Đợt tài trợ mới trị giá 600 triệu EUR (tương đương khoảng 659,54 triệu USD) được dành cho các dự án nằm trong danh sách đầu tiên của Các Dự án Quan tâm Chung (PCIs) và Các Dự án Quan tâm Lẫn nhau (PMIs) theo Quy định TEN-E sửa đổi (Mạng lưới Năng lượng xuyên châu Âu). Quy định này nhằm mục tiêu kết nối hạ tầng điện, khí carbon thấp, hydro và CO₂ giữa các quốc gia và khu vực trong EU, được cấp vốn thông qua CEF cho năng lượng với tổng ngân sách 5,88 tỷ EUR cho giai đoạn 2021–2027.

Danh sách đầu tiên bao gồm: Các kết nối điện Bắc – Nam tại vùng Baltic, Đông Trung Âu, Đông Nam Âu và Tây Âu; Hệ thống lưới điện ngoài khơi tại Đại Tây Dương, Bắc Hải, Đông Âu, Nam Âu và Tây Âu; Mạng lưới sản xuất – phân phối hydro tại Baltic, Đông Trung Âu, Đông Nam Âu và Tây Âu; Mạng lưới thu giữ và lưu trữ carbon tại vùng Baltic, Địa Trung Hải, Bắc Hải và tuyến kết nối giữa Croatia và Hungary.
Theo tuyên bố trực tuyến của Ủy ban, đợt gọi vốn lần này "nhắm đến các đề xuất tài trợ cho các nghiên cứu và công trình xây dựng". Hạn chót nộp hồ sơ là ngày 16/9 và kết quả sẽ được công bố vào "đầu năm sau".
“Ngay lúc này, hơn bao giờ hết, chúng ta cần tăng cường đầu tư để hiện thực hóa một Liên minh Năng lượng thực sự,” ông Dan Jørgensen – Ủy viên châu Âu phụ trách Năng lượng và Nhà ở – nhấn mạnh. “Điều này then chốt cho năng lực cạnh tranh, an ninh năng lượng và giảm chi phí năng lượng cho tất cả mọi người.”
Với đợt gọi vốn khởi động ban đầu, ngân sách dự kiến là 850 triệu EUR. Tuy nhiên, vào tháng 1, EC thông báo sẽ phân bổ gần 1,25 tỷ EUR cho 41 dự án, chủ yếu ở giai đoạn nghiên cứu. Theo thông báo ngày 30/1, các dự án được chọn gồm 36 đề xuất nghiên cứu và 5 đề xuất xây dựng – đều đạt chuẩn PCI hoặc PMI trong năm 2024.
Gần 750 triệu EUR đã được phân bổ cho 8 dự án lưới điện, bao gồm cả lưới điện thông minh và ngoài khơi. Trong đó, phần lớn – 645 triệu EUR – được dành cho dự án Đảo Năng lượng Bornholm. Dự án này bao gồm việc xây dựng một kết nối lai đầu tiên thuộc loại này ở biển Baltic, liên kết Đan Mạch và Đức, tích hợp công suất gió ngoài khơi lên đến 3 GW, theo Ủy ban cho biết.
“Khoản tài trợ gần 33 triệu EUR khác sẽ dành cho Danube InGrid – dự án điện thông minh xuyên biên giới giữa Hungary và Slovakia nhằm tích hợp năng lượng tái tạo và cân bằng hệ thống hiệu quả hơn,” EC cho biết.
Sáu dự án còn lại – tại Bỉ, Bulgaria, Đan Mạch, Pháp, Slovakia và Tây Ban Nha – sẽ nhận hỗ trợ cho các nghiên cứu.
Để hỗ trợ quá trình phi carbon hóa ngành công nghiệp EU, EC cũng phân bổ hơn 250 triệu EUR cho 21 nghiên cứu phát triển hạ tầng hydro. Các dự án này được thực hiện tại: Áo, Bỉ, Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, Latvia, Litva, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Điển.
Về hạ tầng CO₂, ba dự án sẽ nhận tài trợ xây dựng, chín dự án khác sẽ nhận hỗ trợ huy động vốn – tổng cộng khoảng 250 triệu EUR.
Cơ sở lưu trữ Prinos tại Hy Lạp – dự kiến là mắt xích đầu tiên trong chuỗi giá trị thu giữ và lưu trữ carbon tại khu vực Đông Nam Địa Trung Hải – sẽ nhận 120 triệu EUR. Hai dự án còn lại nhận hỗ trợ xây dựng nằm tại Đan Mạch và Hà Lan.
Minh Tri'