Phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam - Những gợi mở từ Na Uy

Bài 4: Lựa chọn phát triển cảng điện gió ngoài khơi như thế nào?
Vừa qua, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam đã thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về chuỗi cung ứng công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam, từ đó đưa ra những gợi mở để Việt Nam trở thành một trung tâm chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại châu Á - Thái Bình Dương.

Cảng điện gió ngoài khơi đóng vai trò trọng điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng xây dựng, triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Việt Nam hội tụ đủ các điều kiện để phát triển các cụm cảng, cảng chuyên biệt cho ngành công nghiệp điện gió.

Kinh nghiệm lựa chọn cảng điện gió ngoài khơi

Theo nghiên cứu của Đại sứ quán Na Uy, cảng điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cho các trang trại điện gió ngoài khơi. Tùy thuộc vào chiến lược lắp đặt được chọn, một cảng có thể hoạt động như các trung tâm/cơ sở sản xuất, trung chuyển, lắp ráp và/hoặc vận hành. Trong mọi trường hợp, cảng đóng vai trò là điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển tất cả các bộ phận - kết cấu và tuabin - dành riêng cho trang trại điện gió. Do đó, bước đầu tiên trong việc xây dựng trang trại điện gió là lựa chọn cẩn thận ít nhất một cảng chính có thể hỗ trợ dự án huy động các cơ sở hiện có hoặc có thể hỗ trợ dự án sau những nâng cấp nhỏ.

Hải Phòng là thành phố cảng lâu đời, tập trung nhiều loại cảng chuyên dụng, đủ khả năng nâng cấp thành cảng chính phục vụ chuỗi giá trị công nghiệp điện gió ngoài khơi (Ảnh minh họa)

Trong suốt các giai đoạn khác nhau của vòng đời dự án trang trại điện gió ngoài khơi, từ chế tạo bộ phận, lắp ráp trước, lắp đặt, vận hành thử, vận hành liên tục và bảo trì cho đến giai đoạn ngừng vận hành cuối cùng, điều quan trọng là chỉ định được một bến cảng có các cơ sở chuyên dụng. Tuy nhiên, trên thực tế không thể xác định được một cảng duy nhất có khu vực bố trí sẵn có để hỗ trợ đồng thời tất cả các hoạt động trong vòng đời dự án. Cho đến nay, một số nhà cung cấp sản xuất các bộ phận chính cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi có xu hướng thiết lập cơ sở sản xuất hoặc vận hành ngay tại các cảng, nhằm tối ưu hóa quá trình vận chuyển các bộ phận nặng cần thiết để xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi dễ dàng và an toàn hơn.

Việc phát triển các cảng phù hợp với điện gió ngoài khơi là vô cùng quan trọng, vì những cảng này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực điện gió ngoài khơi trong nước, đồng thời giải quyết các thách thức về hậu cần liên quan đến các giai đoạn trước xây dựng, xây dựng và bảo trì. Bằng cách tạo ra một trung tâm tập trung vào nhiều hoạt động khác nhau, các cảng điện gió ngoài khơi giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, tạo công ăn việc làm tại địa phương và thúc đẩy mở rộng sản xuất năng lượng sạch và năng lượng tái tạo từ các nguồn điện gió ngoài khơi. Do đó, cảng đóng một vai trò quan trọng và mang tính chiến lược đối với tất cả các bên liên quan đến dự án.

Theo Quyết định 804/QĐ-TTg ngày 8/7/2022 của Chính phủ, Việt Nam hiện có 34 cảng biển. Các cảng này được chia thành bốn loại khác nhau. Theo tiêu chí đánh giá và phân loại cảng, không chỉ bao gồm việc xem xét lượng hàng hóa và/hoặc trọng tải tàu mà các cảng tiếp nhận mà còn xem xét mức độ ảnh hưởng tiềm năng của cảng. Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu là hai tỉnh/thành có cảng biển được xếp vào loại đặc biệt.

Cảng tập kết hoặc lắp ráp đóng vai trò như một trung tâm trung gian trong giai đoạn xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi, thường được đặt gần địa điểm xây dựng ngoài khơi hơn so với các cảng chế tạo hoặc sản xuất, với mục đích cung cấp khu vực lưu trữ tạm thời và có khả năng đóng vai trò như một trung tâm lắp ráp các bộ phận như móng và trụ tuabin. Các bộ phận này có thể đến từ nhiều điểm sản xuất khác nhau trước khi được lắp đặt tại địa điểm ngoài khơi.

Trong bối cảnh nghiên cứu thực tế của Na Uy đã đánh giá các quy trình không thể thiếu trong giai đoạn chế tạo, bao gồm: Nhập khẩu và lưu trữ các bộ phận WTG; Lắp ráp và lưu trữ các bộ phận kết cấu cho dự án điện gió ngoài khơi, bao gồm móng jacket, vỏ bọc và trụ. Quy trình này bao gồm việc sử dụng các phần thép đã qua chế tạo và các bộ phận phụ nhận được từ xưởng chế tạo; Vận chuyển tuabin gió phát điện và lắp ráp hoàn chỉnh các trụ WTG tại địa điểm bến cảng được chỉ định trước khi xếp lên tàu.

Lưu ý, việc chất các bộ phận lên tàu để vận chuyển đến địa điểm lắp đặt ngoài khơi chế tạo/sản xuất xây dựng móng và trụ là một công việc đòi hỏi tính linh hoạt, cho phép nhiều cơ sở cùng tham gia nếu áp dụng chiến lược xây dựng phân tán.

Với các tiêu chí đa dạng phụ thuộc vào khả năng chế tạo của từng cơ sở, quá trình đánh giá có chủ ý không bao gồm việc xem xét phương pháp chế tạo mô-đun, mà tập trung vào phương pháp tiếp cận ưu tiên, tức là tập trung chế tạo tại một cơ sở duy nhất. Mặc dù chuỗi cung ứng linh hoạt gồm nhiều cơ sở vẫn là một lựa chọn khả thi, nhưng lựa chọn này có thể gia tăng mức độ phức tạp đối với hoạt động logistics và đôi khi là cả khâu chế tạo do có thể xảy ra sai lệch giữa các cơ sở. Điều này cũng có thể gây chậm trễ cho dự án nếu huy động các nhà cung cấp thiếu kinh nghiệm sử dụng nhiều cơ sở vật chất khác nhau để chế tạo các bộ phận khác nhau.

Các tiêu chí cho việc chế tạo tại một cơ sở duy nhất ít hạn chế hơn một chút so với khu vực lắp ráp. Khả năng chịu tải của khu vực chế tạo có thể thấp hơn một chút so với khu vực lắp ráp do các bộ phận được chế tạo riêng lẻ trước rồi sau đó mới được vận chuyển đến khu vực lắp ráp. Trong bối cảnh đánh giá này, các quy trình không thể thiếu trong giai đoạn chế tạo, bao gồm: Nhập khẩu vật liệu thô; Chế tạo các bộ phận/phần/tấm cắt thép; Vận chuyển đến xưởng lắp ráp; Lắp ráp các bộ phận.

Cảng Vận hành và bảo trì (O&M) đóng vai trò là một địa điểm lưu trữ để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động vận hành và bảo trì đang diễn ra của một trang trại điện gió ngoài khơi trong suốt thời gian hoạt động được chỉ định. Các cơ sở này, thường do nhà phát triển hoặc người vận hành dự án trang trại điện gió thành lập, được điều chỉnh để phù hợp với chiến lược và yêu cầu O&M cụ thể của dự án, có thể bao gồm trang thiết bị neo đậu chuyên dụng cho các tàu O&M, chẳng hạn như tàu vận chuyển thủy thủ đoàn (CTV).

Các tiện nghi điển hình tại cảng O&M có thể bao gồm cơ sở neo đậu cho các tàu O&M với các tiện ích và cần trục, văn phòng cho nhân viên vận hành, trung tâm điều khiển hàng hải để chỉ đạo các hoạt động, thiết bị liên vận thủy bộ dành cho kỹ thuật viên tuabin và nhà kho để lưu trữ các bộ phận bổ sung cần thiết cho O&M. Yếu tố quyết định chính ảnh hưởng đến việc lựa chọn cảng O&M thường là khoảng cách đến địa điểm ngoài khơi. Tiêu chí lựa chọn này giữ vai trò quan trọng đặc biệt đối với các nhà phát triển vì các yêu cầu đối với các cảng như vậy thường ít nghiêm ngặt hơn so với các cảng chuyên chế tạo và tập kết.

Hải Phòng và Vũng Tàu cần được nâng cấp thành cảng điện gió ngoài khơi

Tại Việt Nam, các cảng phía Bắc, bao gồm cả các cảng ở cụm cảng Hải Phòng, hiện ít quan tâm đến việc hỗ trợ ngành điện gió ngoài khơi. Điều này cũng dễ hiểu khi xét đến tình trạng thiếu chắc chắn của khung chính sách điện gió ngoài khơi và lộ trình tiếp cận thị trường trong nước. Tuy nhiên, do đa phần nguồn cung thép trong nước đều ở phía Bắc hoặc nhập khẩu từ các nước phía Bắc khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, các cảng phía Bắc có thể trở thành trung tâm hậu cần đối với móng hoặc trụ nếu thành lập các cơ sở chế tạo.

Điện gió ngoài khơi

Cảng Vũng Tàu với nhiều lợi thế về cơ sở công nghiệp dầu khí, mức nước có thể nhanh chóng phát triển thành cảng trung tâm của công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Bước đi chiến lược này - tham gia vào lĩnh vực chế tạo móng - có thể đặt các cảng này vào vị thế là những cảng tiềm năng cho các dự án điện gió ngoài khơi sắp tới, khiến khu vực cảng Hải Phòng và Quảng Ninh ở một mức độ nào đó trở thành một thành tố quan trọng trong lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Ngược lại, các cảng phía Nam cho thấy khuynh hướng thuận lợi hơn, có thể do ảnh hưởng từ sự tồn tại từ lâu của ngành Dầu khí. Một địa điểm đáng chú ý có thể kể đến cụm cảng Vũng Tàu, nơi Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đang tiên phong trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Với cơ sở hạ tầng vững chắc, cơ sở vật chất tốt và bề dày kinh nghiệm, các cảng ở Vũng Tàu có thể khẳng định sẽ là đối tác có năng lực và đáng tin cậy trong ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi. Các dịch vụ đa dạng tại đây có thể bao trùm toàn bộ vòng đời dự án, thể hiện cam kết phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của Đại sứ quán Na Uy cho thấy, các cảng trong kịch bản năm 2030 chỉ cho phép khoảng thời gian chuẩn bị giới hạn là 2 năm. Do đó, không thể mong đợi những cải tiến lớn, chỉ có cơ sở vật chất hiện tại sẵn có để hỗ trợ dự án điện gió ngoài khơi. Dựa trên phân tích, Việt Nam không có khả năng sản xuất WTG và cáp ngầm, ngoại trừ các trụ.

Vì vậy, dự án sẽ phải nhập khẩu các bộ phận trên. Cụ thể hơn, các dự án điện gió ngoài khơi nằm trong khu vực biển Bình Thuận có thể tận dụng chuỗi cung ứng dầu khí đã có từ lâu tại khu vực Vũng Tàu. Móng WTG (ba chân, bốn chân, jacket, cọc đơn (cơ sở cọc đơn SREC hiện đang được xây dựng và sẵn sàng hoạt động vào năm 2024), móng trạm biến áp ngoài khơi và trạm biến áp ngoài khơi có thể được chế tạo và tập kết tại cụm cảng Vũng Tàu (PTSC, Vietsovpetro, PVC-MS, PV Shipyard).

SREC có thể nhận thầu (phụ) cho móng của WTG; Công ty Cổ phần Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam (PV PIPE) và Công ty Cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV GAS COATING), nằm gần cụm cảng Vũng Tàu, có thể nhận thầu (phụ) các bộ phận phụ trợ (tấm kim loại, đường ống,...), cùng với các dịch vụ tại chỗ (thử nghiệm NDT, bảo vệ chống ăn mòn, bảo vệ cách điện,...). Có thể chế tạo trụ tại SREC và/hoặc CS Wind.

Đối với các dự án điện gió ngoài khơi nằm tại khu vực biển Hải Phòng, các dự án có thể sử dụng: Cụm cảng Hải Phòng (PTSC Đình Vũ, Nam Đình Vũ, Nam Hải Đình Vũ, Tân Vũ) là trung tâm tập kết. Các lựa chọn khác bị hạn chế ở khu vực phía Nam do ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại khu vực còn chưa phát triển mạnh mẽ.

Chuyển sang kịch bản sau (đến 2035) với thêm 5 năm chuẩn bị, dự kiến rằng các sản phẩm thép thứ cấp đơn giản, cánh quạt, vỏ bọc có thể được cung ứng từ trong nước nếu thiết lập được một quy trình dài hạn liên tục. Mặc dù các bộ phận phụ của WTG (rotor, trục, máy phát,...) dự kiến vẫn được nhập khẩu do mức độ phức tạp trong quá trình sản xuất. Nhìn chung, kịch bản này dự kiến sẽ có mức độ nội địa hóa cao hơn.

Đối với các dự án điện gió ngoài khơi nằm trên khu vực biển Bình Thuận và biển Hải Phòng, vị trí sản xuất móng và trụ có thể vẫn giữ nguyên theo kịch bản năm 2030. Cần lưu ý rằng, ngay cả với kịch bản sau này, việc sản xuất móng ở miền Bắc sẽ gặp nhiều thách thức. Điều này là do hạn chế về độ cao của nhiều cảng/nhà máy đóng tàu lớn ở Hải Phòng. Việc chuyển đổi các cảng phía Bắc còn lại thành cảng tập kết và chế tạo, vốn ban đầu được chỉ định cho việc vận hành container, sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư đáng kể mà khó có thể đáp ứng được nếu xét đến khung thời gian này.

Bùi Công

Bài 3: Để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi một cách hợp lý

Bài 2: Cần xây dựng khung pháp lý mạnh mẽ, rõ ràng và vững chắc cho phát triển điện gió ngoài

Bài 1: Việt Nam có thể trở thành trung tâm chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi tại châu Á - Thái Bình Dương


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​