Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và xã hội, phát triển kinh tế xanh đã trở thành một xu hướng tất yếu. Việt Nam, cũng đang nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế xanh để đảm bảo sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế xanh tại các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PetroTimes có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long
PV: Ông có thể giải thích rõ hơn về khái niệm kinh tế xanh và tầm quan trọng của nó đối với Việt Nam?
PGS.TS Ngô Trí Long: Kinh tế xanh là một mô hình kinh tế hướng tới việc giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy sự bền vững. Kinh tế xanh không chỉ tập trung vào các hoạt động kinh tế mà còn chú trọng đến các yếu tố xã hội và môi trường, nhằm đạt được sự phát triển toàn diện và bền vững. Đối với Việt Nam, một quốc gia đang phát triển với nhiều thách thức về môi trường và xã hội, kinh tế xanh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
PV: Xu hướng phát triển của kinh tế xanh trong tương lai sẽ như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Ngô Trí Long: Trong tương lai, kinh tế xanh sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trên toàn cầu. Các quốc gia sẽ ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng đầu tư vào các dự án xanh, từ năng lượng tái tạo đến nông nghiệp bền vững và các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường. Công nghệ xanh cũng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững chắc chắn không phải là con đường dễ đi, nhưng sẽ mang lại nhiều "trái ngọt" xứng đáng với nỗ lực của doanh nghiệp trong tương lai.
PV: Hiện nay, một số quy định về môi trường và carbon của châu Âu như thế nào? các doanh nghiệp của Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức gì khi xuất khẩu sang châu Âu, thưa ông?
PGS.TS Ngô Trí Long: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển đổi từ tháng 10 năm ngoái. Cơ chế này ảnh hưởng đáng kể đến một số ngành công nghiệp then chốt của Việt Nam như thép và nhôm khi xuất khẩu sang EU. Bắt đầu từ năm 2026, các doanh nghiệp trong nhóm ngành này sẽ cần phải mua giấy chứng nhận CBAM. Ngoài ra, phạm vi áp dụng của CBAM cũng sẽ liên quan tới các ngành nghề khác, vô hình trung sẽ tạo ra các rào cản thương mại. Điều đáng chú ý, thị trường carbon trong nước dự kiến triển khai trong năm 2028. Vì thế, các công ty xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi xác định số lượng giấy chứng nhận CBAM cần thiết để tuân theo quy định.
Đối với Quy định Ngăn chặn phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR), ngành nông nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu các mặt hàng như cà phê, cao su, các sản phẩm làm từ gỗ sang EU cần phải thể hiện xuất xứ, nguồn gốc, trách nhiệm giải trình và có tính bền vững. Mặc dù EUDR có thể đặt ra một vài thách thức lúc đầu cho ngành nông nghiệp nhưng quy định này có thể đem lại lợi ích lâu dài về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, minh bạch chuỗi cung ứng và phát triển bền vững cho người nông dân.
Thỏa thuận Xanh châu Âu sẽ có nhiều quy định mới ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
PV: Vậy theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hành động như thế nào trong hành trình chuyển đổi và phát triển xanh hiện nay?
PGS. TS Ngô Trí Long: Các vấn đề nhận thức về kinh tế xanh hiện nay ở Việt Nam vẫn khá mới mẻ. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường hoặc không có nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường trong khi các quy định môi trường còn phức tạp, chưa dễ tiếp cận, chi phí tuân thủ các quy định môi trường còn cao. Dù cũng đã có mong muốn thay đổi theo hướng phát triển bền vững, song nhiều doanh nghiệp vẫn bị hạn chế về công nghệ do thiết bị, máy móc sản xuất đã cũ; các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức độ cân nhắc, chưa có động thái hướng đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các doanh nghiệp cần xác định tăng trưởng xanh và bền vững là quá trình tất yếu của xã hội, buộc phải thực hiện, nhất là trước những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) khi quyết tâm đưa phát thải carbon về bằng 0 vào năm 2050.
Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tổng hợp, báo cáo và theo dõi lượng phát thải carbon hoặc khí nhà kính cũng như lượng chất thải và tổng tác động môi trường của hoạt động kinh doanh, sản xuất. Nguồn dữ liệu trên cần được kiểm tra và đánh giá bởi các tổ chức uy tín như các công ty kiểm toán/tư vấn. Đây sẽ là bước khởi đầu và tạo nguồn cơ sở dữ liệu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng lộ trình phát triển bền vững rõ ràng và mang tính thực tiễn để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Lộ trình này bao gồm nguồn lực về vốn, nhân lực, công nghệ, v.v và có thể được theo dõi và báo cáo lên các cơ quan nhà nước.
Không những vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên áp dụng bài học kinh nghiệm có được và trao đổi thực tiễn với các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp và thương mại. Cụ thể là những tổ chức có kinh nghiệm trong lộ trình phát triển bền vững từ nhiều năm trước. Bằng cách này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tránh được những rủi ro thường gặp và giảm khó khăn.
Tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào các dự án xanh vẫn còn khó khăn/Ảnh minh họa
PV: Cụ thể, Doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải những thách thức nào trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, thưa ông?
PGS.TS Ngô Trí Long: Theo tôi, có một số thách thức chính mà Doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt như: Nhiều doanh nghiệp và cộng đồng chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của kinh tế xanh và còn e ngại về chi phí ban đầu cho các dự án xanh.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách và pháp lý hỗ trợ kinh tế xanh vẫn chưa hoàn thiện và thiếu tính đồng bộ. Các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ còn hạn chế. Việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào các dự án xanh vẫn còn khó khăn do thiếu các cơ chế tài chính phù hợp và hỗ trợ từ các tổ chức tài chính.
Ngoài ra, các dự án xanh thường đòi hỏi công nghệ cao và nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, trong khi đó, nguồn lực này ở Việt Nam còn hạn chế.
PV: Ông có thể chia sẻ một số giải pháp chính để vượt qua những thách thức này?
PGS.TS Ngô Trí Long: Theo tôi, để vượt qua những thách thức này, cần có một loạt các giải pháp đồng bộ:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức: Tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục về lợi ích của kinh tế xanh cho cộng đồng và doanh nghiệp. Các hội thảo, khóa đào tạo và chương trình truyền thông có thể giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết về kinh tế xanh.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách: Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp lý hỗ trợ kinh tế xanh một cách đồng bộ. Điều này bao gồm việc đưa ra các biện pháp khuyến khích như giảm thuế, hỗ trợ lãi suất và cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các dự án xanh.
Thứ ba, đầu tư vào công nghệ và nhân lực: Các doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực này. Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế và các trường đại học hàng đầu có thể giúp Doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quý báu.
Thứ tư, phát triển các cơ chế tài chính: Cần thiết lập các cơ chế tài chính phù hợp để hỗ trợ các dự án xanh. Các ngân hàng và tổ chức tài chính cần phát triển các sản phẩm tài chính xanh và cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các dự án này. Ngoài ra, việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các quỹ đầu tư xanh cũng rất quan trọng.
PV: Theo ông, Chính phủ cần có những hành động cụ thể nào để thúc đẩy phát triển xanh và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?
PGS.TS Ngô Trí Long: Tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục gỡ bỏ rào cản đồng thời làm rõ các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đầu tư và triển khai dự án năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn. Ví dụ như điện mặt trời áp mái, điện gió ngoài khơi, trang trại gió, quản lý chất thải và cơ sở tái chế nguyên vật liệu, v.v.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên tiếp tục ưu tiên và đẩy mạnh đầu tư vào các hạ tầng công cộng trọng điểm, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng xanh và đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Các hạng mục ưu tiên đầu tư bao gồm: điện lưới và các kết nối hỗ trợ, cơ sở tái chế và xử lý chất thải, mạng lưới giao thông công cộng sử dụng xe điện và xe buýt điện và các hạng mục khác.
Ngoài ra, Chính phủ nên cân nhắc việc ưu đãi thuế hoặc giảm lãi suất cho vay đối với các dự án tăng trưởng xanh đang góp phần vào mục tiêu Net Zero của Việt Nam.
Chính phủ cũng nên chú trọng nâng cao nhận thức và phát triển năng lực liên quan chủ đề bền vững và ESG đối với cộng đồng tại Việt Nam và có thể tận dụng sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc Eurocham và các hiệp hội doanh nghiệp khác.
Xin cảm ơn ông!
Mạnh Tưởng (thực hiện)