Thẩm định Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển lĩnh vực dịch vụ ngành Dầu khí giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025

     Ngày 27/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào chủ trì cuộc họp với đại diện một số Bộ, ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số đơn vị thành viên của Tập đoàn để thẩm định Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển lĩnh vực dịch vụ Ngành Dầu khí giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025.

     Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 09/03/2006 phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 và Quyết định số 233/QĐ-TTg ngày 18/2/2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025. Một nhiệm vụ nêu rõ trong Chiến lược và Quy hoạch là đẩy mạnh phát triển dịch vụ dầu khí. Gia tăng tỷ trọng doanh thu, phấn đấu đến năm 2010 đạt 20 - 25%, đến năm 2015 đạt 25 - 30% tổng doanh thu toàn ngành. Từng bước phát triển dịch vụ ra các nước, đặc biệt là dịch vụ kỹ thuật dầu khí.

     Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp Dầu khí, cùng với xu thế hội nhập hiện nay thì dịch vụ dầu khí càng phải phát triển và cần có tính chuyên nghiệp cao. Do đó, việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển lĩnh vực dịch vụ dầu khí là hết sức cần thiết. Đề án Quy hoạch do Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ - Viện Dầu khí Việt Nam xây dựng áp dụng cho các lĩnh vực dịch vụ chuyên ngành dầu khí bao gồm kỹ thuật dầu khí, dịch vụ vận tải dầu khí, dịch vụ vận hành bảo dưỡng sửa chữa công trình dầu khí, dịch vụ tư vấn đầu tư khoa học công nghệ, dịch vụ đào tạo và cung ứng nhân lực, dịch vụ tài chính bảo hiểm và thương mại dầu khí. Đề án Quy hoạch đã phân tích và đánh giá tương đối đầy đủ, cụ thể về các nội dung như: tổng quan hiện trạng ngành Dầu khí Việt Nam và lĩnh vực công nghiệp dịch vụ dầu khí; công nghiệp dịch vụ dầu khí các nước khu vực và trên thế giới; phân tích, dự báo các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển dịch vụ dầu khí; quy hoạch phát triển; nhu cầu vốn đầu tư; đánh giá môi trường chiến lược và các giải pháp và cơ chế chính sách.

     Tại cuộc họp, nhóm soạn thảo Đề án Quy hoạch đã giải trình cho các ý kiến nhận xét và phản biện của Hội đồng thẩm định. Các ý kiến góp ý cụ thể sẽ được nhóm soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc, chỉnh sửa nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.

P.L. (nguồn: Bộ Công Thương)