TSKH Phùng Đình Thực: Chúng ta mãi biết ơn Bác Hồ và những người bạn (Bài 1)
06:10 |
01/06/2024
Lượt xem:
579
Vào hồi 18 giờ 18 phút ngày 15-5-2024, Liên doanh Vietsovpetro đã đạt mốc khai thác tấn dầu thứ 250 triệu. Đây là sự kiện lớn đánh dấu những thành công của “người Anh Cả” trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Nhân sự kiện này, Tiến sĩ Khoa học Phùng Đình Thực, nguyên Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, người từng gắn bó và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng ở Liên doanh Vietsovpetro đã dành cho PV một cuộc trao đổi rất cởi mở.
Bài 1: Tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ
TSKH Phùng Đình Thực: Chúng ta mãi biết ơn Bác Hồ và những người bạn
Nói đến sự thành công của sự kiện 250 triệu tấn dầu, trước khi nói về sự đóng góp to lớn, hiệu quả, không mệt mỏi của tập thể quốc tế những người lao động Dầu khí Việt Xô, Việt - Nga và ngành Dầu khí, cần nói đến 2 yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất. Thứ nhất là tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển ngành Dầu khí. Thứ hai là sự hợp tác quốc tế, ở đây là hợp tác với Liên Xô, 2 yếu tố này đã mang lại kết quả to lớn cho thành công của sự kiện 250 triệu tấn dầu.
Ngày 23-7-1959, Bác Hồ đã sang thăm khu công nghiệp dầu khí Bacu. Đó là thời điểm chưa ai từng hình dung về ngành Dầu khí Việt Nam sẽ thế nào nhưng Người đã đặt vấn đề với lãnh đạo Liên Xô rằng khi chiến tranh kết thúc, Liên Xô sẽ giúp Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp dầu khí mạnh như Bacu. Có thể thấy, tư duy của Bác từ thời đó đã vượt trước thời đại.
Tiếp đến là sự quan tâm rất lớn tới ngành Dầu khí của Bộ Chính trị và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Dầu khí là ngành được Bộ Chính trị quan tâm sớm nhất, nhiều nhất, được Bộ Chính trị ban hành nhiều nghị quyết nhất. Ngay từ năm 1975 khi vừa giải phóng xong, Bộ Chính trị đã họp, sau đó vào ngày 9-8-1975 đã ban hành Nghị quyết đầu tiên số 244-NQ/TW về phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, trong đó có ghi rõ “tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên phạm vi cả nước”. Có thể nói đó là sự nhận định hết sức sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.
Tiếp theo, ngày 7-7-1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về định hướng phát triển ngành Dầu khí đến năm 2000. Ngày 9-1-2006, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 41-KL/TW về định hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025. Tiếp đến là Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; rồi Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Và gần đây nhất, ngày 24-4-2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tình hình thực hiên Nghị quyết 41-NQ/TW. Chúng ta thấy rõ, mỗi một nghị quyết mới của Bộ Chính trị được ban hành lại tạo động lực mới để ngành Dầu khí phát triển lên tầm cao mới, là tiền đề, là định hướng để có 250 triệu tấn dầu của Vietsovpetro ngày nay.
Yếu tố thứ hai là sự hợp tác hiệu quả với Liên Xô. Vào thời điểm khó khăn, kinh tế xuống dốc, chiến tranh rối ren, Liên Xô ký với Việt Nam Hiệp định hữu nghị hợp tác vào năm 1981 và đưa toàn bộ phương tiện sang Việt Nam để triển khai. Toàn bộ thiết kế, thi công, phương tiện thiết bị, nhân sự… đều do Liên Xô hỗ trợ. Khi đó, Liên Xô và Việt Nam đã thống nhất 4 mục tiêu cần đạt được trong sự hợp tác này. Cụ thể: cần sớm tìm ra dầu, khai thác được dầu; sớm thu được ngoại tệ từ xuất khẩu dầu, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang khó khăn; phải xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của dầu khí, không bị phụ thuộc và Việt Nam có thể trưởng thành, phát triển; Đặc biệt, phải xây dựng, đào tạo được đội ngũ cán bộ làm về dầu khí - đây là vấn đề quan trọng, cốt lõi.
TSKH Phùng Đình Thực: Chúng ta mãi biết ơn Bác Hồ và những người bạn
Có thể nói Liên doanh Vietsovpetro là trường học lớn đối với người dầu khí. Nhiều thế hệ đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam đã trưởng thành từ “ngôi trường” này, rất nhanh chóng đảm đương được những nhiệm vụ chủ chốt tại liên doanh nói riêng và sau này là Petrovietnam.
Đến nay, cả 4 mục tiêu trên đều đã đạt được. TSKH Phùng Đình Thực đánh giá sự hợp tác hiệu quả với Liên Xô là yếu tố rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Ngành công nghiệp dầu khí là một ngành khoa học hiện đại nên rất cần sự hợp tác quốc tế. Cần nhắc lại, sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã rất cởi mở mời các công ty tư bản của Italia, Đức, Canada… hợp tác, tuy nhiên đến năm 1979 những công ty tư bản đã rút khỏi Việt Nam. Lúc đó là thời điểm rất khó khăn, nếu không hợp tác với Liên Xô thông qua Liên doanh Vietsovpetro trong giai đoạn đó thì ngành Dầu khí chưa thể khai thác được dầu từ năm 1986, chưa có được hệ thống dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ như ngày nay, cũng như chưa thể có được sự kiện 250 triệu tấn dầu của Vietsovpetro.
Tầm nhìn xa trông rộng, sự quan tâm đến ngành Dầu khí của Bác, của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước còn thể hiện trong công tác đào tạo cán bộ. Ngay khi thời kỳ kháng chiến chống Mỹ còn vô cùng ác liệt thì Đảng, Chính phủ đã cử nhiều sinh viên sang học dầu khí ở Liên Xô, Romania…
TSKH Phùng Đình Thực chia sẻ: “Để Vietsovpetro khai thác được 250 triệu tấn dầu, tập thể những người làm dầu khí đã vượt qua nhiều khó khăn, phức tạp. Tôi không phải là người đầu tiên nhưng thuộc nhóm đầu tiên làm việc ở Vietsovpetro. Năm 1981 hình thành liên doanh, năm 1983 tôi bắt đầu tham gia công tác chuẩn bị và năm 1986 trực tiếp tham gia chỉ huy đưa mỏ dầu đầu tiên - mỏ dầu Bạch Hổ vào khai thác. Những năm tiếp theo được phân công phụ trách công tác khai khác dầu mỏ Bạch Hổ, tôi nắm rõ các vấn đề liên quan”.
Trong giai đoạn đầu tiên, hợp tác dầu khí với Liên Xô về cơ bản là rất thuận lợi, tuy nhiên cũng có những khó khăn nhất định. Đầu tiên phải kể đến kinh nghiệm khai thác dầu trên biển của Liên Xô lúc đó còn ít. Thứ hai là việc dầu của Việt Nam là dầu parafin 27% rất khó trong khai thác và vận chuyển. Thứ ba là lúc đó vào đúng giai đoạn cấm vận nên không nhập được những phương tiện thiết bị hiện đại.
Ngoài ra còn nhiều khó khăn, thiếu thốn trong quá trình khai thác dầu tại Bạch Hổ. Nhiều thiết bị chuyên dụng không có, đơn giản như tời máy khi thả thiết bị đo các thông số trong lòng giếng cũng không có và phải dùng tời tay. Hay có những lần đốt đuốc trên giàn khoan, khi có khí trên đuốc rồi nhưng cũng không đốt tự động được mà phải tự cầm đuốc lên tận ngọn để đốt. Công nghệ khai thác hồi đó cũng gặp nhiều hạn chế. Liên Xô đã thực hiện khai thác với rất nhiều loại dầu nhưng với dầu nhiều parafin trên biển có những đặc điểm đặc biệt liên quan đến đặc tính, tính chất riêng đã gây nên rất nhiều khó khăn phức tạp. Và thực tế đã xảy ra những sự cố tắc đường ống dẫn dầu ngay từ những ngày đầu khai thác, tuy nhiên bằng nhiều cách, với trí tuệ, bản lĩnh, những người dầu khí tại Vietsovpetro cũng đã xử lý được.
Nói đến sự thành công của sự kiện 250 triệu tấn dầu, trước khi nói về sự đóng góp to lớn, hiệu quả, không mệt mỏi của tập thể quốc tế những người lao động Dầu khí Việt Xô, Việt - Nga và ngành Dầu khí, cần nói đến 2 yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất. Thứ nhất là tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển ngành Dầu khí. Thứ hai là sự hợp tác quốc tế, ở đây là hợp tác với Liên Xô.
Nguyễn Như Phong (ghi)
Bình luận