Từ đất liền…
HQ 936 trở thành cái tên gần gũi với 55 thành viên của Đoàn công tác Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thăm quần đảo Trường Sa, đó là con tàu đã đưa những tấm lòng đầy nhiệt huyết từ đất liền vượt biển Đông đầy sóng và gió đến với Trường Sa thân yêu. Trưởng Đoàn công tác là Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Minh - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Tư lệnh Hải quân; đồng chí Hoàng Xuân Hùng - Ủy viên HĐQT Tập đoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam làm phó đoàn công tác.
Trước khi đến với cuộc hành trình này, ai cũng tâm niệm sẽ gặp nhiều gian nan, vất vả, nhưng kỳ lạ thay khuôn mặt nào trên boong tàu lúc khởi hành cũng ngời ngời rạng rỡ. Ngày đầu tiên trong cuộc hành trình, cả con tàu rộn ràng tiếng hát của những thành viên trong Đội văn nghệ xung kích của Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí. Đến ngày thứ hai, những cơn sóng lớn nơi cửa biển làm những thành viên nữ trong đoàn công tác chao đảo, rồi lả đi, đầu hàng những cơn say sóng. Không ai nói ra nhưng dường như tất cả đều cảm nhận được sự lo lắng, e ngại của các đồng chí Thủ trưởng đoàn. Ấy vậy mà như có sức mạnh vô hình nào đó khi những hồi còi tàu cất lên báo hiệu đã tới đảo đầu tiên, những ánh mắt rạng ngời hút về phía cuối chân trời đang lờ mờ hiện ra hòn đảo nhỏ, những cô gái vội vã chuẩn bị tư trang, tuyệt nhiên chẳng còn sót lại chút nào mệt mỏi của những cơn say sóng vừa qua.
Đảo đầu tiên mà chúng tôi tới thăm là đảo Đá Nam, một đảo chìm trong 33 đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Tiếp đến là Song Tử Tây, rồi Sơn Ca, Đá Thị, Đá Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin, và Trường Sa lớn. Lần nào cũng vậy, tàu neo lại từ xa, những chiếc xuồng dập dềnh trên sóng đưa đoàn công tác vào trong đảo, rồi những cái bắt tay thật chặt, những vòng tay ôm ấm áp nghĩa tình đất liền hải đảo, và những ánh mắt đỏ hoe lúc chia tay.
Những ngày gần cuối cuộc hành trình, sự xuất hiện của cơn bão số 1 làm kế hoạch di chuyển của chúng tôi có sự thay đổi. Hai đêm một ngày, những con sóng cao đến 5m trùm lên tàu, cả con tàu lắc lư chòng chành như chiếc chảo rang, ai nấy nằm yên một chỗ kèm theo sự hoang mang, lo lắng. Vượt qua tâm bão, mọi người hồ hởi trở ra boong tàu đón ánh mặt trời đầu tiên sau những cơn sóng to, gió lớn. Mừng vì thoát khỏi cơn bão bất thường, nhưng chúng tôi đều thấy buồn và tiếc nuối vì không thể qua thăm các cán bộ chiến sĩ tại nhà giàn DK1.
Đến những ấn tượng trên đảo
Có lẽ khi quay trở lại đất liền, từ các đồng chí Thủ trưởng Đoàn cho đến toàn bộ thành viên của Đoàn công tác đều không thể quên được hình ảnh cán bộ chiến sĩ ở đảo chìm. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi rời tàu vào Đá Nam, xung quanh đảo là những bãi san hô, nước xanh ngắt, trong vắt nhìn thấy đáy nhưng cũng chính vì thế mà xuồng khó cập vào trong đảo. Để đón được chúng tôi, cán bộ chiến sĩ trên đảo phải nhảy hết xuống nước, xếp thành hai hàng dọc để đẩy xuồng. Ai nấy vẫn nghiêm chỉnh quân phục, đón chúng tôi bằng những nụ cười rạng rỡ dù quần áo giầy tất đã ngấm nước từ lúc nào. Vài giờ gặp gỡ cán bộ chiến sĩ trên đảo, chúng tôi cứ nấn ná mãi chưa muốn rời, chỉ khi sực nhớ tới việc các cán bộ chiến sĩ phải vất vả ra sức đẩy xuồng thì không ai bảo ai khẩn trương ra tàu trước khi thủy triều rút xuống.
Tất cả thành viên trong Đội văn nghệ xung kích của Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí đều công nhận với nhau rằng, chưa khi nào mình lại hát hăng say đến thế. Chín hòn đảo chúng tôi đi qua, dù chỉ được dừng lại vài giờ đồng hồ, dù chẳng chuyên nghiệp được như những đòan văn công, nhưng lời ca tiếng hát của chúng tôi đã để lại ấn tượng sâu sắc ở những nơi chúng tôi đã đi qua. Chưa khi nào chúng tôi biểu diễn trong trang phục giản dị đến thế, chỉ với áo thun đồng phục của Đoàn, dép nhựa của các chiến sĩ hải quân, mặt mũi chưa hết nét bơ phờ sau những cơn say sóng; nhưng những ánh mắt mong mỏi, những tràng vỗ tay âm vang của cán bộ chiến sĩ Trường Sa đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi hát đến mê mải, để lần nào các đồng chí Thủ trưởng cũng phải “báo động” về thời gian thì Chúng tôi mới bịn rịn chia tay. Không loa đài, không micro, nhạc đệm chỉ đơn giản là cây đàn ghi ta và ắc-cooc- đi- ông nhưng chúng tôi đã hát bằng những lời ca từ trái tim nhiệt huyết của mình, át đi tiếng sóng tiếng gió ngòai đảo xa. Chúng tôi đã làm đúng phương châm: “Ở đâu có cán bộ chiến sĩ ở đó có tiếng hát của tuổi trẻ Dầu khí”.
Đêm rời đảo Trường Sa, cả đoàn neo tàu lại trước đảo, trong ánh chớp rạch trời, trong những làn mưa xiên dọc ngang, sóng gối từng cơn liên tiếp chúng tôi thấy đảo Trường Sa lớn trước mặt lung linh, rực rỡ. Chẳng ai tin mình đang ở giữa biển Đông, chẳng ai nghĩ trước mặt mình là hòn đảo xa đất liền hàng trăm hải lý. Trường Sa lớn giống như một thành phố du lịch nhỏ, êm đềm và nên thơ khi được bao bọc xung quanh bởi những cột đèn năng lượng mặt trời sáng rực. Chúng tôi càng thấy tự hào hơn bởi những điều mà Tập đoàn Dầu khí đã làm cho Trường Sa mang đầy ý nghĩa. Những ánh đèn từ hệ thống đèn năng lượng mặt trời không chỉ làm cho Trường Sa đẹp hơn mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Hệ thống chiếu sáng nhằm mục đích bảo vệ đảo, chống tập kích của địch vào ban đêm, đảm bảo an toàn, an ninh cho các đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa, khẳng định chủ quyền của ta tại quần đảo Trường Sa, đồng thời góp phần nâng cao đời sống tinh thần vật chất của quân và dân trên đảo.
Chúng tôi cũng không thể quên những ngôi nhà khang trang trên đảo Sinh Tồn, Nam Yết hay Trường Sa lớn… Những em bé có khuôn mặt và ánh mắt trong veo giống nhau đến lạ kì ở đảo Sinh Tồn. Trong buổi giao lưu văn nghệ trên đảo, tiếng hát líu lô của các em khiến chúng tôi cứ ngỡ mình đang ở đất liền. Hôm chúng tôi có mặt ở Trường Sa lớn, chúng tôi đã được hưởng lây niềm vui của quân và dân trên đảo vì nhờ hệ thống sản xuất năng lượng sạch mà Tập đoàn Dầu khí ủng hộ, quân vào dân trên đảo đã có thể sử dụng điện 24/24 thay vì chỉ được sử dụng 6h đồng hồ mỗi ngày như trước đây.
Thay cho lời kết
Khi cả đoàn công tác đã quay trở lại với cuộc sống thường nhật trên đất liền, thì có lẽ em bé đầu tiên ra đời trên đảo Song Tử Tây đã được sinh ra trong vòng tay của những cán bộ chiến sĩ quân y trên đảo . Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, em bé đã vinh dự được đồng chí Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Tư lệnh Hải Quân đặt tên. Hồ Song Tất Minh - cái tên được ghép từ tên của các vị thủ trưởng đã đến thăm đảo. Kể từ đây, một thế hệ mới sẽ bắt đầu nối tiếp truyền thống bao đời nay của cha anh, tiếp tục sự nghiệp cao cả gìn giữ biển trời thiêng liêng của tổ quốc ta.
Mặc sóng, mặc gió, mặc thời tiết khắc nghiệt và mặc kệ cả những thế lực thù địch đang rình rập để hòng chiếm đoạt từng tấc đất tấc vàng trong lãnh thổ của ta, ngày hôm nay, quân và dân ta vẫn kiên cường và lạc quan bám trụ, gìn giữ biển đảo quê hương. Chúng tôi sẽ nhớ mãi nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt rám nắng của những ngư dân trên huyện đảo Trường Sa, và hình ảnh rắn rỏi của người chiến sĩ hải quân hiên ngang trên nền trời vàng rực ráng chiều. Chúc các anh chắc tay súng, gìn giữ biển trời quê hương. Từ trong tâm thức, chúng tôi hiểu rằng, cuộc sống bình yên của chúng tôi ở đất liền hôm nay có những giọt mồ hôi, có những ca gác trắng đêm của các anh góp lại, làm nên. Xin mượn lời hát của ca khúc “ Gần lắm Trường Sa” để thay cho những điều mà Đoàn công tác Trường Sa của Tập đoàn Dầu khí chúng tôi muốn nói: “Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em, vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh”!
Nguồn: PV Media