Thị trường ngày 14/11/2022
Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp thế giới tháng 10 tiếp tục xấu đi, tất cả các chỉ số phụ bao gồm sản lượng lẫn đơn đặt hàng mới đều sụt giảm, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn cầu tổng hợp JPM Global PMI mfg giảm -0,4 xuống còn 49,4 điểm (<50 điểm – suy giảm). Minh chứng rõ ràng nhất là xuất khẩu Trung Quốc trong tháng 10/22 đã lần đầu tiên sụt giảm -0,3% (yoy) kể từ năm 2020 xuống 298,4 tỷ USD, phát đi tín hiệu suy yếu nhu cầu tiêu thụ toàn cầu trong bối cảnh chi tiêu vào thực phẩm và nhiên liệu gia tăng.

 

Kim ngạch XNK giữa Trung Quốc và LB Nga tiếp tục tăng trong 10 tháng đầu năm 2022, cao hơn 33% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 154 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu hàng hóa LB Nga đạt 94 tỷ USD (+50%), Trung Quốc – 60 tỷ USD (+12,8%). Mục tiêu 2 nước đến cuối năm 2022 cán mốc 200 tỷ USD so với 147 tỷ USD năm 2021. Đáng chú ý, nhập khẩu dầu thô Trung Quốc tháng 10 tăng trở lại sau 5 tháng sụt giảm liên tiếp lên 10,16 triệu bpd (43,14 triệu tấn, tăng +7,2% so với tháng 9 và +14% yoy) trong bối cảnh đại hội ĐCS kết thúc và xem xét nới lỏng chính sách ZeroCovid, cũng như 2 nhà máy lọc dầu mới chuẩn bị được đưa vào hoạt động. Nhìn chung, lĩnh vực xuất khẩu Trung Quốc đang mất dần lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới, tỷ trọng hàng hóa tiêu dùng Made in China đã giảm đáng kể so với năm 2016.

Lạm phát khu vực Eurozone tháng 10 tiếp tục phá kỷ lục, chỉ số CPI ước tính tăng 0,8% so với tháng 9 lên 10,7% (yoy), bao gồm giá năng lượng tăng gần 42%, thực phẩm – 13%, các mặt hàng sản xuất công nghiệp – 6% và dịch vụ trên 4%. Tỷ lệ lạm phát cao nhất được ghi nhận tại 3 nước Baltic: Estonia (22,4%), Litva (22,0%) và Latvia (21,8%), thấp nhất tại Pháp (7,1%) và Tây Ban Nha (7,3%). Lạm phát cao hơn nhiều so với tốc độ điều chỉnh tăng lương đang khiến người lao động EU không hài lòng, dự kiến sẽ xảy ra nhiều cuộc đình công quy mô lớn (Bỉ, Pháp). Trước đó, đình công đã ảnh hưởng đến hoạt động TotalEnergies (Pháp) và hãng hàng không bắc Âu – SAS.

Eurostat ghi nhận mức độ tăng giá điện mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 tại CH Czech (+62%), Latvia (+59%) và Đan Mạch (+57%), cùng kỳ, giá khí đốt tăng mạnh nhất tại Estonia (+154%), Litva (+110%) và Bulgaria (+108%). Ở chiều ngược lại, chỉ số lạm phát tại Mỹ có xu hướng giảm, số liệu tháng 10 cho thấy, CPI đã giảm từ 8,25 xuống còn 7,75% (yoy), trong đó, lạm phát lõi (Core CPI không bao gồm năng lượng, thực phẩm) giảm xuống 6,28% (-0,35%). Nếu CPI tháng 11 tiếp tục hạ nhiệt, nhiều khả năng Fed sẽ chỉ điều chỉnh tăng tối đa 0,5% LSCB trong kỳ họp tháng 12/22 tới.


Theo số liệu Viện kinh tế thế giới Kiel (Đức), tổng số tiền phương Tây viện trợ cho Ukraine đã lên tới 126 tỷ USD, tương đương 97% GDP nước này trong năm 2022, trong đó, khoảng 75% – nguồn cung vũ khí hoặc tài trợ chi tiêu quân sự cho Kiev. Mỹ là quốc gia đóng góp nhiều nhất với số tiền tài trợ lên tới 55 tỷ USD, EU – 48 tỷ USD, các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan bất chấp tỷ lệ lạm phát tăng cao đã tài trợ cho Kiev lên tới 1,5% GDP của mình.

Bầu cử giữa kỳ tại Mỹ đến thời điểm này chưa đem lại kết quả mong đợi cho đảng Cộng hòa, nhiều khả năng đảng này sẽ chiếm được quyền kiểm soát Hạ nghị viện, nhưng Thượng nghị viện đã do đảng Dân chủ kiểm soát nhờ lá phiếu của Phó Tổng thống Kamala Harris. Kết quả bầu cử cuối cùng sẽ được công bố vào tháng 12, bang George thậm chí phải bầu lại vòng hai.

DẦU THÔ

Các quốc gia thành viên G7 (Anh, Đức, Ý, Canada, Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Úc) đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về việc áp dụng giá trần đối với dầu thô LB Nga xuất khẩu đường biển kể từ ngày 05/12 tới. Mức trần giá cụ thể sẽ được xác định đến cuối tháng 11 này, dự kiến ở mức 60 USD/thùng. Đáng chú ý, trần giá chỉ được áp dụng đối với giao dịch sơ cấp (lần đầu) và môi giới trên biển trước khi hàng cập bờ, các giao dịch tiếp theo diễn ra bình thường theo giá thị trường, bao gồm cả sản phẩm dầu mỏ được chế biến từ dầu thô LB Nga. Như vậy, G7 dự kiến áp dụng cơ chế cho phép các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa (trader) thu về toàn bộ lợi nhuận từ chênh lệch giữa giá trần với giá thị trường. Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố hướng dẫn thi hành lệnh áp trần giá giao dịch dầu thô LB Nga, theo đó, các lô hàng đưa lên tanker trước ngày 05/12/22 và bốc xuống tại cảng đến trước ngày 19/01/23 sẽ được miễn áp giá trần. Bên cạnh đó, LB Nga đã thực hiện xuất khẩu lô dầu thô thứ 2 sang Trung Quốc thông qua Tuyến đường biển Bắc cực.

Bất chấp tuyên bố cắt giảm hạn ngạch tượng trưng (-100.000 bpd), OPEC+ trong tháng 10 vừa qua đã tăng 220.000 bpd sản lượng khai thác lên mức cao nhất kể từ tháng 05/20 – 43,23 triệu bpd nhờ sản xuất Kazakhstan và LB Nga tăng mạnh với 180.000 bpd và 80.000 bpd tương ứng, trong khi KSA giảm 120.000 bpd. Như vậy, khối OPEC sản xuất được 25,37 triệu bpd (-30.000 bpd so với tháng 9), non-OPEC – 13,26 triệu bpd (+250.000 bpd), thấp hơn hạn ngạch cho phép -3,13 triệu bpd. Đáng chú ý, LB Nga và KSA sở hữu hạn ngạch bằng nhau, tuy nhiên, chênh lệch sản lượng khai thác thực tế 2 nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới thay đổi trái chiều sau sự kiện Ukraine. Nếu như trước đây LB Nga luôn khai thác vượt giới hạn, thì đến nay, nước này chỉ còn sản xuất 9,85 triệu bpd, thấp hơn mức cho phép -1,15 triệu bpd, KSA – 10,9 triệu bpd.

Số liệu thống kê LB Nga (không chính thức) cho thấy, sản lượng khai thác dầu thô và condensate tháng 10 đạt 10,8 triệu bpd (1,47 triệu tấn/ngày, bao gồm khoảng 8% condensate), tính chung 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng tăng 2,5% so với cùng kỳ 2021 lên bình quân 10,7 triệu bpd.

Saudi Aramco công bố đạt mức lợi nhuận ròng kỷ lục 130,34 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022 nhờ giá dầu thế giới ổn định ở mức cao. Mặc dù lợi nhuận quý III/2022 đạt được (42,2 tỷ USD) thấp hơn hơn quý II/2022 (48 tỷ USD), nhưng lũy kế từ đầu năm 2022 tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty vẫn duy trì cam kết chi trả 18,8 tỷ USD cổ tức mỗi quý, và đầu tư hàng tỷ USD nhằm tăng khả năng khai thác tối đa từ 12 triệu bpd dầu thô hiện nay lên 13 triệu bpd vào năm 2027. Sản lượng khai thác hydrocarbon Saudi Aramco trong quý III/2022 vừa qua ước tính đạt 14,4 triệu boe, trong đó 10,9 triệu bpd dầu thô. Công ty có kế hoạch tăng gấp 1,5 lần sản lượng khí đốt vào năm 2030. Saudi Aramco vừa thông báo sẽ tăng giá bán (OSP) tháng 12 đối với khách hàng châu Âu từ 0,2-0,8 USD/thùng, đồng thời giảm -0,4 USD/thùng cho khách hàng châu Á.

KHÍ ĐỐT & LNG

Gazprom trong 10 tháng đầu năm 2022 đã buộc phải cắt giảm gần -19% (79 tỷ m3) sản lượng khai thác khí đốt bởi hai lý do chính – xuất khẩu sụt giảm (-42,6%), tương đương -67 tỷ m3 xuống còn 91,2 tỷ m3 và nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm -5,6% (11,1 tỷ m3). IEA trong báo cáo mới nhất dự báo xuất khẩu Gazprom sang EU cả năm 2022 có thể sụt giảm -55% (y/y), tương đương -80 tỷ m3 xuống còn 60 tỷ m3, và nếu tình hình không được cải thiện, sang năm 2023, khối lượng này có thể tiếp tục giảm thêm -50% xuống 30 tỷ m3 hoặc thậm chí dừng hẳn về 0. Điều này sẽ tạo áp lực lớn lên nhu cầu EU nhập khẩu bổ sung LNG (ước tính thiếu hụt khoảng 30 tỷ m3), đặc biệt trong điều kiện thị trường Trung Quốc được dự báo phục hồi vào năm 2023 ngay cả khi EU đã thực hiện cắt giảm 10% nhu cầu tiêu thụ khí đốt (-40 tỷ m3 so với cùng kỳ 2021).

Mỹ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ việc Gazprom thu hẹp thị phần. Trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu LNG Mỹ sang EU đã đạt 48 tỷ m3, nhiều hơn 26 tỷ m3 so với cả năm 2021. Mỹ vươn lên chiếm vị trí nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 2 tại thị trường EU sau Na Uy.

Thời tiết chuyển lạnh đang khiến các nước EU bắt đầu phải rút khí từ hệ thống kho chứa ngầm (UGS), hiện đang đã tích trữ được hơn 102 tỷ m3, tương đương tỷ lệ lấp đầy 95,04%.

Mozambique lần đầu tiên trong lịch sử gia nhập câu lạc bộ các quốc gia xuất khẩu LNG, lô hàng đầu tiên đã được xuất khẩu sang châu Âu từ giàn khai thác/hóa lỏng khí đốt nổi Coral South tại thềm lục địa vùng biển Rovuma. Dự án Coral South công suất 3,4 triệu tấn LNG/năm, trữ lượng khí đốt cơ sở tài nguyên khoảng 450 tỷ m3 được nhà điều hành Eni (Ý) đưa vào vận hành từ tháng 07/22, các cổ đông còn lại bao gồm ExxonMobil, CNPC, Galp, Kogas và Công ty Dầu khí Quốc gia Mozambique. BP là đơn vị bao tiêu độc quyền toàn bộ sản lượng LNG Coral South.

XĂNG & ĐIỆN

IEA vừa công bố dự báo dài hạn hàng năm về triển vọng phát triển năng lượng thế giới đến năm 2050 (World Energy Outlook 2022), theo đó, tổ chức này đưa ra 3 kịch bản quá trình chuyển đổi năng lượng có thể xảy ra, bao gồm: Kịch bản chính sách đã công bố (Stated Policies - STEPS), phản ánh tất cả các ý định, mục tiêu chính trị được công bố đến thời điểm hiện tại về phát triển năng lượng và được hỗ trợ bởi các biện pháp chi tiết thực hiện chúng; Kịch bản cam kết công bố (Anounced Pledges - APS), tính đến tất cả các cam kết về khí hậu từ phía các quốc gia đưa ra; và Kịch bản Trung hòa phát thải ròng vào năm 2050 (NZE2050). Theo IEA, khủng hoảng năng lượng hiện nay và xung đột Ukraine đang góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sang các nguồn tái tạo, công nghệ phi phát thải carbon khác. Lần đầu tiên IEA đưa ra nhận định về trần tiêu thụ các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong cả 3 kịch bản, trong kịch bản chủ đạo – STEPS, tiêu thụ than đá dự bảo giảm nhanh trong vài năm tới sau thời gian ngắn tăng trở lại bởi khủng hoảng năng lượng hiện nay, trong khi nhu cầu khí đốt ổn định vào cuối thập kỷ này, nhu cầu dầu mỏ sẽ ổn định vào giữa thập kỷ 2030 (xấp xỉ 100 triệu bpd), sau đó giảm dần, nhưng mức giá vẫn duy trì xung quanh mốc 90 USD/thùng. Ngược lại, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ phát triển mạnh, nhờ những chương trình quy mô như Luật giảm lạm phát Mỹ, kế hoạch REPowerEU, cũng như các nỗ lực của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng sạch.


Trong cả 3 kịch bản phát triển năng lượng IEA, điện gió và mặt trời sẽ là hai nguồn cung cấp năng lượng lớn nhất đến năm 2050 (tới 45%), trong đó, năng lượng mặt trời chiếm vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được mục tiêu hạn chế sự nóng lên của Trái đất ở mức 1,5°C cần khoản đầu tư khổng lồ hàng năm lên đến 4.000 tỷ USD vào năm 2030.

Thực tế cho thấy, hai nền kinh tế tiêu thụ than đá nhiều nhất thế giới – Trung Quốc và Ấn Độ chưa có ý định giảm phụ thuộc vào loại nhiên liệu hóa thạch giá rẻ này. Nhu cầu than Ấn Độ vẫn chưa đạt đỉnh điểm ngay cả sau 2040, trong khi Trung Quốc tuyên bố kế hoạch giảm tỷ trọng điện than (tương đối). Tiêu thụ than tuyệt đối tại TQ vẫn sẽ tăng nhờ những khoản đầu tư khổng lồ vào NLTT (trong nửa đầu năm 2022 đã đầu tư 98 tỷ USD so với 12 tỷ USD tại Mỹ), cho phép nước này song song đưa vào vận hành mới 270 GW điện than trong tương lai.

Tất cả các chiến lược phát triển năng lượng Trung Quốc đều dự toán tăng sản lượng khai thác/tiêu thụ than đá tối thiểu đến năm 2030, có thể kéo dài đến năm 2035. Trung Quốc đang thực hiện chương trình thay thế các nhà máy nhiệt điện than cỡ nhỏ (100-200 MW) thế hệ cũ kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường bằng nhà máy công suất lớn (1-2 GW) phát thải thấp. Không chỉ đầu tư xây mới điện than trong nước, Trung Quốc còn tích cực xuất khẩu ra khắp thế giới, chủ yếu thị trường châu Á.

LB NGA

Xuất khẩu dầu thô đường biển LB Nga vẫn ổn định trong tháng 10, bất chấp thời hạn áp dụng lệnh trừng phạt đang đến gần. Theo dữ liệu S&P Global Commodities, khối lượng xuất khẩu đường biển đã tăng 3% lên trung bình 3,09 triệu bpd, xấp xỉ mốc 3,1 triệu bpd trước chiến dịch đặc biệt tại Ukraine. Thị trường châu Á chiếm tới 58% xuất khẩu, trong đó, sang Trung Quốc – 904.000 bpd, Ấn Độ – 883.000 bpd. LB Nga vượt cả Iraq (20%) lẫn KSA (16%trở thành nhà cung cấp số 1 tại Ấn Độ với 22% thị phần. Các nhà nhập khẩu châu Âu cũng đang tranh thủ mua dầu thô LB Nga trước ngày 05/12. Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp 3 từ 130.000 bpd lên 345.000 bpd, Hà Lan tăng 30% lên 229.000 bpd, Ý (nơi Lukoil sở hữu nhà máy lọc dầu ISAB) – 341.000 bpd (+5%).

Mức chiết khấu dầu thô LB Nga đang dần giảm và ổn định. Giá dầu Urals đạt mức bình quân 70,62 USD/thùng, tăng 2,4 USD/thùng so với tháng 9, bình quân từ đầu năm 2022 đạt 79,57 USD/thùng. So với giá dầu tiêu chuẩn Brent, chiết khấu tháng 10 ổn định ở mức gần -23 USD/thùng (25%), trong khi dầu ESPO so với Dubai chỉ còn chênh lệch -6,7 USD/thùng, giảm từ 12,9 USD/thùng hồi tháng 9.

S&P Global ước tính khoảng 2,5 triệu bpd dầu thô và sản phẩm dầu mỏ LB Nga sẽ phải tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới sau khi lệnh cấm vận EU có hiệu lực từ ngày 05/02/2023, Vitol ước tính từ 0,5 – 1,0 triệu bpd, Rystad Energy – ở mức xung quanh -2 triệu bpd trong giai đoạn 2023-2024, và LB Nga sẽ phải cắt giảm khoảng -1,5 triệu bpd sản lượng khai thác. Trong số các công ty dầu khí lớn LB Nga, Rosneft được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng ít nhất từ lệnh cấm vận dầu mỏ EU, bất chấp xuất khẩu chiếm tới 70% doanh thu, bởi trên 80% khối lượng xuất sang EU đi qua đường ống Druzhba tạm thời chưa bị cấm vận. Thị trường EU chiếm tỷ lệ 22-24%, châu Á – 25-29%, còn lại xấp xỉ 50% sản lượng khai thác dầu thô Rosneft được chế biến nội địa hoặc xuất khẩu sang các nước CIS.

Với việc phương Tây hạn chế cung cấp dịch vụ bảo hiểm, vận chuyển đường biển đối với dầu thô LB Nga giao dịch trên mức giá trần G7 (dự kiến 60 USD/thùng), các công ty dầu khí nước này sẽ phải tìm kiếm bổ sung khoảng 110 tanker để đảm bảo duy trì xuất khẩu 3,5 triệu bpd (cần 157 tanker loại Aframax, 65 Suezmax và 18 VLCC). Hiện LB Nga sở hữu 85 tanker loại Aframax, 30 tanker loại Suezmax và 15 tanker loại VLCC. Thiếu hụt nhiều nhất rơi vào tanker loại Aframax – 72 chiếc.

Cơ quan chống độc quyền LB Nga (FAS) đã có văn bản đề xuất chính phủ nước này điều chỉnh tăng 8,5% giá khí đốt Gazprom cung cấp ra thị trường nội địa cho cả lĩnh vực sản xuất công nghiệp lẫn hộ gia đình kể từ ngày 01/12 tới. FAS cho rằng, đợt điều chỉnh giá khí đốt nội địa lần này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát 10 tháng đầu năm 2022 – 12,63% và mức tăng 10% lương tối thiểu đã được điều chỉnh hồi tháng 07/22. Đợt điều chỉnh tăng giá khí đốt tiếp theo dự kiến thực hiện vào tháng 07/24. Ngoài khí đốt, FAS phê chuẩn cho nhà điều hành hệ thống đường ống dẫn dầu Transneft điều chỉnh tăng 6% cước vận chuyển dầu mỏ từ ngày 01/01/2023.

2 trong số 3 cổ đông nước ngoài lớn tại dự án khai thác dầu thô Sakhalin-1 đã chính thức đồng ý giữ nguyên cổ phần trong công ty điều hành mới Sakhalin-1 LLC (đăng ký tại LB Nga), bao gồm SODECO (Nhật Bản) – 30% và ONGC Videsh (Ấn Độ) – 20%. Như vậy, chỉ còn lại Exxon Mobil sở hữu 30% chưa đưa ra quyết định cụ thể, và gần như chắc chắn, công ty đã tự động từ chối cổ phần, bởi hạn chót nộp đơn xin chuyển giao là ngày 07/11/2022.

Công ty tư vấn cung cấp báo giá dầu thô Urals – Argus, được các công ty dầu khí LB Nga sử dụng làm cơ sở tính thuế đang thay đổi phương pháp tính, bởi sự kiện Ukraine đã thay đổi hoàn toàn cơ sở dữ liệu. Nếu như trước đây thị trường châu Âu chiếm tới 85% khối lượng xuất khẩu Urals, thì đến này chỉ còn 37%, trong khi châu Á-TBD tăng từ 8% lên 49%. Ngoài ra, tính minh bạch trong các giao dịch sau khi phương Tây trừng phạt LB Nga không còn. Khách hàng hầu hết từ chối cung cấp thông tin và thực hiện trong điều kiện bí mật. Do vậy, việc cung cấp báo giá dựa trên cơ sở giá tại các cảng đến châu Âu không còn phản ánh đầy đủ giá trị hợp lý dầu thô Urals. Từ ngày 10/11/2022, Argus bắt đầu công bố định giá dựa trên cơ sở giá bán tại cảnh xuất hàng LB Nga (FOB Primorsk, Ust-Luga và Novorossiysk) + chi phí giao hàng tới châu Âu (Rotterdam, Augusta), bao gồm cước vận chuyển, phí bến cảng và bảo hiểm.

Bộ Thương mại Mỹ quyết định tước bỏ quy chế nền kinh tế thị trường đối với LB Nga do vai trò ảnh hưởng nhà nước trong kinh tế ngày càng gia tăng, động thái này cho phép Mỹ thẳng tay áp dụng luật chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu LB Nga. Trước đó, Mỹ đã công nhận LB Nga là nền kinh tế thị trường từ năm 2002. Bên cạnh đó, bộ Tài chính Mỹ tiếp tục gia hạn giấy phép giao dịch năng lượng với các ngân hàng LB Nga nằm trong danh sách trừng phạt phong tỏa (SDN list) đến ngày 15/05/2023, bao gồm NHTW (CBR), VEB, Otkritie, Sovcombank, Alfa bank, Sberbank và VTB.

PHÁT TRIỂN

Theo dự báo của Global Carbon Project, phát thải khí CO2 toàn cầu trong năm 2022 sẽ tăng lên mức kỷ lục 36,5 tỷ tấn, tức tăng 1% so với năm 2021. Trong số các quốc gia phát thải hàng đầu, lượng khí thải CO2 ở Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 1% vào cuối năm nay do những hạn chế về sử dụng than đá. Lượng khí thải CO2 tại EU cũng được dự báo giảm (mặc dù lượng phát thải CO2 từ ngành than dự kiến tăng 7%, song sẽ được bù đắp bằng giảm phát thải CO2 trong lĩnh vực khí đốt, dự kiến ở mức 10% do nguồn cung từ Nga sụt giảm mạnh). Phần lớn sự gia tăng phát thải CO2 sẽ đến từ Mỹ và Ấn Độ. Tại Mỹ, lượng phát thải CO2 dự kiến sẽ tăng 1,5% trong năm nay trong bối cảnh số lượng các chuyến bay tăng lên. Tại Ấn Độ, lượng phát thải CO2 được dự báo sẽ tăng mạnh nhất, ở mức 6% so với năm 2021.

Theo Bloomberg, Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia khác đang hoàn tất một thỏa thuận tài chính khí hậu trị giá ít nhất 15 tỷ USD để giúp Indonesia sớm dừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện than trước đó. Vào tháng 10 vừa qua, công ty năng lượng nhà nước Perusahaan Listrik Negara (PLN) của Indonesia thông báo, hãng đang đàm phán với các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu để nhận hỗ trợ tài chính cho việc đóng cửa sớm các nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 6,7 GW. PLN đã cam kết ngừng hoạt động tất cả các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2056, trong khi Chính phủ Indonesia cam kết tăng gấp đôi tỷ trọng các nguồn NLTT trong cơ cấu năng lượng quốc gia, lên mức 23% vào năm 2025. Chính quyền Indonesia cũng đang làm việc với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để đẩy nhanh việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than.

Tập đoàn tiện ích hàng đầu Tây Ban Nha Iberdrola dự kiến sẽ đầu tư 17 tỷ euro vào lĩnh vực NLTT, nhằm đạt 52 GW công suất lắp đặt vào năm 2025. Đến năm 2025, Iberdrola sẽ phân bổ 24% tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực điện mặt trời, nhằm đạt 6,3 GW công suất lắp đặt. Về phân bổ đầu tư theo khu vực, thị trường Mỹ sẽ nhận được phần lớn vốn đầu tư của hãng. Tiếp sau đó là Brazil, Úc và EU (chủ yếu là Pháp và Đức). Để thúc đẩy việc triển khai các dự án NLTT, Iberdrola đặt mục tiêu tăng lực lượng lao động bằng cách thuê 12.000 nhân viên mới vào năm 2025. Ban lãnh đạo của Iberdrola kỳ vọng, các kế hoạch đầu tư kỷ lục trên phạm vi toàn cầu sẽ mang lại khả năng tự cung cấp và phục hồi tốt hơn cho hãng trước những cú sốc năng lượng ở những quốc gia mà hãng hoạt động thông qua con đường giảm sự phụ thuộc của nước sở tại vào dầu khí và theo lộ trình Net Zero.

Bên lề Hội nghị COP27 đang diễn ra tại Ai Cập, công ty NLTT Masdar (UAE) đã ký thỏa thuận với công ty tiện ích Hassan Allam Utilities về việc xây dựng trang trại điện gió trên bờ quy mô lớn nhất thế giới tại Ai Cập với công suất thiết kế 10 GW. Sau khi hoàn thành, trang trại điện gió này sẽ sản xuất 47,79 tỷ KWh điện mỗi năm để bù đắp 23,8 triệu tấn khí thải CO2, tương đương khoảng 9% lượng khí thải CO2 của Ai Cập. Trang trại cũng sẽ tiết kiệm cho Ai Cập khoảng 5 tỷ USD/năm chi phí khí đốt thiên nhiên và giúp tạo ra hàng nghìn việc làm. Trước đó vào tháng 4/2022, dưới sự bảo trợ của Chính phủ Ai Cập, Masdar và Hassan Allam Utilities đã thành lập các trung tâm hydro “xanh” dọc theo bờ Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Dự kiến đến năm 2030, tổng công suất các máy điện phân sẽ đạt 4 GW. Ai Cập có nguồn năng lượng mặt trời và gió dồi dào, cho phép sản xuất NLTT với giá rất cạnh tranh. Đây là yếu tố then chốt để sản xuất hydro “xanh”. Nước này cũng nằm gần các thị trường mà nhu cầu hydro “xanh” dự kiến sẽ tăng trưởng lớn nhất, mang lại cơ hội xuất khẩu tốt. Vào tháng 8/2022, Ai Cập đã ký thỏa thuận với nhóm các nhà đầu tư về sản xuất nhiên liệu “xanh” với tổng giá trị 30 tỷ USD.

Tập đoàn đầu tư điện lực nhà nước Trung Quốc (SPIC) mới đây đã đưa vào vận hành nhà máy điện mặt trời nổi thương mại công suất 500 KW đầu tiên trên thế giới, tích hợp với các tuabin gió ngoài khơi. Cơ sở nằm ngoài khơi tỉnh Sơn Đông, cách bờ biển 30 km, được xây dựng với sự hợp tác giữa SPIC và công ty Ocean Sun (Na Uy). Theo đó, hai nền tảng (platform) với 770 module năng lượng mặt trời (tổng công suất 500 kW) do Ocean Sun chế tạo, được kết nối với một máy biến áp tuabin gió do SPIC sở hữu. Các platform quang điện mặt trời được neo vào đáy biển và tuabin gió bằng hệ thống dây neo và dây cáp. Dự án sẽ giúp các đối tác đánh giá độ ổn định của năng lượng gió và sóng trong khu vực (theo thiết kế của dự án, các module điện mặt trời phải chịu được sóng cao 10 m). Hiệu quả làm mát của nước biển được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện hơn 10% hiệu suất phát điện của các module năng lượng mặt trời. Phía Ocean Sun cho biết, việc thực hiện thành công dự án sẽ mở ra tiềm năng phát triển các nhà máy điện tích hợp ngoài khơi, giúp cải thiện đáng kể hiệu suất và giảm chi phí trên mỗi đơn vị năng lượng (LCOE). Trong khi đó, chính quyền tỉnh Sơn Đông có kế hoạch xây dựng 42 GW công suất lắp đặt năng lượng mặt trời nổi trong vài năm tới.

Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã công bố các chính sách và mục tiêu mới nhằm thúc đẩy ngành sản xuất hydro trong nước. Là một phần của chiến lược hydro quốc gia, Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu sản xuất 30.000 xe thương mại chạy bằng nhiên liệu hydro vào năm 2030; xây dựng 70 trạm nạp nhiên liệu hydro lỏng và nâng tỷ trọng hydro sạch lên 7,1% trong cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm 2036. Song song với đó, chính quyền Hàn Quốc lên kế hoạch thiết lập một chuỗi cung ứng hydro sạch để “nuôi dưỡng” ngành công nghiệp hydro vươn ra toàn cầu và tạo ra nhu cầu quy mô lớn về sản xuất và vận chuyển điện nặng. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Bộ thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc sẽ tăng cường áp dụng các công nghệ tiên tiến đối với 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực hydro đến năm 2030. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và công nghệ thông tin, truyền thông Hàn Quốc sẽ thúc đẩy phát triển công nghệ điện phân nước trong nước, cũng như các công nghệ hóa lỏng và xử lý amoniac.