Trang tin Vedomosti mới đây đã có bài viết phân tích về ý tưởng của Tổng thống Nga V.Putin khi chọn Thổ Nhĩ Kỳ làm điểm trung chuyển khí đốt Nga ra thị trường châu Âu trong tương lai.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga 2022 (REW 2022), Chủ tịch điều hành tập đoàn Gazprom A.Miller cho biết, tình trạng thiếu hụt khí đốt tại EU vào mùa đông 2022 - 2023 do nguồn cung từ Nga sụt giảm trong trường hợp thời tiết lạnh giá bất thường, có thể lên tới 800 triệu m3 khí đốt mỗi ngày.
Gazprom từng cung cấp cho EU từ 600 triệu đến 1,7 tỷ m3 khí đốt mỗi ngày trong các đợt cao điểm mùa đông. Khối lượng 800 triệu m3/ngày mà ông Miller đề cập tương đương 1/3 tổng lượng tiêu thụ khí đốt của châu Âu. Ông Miller lưu ý rằng, dữ liệu về dự trữ khí đốt tại các kho khí ngầm (UGS) ở EU nên được đánh giá trong bối cảnh hoạt động logistics khí đốt có sự thay đổi. Ông Miller nhận định, đến tháng 3/2023, sẽ chỉ còn lại 5% dự trữ khí đốt sẵn có trong các UGS ở châu Âu. Điều gì sẽ xảy ra với EU vào mùa đông tiếp theo 2023-2024? Rõ ràng là cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu không chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn mà có tính chất hệ thống và kéo dài.
Xuất khẩu khí đốt từ Nga sang EU đã giảm mạnh sau khi quân đội Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo tính toán của Vedomosti, dựa trên dữ liệu của Mạng lưới các nhà vận hành hệ thống vận chuyển khí đốt châu Âu (ENTSOG), tính đến đầu tháng 10/2022, trung bình Nga cung cấp khoảng 75 triệu m3/ngày cho EU, giảm 4,3 lần so với cùng kỳ tháng 10/2021.
Kênh xuất khẩu khí đốt chính của Nga sang EU hiện nay là vận chuyển qua hệ thống truyền tải khí đốt của Ukraine (hiện tại là 40-42 triệu m3 mỗi ngày). Phần còn lại đi đến EU thông quan đường ống khí đốt TurkStream kéo dài (qua vùng Balkan). Nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 đã bị ngừng hoàn toàn vào cuối tháng 8. Trong khi đó, vận chuyển khí đốt qua đường ống Yamal-Europe thực tế đã bị ngừng từ cuối năm 2021, còn Nord Stream 2 vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
Ngày 26/09 vừa qua đã xảy ra sự cố rò rỉ khí đốt tại 2 nhánh của đường ống Nord Stream 1 và 1 nhánh của đường ống Nord Stream 2 trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch và Thụy Điển. Để giảm giá khí đốt trong liên minh, EU đang thảo luận về việc đưa ra mức giá trần hoặc hành lang giá đối với khí đốt nhập khẩu, nhưng liên minh vẫn chưa đạt được lập trường chung.
Tại REW 2022, ông Miller cũng lưu ý rằng, có thể mất hơn 1 năm để khôi phục công suất của 2 đường ống Nord Stream 1 & 2. Phát biểu tại phiên toàn thể của diễn đàn, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, việc sửa chữa các đường ống dẫn khí đốt sẽ chỉ có ý nghĩa nếu chúng tiếp tục hoạt động phục vụ kinh tế và được đảm bảo an toàn. Đây là điều kiện tối quan trọng. Tổng thống Putin lưu ý rằng, hiện nay Nga đã sẵn sàng cung cấp khí đốt cho EU thông qua nhánh còn lại của đường ống Nord Stream 2, có công suất thiết kế 27,5 tỷ m3 mỗi năm. Lượng khí đốt này tương đương 8% tổng lượng khí đốt nhập khẩu hàng năm ở châu Âu. Tổng thống V.Putin ngụ ý rằng, quyết định nằm ở phía EU. Nga không giới hạn bất kỳ ai trong bất kỳ điều gì, đồng thời sẵn sàng cung cấp thêm khối lượng khí đốt trong giai đoạn thu đông.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cho biết thêm, việc vận chuyển khí đốt bị thiếu hụt tới EU có thể được chuyển từ Biển Baltic sang Biển Đen. Trong trường hợp này, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành trung tâm khí đốt lớn nhất đối với châu Âu. Lãnh đạo Gazprom cho rằng, đây là ý tưởng phù hợp và kịp thời, trong khi Bộ trưởng Năng lượng và tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez cho rằng, đề xuất này cần được thảo luận chi tiết.
Đánh giá về đề xuất của Tổng thống Nga, các chuyên gia của hãng kiểm toán KPMG cho biết, việc tạo ra một trung tâm khí đốt như vậy là hiện thực. Công nghệ hiện đại và vùng lãnh hải riêng thuộc Thổ Nhĩ Kỳ giúp nước này có thể nhanh chóng xây dựng năng lực mới trong khoảng vài năm. Trong khi đó, các chuyên gia tại công ty chứng khoán BCS World of Investments cho rằng, việc tạo ra một trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất nhiều thời gian hơn, từ 5 - 10 năm. Tuy nhiên, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể thay thế Nord Stream.
Các chuyên gia tại Trung tâm phát triển năng lượng Nga nhận định, vẫn chưa rõ người mua châu Âu sẽ nhận khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào. Để làm được điều này, cần phải mở rộng hệ thống truyền dẫn khí đốt ở Hy Lạp hoặc Bulgaria, vốn là vấn đề nan giải trong tình hình chính trị hiện nay.
Các nhà phân tích hoàn toàn đồng ý với đánh giá của ông Miller về tình trạng thiếu khí đốt vào mùa đông của châu Âu vào thời gian cao điểm của tiêu thụ và thời tiết lạnh giá. Ở kịch bản cơ sở, thâm hụt khí đốt ở EU sẽ vào khoảng từ 300-500 triệu m3/ngày, có tính đến việc giảm tiêu thụ 15% và tăng cung cấp LNG cho khu vực. Các chuyên gia lưu ý rằng, không có thêm nguồn cung LNG bổ sung nào tại châu Âu, do đó, lựa chọn duy nhất để giảm thiểu cuộc khủng hoảng năng lượng là giảm tiêu thụ khí đốt. Giá khí đốt của châu Âu trong kịch bản này có thể đạt mức 3.600 USD/1000 m3. Trong ngày 12/10, trên sàn giao dịch ICE (London), giá khí đốt giao ngay tại trung tâm TTF ở Hà Lan là 1610 USD/1000 m3.
Trước đó, các nước EU đã đồng ý giảm nhu cầu khí đốt 15%/ngày so với mức tiêu thụ trung bình trong 5 năm qua. Thời gian thực hiện từ ngày 01/8/2022,đến hết tháng 3/2023. Theo ước tính của Vedomosti, mức cắt giảm trong giai đoạn này sẽ vào khoản 58,5 tỷ m3. Các nước EU sẽ tự xác định các biện pháp để đạt mục tiêu này.
Lộ trình Đối tác chuyển tiếp năng lượng chỉ của G7 và Ấn Độ
Mới đây, các nước G7 gồm Đức, Italia, Canada, Pháp, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ đã tuyên bố rằng, họ sẵn sàng khởi động Quan hệ Đối tác Chuyển tiếp năng lượng (Just Energy Transition Partnership - JTEP) với Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Senegal trong năm nay. Mối quan hệ đối tác như vậy sẽ giúp các nền kinh tế mới nổi nêu trên chuyển đổi hệ thống năng lượng và nền kinh tế của mình từ than đá sang các ngành công nghiệp phát thải carbon thấp. Các chuyên gia của Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) tại Mỹ mới đây đã có bài viết phân tích về lộ trình này đối với Ấn Độ như một lời nhắn nhủ dọn đường có các chính sách của các nước có liên quan.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là diễn ra Hội nghị lần thứ 27 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP27). Các nước G7, bao gồm cả Mỹ, đang tìm cách xây dựng quan hệ đối tác tương tự như mối quan hệ được công bố tại COP26 với Nam Phi. Mối quan hệ đối tác đó được nhiều người cho là yếu tố chính trong quyết định giảm sự phụ thuộc vào than của Nam Phi, nhất là khi 90% sản lượng điện của nước này đến từ nhiên liệu than đá. G7 đã đề nghị cho Nam Phi mượn 8,5 tỷ USD để giảm sự phụ thuộc vào than, cũng như hỗ trợ người lao động và cộng đồng địa phương đang phụ thuộc vào nhiên liệu than.
Dựa trên việc thông qua Đạo luật giảm lạm phát (Inflation Reduction Act), Mỹ mong muốn giành lại vị trí lãnh đạo của mình trong chương trình nghị sự về khí hậu toàn cầu. Trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen đã công bố khoản vay 1 tỷ USD cho Quỹ công nghệ sạch của Mỹ và cho các JTEP trong tương lai với các nước đang phát triển.
JTEP với Ấn Độ và Indonesia phụ thuộc vào than sẽ được coi là một bước tiến quan trọng để đạt được mục tiêu đó và xây dựng theo mô hình Nam Phi. JTEP với Nam Phi nhằm thúc đẩy việc đóng cửa các nhà máy điện than và giúp chính phủ nước này chuyển sang các nguồn năng lượng sạch. Gần một năm sau khi hợp tác được công bố, các khoản tiền vẫn chưa được phân bổ và chưa rõ các khoản tiền tài trợ sẽ dưới dạng cho vay hay trợ cấp.
Câu hỏi đặt ra song song với đó là làm thế nào G7 có thể thực hiện JTEP với các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào than như Ấn Độ.
Than là nguồn năng lượng quan trọng nhất ở Ấn Độ, cung cấp gần 70% điện năng của đất nước. Ngành than đóng góp vào nền kinh tế địa phương tại hơn 50 quận và 6 tiểu bang ở nước này. Khai thác than và các ngành công nghiệp dựa trên than đá là sinh kế của khoảng 20 triệu người Ấn Độ. Công ty than Ấn Độ (Coal India Limited) thuộc sở hữu nhà nước đóng góp gần 8 tỷ USD tiền thuế mỗi năm cho chính quyền trung ương, tiểu bang và địa phương. Công ty Đường sắt Ấn Độ (Indian Railways), đơn vị vận tải hàng chục triệu hành khách mỗi năm và sử dụng hơn 1 triệu lao động, hỗ trợ giá vé cho hành khách bằng nguồn thu từ vận chuyển than.
Với hệ sinh thái than rộng lớn và sự phụ thuộc sâu sắc vào nền kinh tế than, Chính phủ Ấn Độ nên lập kế hoạch trước và đàm phán một thỏa thuận JTEP phù hợp với nước này nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Ngoài các lợi ích về khí hậu, một thỏa thuận như vậy còn vì lợi ích của G7, cho phép nhóm này hình thành mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với một nền kinh tế lớn như Ấn Độ. Thị trường Ấn Độ đang hấp dẫn các công ty và nhà đầu tư phương Tây.
Các chuyên gia của CSIS đã chỉ ra hai bước cần thực hiện đối với Ấn Độ.
Đầu tiên, nước này cần một khuôn khổ chính sách quốc gia về chuyển đổi năng lượng khỏi than đá. Khái niệm về một quá trình chuyển đổi công bằng phần lớn vẫn chưa được biết đến đối với các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ, các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân và các bên liên quan khác ở cả cấp độ liên bang và tiểu bang. Việc đánh giá chi tiết về số tiền và thời gian cần thiết cho quá trình chuyển đổi khỏi than của Ấn Độ vẫn chưa được thực hiện. Nói cách khác, Chính phủ Ấn Độ chưa rõ cần chi phí bao nhiêu để đóng cửa cơ sở hạ tầng than của mình và cần bao nhiêu tiền để đảm bảo sinh kế của 20 triệu người đang phụ thuộc vào kinh tế than.
Để xây dựng khung chính sách quốc gia, chính phủ nước này nên tạo ra một lực lượng chuyên trách để tham gia với các nhà hoạch định chính sách quốc gia, tiểu bang và địa phương, cũng như các nhà lãnh đạo ngành than, công đoàn và các bên liên quan quan trọng khác. Một kế hoạch quốc gia được thiết kế tốt phải dựa trên các cuộc tham vấn này và phải đủ linh hoạt để đáp ứng cá ưu tiên đang thay đổi cũng như những yếu tố bên ngoài. Bên cạnh đó, cần xác định kinh phí và thời gian cần thiết để đạt được một quá trình chuyển đổi bền vững.
Hầu hết các nước G7 như Mỹ đang ở giai đoạn thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng và có nhiều điều để cung cấp cho đối tác Ấn Độ như chia sẻ quy trình và kinh nghiệm trong việc tạo ra một khuôn khổ tầm quốc gia như vậy.
Thứ hai, khuôn khổ chính sách quốc gia của Ấn Độ về một quá trình chuyển đổi công bằng nên đóng vai trò là cơ sở cho các cuộc đàm phán với các nước G7. Điều này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ nhận đủ tài chính cho các dự án cụ thể của G7 nhằm dịch chuyển 20 triệu lao động khỏi ngành than. Kinh phí sẽ được huy động để sửa chữa và tái sử dụng các mỏ than và nhà máy điện, đồng thời đào tạo lại công nhân ngành than. Xử lý cơ sở hạ tầng than có thể bao gồm chuyển đổi đất và cơ sở hạ tầng liên quan cho các dự án năng lượng sạch và tạo ra việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Các điều khoản tài trợ cũng là vấn đề hóc búa. Ví dụ như đối với Nam Phi, các nước G7 muốn cung cấp tài chính chủ yếu dưới hình thức cho vay, trong khi Nam Phi lại thích tài trợ không hoàn lại. Một kế hoạch chuyển đổi được thiết kế tốt có thể ngăn ngừa các vấn đề nảy sinh và là cơ sở của các cuộc đàm phán với nước tài trợ. Điều này cũng có thể giúp các nước G7 tin tưởng rằng, các khoản đầu tư của họ sẽ được sử dụng hợp lý.
Nếu G7 và Ấn Độ muốn có một JTEP phù hợp với khí hậu thì Ấn Độ cần một kế hoạch hành động được xây dựng cẩn thận để tạo cơ sở cho đàm phán. Nếu không, nó có nguy cơ tạo ra một quan hệ đối tác “trên giấy” mà không có kết quả tích cực nào đối với khí hậu hoặc cho hàng triệu công nhân đang phụ thuộc vào ngành than đá.
An ninh cho cơ sở hạ tầng dầu khí dưới biển
Việc phá hoại hai đường ống khí đốt Nord Stream 1 & 2 có thể là khởi đầu của một cuộc chiến lớn chống lại cơ sở hạ tầng dưới biển trên khắp thế giới.
Theo cộng đồng chuyên gia, Việc phá hoại hai đường ống khí đốt Nord Stream 1 & 2 có thể là khởi đầu của một cuộc chiến lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng dưới nước của thế giới, vốn nằm rải rác ở tất cả các quốc gia ven biển. Hơn nữa, đường ống dẫn khí đốt là một trong những những mục tiêu dưới nước dễ bị tổn thương nhất. Không phải vô cớ mà hải quân các nước NATO bắt đầu tích cực tuần tra Biển Bắc, nơi tập trung một lượng lớn cơ sở hạ tầng sản xuất và truyền tải khí đốt khác nhau.
Hãng thông tấn Ritsaus dẫn nguồn tin từ lực lượng cảnh sát Đan Mạch vào ngày 04/10 cho biết, lực lượng này đã phát hiện các máy bay không người lái (UAV) không xác định nguồn gốc gần các mỏ khí đốt ở Biển Bắc. Tuần trước, một máy bay không người lái trái phép được phát hiện gần mỏ khí Halfdan B và gần mỏ khí Ruar.
Trước đó, máy bay không người lái trái phép cũng bị phát hiện ở Na Uy. Điều này xảy ra trùng hợp với sự cố một cáp ngầm nối hai khu vực Henningsvaer và Svolvaer bị đứt. Lực lượng chức năng Na Uy nghi ngờ có sự tác động từ bên ngoài và đang nỗ lực tìm kiếm các dấu vết, nghi do Nga thực hiện. Trong năm 2021, Nga đã bị cáo buộc làm hỏng mạng lưới giám sát dưới nước của Na Uy. Địa điểm xảy ra vụ việc nằm gần khu vực xảy ra vụ tấn công vào hai đường ống Nord Stream 1 & 2.
Theo www.submarinecablemap.com, tính đến đầu năm 2017, thế giới ghi nhận 428 tuyến cáp ngầm, với tổng chiều dài 1,1 triệu km. Hiện tại, truyền thông toàn cầu quan tâm nhất đến các khu vực nước và đáy của Biển Baltic và Biển Đen, vì ngoài các loại dây cáp điện, cáp quang, còn các các đường ống dẫn khí đốt của Nga đi qua chúng.
Biển Đen
Toàn bộ độ dày của Biển Đen từ độ sâu 100 - 200 m trở xuống đáy bị ô nhiễm bởi khí H2S với nồng độ chết người. Ở trung tâm của Biển Đen, vùng ô nhiễm H2S chỉ cách bề mặt nước khoảng 50m.
Ngoài ra, một lượng lớn đạn dược thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã được tìm thấy ở vùng biển này. Ngày 02/10/2022, lực lượng cứu hộ của Nga đã trục vớt khỏi đáy biển ngoài khơi bờ biển Novorossiysk một kho vũ khí lớn chứa vật liệu nổ trong chiến tranh. Trước đó vào ngày 12/06/2022, các chuyên gia từ Bộ Tình trạng khẩn cấp của Nga đã tìm thấy 688 kho đạn dưới đáy biển thuộc khu vực Vịnh Gilzovaya, gần thành phố Sevastopol. Hiện vẫn chưa rõ, các công việc trục vớt đạn dược có giúp làm sạch nước biển khỏi ô nhiễm H2S hay không.
Tại Biển Đen, đường ống dẫn khí đốt Turkstream có tổng chiều dài 1.100 km, chạy dọc theo đáy biển, trong đó có 910 km nằm dưới nước. Đường ống này gồm hai nhánh với tổng công suất 31,5 tỷ m3 khí mỗi năm. Ngày 22/09/2022, có thông tin cho rằng, Cơ quan An ninh liên bang Nga đã ngăn chặn thành công nỗ lực của các cơ quan đặc biệt Ukraine nhằm thực hiện hành động phá hoại và khủng bố tại một cơ sở dầu khí. Cơ sở này không được nêu tên, nhưng nó được xác định là đầu mối cung cấp năng lượng cho Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Bên cạnh đó, đường ống dẫn khí đốt thứ hai của Nga qua Biển Đen có tên là Blue Stream có tổng chiều dài 1213 km với công suất thiết kế 16 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Đoạn đường ống chạy dưới biển có chiều dài 396 km. Độ sâu của đường ống dưới đáy biển lên tới 2150 m trong môi trường H2S xâm thực.
Ngoài ra, ngoài khơi bán đảo Crimea cũng có các đường ống nối các mỏ dầu khí ngoài khơi Biển Đen với bán đảo. Đường ống dẫn khí đốt Krasnodar-Crimea cũng chạy dọc theo đáy eo biển Kerch. An ninh đối với các cơ sở hạ tầng đường ống nêu trên đã được phía Nga tăng cường. Theo một số nguồn tin khác nhau, cuối tháng 9/2022, Nga đã phát hiện nhiều vật thể giống máy bay quân sự không người lái ở ngoài khơi thành phố Sevastopol, bán đảo Crimea.
Hiện tại, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu lắp đặt một đường ống dẫn khí đốt dọc theo đáy Biển Đen, nối liền bờ biển của nước này với mỏ khí Sakarya. Đoạn đường ống nằm dưới nước của dự án có chiều dài 170 km.
Trong năm 2022, công ty Rumani Black Sea Oil&Gas đã bắt đầu sản xuất khí đốt từ đáy Biển Đen trong khuôn khổ dự án Midiya (MGD). Dự án bao gồm 5 giếng khai thác, một cơ sở sản xuất khí trên bờ và một đường ống dẫn khí đốt dưới biển, có chiều dài 126 km.
Biển Baltic
Vùng biển này cũng chịu những hậu quả nhất định sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Theo quyết định của Hội nghị Potsdam về việc phi quân sự hóa nước Đức, vũ khí hóa học của Đức đã được chôn vùi dưới đáy Biển Baltic. Một phần đáng kể lượng vũ khí này nằm ở khu vực đảo Bornholm (gần nơi diễn ra các cuộc tấn công vào đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 & 2), bao gồm 32000 tấn đạn dược (trong đó có 11000 tấn chất cực độc).
Đường ống Nord Stream 1 (gồm hai nhánh và dài 1224 km) và Nord Stream 2 (gồm hai nhánh và dài 1234 km) với tổng công suất vận tải khí đốt mỗi năm vào khoảng 110 tỷ m3 từ Nga sang Đức dọc theo đáy Biển Baltic. 3 trên 4 nhánh đường ống đã bị rò rỉ (giả thuyết tập trung vào bị nổ) ngày 26/09. Hiện tại, chỉ 1 nhánh còn lại của Nord Stream 2 có thể hoạt động.
Một đường ống dẫn khí khác là Baltic Pipe, nằm giữa Na Uy và Ba Lan, chạy qua vùng biển của Đan Mạch, được khánh thành vào ngày 27/09. Tổng công suất của đường ống này là 10 tỷ m3 mỗi năm. Nguồn khí kỹ thuật cho Baltic Pipe là đường ống dẫn khí ngoài khơi Europipe II, hiện có công suất 24 tỷ m3. Việc đấu nối được thực hiện ngoài khơi.
Ngoài ra, một đường ống dẫn khí đốt khác tại đây có tên Baltic Connector, được xây dựng vào năm 2019. Đây là đường ống dẫn khí đốt nối Ingo (Phần Lan) và khu vực Paldiski (Estonia) nhằm kết nối mạng lưới khí đốt của hai đất nước.
Khu vực Biển Bắc
Có lẽ mạng lưới đường ống dẫn khí đốt lớn nhất và rộng nhất nằm ở Biển Bắc. Ngày 14/10/1988, đường ống dẫn khí đốt Biển Bắc - châu Âu đã bắt đầu hoạt động. Nó kết nối hệ thống truyền dẫn khí đốt của Anh và lục địa châu Âu. Liên danh các tập đoàn quốc tế đã xây dựng và sở hữu đường ống dẫn khí này, trong đó Gazprom chiếm 10% cổ phần.
Đến năm 2004, đường ống dẫn khí đốt Langeled được đưa vào hoạt động. Đây là đường ống dẫn khí chính, nối mỏ khí đốt Ormen Lange (Na Uy) với cảng Easington (Anh), với công suất 25,5 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Trước khi đường ống Nord Stream được hoàn thành, nó là đường ống dẫn dưới nước có chiều dài lớn nhất thế giới. Ngoài ra, có 5 đường ống dẫn khí đốt khác chạy từ Na Uy sang Đức qua Biển Bắc. Tổng công suất vận tải của chúng đạt 58 tỷ m3.
Giờ đây, tất cả các cơ sở hạ tầng kỹ thuật dầu khí ngầm dưới biển đang bị đe dọa. Sự gián đoạn của Nord Stream cho thấy rằng, trong cuộc chiến năng lượng ngày nay, không có phương tiện cung cấp năng lượng nào có thể an toàn tuyệt đối. Cơ sở hạ tầng giao thông quá rộng và bị chia nhỏ nên trên thực tế, không thể đảm bảo tính toàn vẹn và tính an toàn của cơ sở hạ tầng dầu khí ngầm dưới biển. Câu hỏi rất cấp thiết hiện nay là liệu chiến tranh đường ống có thay thế cho chiến tranh đường sắt hay không.
