Ông Lê Mạnh Hùng nêu rõ, doanh nghiệp Nhà nước phải có tăng trưởng, không có tăng trưởng thì không thể phát triển và đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và người lao động.
NĐT: Nhắc đến phương châm hành động của Petrovietnam trong năm nay thì cụm từ “quản trị biến động” được nhấn mạnh đầu tiên. Đây cũng là trọng tâm trong phương châm hành động của Petrovietnam suốt 4 năm qua. Đâu là lý do để Petrovietnam giữ vững trọng tâm này, thưa ông?
Ông Lê Mạnh Hùng: Trong những năm qua, nhận thức rõ trong một thế giới VUCAS (Volatility - biến động, Uncertainty - không chắc chắn, Complexity - phức tạp, Ambiguity - mù mờ, Speed - tốc độ nhanh), để bảo đảm mục tiêu phát triển ổn định cần phải quản trị, kiểm soát các rủi ro thay đổi, biến động nhanh và phức tạp, Petrovietnam đã xây dựng và triển khai bộ giải pháp và quản trị biến động.
Từ đó đến nay, quản trị biến động đã trở thành văn hóa trong quản trị doanh nghiệp của Petrovietnam, góp phần tạo nên những kết quả ấn tượng, là động lực cho tăng trưởng, là bài học kinh nghiệm, là giải pháp căn cơ để Petrovietnam phát triển bền vững.
Petrovietnam là một tập đoàn kinh tế có quy mô lớn hàng đầu đất nước, hoạt động trong 5 lĩnh vực chính là: tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; công nghiệp khí; công nghiệp điện - năng lượng tái tạo; chế biến dầu khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.
Không chỉ vậy, Petrovietnam còn là một doanh nghiệp đặc thù, vừa đại diện cho Nhà nước quản lý hoạt động dầu khí, vừa là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với mô hình quản trị gồm công ty mẹ và các công ty con, công ty cháu, công ty liên kết lên tới hàng trăm công ty. Bởi vậy, Petrovietnam là một bộ máy rất lớn, vận hành liên tục, đồng bộ, chịu tác động mạnh mẽ bởi cả môi trường bên ngoài lẫn các yếu tố bên trong. Các tác động này có thể giúp bộ máy hoạt động mạnh mẽ hơn nếu quản trị tốt, cũng có thể khiến bộ máy suy yếu nếu không hạn chế được tiêu cực.
Điều đó cho thấy, mô hình càng lớn sẽ chịu tác động càng nhiều. Cái gốc rễ là phải quản trị, thay đổi một cách căn bản bắt đầu từ văn hóa doanh nghiệp; tái tạo văn hóa đi trước, tạo đà cho tái tạo kinh doanh với mục tiêu cuối cùng là thích ứng kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái kinh doanh, tận dụng được các cơ hội để thu về thành quả.
NĐT: Với Petrovietnam, năm 2023 chính là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Vậy quản trị biến động đã giúp Petrovietnam có được những kết quả như thế nào trong những tháng đầu năm 2023?
Ông Lê Mạnh Hùng: Mục tiêu và nhiệm vụ quản trị đặt ra trong năm 2023 là phải đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng. Đó cũng là trách nhiệm của các nhà quản trị tại Petrovietnam đối với nhà nước và đối với người lao động trong tập đoàn.
Quan điểm của tôi là, doanh nghiệp phải có tăng trưởng, không có tăng trưởng, không có thu nhập mới, không có việc làm mới thì doanh nghiệp không thể phát triển, cũng như đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và người lao động trong doanh nghiệp.
Ban lãnh đạo tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng không phải vì thành tích, mà đó là cách để tạo áp lực đổi mới, hoàn thiện cấu trúc, mô hình quản trị, phát huy tối đa nguồn lực, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cũng như tạo động lực phát triển và tăng khả năng chống chọi với khủng hoảng.
Vì vậy, với những dự báo từ năm 2022, Petrovietnam bước sang năm 2023 với mục tiêu và quyết tâm cao, tập đoàn đặt mục tiêu tổng doanh thu toàn Tập đoàn là 677.700 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 34.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 78.300 tỷ đồng.
Sau 9 tháng năm 2023, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 655 nghìn tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch 9 tháng, hoàn thành 97% kế hoạch năm; Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 105,4 nghìn tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch năm 2023; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn vượt 17% kế hoạch năm.
NĐT: Với vai trò là tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia, trong bối cảnh khó khăn chồng chất thì mục tiêu tăng trưởng tạo ra áp lực rất lớn, không những bảo đảm tăng trưởng mà phải tính toán dài hơi hơn nữa để phát triển bền vững. Vậy ban lãnh đạo Petrovietnam đã có những tính toán như thế nào trong vấn đề tăng trưởng giai đoạn tới?
Ông Lê Mạnh Hùng: Với Petrovietnam, quan điểm, tinh thần nhất quán với công tác quản trị, điều hành là phải bảo đảm ổn định, tăng trưởng dài hạn, bền vững. Không có giới hạn đối với mục tiêu tăng trưởng, dư địa thị trường còn lớn, Petrovietnam không thỏa mãn với những gì đã có, hài lòng với đóng góp của mình cho đất nước.
Đó cũng là bản chất, là ADN đã ngấm vào máu của lớp lớp các thế hệ người lao động dầu khí, là khát vọng chinh phục, khát vọng vượt thử thách, khát vọng cống hiến với sứ mệnh “Petrovietnam – năng lượng cho phát triển”.
Trước những khó khăn còn nhiều thách thức, biến động khó lường, tại các cuộc họp thường kỳ cũng như chuyên đề, ban lãnh đạo Petrovietnam luôn yêu cầu các đơn vị thành viên tập đoàn chủ động nắm bắt tình hình, nhìn nhận, đánh giá đầy đủ các vấn đề.
Trong đó, tiếp tục bám sát tình hình kinh tế vĩ mô, biến động thị trường năng lượng, tài chính, tiền tệ. Tập trung thúc đẩy công tác tiêu thụ các sản phẩm dầu khí bảo đảm hàng tồn kho hợp lý, giữ vững thị phần hiện hữu và tận dụng cơ hội để mở rộng thị phần chiếm lĩnh thị trường; tận dụng hiệu quả hạ tầng, hệ thống kinh doanh sẵn có của các đơn vị, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu phát triển để đưa công nghệ mới, sản phẩm mới vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả, mở rộng quy mô…
Bên cạnh đó, quản lý tài chính, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền của tập đoàn để bảo đảm nguồn lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư; lành mạnh hóa tài chính; bảo đảm cân đối dòng tiền hoạt động.
Về giải pháp đầu tư, chúng tôi tập trung triển khai thực hiện các dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí như Chuỗi dự án Lô B – Ô Môn, Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án NMNĐ Nhơn Trạch III và Nhơn Trạch IV, các dự án trong lĩnh vực E&P. Bên cạnh đó, phấn đấu đưa các dự án phát triển như công trình BK-22 và BK-4A vào khai thác sớm hơn so với kế hoạch đề ra.
NĐT: Là lãnh đạo của một “siêu tập đoàn” Nhà nước, chắc hẳn sẽ có nhiều áp lực, đặc biệt là lĩnh vực đầy nhạy cảm với nền kinh tế. Để có những quyết sách đúng, kịp thời đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị thế giới biến động, bản thân ông cùng các cộng sự tại Petrovietnam đã có những giây phút “chia lửa” như thế nào?
Ông Lê Mạnh Hùng: Thành công của doanh nghiệp có bền vững hay không là nhờ vào nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Nhưng muốn làm được điều này thì vai trò, trách nhiệm nêu gương, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu là rất quan trọng.
Từ tác động của đại dịch Covid-19, đến những những biến động địa chính trị, kinh tế, thị trường, sự xuất hiện của các xu hướng mới, biến động nhanh, khó lường, câu hỏi đặt ra là làm sao trong những năm đó Petrovietnam bước qua khó khăn, khủng hoảng, chống chịu với thách thức mới, biến “nguy” thành “cơ”?
Thực tế, trong nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt, xuyên suốt, Petrovietnam đã bắt đầu từ việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đem đến hiệu quả thiết thực - đó là giao ban điều hành giữa Tổng Giám đốc Tập đoàn và các đơn vị - CEO Meetings.
Đây là “diễn đàn” để lãnh đạo Petrovietnam cũng như các đơn vị thành viên kịp thời nắm bắt đầy đủ các khó khăn, vướng mắc nảy sinh và đề ra hướng giải quyết một cách nhanh nhất, bám sát mục tiêu, chủ đề công tác năm mang lại hiệu quả tối đa cho tập đoàn.
Tại các cuộc họp CEO, từng vấn đề được thảo luận, từng quyết định được đưa lên “bàn cân”, trên cơ sở báo cáo tình hình, kết quả sản xuất kinh doanh, tôi cùng lãnh đạo các đơn vị sẽ cùng trao đổi, có chỉ đạo cụ thể đối với từng đơn vị cũng như từng khối, lĩnh vực hoạt động để có giải pháp kịp thời ứng phó trước những khó khăn, vướng mắc, nâng cao năng lực hoạt động, khả năng cạnh tranh.
Mục tiêu cuối cùng là phải bảo đảm hệ thống vận hành một cách đồng bộ, toàn diện từ khâu hoạch định chiến lược, mô hình tổ chức, hệ thống tài chính đến quản trị nhân sự, nguồn lực, tổ chức sản xuất và phát triển thị trường, hướng tới phát triển bền vững trong toàn tập đoàn.
NĐT: Petrovietnam được xác định là một trong những con “sếu đầu đàn” của nền kinh tế số Việt Nam. Việc chuyển đổi số phải gắn với vai trò của người lãnh đạo, trên cương vị là Tổng Giám đốc của Petrovietnam, ông đánh giá thế nào về việc chuyển đổi số tại tập đoàn hiện nay?
Ông Lê Mạnh Hùng: Chuyển đổi số là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện đối với tổ chức và cá nhân. Cách sống, làm việc, phương thức làm việc, văn hóa số dựa trên công nghệ số. Và tất nhiên, Petrovietnam không thể đứng ngoài cuộc.
Petrovietnam xác định chuyển đổi số là 1 trong 8 nhóm giải pháp thực thi Chiến lược phát triển tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là “chìa khóa” để Petrovietnam thực hiện dịch chuyển mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh, vị thế dẫn dắt trong lĩnh vực hoạt động, góp phần xây dựng nền kinh tế số, nền kinh tế xanh.
Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai, nâng cao nhận thức trong toàn tập đoàn về xu hướng chuyển đổi số, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, mục tiêu, tầm nhìn, lộ trình sáng kiến số. Hàng loạt đề án ứng dụng công nghệ số, triển khai số hóa, quản trị chuẩn mực tập đoàn cũng đang được triển khai.
Hiện, tập đoàn đang triển khai dự án xây dựng kho dữ liệu cho từng lĩnh vực tập đoàn, trên cơ sở đó, triển khai bước thứ 3 sử dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, triển khai giai đoạn 1 cho Đề án sử dụng quản trị nguồn lực, hình thành mô hình quản trị cho đề án chuyển đổi số theo mô hình ma trận. Khuyến khích chuyển đổi số phát huy văn hóa nỗ lực tự học một cách không ngừng, lột xác ngoạn mục “từ sâu sang bướm”.
NĐT: Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!
Theo Người Đưa tin