Cách những kỹ sư lọc dầu phụng sự Tổ quốc.
Trong thời gian qua, xung đột và biến động địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp. Điều này có thể gây đứt gãy nguồn cung cấp nhiên liệu quốc phòng. Trong bối cảnh đó, việc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý, vận hành NMLD Dung Quất) sản xuất thành công các nhiên liệu đặc chủng dành cho quốc phòng mang ý nghĩa chính trị vô cùng lớn lao.
Để hiểu tường tận về quá trình sản xuất nhiên liệu đặc chủng dùng cho quốc phòng của BSR, chúng ta phải trở lại thời điểm năm 2012 khi Bộ Quốc phòng có đề nghị Petrovietnam nghiên cứu sản xuất nhiên liệu dành cho trang thiết bị quân sự nhằm từng bước chủ động nguồn dự trữ nhiên liệu phục vụ hoạt động quân sự. Sau đó, Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng), Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã phối hợp với Petrovietnam và BSR nghiên cứu, sản xuất các loại nhiên liệu đặc chủng tại NMLD Dung Quất nhằm tự chủ nguồn cung trong nước để đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trước yêu cầu đặc biệt về các loại nhiên liệu đặc chủng dùng cho quốc phòng, các kỹ sư BSR đã bắt tay vào nghiên cứu. Nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao, kinh nghiệm vận hành xuất sắc và tư duy đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong ứng dụng, phát triển công nghệ của Nhà máy.
Đội ngũ kỹ sư của NMLD Dung Quất đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để sản xuất thành công nhiên liệu đặc chủng cho quốc phòng.
Trong giai đoạn 2012-2014, BSR đã nghiên cứu sản xuất thử nghiệm thành công các loại nhiên liệu đặc chủng tại NMLD Dung Quất. Ngày 6/10/2014, Cục Nhiên liệu và Chất cháy tên lửa thuộc Bộ Tham mưu bảo đảm vật tư - kỹ thuật các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã công bố Quyết định số 70/14 và 71/14 về việc cấp phép cho nhiên liệu phản lực Jet A-1K theo TCVN/QS 1755:2014 và nhiên liệu DO L-62 theo TCVN/QS 1754:2014 do NMLD Dung Quất sản xuất sử dụng trên vũ khí trang bị, thiết bị quân sự và thiết bị đặc biệt.
Trong giai đoạn đầu của dự án, vào tháng 11/2012, BSR đã cung cấp tổng cộng 700 lít mẫu bao gồm nguyên liệu dầu thô, nhiên liệu Jet-A1, DO, LGO, HGO, Kerosene, LCO của NMLD Dung Quất để Cục Xăng dầu cùng với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và Viện Sinh thái - Tiến hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga thực hiện đánh giá tính phù hợp của nguyên liệu và các sản phẩm hiện tại trong sản xuất nhiên liệu quân sự. Bước tiếp theo, BSR phối hợp với Cục Xăng dầu và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga triển khai đề tài nghiên cứu “Sự đảm bảo về mặt khoa học, kỹ thuật và phương pháp để cấp giấy phép sử dụng nhiên liệu Jet A-1K và nhiên liệu DO L-62 do NMLD Dung Quất sản xuất trên trang thiết bị quân sự”. Sau 7 tháng triển khai giai đoạn 2, từ tháng 9/2013 đến tháng 3/2014, 400 lít nhiên liệu Jet A-1K và 600 lít nhiên liệu DO L-62 đạt đầy đủ các chỉ tiêu quy định trong tiêu chuẩn nhiên liệu quân sự đã được sản xuất thành công.
NMLD Dung Quất về đêm.
Cũng trong thời gian này, BSR đã phối hợp nghiên cứu xây dựng thành công các bộ tiêu chuẩn TCVN/QS 1754:2014 áp dụng cho nhiên liệu DO L-62 và TCVN/QS 1755:2014 áp dụng cho nhiên liệu bay Jet A-1K. Khi đã sản xuất thành công hai sản phẩm DO L-62 và Jet A-1K với tất cả các yêu cầu kỹ thuật khắt khe, cũng như xây dựng thành công các bộ tiêu chuẩn, để được cấp giấy phép, hai sản phẩm này phải trải qua hàng loạt các thử nghiệm khác. Cũng như Jet-A1 trước đây, các mẫu của Jet A-1K và DO L-62 cũng đã có mặt ở nhiều phòng kiểm nghiệm độc lập trên thế giới. Sau khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện và nhận được sự đồng ý của các chuyên gia Nga thì các nhiên liệu này được thử nghiệm trên chính các loại động cơ khác nhau trên mặt đất, trên biển trong các điều kiện khí hậu, thời tiết khác nhau.
Chia sẻ về việc này, ông Bùi Ngọc Dương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị BSR cho biết: “Góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng cho Tổ quốc là một nhiệm vụ thiêng liêng mà người lao động BSR may mắn được đảm nhận. Ý thức được trách nhiệm cao cả này, những năm qua, đội ngũ kỹ sư của NMLD Dung Quất đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để sản xuất thành công nhiên liệu đặc chủng cho quốc phòng. Cho đến nay, lượng xăng dầu được BSR bàn giao cho Cục Hậu cần Quân đội đã đạt trên 200.000 mét khối nhằm đáp ứng nhu cầu của Bộ Quốc phòng. Việc này khẳng định được sự trưởng thành, làm chủ khoa học công nghệ, sản xuất được các sản phẩm mới và tinh thần phụng sự Tổ quốc của BSR”.
Góp phần tích cực vào việc đảm bảo an ninh quốc phòng.
Việc sản xuất thành công nhiên liệu quốc phòng đã thể hiện được tư duy nhạy bén, sáng tạo của đội ngũ nhân lực BSR khi làm chủ và phát triển được các công nghệ chế biến phức tạp tại NMLD, tháo gỡ các nút thắt kỹ thuật trong quá trình sản xuất để tự chủ sản xuất được sản phẩm mới có tính chất chuyên biệt; đồng thời, vẫn đảm bảo vận hành các phân xưởng công nghệ an toàn và hiệu quả.
BSR là đơn vị thứ 2 ngoài lãnh thổ Liên bang Nga được Cục Nhiên liệu và Chất cháy tên lửa thuộc Bộ Tham mưu bảo đảm vật tư - kỹ thuật các lực lượng vũ trang Liên bang Nga cấp phép sản xuất nhiên liệu máy bay phản lực Jet A-1K và nhiên liệu DO L-62 sử dụng cho phương tiện kỹ thuật quân sự và thiết bị đặc biệt do Liên bang Nga sản xuất. Nhờ kết quả nghiên cứu xuất sắc, BSR đã được công nhận Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ cho danh mục sản phẩm Jet A-1K và DO L-62 được hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Về hiệu quả kinh tế, tổng doanh thu mới tăng thêm từ các sản phẩm nhiên liệu đặc chủng trong năm 2022, 2023 lần lượt là 902 tỷ đồng và 2.077 tỷ đồng.
Tàu ngầm Kilo 186 Đà Nẵng đã có hơn 3 năm triển khai sử dụng nhiên liệu đặc chủng sản xuất từ NMLD Dung Quất.
Sau khi BSR sản xuất thành công nhiên liệu đặc chủng, Bộ Quốc phòng đã cho thử nghiệm kỹ trên máy bay, tàu chiến và các loại phương tiện khác. Kết quả cho thấy nhiên liệu đặc chủng từ BSR được các đơn vị đánh giá chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của trang thiết bị quân sự. Đối với nhiên liệu dành cho tàu ngầm, tàu chiến là nhiên liệu DO L-62 thì có yêu cầu nhiệt độ đông đặc thấp, nhiệt độ chớp cháy cốc hở cao.
Chia sẻ cảm nhận thực tế từ việc sử dụng nhiên liệu đặc chủng do BSR sản xuất cho tàu ngầm, Trung tá Phạm Văn Thuận - Thuyền trưởng tàu ngầm 186 Đà Nẵng, Quân chủng Hải quân cho biết: “Chúng tôi đã có hơn 3 năm triển khai sử dụng nguyên liệu sản xuất từ NMLD Dung Quất. Trong quá trình sử dụng nhiên liệu mới, các bộ phận, máy móc trên tàu vận hành ổn định, hiệu suất tốt. Ngoài ra, chúng tôi đã định kỳ lấy mẫu phân tích nhiên liệu dự trữ, kết quả chỉ tiêu chất lượng đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép, hoàn toàn thay thế được nhiên liệu nhập khẩu từ nước ngoài”.
Ngoài nhiên liệu đặc chủng cho tàu ngầm, BSR cũng sản xuất nhiên liệu đặc chủng cho máy bay chiến đấu và cũng được Bộ Quốc phòng sử dụng thử nghiệm ở những đơn vị chiến đấu đặc biệt. Đó là Jet A-1K dùng cho máy bay quân sự yêu cầu nhiệt độ sôi đầu thấp và nhiệt độ kết tinh thấp. Qua thử nghiệm thực tế và các số liệu phân tích hiệu suất ở các mốc 5 giờ bay, 15 giờ bay, 25 giờ bay và 50 giờ bay, Đại úy Nguyễn Tiến Thành - Phó Phi đội trưởng Phi đội 2, Quân chủng Phòng không Không quân nhận xét, nhiên liệu từ NMLD Dung Quất đảm bảo an toàn và vận hành tốt cho máy bay, giúp đơn vị hoàn thành tốt hơn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần, lãnh đạo Petrovietnam và BSR trong Lễ giao nhận lô nhiên liệu đặc chủng đầu tiên từ NMLD Dung Quất.
Việc BSR sản xuất thành công nhiên liệu đặc chủng cho quốc phòng có ý nghĩa chính trị to lớn, giúp cho đất nước, quân đội chủ động nguồn nhiên liệu tại chỗ, đáp ứng kịp thời cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, bảo đảm sự chủ động của quân đội sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, hải đảo và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc...
Chia sẻ về nhiên liệu đặc chủng cho quốc phòng do BSR sản xuất, Thiếu tướng Nguyễn Văn Lực - Cục trưởng Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng cho biết: “Việc sử dụng thử nghiệm nhiên liệu đặc chủng sản xuất trong nước đối với máy bay và tàu chiến là một việc hệ trọng đòi hỏi độ an toàn tuyệt đối. Khi sử dụng thử nghiệm thì hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Trong thời gian tới, Cục Xăng dầu sẽ tiếp tục phối hợp với NMLD Dung Quất và các cơ quan liên quan theo dõi, đánh giá khả năng biến đổi chất lượng, bảo quản đối với nhiên liệu đặc chủng sản xuất trong nước. Đồng thời, Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật và Bộ Quốc phòng cho phép đơn vị đưa vào dự trữ, bảo quản lâu dài nhằm đảm bảo nhiệm vụ của quân đội trong mọi tình huống”.
Kỳ 1: Huyền thoại về “dòng sông năng lượng” chảy dọc Trường Sơn
Thanh Hiếu