Các đại biểu dự Hội thảo
Tham dự Hội thảo có ông Bùi Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Bùi Tuấn Minh, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp; bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội; ông Nguyễn Thành Trung, Ủy viên chuyên trách - Ủy ban Tài chính Quốc hội
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty doanh nghiệp nhà nước và chuyên gia kinh tế.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có ông Nguyễn Văn Mậu, Thành viên HĐTV Tập đoàn; ông Dương Mạnh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Đề xuất trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp
Tại Hội thảo, một trong những nội dung đáng chú ý, được nhiều đơn vị quan tâm là tỉ lệ trích lập Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế. Quỹ này sẽ được sử dụng để đảm bảo sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc tái đầu tư từ lợi nhuận hàng năm, qua đó, nâng cao hiệu suất đầu tư từ phần vốn của Nhà nước.
Theo cơ quan soạn thảo, tiếp thu ý kiến các cấp có thẩm quyền và doanh nghiệp trong quá trình đề nghị xây dựng luật, có 3 phương án đề xuất gồm: Trích tối đa 50% lợi nhuận sau thuế; Trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế; Để lại 100% lợi nhuận sau thuế.
Trên cơ sở 3 phương án, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ xem xét, quyết định thực hiện phương án trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp.
Liên quan đến đề xuất của Bộ Tài chính về việc doanh nghiệp Nhà nước được trích lập tối đa 80% lợi nhuận sau thuế để sử dụng trong việc tái đầu tư, thay vì 30% như trước đây. Đa số ý kiến các đơn vị đều nhất trí với phương án này. Tuy nhiên, đề nghị quy định rõ việc sử dụng quỹ, nhằm tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, nhưng cũng đảm bảo việc dùng quỹ đúng mục đích phát triển. Đây là nội dung đáng chú ý trong phiên thảo luận Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp diễn ra sáng ngày 12/7.
Tại Hội thảo, đa số các ý kiến đồng tình việc trích lập tối đa 80% lợi nhuận sau thuế, để doanh nghiệp chủ động sử dụng trong việc tái đầu tư. Qua đó, nâng cao hiệu suất đầu tư từ phần vốn của Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Mậu, Thành viên HĐTV Petrovietnam phát biểu tại hội thảo
Phát biểu góp ý vào Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, về trích lập Quỹ đầu tư để phát triển, ông Nguyễn Văn Mậu, Thành viên HĐTV Petrovietnam đồng thuận với phương án của Bộ Tài chính đề xuất trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp.
Theo ông Mậu, đây là nguồn vốn để lại doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải bảo toàn, không nên chi cho các khoản làm giảm nguồn vốn này như là chi lương. Và thứ 2 là không nên điều chuyển, vì đây là nguồn vốn để phát triển rất quan trọng và dành cho những tình huống rủi ro. Kinh nghiệm cho thấy những doanh nghiệp đứng vững trong thời điểm khủng hoảng vừa qua là do tích luỹ từ quỹ này.
Ngoài ra, ông Mậu cũng đề nghị quy định như cũ đối với quỹ này, coi đây là nguồn vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp và là vốn, tài sản pháp nhân doanh nghiệp. Không quy định điều chuyển, thu hồi nguồn vốn này về Ngân sách.
Cùng quan điểm với ông Nguyễn Văn Mậu, ông Trương Hồng Sơn, Thành viên HĐQT Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cũng nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính, phương án trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế cho Quỹ đầu tư phát triển. Bởi theo ông Sơn, trong dự thảo mới thì Bộ Tài chính đã đưa ra 3 phương án và đều cao hơn so với mức hiện nay là 30%, rõ ràng phù hợp với nhu cầu vốn hiện nay, như PV GAS theo kế hoạch đầu tư từ nay đến 2035 cần khoảng 150 nghìn đến 200 nghìn tỷ để phát triển, tiếp tục củng cố hạ tầng khí, đặc biệt là kho cảng, … thì nếu quy định chỉ 30% như dự thảo của tháng 11 năm ngoái thì ko đủ vốn.
Cũng tại Hội thảo, các ý kiến cho rằng sử dụng quỹ này cho những nhiệm vụ nào cần được quy định rõ ràng hơn, để tránh việc chi sai mục đích.
Tăng cường phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp
Dự thảo Luật định hướng nguyên tắc Nhà nước xác định là một nhà đầu tư vốn tại doanh nghiệp, không can thiệp vào hoạt động và quản trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo các đơn vị, nếu quản lý theo dòng vốn theo nguyên tắc vốn đầu tư đến đâu, quản lý đến đó thì có thể mở rộng đối tượng quản lý đến cấp F2, F3…, tức là công ty con của doanh nghiệp.
Tại Hội thảo nhiều đại biểu đồng tình với nguyên tắc mở rộng phạm vi quản lý tại Dự thảo Luật. Tuy nhiên, việc mở rộng này nên thực hiện với điều kiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa ở từng nội dung, từng cấp bậc trong quản lý. Bởi hiện nay, một số doanh nghiệp F2 vốn đã phải xin ý kiến rất nhiều khi thực hiện hoạt động kinh doanh. Nhiều nội dung nếu được giao cho tập đoàn (doanh nghiệp F1) quyết định thì sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Do đó, các đại biểu cho rằng, nếu việc mở rộng phạm vi tới toàn bộ doanh nghiệp F2 được gắn với phân cấp, phân quyền mạnh hơn thì sẽ là “vẹn toàn”, bởi Nhà nước quản lý được hết dòng vốn, lại vừa tạo thuận lợi, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp.
Quản lý doanh nghiệp F2 như thế nào để đảm bảo khả thi, hiệu quả cũng là vấn đề đại diện một số doanh nghiệp quan tâm. Có ý kiến băn khoăn khi mở rộng phạm vi quản lý liệu có quá tải cho các cơ quan khi phải cho ý kiến, làm kéo dài thời gian quyết định các vấn đề của doanh nghiệp?
Ông Trương Hồng Sơn, Thành viên HĐQT PV GAS phát biểu
Ông Trương Hồng Sơn, Thành viên HĐQT PV GAS cho biết, "mong muốn lớn nhất của công ty F2 như là PV GAS, tức là chúng ta không mở rộng đối tượng áp dụng của Luật số 69 sang áp dụng cho công ty F2. Trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, tức là doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp có vốn trực tiếp của Nhà nước thôi. Chúng ta không nên mở rộng đối tượng áp dụng xuống F2, vì vừa không phù hợp với định nghĩa chung về vốn Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước, vừa ảnh hưởng cực kỳ lớn đến hoạt động của các công ty F2".
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cho rằng, định hướng khi xây dựng luật phân cấp cho doanh nghiệp cấp 1 chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn cấp 2. Vậy thì đối với doanh nghiệp cấp 2 mà nhà đầu tư bên ngoài hoặc nhóm nhà đầu tư bên ngoài nắm cổ phần, vốn đầu tư chi phối sẽ phải áp dụng các quy định, điều lệ, quyết định và đại hội đồng cổ đông hoặc là Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên doanh nghiệp cấp 2. Như thế những quy định này áp dụng đối với doanh nghiệp như Tập đoàn Hóa chất mà không nắm trên 50% thì tương đối khó.
Một số ý kiến cũng cho rằng, ở một số Tập đoàn, Tổng công ty có doanh nghiệp F2 rất lớn, có tác động nhiều đến nền kinh tế. Do đó, việc phân cấp cho doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp quản lý các doanh nghiệp từ cấp F2, cần phải được tiếp tục thảo luận để quản lý dòng vốn nhà nước hiệu quả, mà vẫn đảm bảo tính chủ động của các doanh nghiệp.
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Bùi Tuấn Minh
Phát biểu làm rõ những nội dung doanh nghiệp băn khoăn, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Bùi Tuấn Minh cho biết, đối tượng điều chỉnh tại dự thảo gồm các doanh nghiệp F1 và doanh nghiệp khác, nhằm mục đích quản lý theo dòng tiền. Đi cùng với đó là sự phân cấp, phân quyền, không phải toàn bộ các doanh nghiệp F2 phải được quản lý như doanh nghiệp F1.
"Quy định này nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, Nhà nước thực sự đóng vai trò là chủ sở hữu vốn, nhà đầu tư vốn, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, đảm bảo việc phân công rõ, phân cấp mạnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không làm mở rộng thêm đối tượng quản lý so với hiện nay" - đại diện cơ quan soạn thảo cho hay./.
Huy Tùng