Việt Nam có các bể trầm tích liên quan đến tiềm năng dầu khí (hình 2.4). Trên đất liền các bể trầm tích Kainozoi ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng Cửu Long, trên thềm lục địa và một phần biển sâu thuộc Biển Đông các bể trầm tích tạo thành một dải từ Bắc xuống Nam.
|
Hình 2.4 - Bản đồ các bể trầm tích vùng biển Việt Nam
|
Các bể trầm tích có tiềm năng dầu khí của Việt Nam nằm trên vỏ lục địa và vỏ chuyển tiếp, có lịch sử phát triển địa chất từ Eocen đến nay tương tự với các bể ở Đông Nam Á. Trong Paleogen cho đến Miocen giữa xu hướng tách giãn chiếm ưu thế. Mặt cắt địa tầng gồm các siêu tập (megasequence) bắt đầu từ trầm tích lục địa, chuyển dần sang ven bờ (paralic), rồi đến các trầm tích biển nông có thềm carbonat, cho đến sét kết (mudstone) biển sâu. Từ Miocen giữa - muộn đến Miocen muộn, các bể trầm tích trải qua ép nén nhẹ đến rõ nét, ở nhiều nơi dẫn đến nghịch đảo các trung tâm lắng đọng. Tuy nhiên tùy thuộc vào vị trí địa lý và các yếu tố kiến tạo mà mỗi bể trầm tích lại có lịch sử phát triển địa chất riêng do đó có hệ thống dầu khí và tiềm năng dầu khí khác nhau.
Có thể phân chia các bể trầm tích thành 4 khu vực gồm thềm lục địa Bắc Bộ, Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. (Nguyễn Hiệp, 2007).
a. Thềm lục địa Bắc Bộ (vịnh Bắc Bộ)
Thềm lục địa Bắc Bộ có hành lang rộng và thoải. Đới bờ phá hủy ở phía Bắc Đồ Sơn, nơi đó các trầm tích Kainozoi thường mỏng hoặc vắng mặt. Phần phía Nam Đồ Sơn là thềm kết cấu, móng trước Kainozoi bị phủ bởi các trầm tích Kainozoi dày (5.000-18.000m) kể cả phần đất liền, trầm tích Pliocen - Đệ tứ rất dày ở khu vực trung tâm vịnh Bắc Bộ. Trên phần thềm này có các bể trầm tích như: Bể Sông Hồng gồm miền võng Hà Nội ở phần đất liền và Địa hào Quảng Ngãi ở phía Nam. Bể Hoàng Sa nằm ở vùng nước sâu, có phương cấu trúc vuông góc với địa lũy Tri Tôn. Phía Bắc - Đông Bắc bể Sông Hồng có đới Bạch Long Vĩ, về kiến tạo thuộc bể Bắc Vịnh Bắc Bộ. Phía Đông Nam là bể Nam Hải Nam có phương gần vuông góc với bể Sông Hồng và giữa chúng không có ranh giới bể, tạo nên một đới phủ trầm tích hình chữ Y.
b. Thềm lục địa Trung Bộ
Thềm lục địa Trung Bộ có hành lang hẹp và dốc do sự khống chế của hệ thống đứt gãy Á kinh tuyến. Đới bờ có quá trình hủy hoại chiếm ưu thế, vì vậy thường lộ ra các thành tạo trước Kainozoi. Trầm tích Kainozoi có chiều dày tăng nhanh về phía ngoài khơi. Phần Nam của địa hào Quảng Ngãi và bể Phú Khánh có lớp phủ Pliocen - Đệ tứ có bề dày tăng nhanh về phía biển. Bể Phú Khánh đến đới cắt Tuy Hòa bao gồm cả phần sâu dưới chân sườn lục địa.
c. Thềm lục địa Đông Nam Bộ
Thềm lục địa Đông Nam Bộ có hành lang rộng và thoải với xu thế phát triển của động thái kết cấu. Các bể trầm tích có diện tích rộng và trầm tích dày như bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Tư Chính - Vũng Mây. Nằm xa hơn trong vùng nước sâu là nhóm bể Trường Sa có trầm tích mỏng phân bố trong các trũng nhỏ hẹp.
d. Thềm lục địa Tây Nam Bộ
Thềm lục địa Tây Nam Bộ có hành lang rộng và thoải thuộc vịnh Thái Lan. Một số nơi thuộc khu vực Hòn Chuông đến Hà Tiên quá trình hủy hoại chiếm ưu thế nên các thành tạo Paleozoi và Mesozoi thường được lộ rõ, các trầm tích Pliocen - Đệ tứ đới ven bờ không dày. Phần lãnh hải Việt Nam thuộc cánh Đông - Đông Bắc của bể Malay - Thổ Chu.
Tài liệu tham khảo: Nguyễn Hiệp (Chủ biên) và nnk, 2007, Địa chất và Tài nguyên Dầu khí Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 549 tr
Theo Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí