Tập đoàn dầu khí nhà nước Indonesia Pertamina có kế hoạch xây dựng một nhà máy lọc dầu trong khuôn khổ hợp tác với tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga. Trong năm 2023, Pertamina có kế hoạch đầu tư lên tới 50 tỷ USD vào việc xây dựng và mở rộng các nhà máy lọc dầu hiện có của mình. Trong đó, khoảng 25 tỷ USD sẽ dành cho các dự án hợp tác với Rosneft. Đồng thời, chính quyền Indonesia không e ngại việc hợp tác với Nga trong lĩnh vực dầu mỏ, vốn có thể kéo theo nguy cơ bị Mỹ và châu Âu trừng phạt.
Vào năm 2016, Pertamina đã liên doanh với Rosneft thông qua công ty con Kiran Pertamina International (KPI) trong lĩnh vực lọc dầu của mình. Pertamina sẽ đầu tư 55% vốn vào doanh nghiệp này và phía Rosneft là 45%. Đến ngày 19/10 vừa qua, phía KPI cho biết, công ty có kế hoạch đầu tư 24 tỷ USD vào dự án xây dựng và vận hành nhà máy lọc dầu mới, tích hợp với Tổ hợp lọc và hóa dầu New Grass Root Refining and Petrochemical (NGRR) tại khu vực Tuban, đông Java cùng với Rosneft. Dự án Tuban NGRR sẽ sản xuất nhiên liệu chất lượng cao, phù hợp với tiêu chuẩn Euro V vì lợi ích tăng cường độc lập và an ninh năng lượng quốc gia của Indonesia. Theo Chủ tịch KPI Taufik Adityawarman, dự án Tuban hiện đang trong giai đoạn tư vấn lập thiết kế tổng thể (FEED) và lựa chọn nhà thầu. Tại một hội nghị quốc tế tại Bali, ông Adityawarman cho biết, khi nhà máy lọc dầu mới hoàn thành, công suất chế biến dầu thô của Indonesia lên 300.000 thùng/ngày. Đồng thời, Chủ tịch KPI kỳ vọng dự án sẽ được thực hiện đúng kế hoạch, tức là vào năm 2025. Tuban NGRR là một trong những dự án chiến lược và ưu tiên quốc gia của Chính phủ Indonesia.
Trong khi Nga – một thành viên của G20, đang chịu áp lực trừng phạt nặng nề từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản do tiến hành hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine thì Tổng thống Indonesia Joko Widodo, chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay vẫn giữ thái độ trung lập về vấn đề này. Và ngay cả trong tình thế đối đầu gay gắt Nga - Mỹ/phương Tây, nhà lãnh đạo Indonesia vẫn đang nỗ lực làm sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ hợp tác và kinh tế với các nước khác, trong đó có Nga.
Vào tháng 6/2022, Tổng thống Widodo đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Nga Putin, đề xuất làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ông Widodo kêu gọi chấm dứt ngay các hành động thù địch. Indonesia gần đây đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia không công nhận việc sáp nhập các vùng lãnh thổ mới vào Nga. Mặt khác, Tổng thống Widodo không ngừng nhấn mạnh, nước này sẽ tiếp tục hợp tác với Nga trong lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch.
Cho đến nay, Pertamina đang nỗ lực tìm kiếm đối tác để thực hiện dự án cải tạo một nhà máy lọc dầu cũ ở miền trung Java. Năm 2016, tập đoàn dầu khí Saudi Aramco đã ký một thỏa thuận liên doanh với Permitana về dự án này, nhưng đến năm 2020, Pertamina đã từ bỏ nó và quyết định hợp tác với Rosneft.
Phía KPI chưa cho biết thêm về việc mở rộng hợp tác với Rosneft trong tương lai. Thứ trưởng Bộ Các dự án nhà nước Indonesia Pakala Mansuri cho biết, Bộ này không lo ngại nguy cơ bị Mỹ/phương Tây trừng phạt. Quyết định đầu tư cuối cùng của Pertamina và Rosneft vào dự án Tuban NGRR có thể được đưa ra sớm nhất vào đầu năm 2023.
Trật tự kinh tế quốc tế đang trên đà chuyển đổi nhanh chóng
Trang tin Global Times (Trung Quốc) mới đây đã có bài viết phân tích xoay quanh vấn đề này với nhận định, các hoạt động cấm vận Nga của Mỹ sẽ làm suy yếu quyền bá chủ của đồng USD.
Đã 8 tháng trôi qua kể từ khi nổ ra cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine. Không giống như cuộc chiến ở Kosovo, khủng hoảng Nga - Gruzia và các cuộc đụng độ ở Nagorno-Karabakh, cuộc xung đột hiện nay diễn ra ở trung tâm châu Âu này đang tích cực thay đổi cấu trúc toàn cầu và trật tự kinh tế quốc tế.
Đối với Mỹ và EU, cuộc chiến tranh “hỗn hợp” này đã chuyển sang tất cả các biện pháp trừng phạt, ngăn chặn và hòng làm suy yếu Nga. Tất cả nhằm mục đích tiếp tục mở rộng biên giới NATO về phía đông. Họ đang sử dụng một liên minh chống Nga để thúc đẩy sự hội nhập của châu Âu và châu Á, thậm chí để tạo ra một mặt trận thống nhất nhằm kiềm chế Nga và Trung Quốc. Kết quả là hình thành một xu hướng toàn cầu hóa và trật tự thế giới mới do phương Tây dẫn đầu. Khi các cuộc xung đột ở Ukraine gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài, trật tự kinh tế quốc tế đang đối mặt với sự chuyển đổi nhanh chóng.
Ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, trật tự kinh tế quốc tế đã bắt đầu trải qua những thay đổi ở nhiều cấp độ, bao gồm khái niệm, hệ thống, chiến lược và chính trị.
Về mặt khái niệm, phương Tây đã rất thất vọng trước quá trình toàn cầu hóa, vốn đang thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi và thế giới đang phát triển. Điều này dẫn đến sự phá vỡ cấu trúc quyền lực cũ. Một báo cáo gần đây của Chính phủ Mỹ đã nêu rõ, việc cho phép Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là một sai lầm lịch sử. Chính quyền Mỹ không chỉ rời bỏ việc ủng hộ tự do hóa thương mại mà còn bắt đầu lan truyền trong xã hội Mỹ rằng, toàn cầu hóa gây mất việc làm trong nước và tư tưởng chống toàn cầu hóa thịnh hành trong dân chúng. Dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ đang nhấn mạnh “giao dịch giá trị” và đang cố gắng tạo ra một khối lượng thương mại được chính trị hóa, nơi ý thức hệ trở thành tiêu chuẩn và mục tiêu là duy trì quyền bá chủ của Mỹ.
Ở cấp độ hệ thống, các cuộc đàm phán thương mại tự do đa phương theo cơ chế WTO đã gặp trở ngại và các hiệp định song phương và đa phương quy mô nhỏ và khu vực đã ra đời. Một số quy định mới xuất phát từ các hiệp định thương mại tự do khu vực có tiêu chuẩn cao hơn và phạm vi rộng hơn các quy định của WTO. Những thỏa thuận này có thể đóng vai trò là sự bổ sung hữu ích cho hệ thống đa phương. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển từ toàn cầu hóa sang khu vực hóa, Mỹ và một số nước phát triển khác đang cố tình bỏ qua các cơ chế đa phương như WTO. Họ trực tiếp đàm phán và đơn phương thông qua cái gọi là “tiêu chuẩn cao và quy tắc mới” nhằm cố gắng giữ vị trí lãnh đạo tuyệt đối với trật tự kinh tế quốc tế.
Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ bằng United States - Mexico - Canada Agreement (USMCA). Chính quyền nước này coi USMCA là hình mẫu cho các hiệp định thương mại trong tương lai, nhưng các điều khoản không phân biệt đối xử của nó vi phạm những nguyên tắc cốt lõi của thương mại tự do đa phương. USMCA chủ yếu tập trung vào đối phó với Trung Quốc và do đó đặt ra tiền lệ tiêu cực cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Mỹ và các bên khác. Mỹ/phương Tây lại tiếp tục hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ “nhạy cảm” của Trung Quốc. Mỹ đã thông qua đạo luật mới về chip điện tử, nhằm vào các công ty công nghệ cao của Trung Quốc như Huawei trong khuôn khổ các biện pháp ngăn chặn khả năng tiếp cận tiến bộ của Trung Quốc thông qua hợp tác kinh tế quốc tế.
Ở cấp độ chiến lược và chính trị, Mỹ và châu Âu đóng góp vào việc chính trị hóa hợp tác quốc tế và biến các mối quan hệ thương mại và kinh tế thành vũ khí. Phương Tây sử dụng sự thống trị truyền thống của mình trong hệ thống để đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc thông qua đe dọa trừng phạt, buộc những quốc gia khác phải chấp nhận quan điểm của họ. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden không chỉ tiếp tục chính sách thương mại của người tiền nhiệm mà còn nỗ lực hết sức để thu phục các đồng minh truyền thống về phe mình và cùng nhau chống lại Trung Quốc. Chính quyền Mỹ đang tích cực thúc đẩy kế hoạch tách các ngành sản xuất chủ chốt ra khỏi Trung Quốc, trong đó có chuyển dịch chuỗi cung ứng sang khu vực “thân thiện”. Mỹ và châu Âu đã thành lập một hội đồng công nghệ và thương mại chung (TTC).
Xung đột đang diễn ra ở Ukraine không chỉ làm trầm trọng thêm tất cả những điều trên mà còn đưa ra những thay đổi mới.
Thứ nhất, sự phát triển của cơ cấu tiền tệ và năng lượng quốc tế đã tăng tốc. Trong bối cảnh mâu thuẫn ngày càng leo thang giữa những nhà cung cấp và người tiêu dùng năng lượng, châu Âu đang tìm cách thoát khỏi hoàn toàn sự phụ thuộc vào Nga và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Đồng thời, Nga đang chuyển hướng sang châu Á và các khu vực khác ngoài phương Tây. Mỹ và châu Âu đã ngắt các tổ chức tài chính lớn của Nga khỏi hệ thống SWIFT, đóng băng dự trữ ngoại hối của nước này và thậm chí tịch thu tài sản. Điều này làm suy giảm niềm tin vào đồng USD và hệ thống tài chính quốc tế lấy Mỹ làm trung tâm. Những hành động như vậy đã thúc đẩy tất cả các quốc gia tìm kiếm các giải pháp thay thế tiền tệ. Trong tương lai, điều này sẽ tác động sâu sắc đến quyền bá chủ của đồng USD. Gần đây, sự đa dạng hóa tiền tiện trong xuất khẩu dầu của Saudi Arabia đã tăng tốc. Mối liên hệ giữa tiền tệ của Mỹ và dầu mỏ đã yếu đi. Trong dài hạn, sự thống trị của đồng USD có thể sẽ mất dần đi và khi đó hệ thống tiền tệ quốc tế sẽ trải qua những thay đổi về cơ cấu.
Thứ hai, Mỹ đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, giá lương thực và nguyên liệu cơ bản đã tăng chóng mặt. Một số quốc gia đã cắt giảm xuất khẩu, làm tăng thêm áp lực lạm phát ở nhiều nước và làm rung chuyển hệ thống tài chính. Nắm bắt cơ hội xung đột, Mỹ đang cố gắng cô lập Nga và Trung Quốc để cắt đứt mọi quan hệ giữa chuỗi cung ứng toàn cầu và hai cường quốc nêu trên càng sớm càng tốt. Vào tháng 5 năm nay, Mỹ và 12 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã khởi động Chương trình Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) nhằm cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Thứ ba, trật tự kinh tế quốc tế bước vào thời kỳ chuyển dịch cơ cấu. Trong hệ thống hiện tại, theo thông lệ, nguyên tắc đa phương chiếm ưu thế. Một số cơ chế quản trị lớn đang hiện hữu như WTO, IMF và WB. Sau khi bắt đầu xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và châu Âu đã hủy bỏ chế độ thương mại tối huệ quốc mà Nga được hưởng theo WTO, đồng thời xem xét khả năng loại Nga khỏi tổ chức này. WB và IMF đã đình chỉ hợp tác với Nga. Tuy nhiên, Nga là một bên tham gia quan trọng vào hệ thống kinh tế hiện đại. Do đó, các biện pháp trừng phạt và đáp trả, cũng như trò chơi chiến lược giữa Mỹ và EU, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ cơ chế tài chính. Ngoài ra, phía Mỹ không có ý định bù đắp những thiếu sót trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình, mà còn tạo ra những liên kết mới trong chuỗi cung ứng và cuối cùng là xây dựng một trật tự kinh tế và thương mại mới. Đặc điểm nổi bật của trật tự mới kiểu Mỹ này là nó chỉ tôn vinh Mỹ và loại trừ các quốc gia khác. Mục tiêu của nó là sử dụng các giá trị phương Tây như một thành phần ràng buộc để xây dựng một hệ thống duy trì sự lãnh đạo của phương Tây và bảo vệ quyền bá chủ của Mỹ.
Trong bối cảnh môi trường phức tạp và nghiêm trọng, tầm quan trọng về vai trò của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác, cũng như một số lượng lớn các nước đang phát triển càng trở nên rõ ràng hơn. Về xu hướng phát triển, quy mô kinh tế và ảnh hưởng của thế giới không phải do Mỹ tiếp tục phát triển. Ngược lại, tỷ trọng của Mỹ sẽ ngày càng giảm dần. Mỹ vẫn là siêu cường, nhưng sẽ không thể duy trì quyền bá chủ của mình, đồng thời họ cần phải phối hợp với các đồng minh và những cường quốc khác. Các thị trường mới nổi và những nền kinh tế đang phát triển sẽ nỗ lực giảm thiểu nguy cơ xung đột quốc tế, tăng cường hợp tác, tuân thủ nguyên tắc đa phương và nhất quyết thúc đẩy toàn cầu hóa gia tăng trên cơ sở cùng có lợi, cân bằng. Các nền kinh tế mới nổi sẽ giúp xây dựng một trật tự thế giới mở.
Nga sẽ bán dầu như thế nào sau khi bị áp giá trần dầu thô?
Các chuyên gia của trang tin Kommersant (Nga) mới đây đã có bài viết phân tích về cách thức Nga xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ ra thị trường quốc tế trong trường hợp Mỹ/phương Tây áp dụng giá trần đối với dầu mỏ của nước này.
Mới đây, hãng truyền thông Bloomberg nhận định, Nga đang xây dựng một hạm đội tàu chở dầu bí mật để lách các lệnh trừng phạt dầu mỏ của phương Tây. Theo đó, chính quyền Nga sẽ sử dụng một mạng lưới phức tạp gồm tàu, chủ tàu, cảng biển và hải trình an toàn để bán dầu mỏ ra thị trường quốc tế. Trong khi đó, Mỹ đang thảo luận về một lệnh cấm vận ít cứng rắn hơn. Đó là áp đặt giá trần đối với dầu mỏ Nga. Mức giá này có thể được quy định ở mức trên 60 USD/thùng.
Giới chuyên gia Nga đánh giá, vấn đề chính đối với phương Tây khi đưa ra mức giá trần không phải nằm ở chỗ mức quy định nên làm như thế nào, mà là làm thế nào để buộc cả thế giới phải tuân theo giá trị đã định. Trong đó, Ấn Độ và Trung Quốc là những khách hàng mua dầu mỏ chính của Nga. Cách rõ ràng là gây áp lực lên thị trường bảo hiểm và vận tải, nơi các công ty châu Âu có ảnh hưởng chính. Giới thị trường cho rằng, các chủ tàu sẽ từ chối vận chuyển dầu của Nga vì mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt.
Theo các chuyên gia tại Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga, giải pháp thay thế cho Nga là tạo ra một hạm đội tàu chở dầu bí mật (tức không rõ chủ sở hữu). Trong trường hợp các công ty phương Tây giám sát chặt chẽ giá dầu được mua, các công ty Nga sẽ trình cho họ các giấy tờ, văn bản xác thực mức giá bán 60 USD/thùng. Còn về mặt hình thức, người vận chuyển không có nghĩa vụ kiểm tra tính xác thực của các giấy tờ, tài liệu. Trong trường hợp các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ/phương Tây tìm ra lỗi và kiểm tra kỹ điều gì đó, Nga sẽ tạo ra một hạm đội tàu đặc biệt. Do đó, Nga sẽ có thể vận chuyển dầu của mình đi từ châu Âu sang thị trường châu Á. Đồng thời, các tàu chở dầu sẽ không gửi bất kỳ tài liệu nào cho Mỹ, đồng thời chỉ nhận vận chuyển dầu của Nga.
Theo Bloomberg, phía Mỹ đã bớt gay gắt về những điều khoản áp giá trần đối với dầu mỏ Nga. Giới hạn 60 USD/thùng dầu Urals hiện đang được thảo luận. Tuy nhiên, biện pháp giá trần sẽ được áp dụng đồng thời với việc châu Âu từ chối mua dầu của Nga bằng đường biển, cũng như việc Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không tham gia chính sách này, nên câu hỏi đặt ra là Nga sẽ bán dầu cho các đối tác châu Á với giá cụ thể như thế nào.
Một số nhà phân tích độc lập tại Nga đánh giá, nếu mức giá thực tế của dầu Urals nằm trong khoảng giữa giá dầu Brent và mức giá quy định của phương Tây, Nga sẽ vẫn duy trì bình thường sản lượng dầu xuất khẩu. Với giá dầu Brent từ 80 - 100 USD/thùng, Nga có thể duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu dầu trong một thời gian khá dài. Ví dụ, nếu giá thị trường đối với dầu Urals là từ 70 -75 USD/thùng, thì đây là giá bán chấp nhận được đối với Nga, đồng thời tương đương với mức giá trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Một câu hỏi khác đặt ra là liệu hạm đội tàu bí mật của Nga có thể chuyển hướng toàn bộ lượng xuất khẩu từ châu Âu sang châu Á được không. Các chuyên gia tại Viện Năng lượng và tài chính nhận định rằng, thế giới đã có tiền lệ là Iran. Theo một số nguồn tin từ phương Tây ước tính rằng, tổng sản lượng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của nước này ra thị trường ở mức 2,5 - 3 triệu thùng/ngày. Nếu kiểm tra lại các chỉ số từ vệ tinh theo dõi tàu, bộ phát tín hiệu, có thể thấy rằng, xuất khẩu dầu của Iran ra thị trường sẽ vào khoảng 500.000 thùng/ngày. Do đó, khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày đã được Iran bơm ra thị trường bằng những tàu chở dầu bí mật. Giới thị trường cho rằng, một số người mua dầu thậm chí không biết rằng họ đang thực sự mua dầu của Iran.
Tuy nhiên, xuất khẩu dầu của Nga lớn hơn đáng kể so với xuất khẩu dầu dầu của Iran. Trong năm 2021, Nga xuất khẩu trung bình trên 4,5 triệu thùng/ngày. Bên cạnh đó, có một rủi ro tiềm ẩn khác. Các cảng dầu lớn nhất của Nga nằm ở Biển Baltic. Về mặt lý thuyết, châu Âu có thể kiểm tra tất cả các tàu chở dầu ở lối ra khỏi biển. Giới chuyên gia nhận định, nếu thực sự điều này xảy ra, đây sẽ là một biện pháp cực đoan.


