Khởi công san lấp mặt bằng Trung Tâm điện lực Thái Bình

     Ngày 17/5/2009, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - hai đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - đã tổ chức Lễ khởi công san lấp mặt bằng Trung tâm Điện lực Thái Bình tại xã Mỹ Lộc, Thái Thụy, Thái Bình. Trung tâm điện lực Thái Bình nằm trên diện tích 254,22 ha bao gồm 02 nhà máy: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 với công suất 600MW do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với công suất 1.200MW do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư. Hiện nay, PV Power đang tiến hành nghiên cứu đầu tư Dự...

     Để tạo thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy cũng như tiết kiệm các nguồn tài nguyên, Trung tâm Điện lực Thái Bình được qui hoạch trên nguyên tắc cố gắng sử dụng hợp lý một số hạng mục công trình dùng chung cho cả 2 nhà máy, nhưng không làm ảnh hưởng đến việc quản lý và vận hành độc lập của từng nhà máy sau này. Các hạng mục hạ tầng dùng chung của Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam làm Chủ đầu tư và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam là nhà thầu san lấp mặt bằng bao gồm: công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn; Công tác san lấp tạo mặt bằng; Đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình; Bãi thải tro xỉ; Kênh dẫn nước vào Trạm bơm nước tuần hoàn; Tuyến đường ống cấp nước ngọt; Đường dây và trạm cấp điện phục vụ thi công. Theo kế hoạch, Nhà thầu PVC sẽ bàn giao mặt bằng cho EVN và PV Power theo tiến độ thi công gói thầu EPC vào năm 2010.

     Theo quy hoạch của Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nằm ở phía nam xã Mỹ Lộc, thuộc tả ngạn sông Trà Lý, cách cửa sông Trà Lý khoảng 3km về phía Tây, cách thành phố Thái Bình khoảng 20km về phía Đông. Sự ra đời của Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình sẽ góp phần quan trọng trong việc bổ sung một lượng công suất lớn cho hệ thống điện, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng của Hệ thống điện quốc gia Việt Nam giai đoạn từ 2013 trở đi.

     Tỉnh Thái Bình đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế với việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, do vậy tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp tương đối cao (24,48%/năm). Trong những năm tới tỉnh Thái Bình đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, như vậy nhu cầu điện năng ngành công nghiệp tiếp tục tăng cao. Do đó sự xuất hiện của Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển kinh tế theo định hướng nêu trên của tỉnh.

     Trong tiến trình phát triển kinh tế đất nước thời gian qua, đặc biệt các năm gần đây, nhu cầu về sử dụng điện năng không ngừng gia tăng. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước với mức tăng trưởng GDP khoảng 7-8%/năm trong giai đoạn 2010-2015, dự báo nhu cầu phát triển phụ tải điện sẽ tăng ở mức 15-17%/năm. Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng như một số nhà máy điện than khác của Petrovietnam là hết sức cấp thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của khu vực nói riêng và của cả nước nói chung.

     Thời gian qua, nhiều công trình điện năng đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai và đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng như Trung tâm Điện lực Dầu khí Cà Mau gồm 2 nhà máy khí điện với tổng công suất 1.500MW (vận hành thương mại cuối năm 2008) và Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 có công suất 450MW sẽ vận hành thương mại cuối tháng 6/2009, hàng năm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia gần 10 tỷ KWh, giúp chia sẻ khó khăn với ngành điện, đảm bảo cung cấp điện năng cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Ngoài các dự án điện trên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam còn đang khẩn trương triển khai các dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (công suất 1.200MW), Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (công suất 1.200MW) và nghiên cứu đầu tư các dự án điện trong nước (Hậu Giang, Quảng Trạch - Quảng Bình) và ở nước ngoài (Thuỷ điện Luang Prabang - CHDCND Lào).

Huy Cường