Ấy là với những đề án, dự án hay những lúc sản xuất - kinh doanh càng gặp khó khăn thì càng phải phát động phong trào thi đua. Chính phong trào thi đua đã giúp Petrovietnam vượt qua rất nhiều khó khăn tưởng như không thể…
Điển hình của các điển hình
Tiến sĩ Hà Duy Dĩnh nêu ra 3 ví dụ điển hình về tổ chức phong trào thi đua của Petrovietnam, trong đó việc thi đua ở “Đại công trình” xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất được đánh giá là một điển hình của các điển hình về tổ chức phong trào thi đua trên các công trình trọng điểm của Nhà nước
Việc xây dựng công trình lọc dầu Dung Quất được bắt đầu từ năm 1997, nhưng loay hoay mãi cũng chưa có kết quả, bởi công trình gặp quá nhiều khó khăn do phải áp dụng khoa học công nghệ rất hiện đại, cần nguồn vốn “khổng lồ”: gần 3 tỉ đô la. Nhân lực cũng là “câu chuyện” hết sức nan giải, vì chưa bao giờ nước ta tổ chức một công trường lớn đến mức nhiều thời điểm tại công trình có tới trên 15.000 lao động làm việc cùng một lúc, gồm rất nhiều các nhà thầu trong nước và nước ngoài. Tổ chức một đại công trường xây dựng lọc dầu lớn như thế cũng chưa hề có ở Việt Nam.
Đứng trước bộn bề gian khó về thi công các hạng mục, lo toan đời sống vật chất lẫn tinh thần cho hơn một chục ngàn lao động, lãnh đạo Petrovietnam và công đoàn ngành Dầu khí đã đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động phong trào thi đua giữa các nhà thầu trong nước với nhà thầu nước ngoài về tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng các công trình và chăm lo tốt mọi mặt đời sống cho người lao động trên công trường xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Cuộc thi đua được tổ chức liên tục từ ngày 17/5/2006 và kéo dài đến khi hoàn tất việc xây dựng.
Ban đầu phát động, mới chỉ có hơn 10 nhà thầu Việt Nam tham gia, còn các nhà thầu nước ngoài vẫn đứng ngoài quan sát. Nhưng sau đó không lâu, các nhà thầu “ngoại” nhận thấy mục đích việc tổ chức thi đua ở đây cũng đúng như đích cuối cùng mà họ mong muốn và cam kết với chủ đầu tư, nên đã gửi đơn “xung phong” trở thành thành viên của phong trào thi đua…
Nhờ phong trào thi đua có tính quốc tế này mà các nhà thầu trong nước và nước ngoài đã gắn kết, phối hợp chặt chẽ hơn trong việc giải quyết công việc hàng ngày và đặc biệt là thông cảm với nhau nhiều hơn trong việc xử lý những khúc mắc. Nhờ vậy, hàng ngàn khó khăn, khúc mắc nảy sinh ở công trường đã được tháo gỡ, trong đó có rất nhiều trở ngại tưởng như không thể vượt qua, nhưng nhà thầu “nội” và nhà thầu “ngoại” đã chung sức hoá giải thành công.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình lớn hàng đầu và gặp nhiều “sóng gió” nhất tại Việt Nam, nhưng đó cũng là công trình “khổng lồ” đầu tiên ở nước ta hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm xuất xưởng lô sản phẩm hoá dầu đầu tiên vào tháng 2/2009 - sớm hơn so với kế hoạch - đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng cho ngành công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam. Thành quả này là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó đóng góp của phong trào thi đua quốc tế là rất lớn.
Thi đua Dung Quất - Việt Nam: Hay, đặc sắc và tác dụng lớn
Tiến sĩ Hà Duy Dĩnh cho biết: Tổng kết 3 năm thực hiện cuộc thi đua quốc tế tại “Đại công trường” Dung Quất, rất nhiều tập thể và cá nhân là chuyên gia, giám đốc, phó giám đốc các nhà thầu nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khen thưởng. Trong số này có khá nhiều cá nhân hoàn thành nhiệm vụ đã về nước, người nhiều được một năm, người ít 4 - 5 tháng. Tuy nhiên, khi biết mình được khen thưởng do có những đóng góp cho công trình Dung Quất, tất cả đã bỏ tiền túi bay trở lại Việt Nam để đón nhận phần thưởng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các bộ, ngành của Việt Nam.
Ông Ka tô, người Nhật Bản - Giám đốc điều hành của Tổ hợp nhà thầu Technip - là một trong số những cá nhân như thế. Tại lễ đón nhận phần thưởng thi đua, ông cho biết: Ông đã đến nhiều nước và xây dựng không ít nhà máy lọc dầu ở nhiều nơi, nhưng chưa ở đâu thấy có phong trào thi đua quốc tế như công trình lọc dầu Dung Quất. Ông Ka tô đánh giá: Phong trào thi đua ở Dung Quất được tổ chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một cách làm rất riêng của Việt Nam: Hay, lạ, đặc sắc và thực sự có tác dụng. Còn ông Hasa, Phó giám đốc Công ty Technip - thì nói rằng: Đầu tiên, ông và các bạn đồng nghiệp trong nhà thầu Technip không quan tâm nhiều đến phong trào thi đua mà Việt Nam tổ chức, nhưng sau thấy thi đua có tác động tạo chuyển biến thực sự đến năng suất, chất lượng và an toàn trên công trường, nên nhà thầu Technip đã tham gia ký cam kết đầy đủ tất cả các nội dung thi đua trong 3 năm hoạt động trên công trường. Do đó, rất nhiều tập thể và cá nhân của Technip đã được các cấp Việt Nam khen thưởng. Ông Hasa nói: Tôi thật sự hạnh phúc vì được trực tiếp tham gia xây dựng công trình lọc dầu Dung Quất. Ông cũng vô cùng vinh hạnh vì được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tặng Bằng khen cho cá nhân ông và công ty của ông. Ông sẽ treo phần thưởng này ngay tại chính công ty ở Nhật Bản và đề nghị các đồng nghiệp cùng làm như thế.
Nguồn: DQR