Bốn trụ cột chính để doanh nghiệp phát triển xanh
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chúng ta cần phải xác định rõ ràng cho mình một con đường chuyển dịch sang nền kinh tế xanh. Trên con đường ấy, chính phủ Việt Nam nói chung và trực tiếp là các doanh nghiệp của Việt Nam nói riêng cần phải xác định các trụ cột chính để tất cả mọi tư duy và hành động đều phải xoay quanh.

Bốn trụ cột chính để doanh nghiệp phát triển xanh

TS. Lê Xuân Nghĩa tại một buổi tọa đàm.

Tại Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII – 2024, TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết, bắt đầu từ năm 2026, tất cả hàng hóa xuất khẩu vào châu Âu đều phải áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đặc biệt quan trọng nhất là báo cáo về phát thải khí nhà kính và báo cáo đó phải được công ty của Châu Âu có trách nhiệm thẩm định.

Chỉ số của các báo cáo sẽ quyết định việc cơ quan có trách nhiệm của Châu Âu có chấp nhận hàng của chúng ta được nhập khẩu vào hay không. Tuy nhiên, dù được vào mà các chuẩn mực về phát thải khí nhà kính của Việt Nam cao hơn của họ thì họ đánh thuế carbon. Ở giai đoạn đầu tiên, mức thuế có thể khá "nhẹ nhàng", và áp dụng vào từng phần, tuy nhiên, về lâu dài, việc áp thuế CBAM sẽ áp dụng với mức độ khắt khe hơn, và vô hình trung sẽ tạo ra những rào cản đáng lo ngại cho hàng hóa của chúng ta nếu phát thải cao. Tuy nhiên, điều tôi cảm thấy lo ngại hơn đó là chúng ta không làm nổi báo cáo - điều này đồng nghĩa với việc chúng ta chưa thể mở được cánh cửa đầu tiên để đặt chân vào thị trường xuất khẩu Châu Âu.

Cũng theo ông Nghĩa, thực tế qua hai năm từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 06, là người trực tiếp thực hiện khảo sát năng lực doanh nghiệp, các khảo sát cho thấy hiện mới có khoảng trên 100 doanh nghiệp thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính nhưng nhưng chưa được kiểm toán.

Điểm qua những thực trạng khó khăn đó để thấy chúng ta cần phải xác định rõ ràng cho mình một con đường mà trên con đường chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, Việt Nam nói chung và trực tiếp là các doanh nghiệp của Việt Nam nói riêng cần phải xác định các trụ cột chính để tất cả mọi tư duy và hành động đều phải xoay quanh các trụ cột này.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, bốn trụ cột chính đó là:

Trụ cột thứ nhất, đó là chuyển đổi năng lượng, chúng ta, đặc biệt là doanh nghiệp - người cầm trịch “cuộc chơi” này phải xác định tăng cường sử dụng điện gió, điện mặt trời là yêu cầu bắt buộc thay cho các năng lượng không tái tạo như than, khí tự nhiên.

Trụ cột thứ hai, đối với nguyên liệu đầu vào sản xuất, việc doanh nghiệp tăng cường sử dụng nguyên liệu trong chuỗi kinh tế tuần hoàn và áp dụng công nghệ sản xuất mới để giảm phát thải khí nhà kính là điều không thể tránh khỏi.

Trụ cột thứ ba là rừng. Rừng là nguồn tài nguyên trong tương lai rất gần. Từ câu chuyện của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tham gia bán tín chỉ cácbon cho thấy rừng đang trở thành tay vịn vững chắc trong từng bước chuyển dịch của nền kinh tế xanh. Nhưng chúng ta phải nuôi rừng để không chỉ tham gia vào cuộc chơi thị trường tín chỉ cácbon mà có rừng là có nước, giữ được rừng cũng là giữ được nguồn nước. Rừng là nơi hấp thụ phát thải lớn nhất và đồng thời cũng là nơi sản sinh, duy trì nguồn năng lượng tái tạo dồi dào nhất. Hôm nay chúng ta dựa vào rừng để tự tin đặt những bước đi thận trọng trên hành trình phát triển xanh. Nhưng nếu biết nhân rộng màu xanh của những cánh rừng thì trong tương lai, chúng ta còn có thể cho các doanh nghiệp trên thế giới vay màu xanh từ những cánh rừng của chúng ta để làm hành trang cho phát triển của họ. Như vậy, chúng ta có một trụ cột vô cùng giàu có và vững chắc mà theo tôi chúng ta nên giữ gìn và phát triển.

Trụ cột thứ tư, đó là cần phải xác định một tư duy tự cường và sống bền vững cho tương lai. Nếu chỉ có Chính phủ cố gắng, các doanh nghiệp cố gắng kiềm chế phát thải đề phát triển xanh nhưng nhu cầu của từng cá nhân lại quá lớn và mỗi tổ chức, cá nhân đều giữ tư tưởng doanh nghiệp phải là chủ thể chính trong hành trình phát triển xanh thì e rằng, chúng ta đang kéo lùi bước đi chung.

Kinh tế xanh và chính sách thực thi để Việt Nam xử lý các vấn đề về kinh tế xanh đến nay đã không còn là tự nguyện, không chỉ là hoạt động từ thiện hay trồng cây… mà nó là những quy định khắt khe bắt buộc tuân thủ, và nếu chúng ta không tuân thủ thì có thể khiến sụp đổ cả nền kinh tế một cách đột ngột chứ không phải là sụp đổ từ từ. Đấy là điều các doanh nghiệp phải hết sức lưu ý.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Huy Tùng


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​