Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa chính sách ưu đãi để phát triển điện khí LNG
09:33 |
30/11/2024
Lượt xem:
1909
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, việc cụ thể hóa những cơ chế, chính sách ưu đãi trong Luật Điện lực sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của nhiệt điện khí LNG, đồng thời đảm bảo cung cấp điện ổn định cho đất nước trong tương lai.
Phát triển điện khí LNG còn nhiều bất cập
Với dải công suất lớn, tính ổn định cao, không chịu tác động bởi các yếu tố thời tiết, điện khí LNG được đánh giá là nguồn điện sẽ gánh vác vai trò “trụ đỡ” đảm bảo sự ổn định, an toàn cho hệ thống điện.
Trong mục tiêu chiến lược năng lượng quốc gia, công nghiệp điện khí được xác định có vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh thủy điện gần hết dư địa phát triển, điện than sẽ không được phát triển sau năm 2030. Đồng thời, Nghị quyết 55/NQ-BCT của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh yêu cầu phát triển công nghiệp khí, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mục tiêu đưa ra là đủ năng lực nhập khẩu khí LNG khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và 15 tỷ m3 vào năm 2045.
Chiến lược, định hướng là vậy, song thực tế hiện nay, để triển khai các dự án điện khí, đặc biệt là điện khí LNG đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, vấn đề xác định giá điện khí và cơ chế bao tiêu sản lượng hằng năm được các chuyên gia nhận định là rào cản, vướng mắc lớn nhất.
PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên PetroTimes, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho biết, tính cấp bách trong việc triển khai các dự án điện khí và những lợi ích mà nó mang lại là vậy, nhưng thực tế việc triển khai các dự án này lại đang phải đối diện với những rào cản, vướng mắc rất lớn. Trong đó là vấn đề về việc xác định giá điện khí và cơ chế bao tiêu sản lượng hằng năm. Đây là rào cản, vướng mắc lớn nhất mà hầu hết các dự án điện khí đã và đang phải đối diện từ nhiều năm nay và chưa có lời giải.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, khi phát triển điện khí LNG, chúng ta phải nhập khẩu LNG, do nguồn khí trong nước đang dần cạn kiệt. Để nhập khẩu LNG cần phải đảm bảo nguồn cung ổn định; xây dựng cơ sở hạ tầng như cảng nhập khẩu, hệ thống vận chuyển, lưu trữ... để phục vụ nhập khẩu và sử dụng LNG; quản lý rủi ro liên quan đến biến động giá LNG trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, giá khí tự nhiên thường dao động mạnh, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất điện dẫn đến các nhà đầu tư lo ngại về khả năng sinh lời nếu giá điện không phản ánh đúng chi phí sản xuất. Vì vậy, các nhà đầu tư muốn đảm bảo rằng giá điện được thỏa thuận tính theo giá thị trường, giúp họ có thể bù đắp chi phí và thu hồi vốn đầu tư. Tuy nhiên, các quy định về giá điện của Việt Nam hiện nay thường ít thay đổi, vì sợ tác động đến lạm phát và an sinh xã hội, gây khó khăn cho việc đàm phán và lập kế hoạch dài hạn.
Mặt khác, sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo với giá thành ngày càng thấp làm cho việc định giá điện khí trở nên phức tạp hơn, gây khó khăn trong việc đàm phán giá. Trong khi, các dự án điện khí thường cần có thỏa thuận bao tiêu sản lượng điện để đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên, các bên liên quan đôi khi không đồng thuận về lượng điện tiêu thụ và thời gian cam kết.
Như vậy, việc không có cơ chế giá thị trường đủ linh hoạt để tiếp nhận điện từ các nhà máy điện khí cũng làm tăng khó khăn trong việc đàm phán và bao tiêu.
Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có các chương trình tín dụng ưu đãi hoặc quỹ đầu tư đặc biệt cho các dự án nhiệt điện khí, làm giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn của các nhà đầu tư; các quy hoạch phát triển năng lượng chưa chú trọng đủ vào nhiệt điện khí, dẫn đến việc thiếu sự kết nối và phối hợp giữa các nguồn năng lượng khác nhau; chưa có chính sách khuyến khích rõ ràng đối với việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực nhiệt điện khí; thiếu chiến lược phát triển bền vững.
Cần những giải pháp mang tính đột phá
Để giải quyết những bất cập trên, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà đầu tư, Chính phủ và các cơ quan quản lý để xây dựng một cơ chế chính sách đặc thù, đồng bộ, rõ ràng và linh hoạt nhằm thu hút đầu tư và phát triển nhiệt điện khí như một phần quan trọng trong cơ cấu nguồn điện quốc gia đến năm 2030.
Để nhập khẩu LNG cần đảm bảo nguồn cung ổn định; xây dựng cơ sở hạ tầng như cảng nhập khẩu, hệ thống vận chuyển, lưu trữ... (Ảnh: Kho cảng LNG Thị Vải )
PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho biết, theo Quy hoạch điện VIII, cơ cấu nguồn điện đến năm 2030, nhiệt điện LNG có tổng công suất 22.400 MW (14,9%). Như vậy, chỉ còn hơn 6 năm nữa để các dự án LNG triển khai và đi vào vận hành, nếu như không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc đó bằng cơ chế, chính sách, chắc chắn việc triển khai các dự án LNG sẽ gặp trở ngại rất lớn, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Do đó, để thúc đẩy các dự án nhiệt điện khí và đảm bảo cơ cấu nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng cần thực hiện một số giải pháp mang tính đột phá như sau:
Thứ nhất, cần cải tiến công nghệ. Áp dụng công nghệ mới, như turbine khí thế hệ mới, giúp tăng hiệu suất và giảm khí thải.
Thứ hai, tích hợp năng lượng tái tạo. Kết hợp nhiệt điện khí với các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và gió, tạo ra hệ thống điện đồng bộ, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Thứ ba là cơ chế tài chính và chính sách hỗ trợ. Cần xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư từ cả khu vực công và tư, với các quỹ hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng có thể giúp giảm rủi ro cho các nhà đầu tư.
Thứ tư là nâng cao năng lực hạ tầng. Đầu tư vào hệ thống hạ tầng vận chuyển và phân phối khí, cũng như các cảng nhập khẩu LNG để đảm bảo nguồn cung ổn định.
Thứ năm là đào tạo nguồn nhân lực. Phát triển chương trình đào tạo về công nghệ và quản lý dự án nhiệt điện khí để nâng cao năng lực cho đội ngũ kỹ sư và quản lý.
Thứ sáu là thúc đẩy nghiên cứu và phát triển. Tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để phát triển các giải pháp công nghệ mới và bền vững.
Và cuối cùng là hợp tác quốc tế. Việt Nam cần thường xuyên tham gia các diễn đàn quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và công nghệ từ các nước đi đầu trong lĩnh vực nhiệt điện khí.
“Việc cụ thể hóa những cơ chế, chính sách này trong Luật Điện lực sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của nhiệt điện khí, đồng thời đảm bảo cung cấp điện ổn định cho đất nước trong tương lai”, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Huy Tùng
Bình luận