Các mốc thời điểm đáng nhớ 1. Giai đoạn từ 1977 đến 1991: Dự án Liên hợp lọc hóa dầu đầu tiên được hình thành từ năm 1977 do Công ty Beicip của Pháp thực hiện tại Nghi Sơn - Thanh Hóa trên cơ sở nguồn tài trợ từ Quỹ UNICO, với công suất 6 triệu tấn/năm. Nhưng đến năm 1979, dự án đã dừng lại vì gặp khó khăn về nguồn vốn.
Đầu những năm 1980, theo Hiệp định Hợp tác kinh tế - khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Liên Xô, hai bên thống nhất địa điểm xây dựng khu Liên hợp lọc - hóa dầu tại thành Tuy Hạ, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Năm 1986, Viện Nghiên cứu thiết kế lọc hóa dầu Liên Xô đã hoàn thành luận chứng nghiên cứu khả thi. Đầu những năm 1990, đã thực hiện giải phóng một phần của 3.000ha mặt bằng và khảo sát địa chất sơ bộ, chuẩn bị các điều kiện phụ trợ. Song do tình hình chính trị và thể chế của Liên Xô thay đổi, nên dự án không tiếp tục triển khai được.
2. Giai đoạn từ 1992 đến 1996: Sau khi dự án Thành Tuy Hạ gặp trở ngại, việc tiếp tục chuẩn bị xây dựng Nhà máy lọc dầu (NMLD) đầu tiên của Việt Nam được Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hơn. Năm 1992, Chính phủ chủ trương mời một số đối tác nước ngoài liên doanh đầu tư xây dựng NMLD, trong đó có Liên doanh Petrovietnam/Total/CPC/CIDC do Total (Pháp) đứng đầu; CPC (Chinese Petroleum Corp) và CIDC (Chinese Investment Development Corp) của Đài Loan (Trung Quốc). Total đề xuất địa điểm xây dựng NMLD tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (PV) làm việc với các đối tác trên và dự kiến đặt tại Đầm Môn, vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được xây dựng trên diện tích gần 800ha gồm cả mặt đất và mặt biển, gồm 14 phân xưởng công nghệ, trên 30 hạng mục hệ thống/phân xưởng phụ trợ và các hạng mục công trình biển; diện tích các gói thầu chính xấp xỉ 600ha; hơn 150.000 tấn vật tư, thiết bị; hơn 5 triệu mét dây cáp điện; gần 17.000 tấn thép các loại… Để có được NMLD Dung Quất, hơn 7.000 chuyên gia, kỹ sư, công nhân, 67 nhà thầu trong, ngoài nước đã phải làm việc liên tục trong 1.000 ngày đêm và 178 ngày đêm nước rút… Năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp thị sát khu vực vịnh Dung Quất - Quảng Ngãi và đã phê duyệt về địa điểm xây dựng NMLD số 1 tại Quyết định số 658/QĐ-TTg và quy hoạch Khu kinh tế trọng điểm miền Trung, chính thức chọn Dung Quất - Quảng Ngãi làm địa điểm xây dựng NMLD số 1.
Việc lập luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết của dự án được tổ hợp gồm PetroVietnam, Total, CPC và CIDC tiếp tục thực hiện. Song đến tháng 9-1995, Total xin rút khỏi dự án do không đạt được thỏa thuận về địa điểm đặt nhà máy. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo PV mời đối tác thay thế và tháng 2-1996, PV và các đối tác nước ngoài ký tắt thỏa thuận lập luận chứng khả thi chi tiết. Tuy nhiên, kết quả của luận chứng nghiên cứu khả thi cho thấy không thỏa mãn hiệu quả kinh tế và tiềm ẩn khó khăn trong việc thu xếp tài chính. Phía nước ngoài đã đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ bằng cách cho dự án được hưởng một số ưu tiên, ưu đãi không nằm trong quy định của các điều kiện ban đầu. Vì vậy, đề nghị này không được phê chuẩn, nên cuối năm 1996, phía đối tác nước ngoài xin rút khỏi dự án.
3. Giai đoạn từ 1997 đến 1998: Sau khi các đối tác nước ngoài rút khỏi dự án, Chính phủ chỉ đạo PV tiếp tục lập luận chứng nghiên cứu khả thi và đến tháng 3-1997 hoàn thành với sự tham gia của các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Quốc phòng, Công nghiệp và Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 1998, trong lúc Petrovietnam đang triển khai dự án thì cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á diễn ra làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước trong khu vực, vì vậy việc huy động vốn thực hiện dự án gặp khó khăn.
4. Giai đoạn từ 1999 đến 2003: Tháng 8-1998, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga ký Hiệp định Liên chính phủ và thống nhất giao cho PV và Liên đoàn Kinh tế hải ngoại nhà nước Liên bang Nga cùng làm chủ đầu tư. Song trong quá trình thực hiện, hai bên không đạt sự đồng thuận đối với một số vấn đề, nên phía Nga rút khỏi dự án. Công ty liên doanh Vietross chấm dứt hoạt động.
5. Giai đoạn 2003 đến nay: Việt Nam thực hiện hình thức tự đầu tư và triển khai xây dựng NMLD theo Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hợp đồng chính xây dựng NMLD Dung Quất đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - chủ đầu tư - ký với Tổ hợp nhà thầu Technip gồm các nhà thầu Technip (Pháp), Technip (Malaysia), JGC (Nhật Bản) và Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha). Quá trình thực hiện dự án, tổng thầu Technip đã sử dụng hơn 100 nhà thầu phụ và nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ của Việt Nam.
|