Hình minh họa
Trong khi đó, các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc có thể thúc đẩy nhu cầu dầu, nhưng căng thẳng thương mại vẫn là một rủi ro lớn. Các yếu tố địa chính trị và nguy cơ gián đoạn nguồn cung có thể là nhân tố đảo chiều giá dầu bất ngờ.
Giá dầu thô nỗ lực phục hồi sau chuỗi 5 ngày giảm liên tiếp
Hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ (WTI) nhích lên vào thứ Sáu, nỗ lực đảo chiều đà giảm kéo dài suốt tuần. Hiện giá dầu đang giao dịch trong vùng hỗ trợ quan trọng, với các mốc đáng chú ý gồm 67,06 USD, 65,20 USD, 64,75 USD và 63,87 USD. Hôm thứ Tư, giá dầu từng rơi xuống 65,22 USD, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 12.
Một đợt mua bù bán (short-covering) có thể kéo giá lên gần đường EMA 200 ngày tại 70,48 USD, nhưng để giá dầu tăng mạnh hơn, thị trường cần một cú hích lớn về tâm lý nhà đầu tư hoặc một sự kiện làm gián đoạn nguồn cung bất ngờ.
Nguồn cung OPEC+ và bất ổn thuế quan tiếp tục gây sức ép lên giá dầu
Giá dầu đang hướng tới mức giảm gần 4% trong tuần, với dầu Brent giảm 3,8% và dầu WTI mất 3,7%. Nguyên nhân chính là sự bất ổn xung quanh chính sách thương mại của Mỹ cùng với nguồn cung gia tăng từ các nhà khai thác lớn. OPEC+ đã xác nhận kế hoạch dỡ bỏ cắt giảm sản lượng tự nguyện, bổ sung thêm 138.000 thùng dầu/ngày ra thị trường.
Động thái này đã đẩy giá dầu xuống dưới 69 USD/thùng hồi đầu tuần. Tuy nhiên, đến thứ Sáu, giá có dấu hiệu hồi phục nhẹ sau phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, nhấn mạnh lập trường siết chặt xuất khẩu dầu thô của Iran. Trong khi đó, một số nhà máy lọc dầu Trung Quốc cũng tăng mua vào, tận dụng giá dầu Brent thấp.
Chính sách của Mỹ làm tăng biến động thị trường
Chính quyền Trump đang xem xét kiểm tra các tàu chở dầu Iran ngay trên biển, động thái có thể gây gián đoạn ngay lập tức nguồn cung dầu thô từ Tehran. Đây là một phần trong chiến dịch siết chặt xuất khẩu dầu của Iran, làm dấy lên lo ngại về khả năng thắt chặt nguồn cung toàn cầu.
Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn là một ẩn số lớn. Trung Quốc đã phát tín hiệu có thể tung ra gói kích thích kinh tế để đối phó với thuế quan từ Mỹ, làm dấy lên kỳ vọng rằng nhu cầu dầu có thể cao hơn dự báo. Tuy nhiên, nguy cơ trả đũa thương mại vẫn là yếu tố kìm hãm đà tăng giá dầu.
Triển vọng thị trường
Dù giá dầu có phục hồi nhẹ vào phiên thứ Sáu, thị trường vẫn đối mặt với áp lực bán mạnh do nguồn cung OPEC+ gia tăng, tồn kho dầu thô Mỹ tăng cao và lo ngại về nhu cầu.
Tuy nhiên, bất kỳ cú sốc nào về nguồn cung – từ xung đột địa chính trị, sự cố gián đoạn khai thác không mong muốn, hay lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một nhà khai thác lớn – đều có thể kích hoạt đợt tăng giá mạnh.
Trong thời gian tới, giới đầu tư sẽ theo dõi sát diễn biến thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng địa chính trị và khả năng can thiệp của OPEC+. Nếu giá dầu vượt ngưỡng 70,48 USD/thùng, tâm lý thị trường có thể cải thiện, nhưng nếu không có chất xúc tác rõ ràng, rủi ro giảm giá vẫn chiếm ưu thế.
Nh.Thạch
AFP