Nhiều đại biểu tán thành áp thuế 5% đối với phân bón
Phân tích về việc đề xuất đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế 5%, Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết: “Nếu doanh nghiệp được khấu trừ 5% này thì họ được đầu tư mở rộng thêm. Giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với giá nhập khẩu thì người dân được lợi chứ không phải bị thiệt”. Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cũng tán thành đề xuất áp thuế 5% đối với phân bón.

Chiều 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu đều bày tỏ thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục quản lý thuế và tạo môi trường pháp luật thống nhất, đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế cũng như việc khắc phục những hạn chế bất cập của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành.

Trong buổi chiều hôm nay, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về đề xuất áp thuế suất GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón. Tại buổi thảo luận, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đa số các đại biểu đều cho rằng, nên áp thuế đối với mặt hàng phân bón nhằm giảm giá thành sản phẩm hơn nữa cũng như khấu trừ thuế GTGT đầu vào cho doanh nghiệp.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, đây là dự án Luật thuế liên quan đến 25% thu ngân sách, liên quan đến mọi đối tượng, do đó cần có một sắc thuế trung lập, khách quan để xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh. Đại biểu nhận thấy, việc Chính phủ đề xuất mức thuế 5% đối với mặt hàng phân bón và các mặt hàng nông nghiệp là có cơ sở. Chúng ta cần đánh giá nhiều chiều và phân tích thấu đáo.

Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị làm rõ giá phân bón tăng thời gian qua có phải do tăng thuế không? Đại biểu cho rằng, điều này không đúng. Phân bón tăng là do chi phí đầu vào, do vật tư… Do đó, nếu tăng mức thuế mặt hàng này lên 5% thì cần phải đánh giá hết sức kỹ lưỡng. “Nếu doanh nghiệp được khấu trừ 5% này thì họ được đầu tư mở rộng thêm. Giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với giá nhập khẩu thì người dân được lợi chứ không phải bị thiệt”, đại biểu phân tích.

Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thì cần nhiều phương án, chính sách khác nhau, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này. Đại biểu không đồng tình với ý kiến đề nghị khấu trừ hoặc đưa về mức thuế suất 0%. “Chúng ta cần lựa chọn một giải pháp phù hợp. Đề nghị Chính phủ cần thiết xây dựng các tiêu chí, xác định rõ xem mặt hàng nào là không chịu thuế, mặt hàng nào là 0%, mặt hàng nào là 10%”, đại biểu Trịnh Xuân An nêu rõ.

Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế 5%: Người dân được lợi chứ không bị thiệt

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.

Tranh luận tại Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nêu rõ, việc đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp, giúp cho doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu, qua đó giúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Đại biểu cũng cho biết, hầu hết các nước trên thế giới đều coi phân bón là đối tượng chịu thuế như Nga, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

Theo dự thảo luật thuế VAT, phân bón, tàu khai thác thủy sản xa bờ, lưu ký chứng khoán... sẽ chịu thuế VAT 5% (thay vì không chịu thuế hiện nay).

Hiện doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất (VAT đầu vào), gồm đầu tư, mua sắm tài sản cố định, do phân bón thuộc nhóm không chịu thuế này. Chi phí này sau đó tính vào giá thành sản xuất, khiến giá bán tăng và lợi nhuận giảm.

Trong khi phần lớn phân bón nhập vào Việt Nam được các nước xuất khẩu xếp vào diện chịu thuế VAT, nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào và có điều kiện hạ giá bán. Điều này gây bất lợi khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Huy Tùng


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​