Đỗ Văn Hãn: Công việc của tôi là suốt đời tìm cái đã mất trong cái còn lại

     ”Công việc của tôi là suốt đời tìm cái đã mất trong cái còn lại, còn lại là đá để rồi đặt tên tuổi cho đá, để xếp địa tầng. Theo quy luật, đời mỗi người rồi sẽ qua đi. Điều lớn lao hơn cả còn mãi với người địa chất chúng tôi là nghĩa tình. Hết lòng với việc thăm dò, tìm kiếm, hết lòng với nhau”- ông Đỗ Văn Hãn, nguyên cán bộ Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) chia sẻ.

     Đúng hẹn, chiều ấy tôi lại gặp ông ở nhà riêng. Ngôi nhà thuộc dạng tiền chế, bao che lại, đứng lênh chênh ở sườn Núi Lớn của Thành phố du lịch Vũng Tàu. Ông bảo: Nhà ông đây đích thực là “nông thôn” trong thành phố núi nhưng là núi ở biển. Góc trên là cây xoài cổ thụ; vườn dưới vườn trên hoa trái không nhiều nhưng cũng đủ để ăn vặt quanh năm. Gió biển thổi về chưa kịp len vào các ngõ phố thì đã thông thốc qua nhà ông.

     Tằn tiện thời gian. Tôi bật máy ghi âm, bắt đầu câu chuyện theo đề cương đặt trước với ông. Bất ngờ, ông Hãn cứ sôi nổi nói, sôi nổi kể nhưng chẳng theo bài bản của những người làm sách đặt ra. Đến đỉnh điểm cao hứng, ông đọc thơ. Vâng những vần thơ ông viết tự hồi nảo hồi nào. Giọng ấm áp, bổng trầm, da diết, thiết tha, yêu thương, luyến nhớ hệt như Xuân Diệu yêu say đắm và đắm say thơ. Lời thơ như tìm lại chính mình. Ấm áp nghĩa tình, chứa chan thương nhớ. Nhớ về những vùng quê, nhớ về công việc của người địa chất:

“Đá kia giãi nắng dầm mưa
Để người địa chất sớm trưa nhọc nhằn
Băng đèo, lội suối bao năm
Thăm dò xem đá còn nằm nơi đâu”.

     Đá như có hồn quyện lấy người địa chất miết mải với công việc thăm dò, tìm kiếm. Câu thơ da diết như trách mình, trách đá, rồi lại thương về đá:

“Thương cho đá bần hàn trôi dạt
Mà hương thơm ngào ngạt vẫn còn
Nhớ về đá mỏi mòn cái mất
Đã phôi phai sự thật cuộc đời”.

     Ông đổi giọng cốt như để giãi bầy: Công việc của tôi là suốt đời tìm cái đã mất trong cái còn lại, còn lại là đá để rồi đặt tên tuổi cho đá, để xếp địa tầng. Theo quy luật, đời mỗi người rồi sẽ qua đi. Điều lớn lao hơn cả còn mãi với người địa chất chúng tôi là nghĩa tình. Hết lòng với việc thăm dò, tìm kiếm, hết lòng với nhau. Ngày xưa ấy, chúng tôi không nhìn nhau bằng vật chất. Thiếu ăn, thiếu mặc, thậm chí còn rất đói bụng nhưng chẳng ai kêu khó, chẳng ai kêu khổ. Cái để chúng tôi quý trọng nhau ấy là tình là nghĩa: “Của cải chưa dư thừa, nghĩa tình thì dư đủ”. Chúng tôi luôn nhận ra cái giàu, cái đẹp ẩn sâu trong lòng đất, trong tầng đá. Năm 1971 chúng tôi tìm kiếm ở vùng Yên Tử, dân tình nơi đây rất nghèo, nhưng Yên Tử cứ bừng cháy trong tôi:

“Yên Tử nằm đây tự bao giờ
Cảnh quan huyền hoặc đẹp như mơ
Trèo lên đỉnh núi mây vờn tóc
Lặng nhìn đá cuội cứ nằm trơ.

Yên Tử hiên ngang đứng giữa trời
Ngàn năm thêu dệt áng mây trôi
Lớp người địa chất bao đồng đội
Vàng đen, đen thật bởi than tôi…”

     Khó khăn, hóc búa nhất trong rất nhiều công việc quan trọng của dịch vụ kỹ thuật dầu khí là đo đạc xử lý lòng giếng, chống ngập nước cho mỏ và chế độ khai thác hợp lý.

     Dịch vụ ít phụ thuộc vào chức năng và chỉ phù hợp với cơ chế quản lý mềm. Giống như chuyển động của một sợi dây xích, đứt mắt xích nào thì dễ thay đổi.

     Dịch vụ kỹ thuật - thực ra việc gì cũng phải có kỹ thuật để đáp ứng đúng đủ về chất lượng và số lượng phục vụ. Đã là kỹ thuật thì không có việc gì là dễ cả. Việc gì đối với tôi cũng phải đúng  theo quy trình: xem xét nghiên cứu, điều tra tìm kiếm thăm dò rồi mới khai thác. Nhưng không được phép để mất thời cơ. Nói rồi ông cười sảng khoái.

     Những ngày cuối đời ông nghỉ hưu tại sườn Núi Lớn lộng gió của thành phố biển Vũng Tàu. Ông nghĩ lại những ngày đã qua, khi còn công tác trong ngành dầu khí đầy ắp tình nghĩa và thương nhớ, biết bao kỷ niệm khó quên. Nét mặt ông tươi sắc và vui mừng, ông bảo: Tôi giữ gìn nó làm của để dành cho con cháu mai sau.

     Câu chuyện cứ xoay quanh tình thương và nỗi nhớ. Quê hương ông lúa vàng trĩu hạt, ngào ngạt phù sa, biển Đông lộng gió. Cảng PTSC bây giờ tấp nập những con tàu vào ra tìm kiếm thăm dò, ông lại nhớ đến con tàu không số với đường mòn Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam từ lúc ông còn ngồi trên ghế nhà trường. Sự kiện lịch sử này đã để lại cho đời biết bao món  nợ sâu nặng biết bao! Rồi những người quê hương ông nằm lại chiến trường mang theo cả màu xanh tổ quốc dáng Thái Bình sông nước miền quê. Nét mặt ông trầm buồn, suy tư trăn trở. Ông bảo: Nhớ lại quá khứ là để ghi nhận biết ơn công lao của các anh hùng liệt sỹ, trong đó không thể nào quên công lao của các vị lãnh đạo tiền bối ngành dầu khí và tập thể cán bộ công nhân viên đã trải qua nhiều biến động buồn vui theo thời gian. Hiện tại là hành động cho đúng luật lệ hệ thống hóa chính thức của Nhà nước và của ngành dầu khí phù hợp với nghĩa tình trong sáng. Tương lai là cực kỳ quan trọng. Sự nghiệp dầu khí đang tiếp bước qua nhiều thế hệ để dệt nên trang sử vẻ vang cho công nghiệp dầu khí Việt Nam.

Nguồn: PV Media