Ngày 06/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Nga A.Novak cho biết, nước này có kế hoạch ký kết thỏa thuận về trao đổi nguồn cung cấp dầu và khí đốt với Iran và cuối năm 2022. Ở giai đoạn đầu, Nga dự kiến cung cấp 5 triệu tấn dầu và lên đến 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho Iran. Các chi tiết kỹ thuật đang được thảo luận như vận tải, hậu cần, giá, thuế quan. Trang tin Vedomosti (Nga) mới đây đã có bài viết đánh giá xoay quanh vấn đề này với nhận định, đây là một tín hiệu cho liên minh Mỹ/phương Tây rằng, họ sẽ không thể tìm được loại nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu của Nga.
Giao hàng hoán đổi về bản chất là giao dịch trao đổi hàng hóa. Trong khuôn khổ thỏa thuận, các quốc gia có thể hoán đổi thị trường để giảm chi phí hậu cần, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho khách hàng, cải thiện tốc độ giao hàng hoặc đảm bảo cung cấp nguồn lực cho những thị trường không thể bán hàng trực tiếp. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Ouji cho biết, chính quyền Iran đã đề nghị Nga thực hiện trao đổi nguồn cung cấp khí đốt qua lãnh thổ của mình vào tháng 1 năm nay. Đến tháng 8/2022, lãnh đạo Bộ Dầu mỏ Iran cho biết, hai bên có kế hoạch ký kết thỏa thuận về hoán đổi nguồn cung cấp khí đốt trong tương lai gần.
Vào ngày 20/9, hãng thông tấn FARS của Iran dẫn nguồn tin từ Bộ Dầu mỏ Iran rằng, nước này sẽ sớm bắt đầu nhập khẩu 15 triệu m3 khí đốt/ngày từ Nga (tương đương 5,5 tỷ m3 mỗi năm) qua đường ống dẫn dầu trung chuyển qua lãnh thổ Azerbaijan. Trong số đó, 9 triệu m3/ngày được Iran nhập khẩu cho tiêu thụ trong nước và 6 triệu m3/ngày còn lại sẽ được thực hiện theo một thỏa thuận hoán đổi. Một khối lượng LNG tương đương sẽ được Iran chuyển đến các khách hàng của Gazprom từ các cảng ở miền nam Iran.
Các cuộc đàm phán về việc cung cấp nhiên liệu theo phương thức hoán đổi đã được đẩy nhanh trong bối cảnh Mỹ/phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ Nga. Từ ngày 05/12, lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với lĩnh vực xuất khẩu dầu của Nga bằng đường biển sẽ có hiệu lực, cũng như kiềm chế giá dầu của Nga. Các biện pháp tương tự liên quan đến các sản phẩm dầu mỏ sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 05/02/2023. Trước đó, vào tháng 3/2022, Mỹ và Anh đã từ chối nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Ngoài ra, các nước EU đang nỗ lực thiết lập giá trần hoặc hành lang giá khí đốt đối với những nguồn cung năng lượng từ Nga, song không đạt được lập trường chung.
Ngày 07/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF), Tổng thống Nga V.Putin cho biết, Nga sẽ không cung cấp khí đốt, dầu mỏ, than đá và những nguồn năng lượng khác nếu điều này không đáp ứng lợi ích của nền kinh tế quốc gia và không có lợi cho Nga. Trước đó vào tháng 8, kênh truyền thống Al Jazeera (Trung Đông) đưa tin rằng, trong khuôn khổ các cuộc đàm phán mới về chương trình hạt nhân của Iran, EU đã đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu từ nước này. Theo đó, sau 120 ngày kể từ khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran có thể xuất khẩu ra thị trường khoảng 2,5 triệu thùng dầu/ngày.
Các chuyên gia tại Quỹ An ninh Năng lượng quốc gia Nga cho biết, trong khuôn khổ thỏa thuận hoán đổi dầu, hai bên có thể đồng ý trao đổi nguồn cung cấp cho Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ có thể sẽ không đồng ý với một kế hoạch như vậy vì nước này tuân thủ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran. Việc hoán đổi có thể diễn ra nếu Ấn Độ công nhận nguồn cung dầu từ Iran là của Nga.
Theo hãng xếp hạng NRA (Nga), những nhà tiêu dùng tiềm năng nhiên liệu của Nga là các nước BRICS và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Iran có thể cải thiện mối quan hệ với người tiêu dùng cá nhân ở châu Âu và do đó mở rộng thị trường cho cả hai nước. Theo đó, trong tương lai, Nga có thể bán tới 30% sản lượng dầu và khí đốt theo cơ chế hoán đổi. Theo thời gian, Nga có thể đạt được các thỏa thuận tương tự với các thành viên OPEC khác.
Các chuyên gia tại công ty chứng khoán BCS Mir Investments (Nga) cho biết, thỏa thuận giữa Nga và Iran đặc biệt “thú vị’ trong bối cảnh Mỹ/phương Tây nỗ lực áp đặt giá trần đối với dầu thô Nga và nỗ lực dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran. Thỏa thuận hoán đổi với Iran gửi một tín hiệu đến các nước phương Tây rằng, họ sẽ không tìm được giải pháp thay thế cho dầu của Nga.
Triển khai các dự án CCUS tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) đang thu hút nhiều sự quan tâm trên thế giới. Danh mục các dự án CCUS nhằm thu giữ khí thải carbon từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong quá trình phát điện và công nghiệp đang hướng tới thu gom 1 tỷ tấn CO2 mỗi năm. Với tốc độ phát triển hiện tại, công suất CCUS toàn cầu được dự báo sẽ đáp ứng được kịch bản tăng 1,5 độ C nhiệt độ Trái Đất của Wood Mackenzie.
Hiện nay, sự phân bổ các dự án CCUS trên thế giới là không đồng đều. Khu vực Bắc Mỹ chiếm hơn 2/33 tổng công suất CCUS toàn cầu với sự tham gia của nhiều công ty dầu khí lớn. Phần lớn điều này được khuyến khích bởi chính sách pháp luật của Mỹ. Đó là chính sách ưu đãi tín dụng thuế cho việc thu gom carbon ở tại các dự án dầu khí. Trong khi công nghệ CCUS tại Canada được hỗ trợ thông qua thuế carbon cao; tiêu chuẩn nhiên liệu carbon thấp và các khoản tín dụng thuế. Tại châu Âu, các chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ xây dựng các trung tâm CCUS, bao gồm các khoản trợ cấp phát triển và cấp phép cho những dự án lưu trữ CO2 trong lòng đất.
Việc phát triển CCUS ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương lại là câu chuyện khác. Mặc dù đang phát triển, chỉ Úc và Nhật Bản hiện đang có các dự án CCUS đã đi vào hoạt động. Hầu hết các chính phủ trong khu vực mới chỉ công nhận rằng, hỗ trợ chính sách là điều cần thiết để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này. Câu hỏi đặt ra là, các chính phủ ở khu vực cần làm gì để đảm bảo sự gia tăng các dự án CCUS mới và các công ty dầu khí có thể đóng vai trò gì trong việc triển khai các dự án CCUS trên toàn khu vực.
Tình hình phát triển CCUS ở châu Á-Thái Bình Dương
Từ một khởi đầu chậm chạp, việc triển khai công nghệ CCUS ở châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng gia tăng. Mặc dù nhiều dự án vẫn còn rủi ro và cần thêm hỗ trợ về mặt pháp lý, công suất lũy kế dự kiến sẽ đạt 90 triệu tấn vào năm 2030.
Các nhà sản xuất LNG và các công ty thượng nguồn của Úc đang dẫn đầu lĩnh vực này trong khu vực. Bất chấp những thách thức, dự án CCUS Gorgon của Chevron tại Úc sẽ vẫn là dự án CCUS quy mô lớn nhất thế giới với kho chứa CO2 chuyên dụng (một số dự án quy mô lớn khác ở Bắc Mỹ thì sử dụng CO2 cho quá trình tăng cường thu hồi dầu).

Hiện nay, nhiều dự án LNG của Úc đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể với quá trình khử carbon. Ví dụ như các dự án Ichthys, Prelude và Barossa LNG có cường độ cacbon cao nhất trong số tất cả các dự án LNG tích hợp trên toàn cầu. Chính vì vậy, việc đầu tư CCUS trở nên cần thiết cùng với năng lượng tái tạo, điện khí hóa và pin để khử carbon trong quá trình sản xuất LNG.
Việc đầu tư CCUS tại Úc đang được thúc đẩy bởi một số chính sách và hỗ trợ pháp lý mạnh nhất trong khu vực. Kể từ năm 2021, các dự án CCUS có thể nhận được các khoản tín dụng carbon của Úc (ACCU), được sử dụng để bù đắp lượng khí thải hoặc. Bên cạnh đó, trong tháng 10/2022, Úc đã trao một số giấy phép đánh giá tiềm năng lưu trữ CO2 trong các bể trầm tích Carnarvon và Bonaparte cho những nhà đầu tư CCUS ngoài khơi trong tương lai.
Tuy nhiên, Úc sẽ cần phải phải tiến xa hơn nếu muốn phát triển các nguồn khí đốt mới. Theo ước tính của Wood Mackenzie, vẫn còn trữ lượng khoảng 2000 tỷ m3 khí đốt chưa được khai thác tại Úc. Việc khai thác nguồn tài nguyên này không chỉ thuận lợi khi giá khí đốt cao mà còn mở ra những cơ hội kinh doanh mới – khử carbon trong chuỗi giá trị và công nghệ CCUS là yếu tố mang tính cốt lõi.
Tại Trung Quốc, tiềm năng của CCUS đang thu hút các công ty dầu khí nhà nước và các đối tác quốc tế. Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNPC) đang lên kế hoạch xây dựng trung tâm CCUS đầu tiên của Trung Quốc ở bể trầm tích Junggar – nơi cho phép CNPC thu gom lượng lớn CO2 từ các cụm công nghiệp và lưu trữ chúng trong các mỏ dầu đã cạn kiệt. Cũng tại Trung Quốc, các tập đoàn Shell, ExxonMobil và CNOOC đã công bố biên bản ghi nhớ hợp tác để đánh giá dự án xây dựng trung tâm CCUS ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc tại Vịnh Daya.
Cho đến nay, cả kế hoạch kinh doanh khí thải carbon quốc gia của Trung Quốc và loạt chính sách hỗ trợ nhà nước cho CCUS vẫn không đủ cho lĩnh vực này phát triển ở quy mô lớn. Tuy nhiên, nếu làm đúng, tiền năng để các tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc chuyển đổi các tài sản thượng nguồn thành các trung tâm CCUS là rất cao.
Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia và Indonesia là những nước đi đầu trong việc triển khai CCUS. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện là khác nhau. Trong khi tập đoàn dầu khí Petronas đã nổi lên như một lãnh đạo khu vực với trọng tâm là dự án Kasawari, phía Indonesia vẫn ở giai đoạn khởi động.
Triển khai công nghệ CCUS ở châu Á như thế nào?
Sự thành công của các dự án CCUS tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ pháp lý cũng như tính khả thi về mặt thương mại. Ở hầu hết các quốc gia trong khu vực, các điều khoản tài chính thuận lợi, trợ cấp và tín dụng thuế, giá carbon và cấp phép lưu trữ carbon vẫn chưa được áp dụng. Một số tiến bộ đã được ghi nhận. Úc đã giới thiệu tín chỉ carbon. Trong khi Trung Quốc đã triển khai Hệ thống giao dịch khí thải (ETS). Các chương trình tương tự đang được xây dựng ở Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
Câu hỏi đặt ra cho các nhà phát triển là CCUS có giá bao nhiêu. Nếu không có tầm nhìn về doanh thu và tiết kiệm chi phí phát thải, các dự án sẽ bị đình trệ. Ngoài ra, các khuôn khổ pháp lý hỗ trợ, bao gồm sự rõ ràng về quy trình cấp phép, phân bổ các khoản nợ và tác động đến những điều khoản về tài khóa hiện tại phải rõ ràng. Các dự án CCUS châu Á cũng có thể xem xét huy động các khoản tín dụng từ doanh nghiệp và quỹ lớn nhằm bù đắp lượng khí thải của họ.
Suy nghĩ về các trung tâm CCUS tại châu Á
Các chính phủ và những nhà sản xuất dầu khí ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thường xem CCUS như một giải pháp phát thải carbon của từng dự án riêng lẻ. Điều này rất khác về quy mô và tầm nhìn tham vọng ở châu Âu và Bắc Mỹ, nơi mà chính sách và đầu tư đang hướng tới xây dựng các trung tâm CCUS quy mô thương mại lớn hơn và phức tạp hơn. Điều này liên quan đến các nguồn CO2 công nghiệp, có vị trí gần các kho lưu trữ CO2 trong lòng đất. Hiện nay, các dự án đầu mối (hub-projects) chiếm hơn 80% tổng số dự án CCUS đã được lên kế hoạch, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số này nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Wood Mackenzie cho biết, các dự án CCUS đầu mối cần phải được xây dựng tại châu Á. Úc và Trung Quốc hiện đang phát triển các dự án đầu mối, nhưng cần phải có nhiều tham vọng hơn nữa. Tập đoàn Shell đang tìm cách lưu trữ khí ô nhiễm trong các mỏ dầu khí cạn kiệt ngoài khơi Sarawak (Malaysia). Dự án này sẽ yêu cầu những hỗ trợ pháp lý, thương mại và kỹ thuật chuyên dụng.
Ngoài Úc, tốc độ phát triển các dự án CCUS trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương phần lớn sẽ không được quyết định bởi các công ty tư nhân mà bởi các công ty dầu khí nhà nước. Điều này có thể dẫn đến những kết quả khác nhau. Ở Trung Quốc, sức mạnh của chính sách kế hoạch tập trung đằng sau kế hoạch của các công ty dầu khí nhà nước có thể tác động đến việc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và phát triển dự án. Ở các quốc gia khác, rủi ro về sự thống trị của các công ty dầu khí nhà nước sẽ hạn chế khả năng tham gia sâu hơn của các công ty dầu khí quốc tế.
Đặt châu Á - Thái Bình Dương là trọng tâm của CCUS
Bất chấp động lực tăng trưởng số dự án CCUS trong khu vực, châu Á - Thái Bình Dương vẫn cần nhiều tiến bộ hơn nữa để đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Những người chơi ở thượng nguồn và các nhà sản xuất LNG không chỉ có thể khử carbon trong những dự án của mình mà còn mở ra “cánh cửa” thu giữ carbon cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ngoài chuỗi giá trị dầu khí.