
Cho đến giờ, có thể tự hào khẳng định rằng, 943 đại hội Đảng các cấp trong toàn Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã khơi dậy khát vọng đưa Tập đoàn vươn mình cùng đất nước, đã tạo ra ý chí mới, khí thế mới và một năng lượng mới cho tất cả đảng viên và cán bộ, nhân viên, người lao động. Đây là điều không dễ thấy trong công tác Đảng của một doanh nghiệp nhà nước.
Là người làm báo đã gần 45 năm, tôi đã dự rất nhiều đại hội Đảng từ trong quân đội, rồi của lực lượng công an; dự rất nhiều đại hội Đảng của nhiều doanh nghiệp nhà nước và cũng thấy được nhiều chuyện vui, buồn. Nhiều chuyện biết mà không ai dám nói, dám viết.
Với Petrovietnam, tôi cũng được dự 3 kỳ Đại hội Đảng bộ Tập đoàn và nhiều đại hội Đảng các cấp. Và thực sự cũng thấy được nhiều điều thú vị, đáng nói…, tất nhiên, cũng có đại hội còn có những khúc mắc.

Nhưng với đại hội Đảng các cấp của Petrovietnam lần này, được tổ chức từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 6 năm nay, quả thực có rất nhiều điều đáng suy ngẫm, thậm chí chưa từng có.
Đầu tiên phải nhìn nhận là công tác chỉ đạo đại hội rất phức tạp và đồ sộ. Bởi toàn Đảng bộ Tập đoàn có 943 tổ chức đảng các cấp gồm 113 đảng bộ cơ sở, 39 chi bộ cơ sở, 14 đảng bộ bộ phận và 777 chi bộ trực thuộc (trong đó có 4 chi bộ và 68 đảng viên ở nước ngoài) với tổng số 13.862 đảng viên.
Như vậy, Đảng bộ Tập đoàn phải chịu trách nhiệm với tất cả 943 đại hội. Và đại hội nào cũng thực hiện đủ 4 nội dung gồm: xây dựng văn kiện trình Đại hội gồm báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành khóa trước và thảo luận thông qua; đóng góp ý kiến cho văn kiện Đại hội Đảng cấp trên và Đại hội Đảng toàn quốc; bầu Ban Chấp hành khóa mới; bầu nhân sự đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên.
Chỉ trong 5 tháng từ tháng 1-2025 cho đến 15-6-2025, toàn Tập đoàn đã hoàn thành toàn bộ 943 đại hội, tính trung bình mỗi tháng có 128 đại hội, trung bình mỗi ngày diễn ra 4-5 đại hội. Đây quả là một khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi có sự chỉ đạo cực kỳ chặt chẽ, khoa học và thực sự dân chủ của Đảng bộ Tập đoàn.

Chúng tôi đã được đồng chí Trần Quang Dũng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn, người trực tiếp tham dự và chỉ đạo toàn bộ 30 đại hội đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn chia sẻ nhiều thông tin mang tính khái quát, tổng kết rất quan trọng về công việc của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn.
Trước hết, cần khẳng định rằng, đại hội Đảng các cấp trong toàn Tập đoàn năm nay diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt và ý nghĩa. Năm 2025 là năm Tập đoàn tròn nửa thế kỷ thành lập. Nhiệm kỳ 2020-2025 chính là “mảnh ghép hoàn chỉnh” của bức tranh tổng thể 50 năm xây dựng và phát triển Tập đoàn.

Đặc biệt, đúng vào cao điểm của các đại hội, ngày 9-4-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định đổi tên Tập đoàn từ “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam” thành “Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam”.
Việc đổi tên này đã minh chứng cho sự lớn mạnh của Petrovietnam, đồng thời thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối của Đảng, Chính phủ đối với Petrovietnam khi đã giao cho Petrovietnam một nhiệm vụ mới, trọng trách mới là đi tiên phong, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Quyết định này đã tạo ra niềm tự hào mới cho người lao động của Petrovietnam. Điều đặc biệt đáng tự hào là người lao động Petrovietnam đã hiện thực hóa tâm nguyện lớn lao của Bác Hồ: xây dựng thành công một ngành công nghiệp dầu khí vững mạnh cho đất nước.
Đến nay, Petrovietnam sau 50 năm hình thành và phát triển đã trở thành một doanh nghiệp đứng đầu cả nước trong lĩnh vực năng lượng; đã hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến phân phối vận chuyển, chế biến tàng trữ, kinh doanh xuất nhập khẩu… Và bước sang một giai đoạn phát triển mới, trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 dịch chuyển 5 lĩnh vực chính hiện nay thành 3 trụ cột phát triển gồm: Năng lượng, Công nghiệp và Dịch vụ kỹ thuật cao phù hợp với yêu cầu chuyển dịch năng lượng và chiến lược phát triển bền vững.
Đây là bước chuyển mang tính kỷ nguyên. Như đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn đã nói: “Đó là một bước chuyển để chúng ta dịch chuyển mô hình sản xuất kinh doanh, mô hình quản trị, mô hình phát triển”.

Một điểm đặc biệt nữa, trong 5 năm vừa qua, Petrovietnam đã hoàn thành xuất sắc 12/12 chỉ tiêu mà Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Trong đó, nhiều chỉ tiêu hoàn thành trước 1-2 năm, nhiều chỉ tiêu thiết lập kỷ lục và tự phá kỷ lục. Đó là điều chưa từng có trong lịch sử 50 năm của Tập đoàn.
Đội ngũ cán bộ nhân sự các cấp cũng được củng cố, kiện toàn, tạo ra sự ổn định thống nhất, đoàn kết. Trên các nền tảng đó, công việc của đại hội Đảng các cấp được triển khai một cách hết sức chuẩn mực, bảo đảm nghiêm túc, nguyên tắc, đồng bộ, tinh gọn. Tính nghiêm túc, nguyên tắc được thể hiện rõ qua việc chấp hành đầy đủ các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương và Đảng ủy Chính phủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp và được quán triệt, thực hiện nghiêm túc, nhất quán tại tất cả các đại hội.
Về tính đồng bộ, nhiệm kỳ này cho thấy sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ và xuyên suốt để bảo đảm các nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp phù hợp và đồng bộ với chiến lược phát triển cũng như kế hoạch 5 năm của từng đơn vị. Không còn tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” - nghĩa là cấp ủy Đảng ban hành nghị quyết một đằng, còn chính quyền lại xây dựng chiến lược theo hướng riêng rẽ. Thay vào đó, đã có sự đồng bộ và gắn kết chặt chẽ.

Đại hội Đảng các cấp lần này cũng đã bảo đảm sự đồng bộ giữa Nghị quyết của đại hội với Chiến lược phát triển của đơn vị và lực lượng con người để thực hiện Nghị quyết với tinh thần “Tinh - Gọn - Hiệu quả”. Đây là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn được quán triệt từ đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV đến tập thể, lãnh đạo các cấp trong toàn Tập đoàn.
Đảng lãnh đạo về chiến lược và công tác cán bộ, nhưng phải bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán trong toàn hệ thống. Chính sự gắn kết giữa công tác Đảng với đời sống doanh nghiệp đã thể hiện rõ sự đồng bộ và tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Tập đoàn.
Về tinh gọn, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn đã nhiều lần nhấn mạnh phải quán triệt thống nhất tinh thần đó trong việc chỉ đạo đại hội các cấp. Yêu cầu văn kiện phải gọn gàng, nhưng không được thiếu, không kể lể, phải tăng tính nhận định, đánh giá, phân tích thành công, khuyết điểm, nguyên nhân bài học và định hướng rõ ràng cho nhiệm kỳ mới.

Việc tinh gọn thể hiện ngay từ khâu chuẩn bị văn kiện. Có những đơn vị ban đầu xây dựng báo cáo chính trị dài đến 80 trang, sau đó rút xuống dưới 20 trang nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ các nội dung. Ngay dự thảo của văn kiện Đảng bộ Tập đoàn hiện chỉ 32 trang, ngắn gọn, súc tích chưa từng có trong lịch sử. Tinh gọn nhưng rất rắn rỏi, rõ ràng. Rắn rỏi trong nhận định, đánh giá, dứt khoát, mạch lạc. Rõ ràng được thì bảo được, chưa được cũng nói rõ là chưa được và không còn tình trạng kể lể dài dòng, tìm cách đổ lỗi cho khách quan.
Sự tinh gọn còn được thể hiện trong bố trí nhân sự với việc ưu tiên các vị trí then chốt, phù hợp yêu cầu chiến lược, bảo đảm hiệu quả, có khả năng thích ứng và dẫn dắt ở những lĩnh vực mới. Những lĩnh vực mới phải đi kèm với con người mới thuộc lĩnh vực đó để lãnh đạo triển khai nghị quyết của đại hội.
Tinh gọn trong tổ chức đại hội các cấp còn thể hiện ở thời gian. Trước kia, đại hội diễn ra 1-2 ngày. Nhưng bây giờ, có nhiều đại hội chỉ kéo từ nửa ngày cho đến 1 ngày, nhưng đầy đủ các nội dung theo quy định, từ công tác trù bị của đại hội cho đến đại hội chính thức.
“Đại hội” có nghĩa là “ngày hội lớn”, nơi mỗi đại biểu đều có quyền và phát huy vai trò, đóng góp thiết thực. Bởi vậy, một trong những thay đổi quan trọng của đại hội lần này là giảm thời lượng đọc báo cáo toàn văn tại hội trường, dành thời gian nhiều hơn cho thảo luận, tham luận. Tham luận cũng được yêu cầu tập trung đúng trọng tâm, gắn với nội dung văn kiện, làm sâu sắc thêm vấn đề, gợi mở giải pháp, tránh được tình trạng khuôn mẫu, giáo điều, vốn là “căn bệnh truyền kiếp” của không ít kỳ đại hội từ xưa tới nay.

Để đạt được mục tiêu tinh gọn đó, công tác chuẩn bị phải chuyên nghiệp, bài bản. Nếu không, rất dễ dẫn tới việc cháy kịch bản, vỡ kịch bản, lãng phí thời gian, giảm hiệu quả tổ chức. Một ví dụ nhỏ là việc ứng dụng công nghệ trong kiểm phiếu. Nếu như trước
đây kiểm phiếu thủ công có thể mất hàng tiếng đồng hồ, thì nay nhờ ứng dụng công nghệ kỹ thuật, việc kiểm phiếu chỉ còn khoảng 15 phút. Cùng với đó, một số phần trình bày các hướng dẫn liên quan đến bầu cử sử dụng AI cũng góp phần tăng thêm hiệu quả.
Như vậy, tinh gọn nhưng không giản đơn, mà ngược lại, là biểu hiện của sự chuẩn bị nghiêm túc, khoa học và hiện đại. Đây chính là một bước tiến lớn về tư duy tổ chức, phản ánh sự chuyển biến rõ nét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát thực tiễn, gắn bó với đời sống doanh nghiệp, hướng tới chất lượng và hiệu quả.

Theo báo cáo, tổng doanh thu ước thực hiện tháng 6 của Tập đoàn so với tháng 6-2024 tăng 4%, so với tháng 5-2025 tăng 13%. Ước thực hiện 6 tháng so với 6 tháng năm 2024 tăng trưởng 8%. Trong nhiệm kỳ này, năm nào cũng có tăng trưởng. Chính vì thế, nếu hết dư địa sản xuất kinh doanh sẽ gây áp lực rất lớn cho công tác điều hành. Đặc biệt khi trong thời gian dài, Petrovietnam đã liên tục tự phá kỷ lục, nên có giữ được hay phá được kỷ lục trong sản xuất kinh doanh là cả một vấn đề. Cho nên, các đại hội diễn ra, tạo nên tâm trạng, tâm thế phấn khởi, giúp cho sản xuất kinh doanh được duy trì nhịp độ và có được thành tích, thành tựu, mục tiêu.
Hiệu quả của đại hội là tạo ra sự quyết tâm, đồng thuận và nuôi dưỡng ý chí, khát vọng để hiện thực hóa chiến lược. Có rất nhiều đại hội đã nhiều lần làm việc, Đảng ủy Tập đoàn cũng đã duyệt đại hội, nhưng khi thông qua thảo luận tại đại hội đã quyết định tăng các chỉ tiêu của đại hội, kể cả các chỉ tiêu đánh giá nhiệm vụ chính trị. Có những đơn vị, khi bước vào đại hội đầu tiên đặt chỉ tiêu tăng trưởng 10%, nhưng sau khi thảo luận tại đại hội xong, nghị quyết đã nâng lên 15-18%.

Các đại hội phải tạo ra ý chí, khát vọng về hiện thực hóa chiến lược, đồng thời cũng là đóng góp cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Theo đồng chí Trần Quang Dũng, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết được coi là “bộ tứ chiến lược”, gồm Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số, Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24-1-2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30-4-2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân.
Việc đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số gắn bó với từng tổ chức, cá nhân ở trong Đảng bộ Tập đoàn nên các đơn vị Petrovietnam dành nhiều thời gian đại hội để trao đổi vấn đề này và coi đó là phương pháp, giải pháp để thúc đẩy phát triển. Nhiều tham luận đã liên hệ đến đơn vị mình, làm thế nào để cho nghị quyết được cụ thể hóa, đi vào đời sống.
Còn hợp tác quốc tế, đó không phải câu chuyện của riêng ngành ngoại giao. Petrovietnam là doanh nghiệp tiên phong trong hội nhập quốc tế, đã ký kết nhiều hợp đồng, tìm hiểu cơ hội, xúc tiến và hợp tác đầu tư. Hợp tác quốc tế là “mã gen” của Petrovietnam.

Về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp của Tập đoàn không ngần ngại trong hợp tác với doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ vừa qua, PTSC đã kéo Hòa Phát vào khảo sát thị trường, xem đóng giàn khoan, chế tạo cột điện gió. Petrovietnam đã nhìn thấy rất nhiều cơ hội liên kết, hợp tác để doanh nghiệp trong nước cùng tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng, tạo kinh tế tuần hoàn.
Về cải cách thể chế, chưa có nhiệm kỳ nào Petrovietnam đạt được thành tựu rực rỡ về thể chế như nhiệm kỳ này, từ Luật Dầu khí năm 2022 đến Kết luận 76-KL/TW ngày 24-4-2024. Trong những năm vừa qua, việc liên tục ký các hợp đồng dầu khí mới, các hợp đồng kinh tế khác là do kết quả của Luật Dầu khí mới.
Tại đại hội của nhiều đơn vị, các tham luận đã thẳng thắn nêu ra tình trạng trước kia là tại sao kiến nghị, có khi số lượng lên đến cả 100, mà không được giải quyết cái nào. Đó là vì giai đoạn đó, mới chỉ có kiến nghị mà không có đề xuất. Nhưng bây giờ, vừa kiến nghị, vừa có đề xuất - và từ đó tác động lên thể chế, giúp cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến chính sách phát triển, từ đó tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Luật Dầu khí và Kết luận 76 là hai “đinh chốt” trong nhiệm kỳ.

Petrovietnam đang kiến nghị với Quốc hội đồng ý để Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Tập đoàn tiếp tục thực hiện một số quyền chủ động mà thuộc về phân cấp của Quốc hội cho Chính phủ.
Từ xưa tới nay, nghị quyết là thứ hay bị “xơ cứng” và giáo điều. Nhưng tại đại hội Đảng các cấp của Petrovietnam lần này, các nghị quyết đều uyển chuyển, sinh động ngay trong thực tiễn. Và tất cả các đại hội đều thổi bùng lên được ngọn lửa khát vọng vươn mình của người lao động trong Petrovietnam. Đây là cái được lớn nhất của đại hội Đảng các cấp trong Petrovietnam vừa qua.
Nội dung: Nguyễn Như Phong Đồ họa: Quang Huy