Phân tích ngày 24/10/2022
Cuộc khủng hoảng nước toàn cầu có thể tàn phá ngành năng lượng

Trang tin Oilprice mới đây đã có bài viết phân tích vấn đề này với nhận định, sự khan hiếm nước có thể làm chệch hướng chuyển đổi “xanh” và thậm chí cản trở việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

Nước ngày càng khan hiếm do biến đổi khí hậu. Với sự khan hiếm nước ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, có những lo ngại rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng quy mô lớn sẽ còn khó khăn hơn. 

Trong nhiều năm, ngành công nghiệp năng lượng, giống như bất kỳ ngành công nghiệp nào khác, coi nước là yếu tố đầu vào hiển nhiên, coi nó như một nguồn tài nguyên vô tận. Nhưng khi chúng ta bước vào kỷ nguyên mới của các nguồn năng lượng tái tạo, hóa ra không dễ dàng để tìm được các nguồn nước cần thiết để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng. Và không chỉ NLTT có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi khan hiếm nước, mà tình trạng này còn cản trở sản xuất nhiên liệu hóa thạch và đe dọa an ninh lương thực. 

Trong những tháng gần đây, những đợt hạn hán khắc nghiệt trên khắp châu Âu và Mỹ cuối cùng đã khiến mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước. Giám đốc điều hành công ty năng lượng Snam (Italia) Stefano Venier đã nhấn mạnh những tác động to lớn của tình trạng hạn hán gần đây đối với an ninh lương thực và sản xuất năng lượng. Đợt hạn hán vừa quan được ghi nhận là tồi tệ nhất ở châu Âu trong vòng 500 năm qua. Mực nước sông đã xuống rất thấp, hạn chế giao thông thủy, gây thất thoát nước và giảm năng suất cây trồng mùa hè. Ông Stefano nhấn mạnh, chúng ta cần nhận ra giá trị và tầm quan trọng của nước đối với việc sản xuất năng lượng. Nếu không có nước và đủ lượng nước, con người không thể sản xuất năng lượng hoặc đủ nước cho các nhà máy điện. 

Hạn hán là điều đáng lo ngại đối với các nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân. Những cơ sở này sử dụng nước sông để làm mát các lò phản ứng hạt nhân. Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) thường lấy nước từ sông Rhone và Garonne, nhưng sự gia tăng nhiệt độ nước ở các con sông đã dẫn đến việc giảm sản lượng điện tại các nhà máy điện hạt nhân. Mực nước giảm cũng khiến các lĩnh vực khai khoáng khác như khai thác than, khó đạt sản lượng theo kế hoạch.

Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm nước gần đây gây bất lợi nhất cho các công trình thủy điện. Tại Mỹ, một số nhà máy thủy điện nằm dọc theo các con sông cạn, khiến chúng có nguy cơ khan hiếm nước vào năm 2050. Các tiểu bang có nguy cơ thiếu nước lớn nhất là Montana, Nevada, Texas, Arizona, California, Arkansas và Oklahoma. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Water cho thấy, 61% nhà máy thủy điện trên thế giới sẽ được xây dựng trong lưu vực có nguy cơ hạn hán hoặc lũ lụt rất nghiêm trọng. Ngoài ra, 20% số đập thủy điện sẽ nằm trong khu vực có nguy cơ lũ lụt cao. 

Các nhà khoa học hàng đầu của World Wildlife Fund (WWF) cho biết, các dự án thủy điện đang phải đối mặt với một loạt thách thức về địa chất thủy văn, từ khan hiếm nước đến lũ lụt. Và những rủi ro này được dự báo sẽ gia tăng ở nhiều vùng do biến đổi khí hậu. Các khu vực Tây Nam Mỹ, Nam Phi, Brazil đã ghi nhận sản xuất thủy điện giảm do mực nước giảm. 

Không chỉ châu Mỹ phải đối mặt với những thách thức về thủy văn. Vào tháng 8 vừa qua, Na Uy đã đe dọa hạn chế xuất khẩu điện do mực nước trong các hồ chứa thấp. Quốc gia này sản xuất 90% điện từ thủy điện, đã thắt chặt các quy định để ngăn chặn tình trạng cạn kiệt trong các hồ chứa. Hơn nữa, động thái này của Na Uy diễn ra chỉ vài ngày sau khi tuyến cáp điện ngầm dài nhất thế giới từ nước này đến Vương Quốc Anh được khởi công. Bộ trưởng Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy Terje Aasland cho biết, nước này cần một công cụ quản lý và an ninh để đảm bảo sự an toàn của nguồn nước cung cấp cho các cơ sở lưu trữ. Na Uy hiện đang triển khai một hệ thế giám sát tình hình nguồn nước. Nếu dung tích của các hồ chứa dưới mức bình thường trong vụ mùa hiện tại và tiếp tục giảm đến mức nghiêm trọng, nước này sẽ thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu. 

Các biện pháp hạn chế như tại Na Uy có thể trở nên phổ biến hơn nếu thời tiết thay đổi và tình trạng khan hiếm nguồn nước tăng lên. Đợt nắng nóng gần đây ở châu Âu đã vượt quá dự báo của các chuyên gia khí hậu với nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục ở một số quốc gia. Nắng nóng đã dẫn đến cháy rừng quy mô chưa từng có. Đây là một minh chứng thực tế về tác động của biến đổi khí hậu. 

Cũng giống như tình trạng khan hiếm nước gây bất lợi cho việc sản xuất năng lượng. Điều này cũng bất lợi cho sản xuất lương thực. Nhiều quốc gia lo ngại về an ninh lương thực của mình vì sản lượng đã giảm từ năm này qua năm khác. Nhiệt độ gia tăng và tình trạng khan hiếm nước có thể trở nên tồi tệ hơn. Mối quan hệ giữa nước, thực phẩm và năng lượng làm nảy sinh những lo ngại riêng biệt về tác động lên năng lượng của hai yếu tố còn lại. Và chúng ta thấy mối quan hệ này diễn ra theo hướng ngược lại: giá khí đốt tăng gây ra tình trạng thiếu phân bón, làm tăng tác động của tình trạng khan hiếm nước đối với năng suất cây trồng. 

Với sự khan hiếm nước ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, có những lo ngại rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng quy mô lớn sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu ngay cả việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch truyền thống cũng không thể tránh khỏi những tác động của tình trạng khan hiếm nước, thì tác động qua lại giữa yếu tố nước, thực phẩm và năng lượng có thể làm trầm trọng thêm tình hình. Điều này có nghĩa là các kế hoạch hành động khẩn cấp phải được thực hiện nhanh chóng để giảm thiểu tình trạng khan hiếm nước nhằm tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. 

Nga chuyển hướng sang Trung Đông thu hút sự chú ý của phương Tây

Trong tuyên bố của Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov về việc cắt giảm các cuộc tiếp xúc ngoại giao với các nước phương Tây, đồng thời tăng cường ngoại giao với các nước Trung Đông, giới thị trường cho rằng, Nga sẽ hướng về châu Á. Và điều này sẽ định hình chính sách kinh tế đối ngoại của Nga trong trung và dài hạn. 

Khép lại sự chú ý

Tuyên bố gần đây của ông Sergei Lavrov về việc giảm sự hiện diện ngoại giao ở các nước phương Tây đã được xướng lên không chỉ ở châu Âu mà còn tại nhiều khu vực khác, trong đó có Trung Đông. Một số ấn phẩm báo chí của Israel mới đây phân tích rằng, Nga đã từ bỏ “giọng phương Tây” trong chính sách đối ngoại. Điều này có nghĩa đánh dấu bước chuyển sang phương Đông. Hậu quả sẽ không phải là một cuộc chiến tranh lạnh mới mà là sự thay đổi lớn trên chính trường toàn cầu, trong đó có mục đích chấm dứt trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo. 

Sự quan tâm của báo chí Israel đối với các xu hướng mới không phải do lo lắng về tương lai của chính sách ngoại giao Mỹ. Báo chí nước này gần đây xoáy sâu vào những quan hệ hợp tác giữa Nga và Iran, cùng với Trung Quốc. Một tam giác mới Nga - Trung Quốc - Iran đang được hình thành. Bên cạnh đó là sự tham gia ngày càng tích cực hơn của Thổ Nhĩ Kỳ vào nhóm này. 

Các chuyên gia tại Viện nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Nga nhận định, chưa thể đánh đồng sự hợp tác giữa Nga, Trung Quốc và Iran với một liên minh chiến lược. Hiện tại vẫn còn quá sớm để nói về điều này mặc dù môi trường quốc tế xuất hiện một số thay đổi theo hướng trên. Các chuyên gia chỉ ra rằng, mâu thuẫn toàn cầu đang làm sâu sắc thêm tình trạng căng thẳng vốn đã rất gay gắt. Đồng thời, sự hiện diện của những nhóm lợi ích mới, nhất là một liên minh ba bên như trên sẽ làm tình hình thêm trầm trọng hơn. 

Thực tế cho thấy, chính sách ngoại giao của Nga ở Trung Đông trong nhiều năm qua dựa trên ý tưởng, cơ hội và nghệ thuật làm bạn với tất cả các nước, xây dựng mối quan hệ hữu ích với tất cả các quốc gia Trung Đông. Trong điều kiện hiện nay, điều quan trọng về mặt chính trị là giữ nguyên cách tiếp cận này với Trung Đông bởi thực tế là các quốc gia Trung Đông (gồm cả các quốc gia Ả Rập) thường có quan hệ nồng ấm với các quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ. Ở khu vực này, nhiều quốc gia duy trì sự trung lập, thân thiện đối với Nga, và ở đâu đó họ duy trì quan hệ hữu nghị với Nga. 

Các chuyên gia Nga tin rằng, việc duy trì và phát triển các mối quan hệ hữu ích này là rất quan trọng. Điều này có nghĩa là Nga không nên chỉ đứng về phía Iran, can dự vào các cuộc xung đột ở Trung Đông. Tất nhiên, Nga vẫn sẽ hỗ trợ Iran, nhất là khi nước này vẫn đang bị cô lập bởi loạt cấm vận của Mỹ/phương Tây. Thực tế cho thấy, Israel lại là đối tác quan trọng nhất của Nga ở Trung Đông trong vài thập kỷ và có một phần đáng kể dân Israel nói tiếng Nga. Nhìn chung, nếu Israel nỗ lực nhiều hơn, nước này có thể đạt được một vị trí cân bằng trong cuộc xung đột quân sự hiện nay giữa Nga và Ukraine. 

Theo các chuyên gia Nga, về triển vọng, khó có những bước đột phá trong quan hệ giữa Nga với nhiều nước Trung Đông, mặc dù quan hệ song phương tiến triển tốt. Tiến bộ khả thi duy nhất có lẽ là sự tham gia tích cực hơn của Iran vào các dự án trong khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á-Âu hay SCO. Đối với quan hệ Nga - Trung Quốc - Iran, việc hình thành một liên minh chiến lược là có khả năng song sẽ phụ thuộc lớn vào diễn biến tình hình khu vực và toàn cầu. 

Liên kết mới

Các chuyên gia của Viện Tài chính và Năng lượng tại Nga cho biết, Nga buộc phải chuyển hướng sang phương Đông với sự quan tâm ngày càng lớn hơn. Các dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt lớn đã và đang được nước này triển khai ở Vùng Viễn Đông, khu vực Siberia, trong đó có hai dự án lớn là đường ống dẫn dầu ESPO và đường ống khí đốt Power of Siberia. 

Đồng thời, trên thực tế, Nga không có quan hệ năng lượng ổn định theo hướng Bắc - Nam. Bằng chứng là Nga vẫn chưa thúc đẩy hợp tác năng lượng sâu rộng với Iran. Tuy nhiên, tình hình bây giờ có thể thay đổi. Bên cạnh đó, ở một mức độ nhất định, Iran thậm chí còn là một đối thủ cạnh tranh của Nga trên thị trường dầu khí. Các chuyên gia chỉ ra rằng, Nga hiện là nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ đường ống. Giờ đây, sự hợp tác giữa Nga và Iran giống như một giai đoạn trong lịch sử quan hệ giữa Liên Xô và Tây Âu. Tây Âu cần đầu tư vào ngành dầu khí, công nghệ đường ống và hệ thống đường ống dẫn khí đốt để đảm bảo nhu cầu năng lượng. Giờ đây, Iran cũng đang ở trong tình thế tương tự. 

Đối với lợi ích của Nga, điều quan trọng là nước này phải tiếp cận thị trường Ấn Độ và Nam Á nói chung. Tình hình chung đang phát triển theo chiều hướng xung đột giữa Nga và các nước phương Tây trở nên phức tạp và kéo dài hơn. Và điều này cho thấy rõ ràng sự cần thiết phải có một sự dịch chuyển lớn từ Tây sang Đông.