Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023. (Ảnh: VGP/Hải Minh - baochinhphu.vn)
Giải thưởng VIFOTEC nhằm tôn vinh các nghiên cứu đang ứng dụng thực tế của các nhà khoa học cả nước giúp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh và quốc phòng. Đến nay, đã có khoảng gần 3.000 công trình tham gia và hơn 900 công trình đạt giải.
Giải thưởng được xét và trao cho các công trình thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Điện tử và Viễn thông; Cơ khí và tự động hóa; Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ vật liệu; Công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Qua 28 lần tổ chức, kể từ năm 1995 đến nay, Giải thưởng đã từng bước khẳng định uy tín trong lĩnh vực sáng tạo khoa học kỹ thuật, được các nhà khoa học trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Năm 2023, Giải thưởng có 130 công trình tham dự. Căn cứ vào kết quả chấm điểm của Hội đồng Giám khảo, Ban tổ chức Giải thưởng quyết định trao giải thưởng cho 47 công trình gồm: 4 giải Nhất, 10 giải Nhì, 16 giải Ba và 17 giải Khuyến khích. Các giải thưởng được trao cho 6 lĩnh vực: Cơ khí Tự động hóa; Lĩnh vực Tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới; Lĩnh vực Thông tin, điện tử và viễn thông; Lĩnh vực Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ vật liệu.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC trao giải Nhất cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả. (Ảnh: VGP/Hải Minh - baochinhphu.vn)
Ngành Dầu khí có 7 công trình nghiên cứu khoa học công nghệ đạt giải, gồm 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích. Cụ thể:
"Nghiên cứu thay đổi nguyên lý điều khiển cho van để giảm tối đa lượng khí xả ra đốt đuốc nhằm tăng hiệu quả sản xuất và giảm phát thải" của nhóm tác giả KS. Phạm Văn Phóng, KS. Phạm Hữu Sâm, KS. Trần Thế Sang, KS. Trịnh Duy Linh, ThS. Ngô Đức Khánh (Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn), đạt giải Ba;
"Giải pháp duy trì vận hành nhà máy trong quá trình cách ly cụm tháp phân tách Debutanizer" của nhóm tác giả ThS. Trần Văn Tuân, ThS. Mai Tuấn Đạt, ThS. Đặng Ngọc Đình Điệp, ThS. Cao Tuấn Sĩ, ThS. Lê Hải Tuấn, ThS. Đào Xuân Giỏi, KS. Đinh Văn Nhân, ThS. Nguyễn Nhanh, ThS. Vương Ngọc Trai, KS. Đỗ Hồng Quang, KS. Nguyễn Bá Trí Quang, ThS. Bùi Tá Vũ, KS. Phan Anh Tuấn, ThS. Phan Minh Thành, KS. Phạm Văn Liễu, KS. Nguyễn Minh Cảnh, KS. Hà Sơn Hải (Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn ), đạt giải Ba;
"Nghiên cứu quy trình rút ngắn thời gian sản xuất trong lĩnh vực công nghệ sản xuất ammoniac" của nhóm tác giả KS. Phạm Thường, KS. Nguyễn Thanh Tùng, KS. Đặng Hoàng Quân, KS. Lê Ngọc Chính, KS. Cam Minh Tuấn (NM Đạm Cà Mau - Công ty CP phân bón dầu khí Cà Mau), đạt giải Ba;
"Nghiên cứu công nghệ phục hồi máy nén khí trục vít công nghiệp không dầu, từng bước tự chủ và giảm phụ thuộc vào chính sách độc quyền của nhà sản xuất" của nhóm tác giả KS. Trương Phương Nam, ThS. Nguyễn Thanh Tùng, KS. Vũ Đức Cường, Ths. Nguyễn Anh Khoa, KS. Lê Thanh Trọng, KS. Quách Đức Minh, KS. Quách Văn Tưởng (Công ty CP phân bón dầu khí Cà Mau) đạt giải Khuyến khích;
"Bộ giải pháp tối ưu hóa năng lượng tiêu hao của Nhà máy xử lý khí Cà Mau" của nhóm tác giả KS. Nguyễn Quốc Thắng, KS. Nguyễn Thành Thịnh, KS. Nguyễn Thanh Tân, KS. Phạm Văn Hiệp, KS. Hồ Nguyên, KS. Huỳnh Văn Luân, KS. Nguyễn Hai Phương, KS. Trần Thanh Minh (Chi nhánh Tổng Công ty Khí Việt Nam, Công ty Khí Cà Mau) đạt giải Khuyến khích;
"Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và tối ưu hóa thời gian vận hành liên tục hệ thống tạo hạt tầng sôi nhà máy Đạm Cà Mau" của nhóm tác giả KS. Vũ Việt Văn, KS. Trần Đại Nghĩa, KS. Nguyễn Thanh Tùng, KS. Nguyễn Duy Hải (CP phân bón dầu khí Cà Mau), đạt giải Khuyến khích;
"Giải pháp kiểm soát chất lượng khí, condensate Thiên Ưng và quản lý lỏng các tuyến ống 02 pha hệ thống khí NCS2" của nhóm tác giả ThS. Nguyễn Thành Minh, ThS. Trần Huy Thực, KS. Nguyễn Vỹ, ThS. Nguyễn Phương Cảo, ThS. Hồ Xuân Lâm, KS. Bùi Tấn Hùng, KS. Trần Anh Khoa (Tổng công ty Khí Việt Nam), đạt giải Khuyến khích;
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh trao giải Nhì cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả. (Ảnh: VGP/Hải Minh - baochinhphu.vn)
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, việc trao Giải thưởng VIFOTEC là một hoạt động có nhiều ý nghĩa, thiết thực góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học công nghệ đất nước, khích lệ các nhà khoa học, đội ngũ trí thức tham gia nghiên cứu, sáng tạo, kịp thời giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Đồng thời đề nghị những nghiên cứu, sáng tạo của các công trình này sẽ được ứng dụng trong thực tiễn, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua nghiên cứu sáng tạo KHCN trong đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã phát động Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2024, tập trung vào 6 lĩnh vực công nghệ trọng điểm là: Cơ khí tự động hoá; công nghệ vật liệu; công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Thanh Thùy