Tướng đá và môi trường trầm tích
Môi trường trầm tích và tướng đá là khái niệm tổng hợp về điều kiện sinh thành đặc điểm các vật thể trầm tích, điều kiện cổ địa lý.

Môi trường trầm tích là không gian tích tụ có cùng những yếu tố đặc trưng chung về chế độ thủy động lực, nhiệt độ, tính chất hóa lý (độ muối, độ pH...). Các trầm tích được thành tạo trong một vị trí nhất định của môi trường ở một thời điểm trong lịch sử phát triển địa chất và liên quan đến cùng điều kiện cảnh quan cổ địa lý khác với vùng xung quanh được gọi là tướng đá. Điều kiện cổ địa lý bị chi phối bởi nhiều yếu tố như cổ kiến tạo, sự lên xuống mực nước biển, cổ khí hậu, thuỷ động lực, sụt lún kiến tạo, nguồn vật liệu... Trên hình 1.14 thể hiện mô hình môi trường lắng đọng trầm tích với các tướng chủ yếu.

Hình 1.14 - Mô hình thể hiện môi trường lắng đọng trầm tích chủ yếu

Môi trường trầm tích và tướng đá là khái niệm tổng hợp về điều kiện sinh thành đặc điểm các vật thể trầm tích, điều kiện cổ địa lý. Môi trường trầm tích quyết định thành phần, loại vật liệu, kiểu cấu tạo của tướng đá. Tướng đá phản ảnh môi trường trầm tích.

Có thể phân chia tướng theo các vùng có đặc điểm trầm tích khác nhau:

+ Môi trường trầm tích lục địa: bao gồm các tướng sườn tích, tàn tích, tướng lòng sông, tướng bãi bồi, tướng hồ, tướng đầm lầy.

+ Môi trường trầm tích chuyển tiếp (tướng sông - biển): bao gồm tướng châu thổ, tướng vũng vịnh. Các trầm tích châu thổ nước nông hoặc tiền châu thổ thường có dạng xếp lớp nghiêng. Các trầm tích châu thổ, kênh lạch, dòng sông thì thường có dạng xiên chéo so với ranh giới tập.

+ Môi trường trầm tích biển: bao gồm tướng biển nông ven bờ, tướng thềm, tướng biển sâu, tướng quạt đáy biển và quạt sườn. Ở vùng thềm hoặc bể nước sâu thì trầm tích thường có độ hạt mịn đồng đều, hình thành trong môi trường ổn định, nếu chưa bị ảnh hưởng của hoạt động kiến tạo thì có dạng song song lượn sóng, nếu có ảnh hưởng hoạt động kiến tạo trong quá trình lắng đọng thì có kiểu kiến trúc á song song. Nếu tốc độ lắng đọng trầm tích thay đổi hoặc có sự lún chìm trong quá trình thành tạo thì chúng thường liên quan đến tích tụ đường bờ và có tướng hạt thô. Nếu trầm tích được lắng đọng ở phần sườn lục địa, bồn trũng lún chìm nhanh, hoặc nước biển nâng nhanh với thành phần đất đá chủ yếu là sét bột, chúng liên quan đến trầm tích được thành tạo trong điều kiện năng lượng và dòng chảy lớn, bồn ít lún chìm, đất đá có tướng hạt thô, độ dày tăng mạnh ở sườn dốc. Với các trầm tích được hình thành trong điều kiện phức tạp, mấp mô, năng lượng không đều ở sườn với tướng carbonat, sông ngầm hoặc trước châu thổ dạng gồ ghề, mấp mô. Ở các vùng trượt lở, lấp đầy sông cổ, phá hủy kiến tạo tướng hạt thô, trên cơ sở phân tích lát cắt địa chấn cần làm sáng tỏ các cấu tạo vòm, bẫy vát nhọn địa tầng...

Nói một cách khác là xác định được các cấu tạo thuận lợi cho tích tụ dầu khí. Phụ thuộc vào đặc điểm đứt gãy, bề dày các tập địa chấn, đặc điểm cấu kiến tạo... có thể xác định lịch sử hình thành và phát triển cấu tạo, cơ chế hoạt động các đứt gãy, mối quan hệ với quá trình dịch chuyển dầu khí.

Hình ảnh phân bố tướng ở vùng châu thổ từ đồng bằng châu thổ trên đất liền đến vùng tiền châu thổ dưới mặt nước liên quan đến quá trình biển lùi và hình ảnh vùng cửa sông liên quan đến quá trình biển tiến được thể hiện trên sơ đồ hình 1.15.

Tướng đá và môi trường trầm tích

Hình 1.15 - Sơ đồ phân bố tướng và môi trường trầm tích

Trên hình 1.16 thể hiện mặt cắt phân bố tướng và môi trường trầm tích từ đồng bằng bồi tích, đồng bằng ven biển ra đến thềm và sườn lục địa.

Tướng đá và môi trường trầm tích

Hình 1.16 - Mặt cắt phân bố tướng và môi trường trầm tích từ đất liền ra biển

Trên hình 1.17 thể hiện mô hình lắng đọng đầm hồ, trong đó đồng bằng bồi tích/sông (I) gồm cát kết hay bùn kết dạng quạt bồi tích, các sông uốn khúc và bện (braided), các trầm tích ngập lụt và trầm tích vỡ bờ. Môi trường gần bờ (II) gồm tướng dạng mặt bờ, châu thổ; cát/bùn vũng vịnh; bùn/sét đầm lầy... và môi trường xa bờ (III) gồm các tướng đầm hồ, bùn/sét sườn châu thổ, quạt cát, sét trong môi trường nước sâu...

Tướng đá và môi trường trầm tích

Hình 1.17 - Mô hình lắng đọng đầm hồ - I. Đồng bằng bồi tích/sông; II. Môi trường gần bờ; III. Môi trường xa bờ

Theo Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​