Kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (17/12/2008 - 17/12/2023)

Petrovietnam với những định hướng phát triển bền vững
Ngày 12/12, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, ông Nguyễn Văn Mậu - Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có tham luận về việc triển khai thực hiện và những định hướng phát triển bền vững của Petrovietnam. PetroTimes trích đăng một số thông tin từ tham luận này.

Diễn đàn do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức.

Petrovietnam với những định hướng phát triển bền vững

Toàn cảnh diễn đàn

Diễn đàn là dịp để lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các chuyên gia trao đổi, đánh giá việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế đất nước, từ đó nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đánh giá những nội dung, kết quả đã làm được từ đầu nhiệm kỳ tới nay cũng như đề ra các giải pháp thực chủ yếu nhằm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra trong nửa cuối nhiệm kỳ.

Thay mặt Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát biểu tham luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Mậu - Thành viên HĐTV Tập đoàn khẳng định diễn đàn cũng chính là cơ hội để ngành Dầu khí Việt Nam, Petrovietnam và các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp trong cả nước trao đổi, xây dựng giải phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Tình hình triển khai nhiệm vụ nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng

Ngay từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đất nước ta đã đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt trong ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ, đất nước ta đã trải qua những tổn thất vô cùng lớn bởi đại dịch Covid-19; điều này đã thay đổi cấu trúc - trật tự của thế giới và tác động lớn tới kinh tế - chính trị Việt Nam nói chung và Petrovietnam nói riêng.

Trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần trên dưới đồng lòng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kinh tế đất nước ta từng bước vượt qua những khó khăn thử thách với những thành tựu được cả thế giới công nhận; kết quả đạt được năm sau cao hơn năm trước.

Petrovietnam với những định hướng phát triển bền vững

Thành viên HĐTV Petrovietnam Nguyễn Văn Mậu phát biểu tại diễn đàn

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Petrovietnam đã phải đối diện với những khó khăn như: xu hướng chuyển dịch năng lượng diễn ra nhanh, mạnh đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển mỏ khí và huy động khí, sản xuất điện của Tập đoàn thấp; các mỏ dầu khí lớn ở khu vực truyền thống đã qua thời kỳ khai thác ổn định, đang trên đà suy giảm sản lượng tự nhiên; các lô/mỏ nhận lại từ nhà thầu nước ngoài chưa có cơ chế vận hành; việc đầu tư cho tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng ở trong nước gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và trình tự, thủ tục đầu tư, cùng với việc tìm kiếm, triển khai các dự án tốt ở nước ngoài ngày càng khó khăn, cạnh tranh khốc liệt; thị trường kinh doanh các sản phẩm chiến lược (khí, LPG, xăng dầu, điện, đạm...), các dịch vụ chủ lực (cung cấp giàn khoan, vận tải lỏng...) diễn biến xấu, không ổn định.

Trong khó khăn, thách thức chưa từng có, Petrovietnam luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ tích cực của các ban/bộ/ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương liên quan. Vai trò, hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ Tập đoàn được khẳng định trong mọi hoạt động của Petrovietnam, từ Tập đoàn đến các đơn vị. Đặc biệt khi giá dầu giảm sâu cũng là lúc dịch bệnh phức tạp, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Đảng ủy Tập đoàn) đã tập trung lãnh đạo, dự báo thay đổi, quản trị biến động; quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid-19; bình tĩnh, chủ động, linh hoạt xử lý “khủng hoảng kép”; khắc phục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và tại các dự án đầu tư trọng điểm của Tập đoàn.

Chính vì vậy, Petrovietnam đã duy trì ổn định hoạt động SXKD đóng góp 9-10% ngân sách cả nước trong giai đoạn 2020-2023 (trong 3 năm 2021-2023 toàn Tập đoàn đóng góp khoảng 428 nghìn tỷ đồng); góp phần rất quan trọng cho sự phát triển GDP của cả nước.

Bên cạnh đó, Petrovietnam còn đóng vai trò trụ cột, đầu tàu, là động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế thông qua triển khai thành công nhiều chuỗi dự án, công trình trọng điểm quốc gia tại các khu vực, địa bàn trên cả nước như: Dung Quất - Quảng Ngãi; Khí - Điện - Đạm Cà Mau; Nghi Sơn - Thanh Hóa; Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhơn Trạch - Đồng Nai... Các sản phẩm chủ yếu của ngành: dầu thô, xăng dầu, đạm, điện, khí, LPG... đã và đang góp phần tích cực chủ động bình ổn thị trường. Tập đoàn đã cung cấp khí và sản phẩm khí làm nguồn nhiên liệu sạch để sản xuất phát triển 8-11% sản lượng điện cả nước, sản xuất 75% sản lượng phân đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước và cho nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải và dân dụng khác.

Mục tiêu chiến lược trong giai đoạn tới

Trên cơ sở kết quả thực hiện nửa đầu nhiệm kỳ, nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII tiếp tục đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với toàn Đảng, toàn dân. Để hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 như đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ thì tăng trưởng bình quân 3 năm 2023-2025 phải đạt khoảng 7,3%. Đây là mức tăng trưởng rất cao, đòi hỏi phải có sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân.

Để góp phần thực hiện nhiệm vụ nửa cuối nhiệm kỳ, Petrovietnam đã và đang xác định, nhiệm vụ hoạt động hiệu quả SXKD, duy trì tăng trưởng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, tập trung đầu tư hiệu quả các dự án, ưu tiên tập trung các dự án trọng điểm, dự án xanh, sạch, năng lượng tái tạo và chuyển đổi số.

Petrovietnam với những định hướng phát triển bền vững

Petrovietnam đã duy trì ổn định hoạt động SXKD, đóng góp 9-10% ngân sách cả nước trong giai đoạn 2020-2023

Trong thời gian qua, Tập đoàn đã phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó điều chỉnh chiến lược phát triển phù hợp với những chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, tình hình mới và bối cảnh mới. Theo đó, Chiến lược phát triển Petrovietnam được xây dựng gắn liền với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và bền vững, có khả năng cạnh tranh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển đất nước, đồng thời nhấn mạnh quan điểm sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động thực hiện các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tìm kiếm và phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong mọi hoạt động của Tập đoàn.

Mục tiêu chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đó là: “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia giữ vị trí và vai trò tiên phong, nòng cốt trong các lĩnh vực về dầu khí và công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới gắn với thế mạnh của ngành Dầu khí”.

Những định hướng phát triển trong nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng

Để thực hiện tốt mục tiêu chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Petrovietnam đã đặt ra một số định hướng phát triển chính để triển khai thực hiện ngay từ nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Thứ nhất, Petrovietnam định hướng cắt giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, được triển khai đồng bộ tại 5 lĩnh vực hoạt động.

Trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, Petrovietnam đang tiến hành hợp tác quốc tế để nghiên cứu điều tra cơ bản và tìm kiếm thăm dò khai thác các nguồn năng lượng mới/năng lượng sạch, phi truyền thống như: khí hydrate (băng cháy), khí sét, khí than, hydro, nguồn địa nhiệt... Đồng thời, ứng dụng các giải pháp thu hồi, giảm đốt bỏ và rò rỉ khí ra môi trường; nghiên cứu tích hợp sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo; Nghiên cứu sử dụng hiệu quả nguồn khí tự nhiên có hàm lượng CO₂ cao trong nước để có thể nhận lợi ích đồng thời từ việc sử dụng nguồn hydrocarbon và CO₂ nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Petrovietnam với những định hướng phát triển bền vững

Petrovietnam phấn đấu trở thành đơn vị đứng đầu trong chuỗi LNG

Đối với lĩnh vực khí, Tập đoàn bảo đảm thu gom tối đa sản lượng khí của các lô/mỏ khai thác tại Việt Nam nhằm hạn chế tối đa đốt bỏ khí; Phấn đấu trở thành đơn vị đứng đầu trong chuỗi LNG trong đó xem xét ưu tiên đầu tư hạ tầng đi trước.

Song song với đó, tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm từ khí; phát triển lĩnh vực hóa dầu từ khí, tăng cường đầu tư chế biến sâu khí tự nhiên để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm khí, ưu tiên sử dụng nguồn khí giá rẻ trong nước để phát triển các dự án hóa dầu.

Trong lĩnh vực công nghiệp điện và năng lượng tái tạo, Tập đoàn đang nghiên cứu và triển khai giải pháp tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả và giải pháp nhằm xanh hóa các nhà máy điện; Ưu tiên phát triển nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí tự nhiên khai thác trong nước kết hợp với nguồn LNG nhập khẩu; tham gia đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm triển khai các công trình trên biển.

Đối với lĩnh vực chế biến, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí, Petrovietnam sẽ tập trung phát triển lĩnh vực hóa dầu (bao gồm cả hóa dầu từ khí), hóa chất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dầu khí, tạo ra các nguyên, nhiên liệu, vật liệu để phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất công nghiệp trong nước. Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất hydro, sản xuất năng lượng tái tạo, tích hợp với nhà máy lọc hóa dầu, hóa chất, phân bón, sử dụng làm nhiên liệu cho pin nhiên liệu, định hướng hoàn thiện chuỗi giá trị hydro khâu sau.

Thứ hai, Petrovietnam sẽ tập trung xây dựng hệ thống quản trị - môi trường - xã hội (ESG). Để tích hợp các quy định theo chuẩn mực ESG, Petrovietnam tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp: Hoàn thiện, cập nhật Chính sách An toàn, Sức khỏe và Môi trường (ATSKMT) phù hợp các yêu cầu, quy định mới của địa phương/nước sở tại; hoàn thiện xây dựng Chính sách Người lao động bảo đảm tạo môi trường làm việc an toàn, lành mạnh nhằm nâng cao năng suất lao động của người lao động; xây dựng Hệ thống quản lý ATSKMT tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam, các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; xây dựng cơ chế tham vấn, trao đổi, đối thoại giữa Petrovietnam và các bên liên quan để mang đến sự hài lòng thỏa đáng cho tất cả các bên liên quan trong mọi hoạt động của Tập đoàn; xây dựng, công bố Báo cáo Phát triển bền vững định kỳ hàng năm tuân thủ theo các quy định, cấu trúc, tiêu chuẩn của GRI (Global Report Initiative Guidelines) và hướng dẫn của tổ chức IPIECA.

Những chính sách tài chính để đầu tư cho tăng trưởng xanh

Theo ông Nguyễn Văn Mậu - Thành viên HĐTV Petrovietnam, để Petrovietnam cũng như doanh nghiệp khác triển khai hiệu quả định hướng phát triển trong nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng thì bên cạnh các giải pháp cụ thể cần có các chính sách về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với quy mô, liều lượng hợp lý cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để duy trì các động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

Đại diện Petrovietnam đã để xuất về chính sách tài chính hướng tới việc tìm kiếm và huy động các nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh, góp phần vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững. Trong đó, cần nâng cao năng lực và kiện toàn về pháp lý, tổ chức hiện có, tăng cường năng lực dịch vụ tài chính, ngân hàng và thị trường tiền tệ để huy động các nguồn lực tài chính. Bên cạnh đó, có quy định pháp lý để hỗ trợ các tập đoàn/doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh hoặc các hình thức huy động vốn ưu đãi phục vụ các dự án phát triển xanh. Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần chấp nhận việc sử dụng trái phiếu xanh trong hoạt động thị trường mở với tỷ lệ chiết khấu cao hơn các trái phiếu cùng loại và cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng trái phiếu xanh làm dự trữ bắt buộc.

Đại diện Petrovietnam tin tưởng với những kết quả đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ, cùng với sự chỉ đạo sát sao, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong toàn Tập đoàn, Petrovietnam sẽ có những bước đi chắc chắn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp trong nước; góp phần to lớn bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ trong nửa cuối nhiệm kỳ cũng như cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII.

Khánh An


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​