giới. Báo cáo cũng cho thấy, Mỹ, Trung Đông, Châu Phi, Úc, Chile, Nga và Na Uy có thể trở thành những nhà xuất khẩu hydro sạch hàng đầu, trong khi phần còn lại của châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ là những nhà nhập khẩu chính. Đến năm 2050, hydro “xanh” có thể được sản xuất với chi phí dưới 1,15 USD/kkg tại Mỹ, Trung Quốc, Trung Đông, Nam Mỹ, Namibia và Nam Phi, trong khi ở những nơi có quỹ đất hạn chế cho các dự án NLTT như châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có giá trên 1,8 USD/kg đến 2,4 USD/kg.

Các thành viên Ba Lan, Latvia, Litva và Estonia đã đề xuất EU cấm hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, cũng như áp đặt các hạn chế đối với một số hàng hóa khác của Nga, như kim cương. Theo trang tin Politico, việc tiến tới đồng thuận các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của EU đối với Nga đang ngày càng trở nên khó khăn do không đạt được sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Trước đó, tờ Investigate Europe cho biết, nhiều nước châu Âu không thể thay thế ngay lập tức nguồn nhiên liệu uranium của Nga cho các lò phản ứng hạt nhân, mà còn không thể thay thế công nghệ, linh kiện và các chuyên gia Rosation đang vận hành 18 lò phản ứng trong EU.