Trang tin Forbes (Mỹ) mới đây đã có bài viết phân tích những tác động của kế hoạch áp đặt giá trần đối với dầu mỏ Nga lên thị trường với nhận định, Mỹ/phương Tây sẽ rất khó để giành chiến thắng trong “trò chơi” này.
Các nhà kinh tế học thường phản đối việc kiểm soát giá cả. Hậu quả của động thái này là tình trạng thiếu hụt hoặc thặng dư. Do đó, điều đáng chú ý gần đây là một số nhà kinh tế học uy tín đã viết thư cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, trong đó họ ủng hộ việc áp đặt giá trần đối với dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, khía cạnh kinh tế của kế hoạch áp giá trần hoàn toàn không rõ ràng. Trong thời gian chiến sự, ngoài những tính toán về hiệu quả thị trường, các bên cũng cần cân nhắc những yếu tố phi thị trường. Đây là lý do tại sao cần phải tính đến những hậu quả mà việc áp đặt giá trần đối với dầu Nga lên thị trường toàn cầu.
Trong tháng 9 vừa qua, nhóm các nước G7 đã thống nhất áp đặt giá trần đối với dầu mỏ Nga. Lãnh đạo Bộ Tài chính Mỹ cũng đã tích cực vận động các nước khác tham gia kế hoạch này. Trước đó vào tháng 3/2022, Mỹ đã cấm vận nhập khẩu dầu và khí đốt Nga. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấm vận nhập khẩu dầu thô Nga bằng đường biển, dự kiến có hiệu lực từ tháng 12 tới.
Để hiểu rõ hậu quả sắp tới của kế hoạch nêu trên, trước tiên cần hiểu kỹ rằng, không thể phân biệt được “thùng dầu nào với thùng dầu nào” và không có nhà sản xuất nào có thể tác động đáng kể đến giá cả. Ví dụ, nếu giá xăng ở bang New York (Mỹ) đắt hơn ở bang Connecticut (Mỹ) thì tất cả các nhà sản xuất sẽ gửi nhiên liệu của họ đến New York và bang Connecticut sẽ bị bỏ qua. Do đó, giá xăng ở New York sẽ bắt đầu giảm và giá xăng tại bang Connecticut sẽ tăng cho đến khi giá nhiên liệu ở hai bang này bằng nhau. Sự chênh lệch giữa giá ở các tiểu bang khác nhau chủ yếu là do các chế độ thuế có hiệu lực ở đó và ở một mức độ nào đó là chi phí vận chuyển và tiếp thị.
Bây giờ ta suy rộng logic này ra thị trường quốc tế. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, nếu châu Âu và Mỹ cấm nhập khẩu dầu của Nga, nước này sẽ đáp trả bằng cách bán dầu của minh cho các nước khác. Đó chính là những gì mà Nga đang làm bây giờ. Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là khách hàng lớn của Nga.
Và đây là lúc chính sách giá trần có thể phát huy tác dụng – công cụ mà phương Tây sử dụng để mở rộng phạm vi trừng phạt chống Nga sang nhiều quốc gia hơn. Thoạt nhìn, chính sách này không khác nhiều so với một lệnh cấm hoàn toàn. Nếu một quốc gia áp giá trần đối với dầu Nga ở mức 60 USD/thùng (như theo đề xuất của Bộ trưởng Tài chính Mỹ), Nga sẽ bán dầu cho các nước không tham gia chính sách giá trần này. Chính quyền Nga đã tuyên bố rằng, đây chính xác là những gì họ sẽ làm. Mới đây, Phó Thủ tướng Nga A.Novak cho biết, nước này sẽ không cung cấp dầu cho những quốc gia hỗ trợ chính sách giá trần.
Dự báo trước được tình hình này, các nước phương Tây đang áp đặt thêm những hạn chế đối với các dịch vụ tài chính và bảo hiểm đối với các công ty vận chuyển dầu của Nga. Đây là đòn bẩy chính mà các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu hy vọng sẽ sử dụng để khiến các quốc gia khác đồng ý với kế hoạch giá trần. Nếu họ ủng hộ việc áp dụng giá trần, họ sẽ có quyền tiếp cận với các dịch vụ bảo hiểm của phương Tây, tức là có thể mua dầu của Nga.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sự can thiệp này dẫn đến sự can thiệp khác và sau đó lại tiếp tục, và tất cả chúng đều không mang lại thành công tuyệt đối. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi, liệu nước này có sẵn sàng ủng hộ kế hoạch giá trần hay không. Indonesia đang tỏ ra do dự và bày tỏ lo ngại rằng, tình hình địa chính trị hiện đang thúc đẩy chiến lược dầu mỏ. Ngoài ra, cho đến nay, các biện pháp trừng phạt của phương Tây vẫn chưa thể tước đi các nguồn tài trợ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine của Nga.
Để làm cho vấn đề trầm trọng hơn, liên minh OPEC+ mới đây đã quyết định cắt giảm hạn ngạch khai thác 2 triệu bpd trong tháng 11 tới. Điều này có thể đẩy giá dầu lên cao ngay khi Mỹ và châu Âu đang cố gắng kiềm chế giá trong tuyệt vọng. Các chính trị gia của Mỹ đã phải hứng chịu cơn bão phẫn nộ trước quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+. Một số nghị sĩ Mỹ thậm chí bắt đầu soạn thảo dự luật NOPEC mới.
Các chính trị gia tại Mỹ lo ngại về sự gia tăng giá xăng dầu ở Mỹ trong thời gian bầu cử giữa nhiệm kỳ hơn là tình hình ở Ukraine. Không ngạc nhiên khi OPEC cũng có những ưu tiên khác. Một số chuyên gia ở Trung Đông đánh giá, tổ chức này rất có thể muốn ngăn chặn sự suy giảm đầu tư vào dầu mỏ trong trường hợp giá dầu thấp. Suy giảm đầu tư vào dầu khí đang là thách thức lớn trong tương lai đối với ngành công nghiệp này.
Mọi nỗ lực tăng nguồn cung bằng cách gây áp lực lên OPEC đều có khả năng thất bại. Hơn nữa, quyết định cắt giảm sản lượng của các thành viên OPEC+ có thể không làm tăng giá đáng kể. Điều này một phần xuất phát từ việc các thành viên thường không đạt chỉ tiêu về hạn ngạch khai thác được phân bổ. Hơn nữa, OPEC không phải là tay chơi duy nhất trên thị trường. Có nhiều quốc gia khác không tham gia vào liên minh và bất kỳ nỗ lực nào nhằm điều phối các hoạt động sản xuất của họ có thể hoàn toàn vô ích.
Cuối cùng, việc áp dụng mức giá trần có thể thực sự làm giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga, nhưng điều này không có nghĩa là không được đảm bảo. Một động thái như vậy có thể dễ dàng phản tác dụng, gây ra một vòng bất ổn toàn cầu mới. Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt thiên nhiên cho châu Âu nếu mức giá trần đối với dầu mỏ Nga được đưa ra. Hậu quả sẽ là giá điện tại EU sẽ tăng mạnh hơn nữa và chính sách giá trần sẽ không đạt được kết quả như phương Tây kỳ vọng.
Với sự không chắc chắn như vậy, rất khó để nhìn nhận kế hoạch giá trần dưới góc nhìn lạc quan. Những người ủng hộ kế hoạch này được dẫn dắt bởi lập luận rằng, Mỹ/phương Tây phải làm điều gì đó hơn là không làm gì cả. Nhưng trong điều kiện hiện nay, không có gì để đảm bảo kế hoạch đó sẽ thành công.
EU báo động thiếu nguồn khí đốt Nga
Trang tin 1Prime mới đây đã có bài viết xoay quanh vấn đề này, cho biết, truyền thông châu Âu đang phàn nàn rằng, lĩnh vực công nghiệp ở Italia và Bỉ nên suy nghĩ về tương lai của họ. Câu hỏi đặt ra lúc này là khoảng bao nhiêu tháng nữa sẽ có đủ nguồn năng lượng cho hai quốc gia có năng lực sản xuất khá mạnh trong liên minh.
Lĩnh vực công nghiệp của EU trước mối đe dọa
Theo tờ báo Il Messdowro (Italia), hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp ở Italia có thể sẽ bị tạm ngừng trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 02/2023. Tổng thời gian ngừng hoạt động có thể lên tới 30 ngày trong trường hợp không còn nguồn cung khí đốt từ Nga.
Chính quyền Italia đã lường trước được thực tế như vậy trong khuôn khổ đường lối chung của EU về tiết kiệm tài nguyên năng lượng. Đường lối này còn bao gồm một quy tắc về giảm tiêu thụ khí đốt một cách tự nguyện (giảm 15% tiêu thụ trong khoảng thời gian từ 01/08/2022 đến hết ngày 31/3/2023) và trong một số trường hợp nhất định, quy tắc này sẽ được áp dụng bắt buộc tại châu Âu. Trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt từ ngày 01/11/2022, Italia sẽ không nhập khẩu đủ 6,45 tỷ m3 khí đốt cho nhu cầu của mình. Điều này có nghĩa là kịch bản đóng cửa các doanh nghiệp công nghiệp hay thiếu hụt khí đốt cho tiêu dùng là không thể tránh khỏi.
Bên cạnh Italia, tình hình trong lĩnh vực công nghiệp của Bỉ cũng đã trở nên trầm trọng hơn đáng kể. Trong tháng 8/2022, sản xuất công nghiệp của Bỉ đã giảm 10,3% so với tháng 8/2021. Tình hình càng trở nên cấp bách hơn khi đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ tiêu sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Đồng thời, cộng đồng chuyên gia tại Bỉ cho biết, có nhiều công ty sử dụng rất nhiều năng lượng tại Bỉ. Giá cả năng lượng cũng như chi phí thuê nhân công đang tăng nhanh hơn so với các nước khác. Sự phục hồi nhanh chóng sản xuất công nghiệp là khó có thể xảy ra. Như vậy, cả trong trường hợp của lĩnh vực công nghiệp tại Bỉ, lẫn cả các doanh nghiệp của Italia, nguồn gốc của những vấn đề khó khăn hiện nay nằm ở sự thiếu hụt năng lượng trầm trọng. Đồng thời, một trong những nguồn cung cấp năng lượng quan trọng nhất cho châu Âu (và không thể thay thế đối với một số ngành công nghiệp của châu Âu) vẫn là từ Nga. Đến năm 2022, nguồn cung năng lượng từ Nga bắt đầu giảm vì nhiều lý do. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu “nhiên liệu xanh”, đẩy giá nhiên liệu tăng cao đối với người tiêu dùng toàn châu Âu.
Liệu có một giải pháp nhanh chóng?
Trong một thời gian dài, một cuộc thảo luận sôi nổi về chủ đề an ninh năng lượng đã diễn ra ở EU. Trước mối đe dọa chính, các chính trị gia châu Âu và truyền thông tại đây (vốn hướng về Mỹ một cách vô điều kiện) đã đưa ra đề nghị với Gazprom với lý do cáo buộc nhà cung cấp khí đốt Nga độc quyền tại thị trường châu Âu. Sự chuyển đổi trọng tâm đã được vận động từ các hợp đồng cung cấp khí đốt đường ống dài hạn sang các hợp đồng giao ngay, chủ yếu để hỗ trợ việc nhập khẩu nhiên liệu LNG. Biện pháp này nhằm mục đích thúc đẩy cạnh tranh giữa những nhà cung cấp và do đó, thiết lập mức giá hấp dẫn hơn đối với người mua.
Tuy nhiên, vào giữa năm 2021, thị trường khí đốt đã có biến động lớn. Khối lượng khí đốt giao ngay không đủ và giá giao ngay bắt đầu gia tăng, liên tục lập kỷ lục mới. Tình hình được dự báo sẽ còn tồi tệ hơn trong tương lai. Và mới nhất, vụ nổ các nhánh đường ống của Nord Stream 1 & 2 đã đặt ra câu hỏi về sự an toàn của việc vận chuyển khí đốt Nga đến châu Âu. Có lẽ, những lo lắng của người tiêu dùng Bỉ và Italia là vô ích và câu hỏi đặt ra là ngành công nghiệp châu Âu có hy vọng về nguồn cung năng lượng với giá cả phải chăng trong mùa đông sắp tới.
Các chuyên gia tại Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga đánh giá, nguồn cung khí đốt bằng đường ống vẫn ổn định và đáng tin cậy hơn so với các tàu chở dầu được thực hiện qua các tuyến đường biển. Khả năng tái hoạt động của đường ống Yamal-Europe (qua Ba Lan), cũng như vận hành nhánh thứ hai của đường ống Nord Stream 2 vẫn còn nguyên.
Có thể, nếu các bên vượt qua được tất cả những mâu thuẫn chính trị và kinh tế liên quan đến đường ống Yamal - Europe, cũng như thống nhất đưa Nord Stream 2 vào vận hành, sẽ làm giảm đáng kể căng thẳng trên thị trường khí đốt thiên nhiên ở châu Âu. Tuy nhiên, trong bối cảnh không có triển vọng rõ ràng để giải quyết những vấn đề này, cần có một giải pháp thay thế cấp bách và rõ ràng nhập khẩu LNG là một lựa chọn hợp lý.
Một số chuyên gia về LNG tại Nga cho rằng, không nên quá lạc quan vào giải pháp LNG thay thế khí đốt đường ống. Trong trường hợp đó, các thiết bị đầu cuối LNG ở châu Âu sẽ không đủ năng lực tái hóa khí nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, nguồn cung LNG toàn cầu đang bị siết chặt. Việc tăng nguồn cung LNG cho châu Âu sẽ làm giảm nguồn cung cho thị trường khác. Tình trạng này sẽ đẩy giá LNG cao hơn nữa.
Thách thức cho châu Âu ngày càng lớn hơn
Các sự kiện ở châu Âu đang diễn biến theo chiều hướng mà các vấn đề năng lượng sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu các công ty dầu khí nhà nước ngừng bán LNG cho châu Âu và các nước châu Á khác để đảm bảo đủ khối lượng cho nhu cầu nội địa vào mùa đông tới. Quyết định này của Trung Quốc đối với châu Âu có nghĩa là một vòng vấn đề mới trong lĩnh vực năng lượng. Nước này đã vượt qua Nhật Bản, đã trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới vào năm 2021. Bước sang năm nay, các nhà nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc được hưởng lợi lớn khi nhập và bán lại khối lượng đã mua cho thị trường châu Âu với giá cao để hưởng chênh lệch. Theo số liệu của Nikkei, Trung Quốc đã bán lại hơn 4 triệu tấn LNG trong tháng 8 vừa qua (tương đương 7% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của châu Âu trong nửa đầu năm nay).
Trong những ngày gần đây, giá khí đốt giao ngay tại châu Âu đã giảm gần 60% so với mức đỉnh của tháng 8, song giá vẫn ở mức rất cao. Động thái của Trung Quốc có thể dẫn đến việc cắt giảm nguồn cung LNG cho châu Âu và sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực khi mùa đông đến gần.
Đối với ngành công nghiệp châu Âu, điều này đồng nghĩa với việc mất thêm một nguồn nhập khẩu khí đốt thiên nhiên, có thể là rất quan trọng. Thiệt hại sẽ xảy ra đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất. Trong mọi trường hợp, lĩnh vực công nghiệp của châu Âu có thể bị suy thoái đáng kể vào mùa xuân năm 2023.
