UBKTQH: Luật Đấu thầu cần thống nhất với quy định của Luật Dầu khí 2022
Ngày 19/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKTQH) có Văn bản số: 1876/UBKT gửi Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách ý kiến về một số nội dung dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) liên quan đến nội dung “lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí” nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Dầu khí năm 2022.

Về lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí

Theo Ủy ban Kinh tế, tại Báo cáo số 368/BC-UBTVQH15 ngày 13/11/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) trình Quốc hội biểu quyết, thông qua tại kỳ họp thứ 4 đã báo cáo các vị đại biểu Quốc hội như sau:

Có ý kiến đề nghị bổ sung một điểm tại khoản 1 Điều 4 về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế như sau: “việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí và điều tra cơ bản về dầu khí”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Dự thảo Luật không quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí mà chỉ quy định về một trong những nội dung chính của hợp đồng dầu khí là nguyên tắc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí (điểm h khoản 1 Điều 30), giao Chính phủ ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (khoản 3 Điều 30) và nghĩa vụ của các nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (bao gồm cả Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thực hiện vai trò là nhà thầu độc lập) thực hiện nội dung này bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả và phù hợp với quy định của hợp đồng dầu khí (khoản 12 Điều 59). Hợp đồng mẫu và hợp đồng dầu khí cụ thể chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc, mỗi nhà thầu có quy chế riêng về lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí và có trách nhiệm báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (với vai trò là một bên ký kết hợp đồng dầu khí với nhà đầu tư và thực hiện chức năng quản lý, giám sát thực hiện hợp đồng dầu khí sau khi hợp đồng dầu khí được phê duyệt) về việc tổ chức thực hiện nội dung này.

Quy định như vậy phù hợp với tính chất của hoạt động dầu khí cụ thể có nhiều bên tham gia hợp đồng dầu khí, bao gồm cả nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước; mặt khác, đây cũng là cách thức đang được thực hiện trên thực tế theo quy định của pháp luật dầu khí hiện hành, bảo đảm sự chủ động và nâng cao trách nhiệm của nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí), đồng thời, bảo đảm cơ chế kiểm soát phù hợp; quá trình triển khai chưa phát sinh vấn đề vướng mắc. Nội dung này sẽ tiếp tục được xem xét để quy định cụ thể tại dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), bảo đảm sự thống nhất.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Có ý kiến đề nghị chỉnh sửa khoản 12 Điều 59 dự thảo Luật Dầu khí 2022 về tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí và điều tra cơ bản về dầu khí theo quy định của hợp đồng dầu khí tại Luật này trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả và ưu tiên ký kết các hợp đồng dịch vụ với tổ chức, cá nhân Việt Nam, báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo: Khoản 12 Điều 59 dự thảo Luật quy định nghĩa vụ của nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí trước tiên phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả, đồng thời, phù hợp với hợp đồng dầu khí vì hợp đồng dầu khí chỉ quy định những nguyên tắc chung về nội dung này và mỗi nhà đầu tư có quy chế riêng lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí. Điều tra cơ bản về dầu khí không thực hiện theo hợp đồng dầu khí mà theo đề án điều tra cơ bản về dầu khí được phê duyệt. Quy định về “ưu tiên ký kết các hợp đồng dịch vụ với tổ chức, cá nhân Việt Nam” không phù hợp với nguyên tắc không phân biệt đối xử theo các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và không phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Luật Đầu tư về bảo đảm hoạt động đầu tư”.

UBKTQH cho biết, nội dung này đã được Quốc hội đồng ý và biểu quyết thông qua; tại điểm h khoản 1 Điều 30 quy định: Nguyên tắc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí… và tại khoản 12 Điều 59 Luật Dầu khí năm 2022 quy định: Tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả và phù hợp với quy định của hợp đồng dầu khí; báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí...”.

Vì vậy, về nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách (Cơ quan chủ trì thẩm tra) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan soạn thảo dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)) và các cơ quan, tổ chức có liên quan xem xét, có quy định phù hợp, khả thi, rõ ràng về quyền và trách nhiệm của các bên đối với việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả và phù hợp với quy định của hợp đồng dầu khí, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo tinh thần đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất như trên, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với phương án của Chính phủ đã trình để bảo đảm quyền tự chủ, tự quyết định đồng thời nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước về hiệu quả đầu tư thực hiện dự án và phù hợp với pháp luật về quản lý, sử dụng vốn của nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước so với pháp luật hiện hành chưa phù hợp với pháp luật về quản lý, sử dụng vốn của nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cần đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng.

Huy Tùng


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​