Hiện Mỹ đang chiếm khoảng 20% sản lượng dầu và 25% sản lượng khí đốt toàn cầu. Hình minh họa Báo cáo của Wood Mackenzie được công bố vào ngày 18/4 cho biết, hiện Mỹ đang chiếm khoảng 20% sản lượng dầu và 25% sản lượng khí đốt toàn cầu. Tuy nhiên, sản lượng này được dự báo sẽ đạt đỉnh và bắt đầu giảm dần trong giai đoạn 2035–2040. Dù nhu cầu dầu khí vẫn còn cao trong ngắn hạn, nhưng nhiều yếu tố đang đặt ra nghi vấn về khả năng duy trì vị thế dẫn đầu của Mỹ trong dài hạn.
Một trong những thách thức lớn là sự vươn lên của công nghệ năng lượng ít phát thải carbon, đặc biệt là ở Trung Quốc. Cùng với đó, các nguồn tài nguyên dầu khí tại Mỹ đang dần cạn kiệt. Ông Robert Clarke, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu thượng nguồn của Wood Mackenzie, nhận định: “Mỹ đã có hai thập kỷ thành công trong khai thác dầu khí, nhưng để duy trì vị thế này trong tương lai sẽ không hề dễ dàng”.
Sản lượng có thể giảm mạnh sau năm 2035
Wood Mackenzie dự báo sản lượng dầu khí của Mỹ có thể giảm khoảng 1,7 triệu thùng dầu tương đương mỗi ngày trong giai đoạn 2035–2040. Tuy nhiên, nếu nhu cầu toàn cầu sụt giảm sớm hơn dự kiến và giá dầu chỉ còn khoảng 50 USD/thùng, quá trình suy giảm có thể diễn ra nhanh và trầm trọng hơn.
Tình hình này sẽ gây áp lực lớn lên khả năng thu hút vốn đầu tư của ngành dầu khí Mỹ, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế thương mại quốc tế của nước này. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp dầu khí Mỹ có thể buộc phải chuyển hướng sang chiến lược tối ưu hóa lợi nhuận từ những mỏ dầu khí đã bước vào giai đoạn cuối của vòng đời khai thác.
Toàn cảnh thay đổi trong cục diện năng lượng toàn cầu
Trong khi Mỹ đối mặt với nguy cơ suy giảm sản lượng dầu khí, Trung Quốc lại đang tăng tốc phát triển các công nghệ năng lượng ít phát thải như xe điện, pin lưu trữ và điện mặt trời. Báo cáo của Wood Mackenzie cho biết, thị phần toàn cầu của Trung Quốc trong những lĩnh vực này hiện đã vượt qua vị thế của Mỹ trong ngành dầu khí truyền thống.
Chiến lược để Mỹ giữ vững vị thế
Dù đối mặt với không ít khó khăn, báo cáo cũng chỉ ra một số hướng đi giúp Mỹ duy trì ảnh hưởng trên thị trường năng lượng toàn cầu. Đổi mới công nghệ khoan, khai thác các mỏ đá phiến chưa được khai thác hết, đặc biệt ở lưu vực Permian, được xem là yếu tố then chốt để kéo dài chu kỳ khai thác.
Cần đẩy mạnh đầu tư và đổi mới sáng tạo
Wood Mackenzie nhấn mạnh vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ số trong việc cải thiện hiệu quả khoan và giảm chi phí khai thác. Ông Robert Clarke nhận định, nếu các công nghệ này có thể giúp giảm điểm hòa vốn thêm 5 USD/thùng, thì ngành dầu đá phiến Mỹ vẫn đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, cần phải thăm dò thêm các mỏ dầu mới – đặc biệt ở những khu vực như Utica và Uinta. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đầu tư vào các khu vực này đã suy giảm đáng kể, làm ảnh hưởng đến triển vọng phát triển dài hạn của ngành.
Cải cách chính sách
Theo báo cáo, việc cải cách chính sách thuế và quy định pháp lý sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường ống liên bang. Tuy nhiên, Wood Mackenzie cũng cảnh báo Mỹ không nên quá lệ thuộc vào lĩnh vực thượng nguồn. Bối cảnh thế giới đang chuyển nhanh sang năng lượng sạch có thể khiến Mỹ gặp rủi ro, nếu không kịp thích nghi với những thay đổi mang tính cấu trúc trong ngành.
Tương lai ngành năng lượng Mỹ
Ngành năng lượng Mỹ vẫn còn cơ hội trong ngắn hạn, nhưng tương lai dài hạn lại đầy bất định khi thế giới dần dịch chuyển sang các nguồn năng lượng bền vững. Theo ông Clarke, chìa khóa để duy trì vai trò dẫn dắt là sự cân bằng giữa tiếp tục khai thác hydrocarbon và đầu tư vào công nghệ năng lượng carbon thấp – một bài toán không dễ nhưng buộc phải giải, nếu Mỹ vẫn muốn giữ vững vị thế trên trường quốc tế.
Nh.Thạch