Đã đến lúc cần điều chỉnh thuế GTGT phân bón
Tại Tọa đàm thuế giá trị gia tăng cho phân bón - vì lợi ích của nông dân và sự phát triển ngành phân bón trong nước ngày 10/11, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, chúng ta đang phấn khởi vì nhiều kết quả đáng mừng của đất nước, trong đó nông sản Việt dự kiến đóng góp hơn 60 tỷ USD xuất siêu của năm nay, khẳng định vị thế trụ đỡ kinh tế của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, nông nghiệp Việt cũng gặp nhiều thách thức, cần chuẩn bị ứng phó từ sớm, từ xa. Quốc hội đang bàn về vấn đề lớn cho nông nghiệp, nông dân là đưa phân bón về chịu thuế GTGT 5%.
Qua góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội, ông Ngọc cho biết, có thể thấy quyết định này hài hòa lợi ích của “3 nhà”: Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn ý kiến băn khoăn về mức chịu thuế sẽ khiến tăng giá phân bón. Nội dung này đã được nhiều chuyên gia phân tích, phản biện.
“Hiệp hội nhìn nhận bất cứ chính sách nào đưa ra cũng đều có mặt tích cực và hạn chế, tuy nhiên, đo lường tác động là việc mà cơ quan quản lý Nhà nước cần làm rõ ràng rành mạch, không để bất cứ đối tượng nào trục lợi chính sách. Các doanh nghiệp trong Hiệp hội tự nhận thức cần có trách nhiệm cao không những trong sản xuất mà còn trong việc hỗ trợ người nông dân nói riêng và xã hội nói chung”, ông Ngọc chia sẻ.
Thay mặt các doanh nghiệp bày tỏ nguyện vọng, ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết, để làm ra được những sản phẩm phân bón chất lượng cao, công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp mới, doanh nghiệp sản xuất phân bón rất cần những chính sách hỗ trợ, cụ thể là có cơ chế thuế GTGT hợp lý, được hoàn thuế đầu vào để có kinh phí đầu tư mới.
“Việc này sẽ gián tiếp hỗ trợ người nông dân có chất lượng phân bón tốt hơn, tạo ra nông sản hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới. Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc cần điều chỉnh thuế GTGT phân bón chịu thuế suất 5%. Đây là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, có thể đem lại tác động có lợi cho người nông dân trước mắt và lâu dài”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam chia sẻ quan điểm từ đầu cầu trực tuyến (Ảnh: PT)
Đại biểu Quốc hội mong muốn có phương án tối ưu nhất cho người nông dân
Ở góc độ đại diện cho cử tri, ông Phan Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội phân tích, chính sách của Nhà nước có tác động lớn đến giá phân bón, trong đó thuế GTGT là công cụ.
Xét theo thông lệ quốc tế, cứ hàng hóa tiêu thụ trong nước là áp thuế GTGT. Hàng hóa không đánh thuế đầu vào thì không được khấu trừ đầu ra, nhưng phân bón nhập khẩu lại đang được chế độ đó, điều này khiến doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa phải cạnh tranh thiếu công bằng.
Trước năm 2014, phân bón chịu thuế GTGT 5%, từ sau năm 2014 áp dụng miễn áp thuế, do đánh giá tác động chính sách chưa chính xác nên dẫn đến hệ lụy rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước thời gian qua.
Vì thuế GTGT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào, ảnh hưởng đến đầu tư, mua sắm sản phẩm cố định, làm giá thành sản phẩm trong nước tăng cao, bảo hộ ngược cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Trước đây, một vài đại biểu lo ngại cho rằng nếu áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thì nông dân sẽ là người thiệt thòi. Tuy nhiên, qua giải trình của Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội nhận thấy thuế GTGT đối với phân bón được sửa đổi năm 2014 và chuyển từ việc chịu thuế suất 5% sang không chịu thuế đã gây ảnh hưởng, bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
“Tôi đồng tình với giải trình của Thường vụ Quốc hội, đó là cần thiết áp thuế suất GTGT 5% đối với ngành phân bón. Phân bón hiện nay là loại hàng hóa trong diện bình ổn giá, Nhà nước sẽ điều tiết để đảm bảo giá phân bón không tăng cao”, ông Phan Văn Hòa khẳng định.
Đại biểu Quốc hội Phan Văn Hòa: Tôi đồng tình với giải trình của Thường vụ Quốc hội, đó là cần thiết áp thuế suất GTGT 5% đối với ngành phân bón (Ảnh: PT)
Như vậy, theo ông Hòa, nếu đưa phân bón về chịu thuế GTGT 5% sẽ khắc phục được những hệ lụy thời gian qua, bảo hộ ngành sản xuất trong nước, từ đó tránh được sự phụ thuộc phân bón nhập khẩu, gây nhiều nguy cơ đến an ninh lương thực quốc gia. Ngoài việc bảo hộ doanh nghiệp sản xuất trong nước còn là suy nghĩ đến hàng ngàn công nhân, việc làm cho người lao động ở các nhà máy này.
Việc chuyển thuế 5% sẽ tác động lớn đến thị trường, phân bón nhập khẩu phải tăng giá thành, tuy nhiên phân bón trong nước sẽ có cơ sở giảm giá. Cùng với đó, Nhà nước có vai trò quan trọng trong bình ổn giá phân bón, thông qua việc kiểm tra quyết liệt các mặt hàng xuất khẩu và nội địa ngăn chặn sự móc nối với nhau và các giải pháp khác bảo đảm giá phân bón ở mức bình ổn nhất.
Ngoài ra, ông Hòa cũng cho rằng cần, có các chương trình kèm theo thực hiện tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để tiết kiệm chi phí vật tư, tăng độ hấp thụ của phân bón để tiết giảm ở mức cao nhất.
Áp thuế 5% góp phần tránh hiệu ứng tăng giá phân bón
Tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chuyên viên chính Vụ Chính sách Tổng cục Thuế đã phân tích về ưu - nhược điểm của hai phương án áp thuế hay không áp thuế GTGT thì người nông dân có lợi hơn.
Theo bà Hương, hiện tại dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận tại hội trường vào ngày 29/10/2024, trong đó, nội dung sửa đổi về thuế suất đối với mặt hàng phân bón là một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cho ý kiến.
Trong đó, phương án chuyển phân bón sang đối tượng áp dụng thuế suất 5%, có ưu điểm vừa thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu, vừa thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT.
Đối với phân bón sản xuất trong nước, giá bán phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như, chi phí giá thành nguyên vật liệu đầu vào; chi phí sản xuất trong nước; chế độ thuế GTGT đối với sản xuất trong nước; lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất.
Việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% sẽ góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp vì toàn bộ thuế GTGT đầu vào của sản xuất sẽ không phải hạch toán vào chi phí mà được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế GTGT đầu ra 5% thấp hơn đầu vào 10%, do đó, các doanh nghiệp này có dự địa để giảm giá bán, với điều kiện là giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường không thay đổi.
Cũng theo bà Hương, phân bón nội địa hiện chiếm hơn 73% thị phần và sẽ giảm được giá thành khi phân bón quay lại chịu thuế GTGT 5%; phân bón nhập khẩu chiếm dưới 27% thị phần và có khả năng sẽ phải tăng giá khi bị đánh thuế GTGT 5%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải căn cứ giá nhập khẩu thực tế và mặt bằng giá trong nước để tính toán giá bán với mức lợi nhuận hợp lý để duy trì khả năng cạnh tranh.
“Với cơ chế thị trường và thị phần lớn của phân bón sản xuất trong nước nếu phân bón trong nước giảm được giá thành thì mặt bằng giá trong nước nhìn chung sẽ ở xu thế giảm hơn so với trước”, bà Hương phân tích thêm.
Phương Thảo