Chuyện về nhóm kỹ sư dầu khí du học ở... Algeria
Với tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, khi đất nước đang còn trong chiến tranh máu lửa, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều lưu học sinh (LHS) Việt Nam đã được gửi ra nước ngoài học tập về dầu khí. Những LHS lứa đầu sau này đều là những cán bộ chủ chốt, góp phần xây dựng ngành Dầu khí như ngày nay.

Chuyện về nhóm kỹ sư dầu khí du học ở... Algeria

Các lưu học sinh Algeria năm thứ nhất (1977)

Nói đến đi học nước ngoài về dầu khí, người ta nghĩ ngay đến các kỹ sư trẻ còn thơm mùi bơ sữa, quần áo chỉn chu, lãng tử, tóc dài, quần loe… trở về từ Liên Xô (cũ) hay Đông Âu, mà chủ yếu là từ Rumani, ít ai biết rằng có một nhóm 14 sinh viên được gửi đi học ở Algeria trong thời gian từ năm 1976-1982, hầu hết trong số này khi ra trường đều làm việc trong ngành Dầu khí cho đến khi nghỉ chế độ, có người còn có cơ hội trở lại Algeria làm việc trong các dự án ngoài nước của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).

Chặng đường học tập của các LHS Algeria

Chúng tôi có may mắn được tiếp cận với các ghi chép cá nhân và được sự đồng ý của ông Phạm Văn Huy, nguyên Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ (nay là Ban Công nghệ, An toàn và Môi trường Petrovietnam). Dù chỉ là một lát cắt nhỏ trong hàng trăm trang nhật ký của tác giả, song có thể giúp bạn đọc có thêm cái nhìn về cuộc sống học tập của ông Huy cũng như các bạn cùng trang lứa, lớp người sinh ra và lớn lên trong chiến tranh đã học tập, cống hiến và… đã đến với ngành Dầu khí như thế nào, do cơ duyên hay do “yêu”, do “chọn” ngành Dầu khí như ta vẫn nói bây giờ.

Trước đây, với sự viện trợ không hoàn lại của Liên Xô và các nước XHCN, hằng năm Nhà nước ta tuyển chọn trong số các thí sinh thi đại học đạt điểm cao, bồi dưỡng ngoại ngữ rồi gửi ra nước ngoài học tập theo các ngành nghề mà Nhà nước cần. Con số này năm 1975 là khoảng 1.000 người, đây cũng là năm miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, học sinh của 2 miền Nam, Bắc có dịp tụ hội, giao lưu, học tập chung một mái trường.

Chuyện về nhóm kỹ sư dầu khí du học ở... Algeria

Ông Huy cùng công nhân nước ngoài bên giàn khoan SH 129 của Công ty Dầu Quốc gia Algeria (tháng 6-1980)

Ông Phạm Văn Huy là một trong số học sinh đó. Tháng 10-1975, ông nhận được giấy báo nhập học Đại học Ngoại ngữ (Thanh Xuân, Hà Nội), Khoa LHS để học ngoại ngữ 1 năm trước khi ra nước ngoài học tập. Lúc đầu ông Huy được phân công học tiếng Nga để đi Liên Xô (cũ). Học được 3 tuần, từ 10 lớp tiếng Nga, ông cùng 16 người khác được “nhặt ra” chuyển sang học tiếng Pháp để đi Algeria.

Sau 1 năm học tiếng Pháp và Toán, Lý, Hóa (nâng cao) lại thi như thi đại học, có 3 người không đạt phải chuyển sang học các trường đại học trong nước, còn 14 người chuẩn bị chờ ngày lên đường. Tầm tháng 9, các sinh viên lên đường ra nước ngoài để vào năm học mới, đi tàu hỏa liên vận quốc tế qua Bằng Tường (Trung Quốc) để sang Liên Xô và Đông Âu, riêng lớp Algeria, phía bạn hứa cho vé máy bay nên phải ở lại chờ. Sau 3 tháng thấp thỏm đợi chờ, ngày 3-12-1976, ông Huy cùng các sinh viên bắt đầu chặng hành trình dài, cắt khúc, bằng máy bay cánh quạt IL-18 từ sân bay Gia Lâm. Sau các chặng dừng chân, tiếp dầu tại Dhaka (Bangladesh), Karachi (Pakistan), Tashkent (Uzbekistan), Moscow (Nga) và phải nghỉ lại 1 ngày do thời tiết xấu tại Berlin (CHDC Đức) rồi hôm sau mới bay tiếp đến Algiers (thủ đô Algeria).

Khi đến nơi, ông Huy còn nhớ nhiều cảm xúc khó tả, xen giữa vui mừng và lạ lẫm, từ một nơi tối tăm mịt mù đến nơi đèn đường sáng rực rỡ, một cảm giác “cứ ngỡ như thiên đường”. Đoàn sinh viên được bố trí nghỉ một đêm tại Đại sứ quán Việt Nam tại Algiers. Ở Đại sứ quán, mọi người hỏi sang học cái gì, cả nhóm cũng “mơ hồ” chỉ biết trả lời là thi đại học điểm cao nên được chọn gửi đi học ở nước ngoài, còn học gì là do Nhà nước phân công giống như LHS đi tất cả các nước khác.

Sau một đêm nghỉ ngơi, cả nhóm được xe của Đại sứ quán đưa đến làm thủ tục nhập học tại Học viện Quốc gia Dầu mỏ và Hóa chất (Institut National des Hydrocarbures et de la Chimie - INH), đóng ở Boumerdes, một khu phố mới nhỏ thuộc ngoại vi thủ đô Algiers, cách trung tâm Algiers 50km, đi tàu hỏa hoặc ôtô mất hơn 1 tiếng đồng hồ.

Chuyện về nhóm kỹ sư dầu khí du học ở... Algeria

Trường nằm ngay trên bờ Địa Trung Hải, có lẽ chỉ cách mép nước chưa đến 1km, gồm 1 dãy phòng học, phòng thí nghiệm, hội trường, xưởng cơ khí, rạp chiếu phim. Ký túc xá có 10 tòa nhà 4-5 tầng (gọi là Pavillon), bên trường IAP (Insitutut Algerien du Petrole) có 4 nhà nữa. Trong số 14 tòa nhà này có 1 tòa dành riêng cho nữ theo những quy định của đạo Hồi.

Phải nói thêm là ở cùng vị trí này có 2 trường, INH và IAP. IAP thì nhỏ hơn, giáo viên thuê của các nước tư bản (Anh, Pháp, Mỹ...). INH thì thuê giáo viên của Liên Xô cũ nhưng giảng dạy lại bằng tiếng Pháp, sau giờ lên lớp có khi thầy, trò lại cùng học tiếp Pháp. Sinh viên nước ngoài thì chủ yếu là từ các nước châu Phi.

Năm thứ nhất ông Huy cùng 3 người nữa được phân học ngành cơ khí, số còn lại cứ 2 người 1 ngành. Hết học kỳ 1, ở nhà điện sang cần tăng cường thêm khoan và kinh tế, ban đầu ông Huy được cử học kinh tế nhưng ông đã “hoán đổi” với một người trong đoàn để học ngành khoan, ngành “kỹ thuật” mà ông vốn yêu thích. Mấy năm đầu học chung các môn đại cương, sinh viên Việt Nam luôn đạt điểm cao (kể cả điểm 18/20 là điểm “chưa từng có”) nên sinh viên các nước rất thán phục, ngưỡng mộ.

Từ năm thứ 3, vào dịp hè, lớp học khoan của ông Huy bắt đầu đi thực tập ở giàn khoan. Năm thứ 3, thứ 4 đi 6 tuần, còn năm thứ 5 đi cả học kỳ 2, tổng cộng là 12 tuần rồi về trường làm đồ án tốt nghiệp. Chẳng biết thế nào mà cả 3 lần thực tập ông đều được phân đi Vùng Hassi Messaoud, nơi có mỏ dầu lớn nhất Algeria, được coi như “thủ đô” dầu mỏ của Algeria, khai thác từ thời Pháp thuộc. Từ Algiers bay máy bay Boeing 737 đến đây mất khoảng 1 tiếng.

Chuyện về nhóm kỹ sư dầu khí du học ở... Algeria

Ông Huy cùng các đồng nghiệp Tổ Dung dịch khoan, Viện Dầu khí Việt Nam (chụp tại Hưng Yên năm 1985)

“Những cây xương rồng” trên sa mạc Bắc Phi

Lần đầu đi thực tập cũng là lần đầu tiên ông được thấy sa mạc, giàn khoan, lạc đà. Thời tiết sa mạc vô cùng khắc nghiệt, ban ngày mùa hè nóng tới 45°C trong bóng râm, mùa đông ban đêm có thể xuống 0°C, giao mùa giữa hè và đông là lúc nhiệt độ “dễ chịu” nhất nhưng lại là mùa gió cát, trời đất lúc nào cũng mịt mù, miệng lúc nào cũng lạo xạo vì nuốt phải cát và ông cũng đã được nếm trải cảm giác sợ hãi khi gặp một trận bão cát tưởng chừng như nuốt chửng mọi thứ.

Ở thì tại căn cứ, cách giàn khoan chừng khoảng 50km, trong những cái trại như container, có lò sưởi và điều hòa nhiệt độ, đi làm cũng ca kíp 8 tiếng nhưng thời gian đi về mất 2 tiếng.

Tháng 10-1975, ông Phạm Văn Huy nhận được giấy báo nhập học Đại học Ngoại ngữ, Khoa LHS để học ngoại ngữ 1 năm trước khi ra nước ngoài học tập. Lúc đầu ông được phân công học tiếng Nga để đi Liên Xô (cũ). Học được 3 tuần, ông được “lựa chọn” chuyển sang học tiếng Pháp để đi Algeria.

“Tôi lại không có khả năng “ngủ bù” nên khi làm ca đêm thì mệt lắm, lẽ ra ngủ đêm 8 tiếng nhưng nếu đi làm đêm về chỉ ngủ được khoảng 2-3 tiếng là không ngủ tiếp được nữa, được cái sức trẻ cộng với ăn uống tốt (so với nhà ăn sinh viên) nên mỗi đợt thực tập lại béo khỏe ra, chỉ mỗi tội tóc dài không ai cắt giúp”, ông Huy kể.

Một kỷ niệm đáng nhớ, đó là một lần đi thực tập ở giàn khoan, ông Huy kể chuyện khó khăn thì được một anh bạn công nhân cho vay 50 Dinar. Nhưng khi ông hỏi lại là sau sẽ trả lại theo cách thức nào thì anh bạn bảo không cần trả lại và chỉ dặn sau này trên đường đời mà gặp ai khó khăn hơn mình thì hãy giúp lại họ. Một chi tiết nhỏ nhưng lại là bài học mà ông Huy nhớ mãi, khắc cốt ghi tâm và luôn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn khi có điều kiện.

Hết năm dự bị là thời gian nghỉ hè, lần đầu tiên biết đến tháng Ramadan, tháng ăn kiêng của người Hồi giáo (không ăn uống gì từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn). Năm đầu, bên bạn hữu hảo bố trí cả xe đưa đi ăn trưa ở một nhà hàng dành cho cho người nước ngoài (the Figue Restaurant - quán Cây Sung), bữa tối thì tự lo. Từ năm thứ 2, vào dịp ăn kiêng, các ông phải tự nấu ăn cả 2 bữa và tiền tiết kiệm cả năm chỉ đủ nấu ăn 3 tháng hè.

Chuyện về nhóm kỹ sư dầu khí du học ở... Algeria

Sau khi hết năm dự bị và 2 năm đầu, tức là sau 3 năm, vào hè năm 1979, phía Algeria lúc đó còn đài thọ sinh viên vé máy bay khứ hồi để về Việt Nam nghỉ hè. Tất nhiên đó là món quà ngoài sự mong đợi nhưng cũng là một chuyến đi không hề đơn giản. Khóa của ông Huy cũng đề nghị và được nhà trường cho ứng trước 3 tháng học bổng để mua quà về phép. Điều đó cũng đồng nghĩa khi quay lại trường vào năm học mới sẽ là 3 tháng “đói”, không có tiền chi tiêu. Bay từ thủ đô Algiers về Berlin (Đức) chỉ khoảng 2 tiếng nhưng phải “tá túc” ở Đại sứ quán chờ tận 1 tháng để bay về Việt Nam. Khi từ Việt Nam quay lại phải chờ tiếp ở Berlin 3 tuần nữa, do ngày đó rất ít hãng bay đến Việt Nam và đi đến đâu đặt vé đến đó chứ đâu có “booking online” như bây giờ.

Ông Huy kể tiếp, 6 năm ở Algeria, hơn sinh viên trong nước là không đói, nhưng nếu so với LHS nói chung thì các ông vất vả hơn nhiều, điều kiện sống cũng làng nhàng, không được như ở các nước XHCN, đặc biệt là vệ sinh và nước sạch. Cuộc sống tuổi thanh xuân ở xứ đạo Hồi, đó là 3 không: không rượu bia, không thịt lợn, không yêu đương. Và chỉ có duy nhất 1 khóa nên sau 6 năm anh vẫn là anh, em vẫn là em, trên dưới rõ ràng.

6 năm ở Algeria, hơn sinh viên trong nước là không đói nhưng nếu so với LHS nói chung thì LHS Algeria vất vả hơn nhiều, điều kiện sống không được như ở các nước XHCN.

Thường trong tháng 6, tháng 7 là tốt nghiệp nhưng cả nhóm 14 người phải chờ đến tháng 9, tháng 10 mới về nước vì phía bạn không đài thọ vé nữa, ở nhà cả Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Bộ Tài chính phải xoay xở mãi mới có ngoại tệ để mua cho LHS 14 cái vé máy bay về nước.

Nhóm LHS Algeria có 14 người thì được phân công học 2 người 1 ngành (địa chất, địa vật lý, hóa dầu, cơ khí, kinh tế), riêng khoan là 4 người. Thời đó cứ học xong là cấp trên phân công công tác, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp chuyển hồ sơ sang Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt. Ngoài 2 người xin chuyển ngành thì 12 người còn lại đều được phân công về các đơn vị của ngành Dầu khí: Viện Dầu khí, Đoàn Địa vật lý biển, Công ty Dầu khí I, Lọc hóa dầu Tuy Hạ, Vietsovpetro. Trong quá trình công tác, thêm một vài người nữa chuyển ra ngoài, còn lại dù có chuyển qua, chuyển lại giữa các đơn vị nhưng đều gắn bó với ngành Dầu khí cho đến lúc nghỉ chế độ.

Chuyện về nhóm kỹ sư dầu khí du học ở... Algeria

Thành viên HĐTV Petrovietnam Phan Ngọc Trung trao Bằng khen về thành tích đóng góp đối với Hội đồng KHCN cho ông Phạm Văn Huy - Tổng Thư ký Hội đồng KHCN năm 2019

Cơ duyên với ngành Dầu khí

Có một câu hỏi hay được nhắc lại là tại sao lại có lớp học đó và chỉ một khóa duy nhất? Câu trả lời cũng không dám chắc vì ngày trước làm gì có phương tiện thông tin và báo chí như bây giờ. Ông Huy chỉ nghe kể lại rằng, năm 1974 Tổng thống Algeria là ngài Houari Boumedienne sang thăm Việt Nam, đoàn đi 2 máy bay nhưng rất không may là máy bay của đoàn tùy tùng bị tai nạn ở Nội Bài (mà mới đây đại diện PVEP có về lại địa điểm đó thắp hương nhân kỷ niệm 50 năm ngày xảy ra sự cố). Sau đó Nhà nước ta có cử một Phó Thủ tướng dẫn đoàn sang Algeria chia buồn cùng các gia đình nạn nhân, cũng trong chuyến công tác này đã có những trao đổi và phía Algeria nhận cấp học bổng giúp Việt Nam đào tạo kỹ sư dầu khí và có lẽ đó là nguyên do các ông được lựa chọn để gửi sang Algeria học tập.

Cũng phải nói thêm rằng, ngoài khóa sinh viên đại học 14 người còn có 2 khóa thực tập sinh dầu khí 2 năm cũng do phía bạn đài thọ: khóa 1972-1974 gồm hơn chục người, những người ông Huy biết là anh Đỗ Quang Toàn, anh Nguyễn Đức Huỳnh… và khóa 1978-1980 có 7 người, rất thân thiết với các ông vì 2 năm đó nhóm ông cũng đang ở Algeria, tuy nhiên cũng ít gặp nhau vì nhóm này đi thực tập xa, ít khi ở trường…

6 năm học tập nơi xứ người, 35 năm công tác, lứa LHS Algeria năm xưa nay đã nghỉ chế độ gần chục năm, nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp, ông Huy trầm ngâm: “Nhóm chúng tôi không có ai thăng tiến thần kỳ, nhưng đều có cuộc sống khá ổn, hết mình lao động, công tác để đền đáp lại công ơn của Đảng và Chính phủ đã dành cho mình cơ hội học tập và cống hiến. Chúng tôi và các thế hệ đi trước đã đến với ngành Dầu khí như vậy, chứ không phải có sự “lựa chọn” hay đã “yêu” ngành Dầu khí. Ngẫm lại thấy chúng tôi thật may mắn, mà may mắn cùng dân tộc vì Việt Nam có dầu mỏ!”.

Nhóm LHS Algeria có 14 người thì được phân công học 2 người 1 ngành (địa chất, địa vật lý, hóa dầu, cơ khí, kinh tế), riêng khoan là 4 người. Hầu hết trong số này khi ra trường đều làm việc và gắn bó với ngành Dầu khí cho đến khi nghỉ chế độ.

Minh Châu



Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​