Nhớ lại những năm sau ngày đất nước thống nhất, ngành Dầu khí Việt Nam bước vào công cuộc tìm kiếm tài nguyên giữa muôn vàn thiếu thốn. “Làm rất nhiều, phát hiện được một số mỏ dầu, mỏ khí nhỏ nhưng không có giá trị thương mại. Làm mãi mà không có dầu”, GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng nhớ lại.
Không chỉ đối diện với điều kiện kỹ thuật hạn chế, người lao động Dầu khí thời đó còn phải vượt qua cả những hoài nghi. Tuy vậy, vượt lên tất cả là tinh thần chưa bao giờ dừng lại. Đến năm 1986, dòng dầu thương mại đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ được khai thác, đặt nền móng vững chắc cho bước chuyển mình mang tính quyết định.
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng nhận định, dù trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thăng trầm trong chặng đường 50 năm qua nhưng Petrovietnam luôn trong tư thế phát triển và mạnh mẽ tiến lên (Ảnh: Phương Ngân)
Năm 1992, ông Hồ Sĩ Thoảng về công tác tại Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam/Petrovietnam) đúng vào thời điểm mà ông gọi là “rất thuận lợi”. Hội đồng Bộ trưởng khi đó đã quyết định tách Tổng công ty Dầu khí Việt Nam khỏi Bộ Công nghiệp nặng, đặt trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Có nghĩa là kể từ đó mọi công việc, chỉ đạo, báo cáo được triển khai trực tiếp, nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều. Đặc biệt là các vị lãnh đạo, nhất là Thủ tướng rất quan tâm chỉ đạo và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của Tổng công ty. Một sự kiện rất quan trọng là năm 1991, Hiệp định về Liên doanh Vietsovpetro (ký năm 1981) được sửa đổi, tạo nhiều thuận lợi và không gian cho Petrovietnam tăng tốc phát triển.
Trong giai đoạn này, Petrovietnam đã có định hướng quan trọng là xây dựng một doanh nghiệp dầu khí toàn diện. Theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Petrovietnam không chỉ dừng lại ở thăm dò, khai thác, mà còn phải làm chủ các khâu chế biến, tàng trữ, thương mại. Thực hiện chủ trương đó, Bộ máy điều hành của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã được tổ chức lại theo hướng chuyên môn hóa sâu và bao quát các lĩnh vực hoạt động. Từ một phòng khoa học kỹ thuật chung đã hình thành các Phòng Thăm dò khai thác, Phòng Chế biến, Phòng Khí...
Tổng công ty cũng nhanh chóng cải tổ hoạt động dịch vụ dầu khí bằng cách sáp nhập Công ty Dịch vụ dầu khí (PSC) và Công ty Địa vật lý và Dịch vụ kỹ thuật (GPTS) để hình thành Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) chuyên dịch vụ kỹ thuật và Công ty Du lịch và Dịch vụ chỉ thực hiện các dịch vụ thông thường.
Đây là bước đi rất quan trọng, bởi vì lúc đó hầu hết các dịch vụ kỹ thuật đều do các công ty nước ngoài thực hiện, nghĩa là chi tiêu hoạt động dầu khí ở các hợp đồng PSC đều chạy ra nước ngoài. Từ đó, các hoạt động kỹ thuật dầu khí được quan tâm phát triển, trong đó phải kể đến sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để PTSC có được những căn cứ dịch vụ đáp ứng được các yêu cầu của hoạt động kỹ thuật. Đến bây giờ, hoạt động dịch vụ dầu khí của Petrovietnam đã ngang tầm thế giới và có mặt ở nhiều thị trường dầu khí.
Căn cứ cảng dịch vụ của PTSC (nay là Trung tâm Công nghiệp năng lượng và Hậu cần kỹ thuật PTSC), TP Vũng Tàu
Kế đến là thành lập Công ty Thương mại Dầu khí (sau đó được Thủ tướng cho phép nhận thương hiệu Petechim từ Bộ Thương mại) - chuyên trách hoạt động mua bán dầu thô và sản phẩm dầu, vật tư và thiết bị dầu khí. Tiếp theo là thành lập Công ty Bảo hiểm Dầu khí - giữ vai trò trong các hợp đồng bảo hiểm kỹ thuật lớn, tất cả đều hướng tới mục tiêu tự chủ toàn diện.
Trong hoạt động thượng nguồn, Tổng công ty đã chuyển toàn bộ hoạt động giám sát nhà thầu PSC về một mối là Công ty PVSC (tiền thân là Công ty Petrovietnam I), còn Công ty Petrovietnam II được tái cấu trúc thành PVEP - bước đầu phụ trách quản lý mỏ Đại Hùng, tiếp theo là thay mặt Petrovietnam tham gia cổ phần trong các hợp đồng phân chia sản phẩm và hợp đồng liên danh.
Trong lĩnh vực trung và hạ nguồn, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây dựng ngành công nghiệp khí và công nghiệp lọc hóa dầu. Đến năm 1995, khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ (với đường ống dài trên 100 km) được đưa vào bờ, mở đầu cho ngành công nghiệp khí của đất nước. Các dự án xây dựng đường ống dẫn khí thứ hai dài và lớn hơn, các nhà máy sản xuất phân đạm từ khí, nhà máy lọc dầu đầu tiên cũng đã được khẩn trương khởi động. Đó là đường ống dẫn khí từ Nam Côn Sơn, dài trên 350 km, cung cấp khí cho các nhà máy điện ở Phú Mỹ, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau đã lần lượt ra đời, đóng góp to lớn cho nền kinh tế nước nhà.
Có thể thấy từ đầu những năm 1990, cơ cấu của Petrovietnam ngay ở tổng hành dinh đã có những thay đổi rất mạnh mẽ và đều rất phù hợp với xu thế phát triển của ngành Dầu khí, đáp ứng được việc phát triển, trưởng thành của ngành cho đến ngày hôm nay. GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng cho biết, thời gian đó một số những dịch vụ khác như khoan, vận tải dầu khí, hay tìm kiếm khai thác dầu ở nước ngoài, tuy đã có chủ trương phát triển nhưng chưa triển khai được. Đến đầu những năm 2000, các chủ trương trên đã được triển khai và thu được những thành tựu đáng kể. Và bây giờ, Petrovietnam đã có các công ty dịch vụ như PV Drilling hay PVTrans đều đang phát triển hết sức mạnh mẽ, chiếm được thị phần cao trên thương trường.
Nhìn lại thời kỳ ấy, GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng tự hào khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm thực hiện cho được Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị là trở thành một Tập đoàn, một doanh nghiệp nhà nước với quy mô lớn, trải dài và vẫn làm được tốt”.
Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ
Theo ông, một trong những thành tựu lớn nhất của Petrovietnam trong 50 năm qua chính là sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Từ chỗ hoàn toàn phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam đã từng bước làm chủ những vị trí then chốt với trình độ chuyên môn không kém gì người nước ngoài.
“Có thể nói, các thế hệ dầu khí nối tiếp nhau đã rất xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, luôn luôn cố gắng vươn lên, rèn luyện ý chí, nâng tầm trí tuệ và thể hiện khí phách của “những người đi tìm lửa”, nắm vững kiến thức và kỹ năng trong khoa học và công nghệ - kỹ thuật, quản lý điều hành các hoạt động dầu khí để từ những người học việc, đến hôm nay có thể đứng ngang tầm với các đối tác quốc tế”, GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, ông vẫn có những trăn trở về tốc độ phát triển của Petrovietnam chưa được như kỳ vọng bởi ràng buộc cơ chế, chính sách. Một thời gian dài, Petrovietnam vẫn phát triển nhưng bị lùng bùng trong “một cái áo không thể rộng ra được”. Những dự án như Lô B hay Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nếu được triển khai sớm sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn.
Hiện nay, sau nhiều nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, cơ chế hoạt động của Petrovietnam đã trở nên thông thoáng, thuận lợi hơn. Nhiều dự án được tái khởi động, mở ra những tín hiệu phát triển đột phá và mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đặc biệt, GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng dành sự tin tưởng lớn với đội ngũ lãnh đạo hiện nay: “Có tâm, có tầm, đoàn kết, hợp tác với nhau tốt. Là thế hệ lãnh đạo rất đáng tin cậy”. Điều này khiến thế hệ những người đi trước như ông cảm thấy hài lòng, yên tâm.
Các chân đế trụ điện gió ngoài khơi thi công tại Trung tâm Công nghiệp năng lượng và Hậu cần kỹ thuật PTSC, TP Vũng Tàu. (Ảnh: Lâm Thanh Liêm)
Ông nhận định rằng, Petrovietnam đã đi qua chặng đường 50 năm với đầy đủ vinh quang và thăng trầm, có lúc vô cùng khó khăn, khắc nghiệt nhưng vẫn mạnh mẽ vươn vai và vững vàng tiến bước. Từ những bước đi đầu tiên với biết bao gian khó, Petrovietnam ngày nay đã vươn lên trở thành một trong những Tập đoàn hàng đầu cả nước, khẳng định rõ vị thế, vai trò và đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước suốt nửa thế kỷ qua.
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng tin tưởng, trong kỷ nguyên mới với định danh mới là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam, Petrovietnam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá và phát triển mạnh mẽ. Tập đoàn hiện đang có nhiều dư địa, vừa ra biển xa, biển sâu, nước ngoài, đẩy mạnh phát triển hóa dầu và nhiên liệu; đặc biệt là mảng năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, điện hạt nhân, phát triển dịch vụ kỹ thuật dầu khí cấp cao... “Tôi tin khả năng sáng tạo, bản lĩnh và trí tuệ của người lao động Petrovietnam sẽ tiếp tục được phát huy hơn nữa để trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng đẳng cấp quốc tế”, GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng chia sẻ.
Lê Trúc