Thị trường ngày 08/09/2022
Ủy ban châu Âu đã chuẩn 2 phương án áp trần giá khí đốt LB Nga, một là đưa ra mức giá trần hoặc xác định đầu mối nhập khẩu duy nhất để đàm phán giá, hai là phân chia các thành viên EU ra thành 2 nhóm, theo mức độ rủi ro gián đoạn nguồn cung, nhóm thứ nhất (đỏ) sẽ áp dụng mức giá cố định, nhóm thứ 2 (xanh) được duy trì mức giá linh hoạt, đủ để hỗ trợ nhóm đỏ trong trường hợp cần thiết. Theo nhận định ban đầu, cả 2 phương án đều có nhược điểm, phương án thứ nhất tiềm ẩn rủi ro gián đoạn nguồn cung tập thể, phương án thứ 2 phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp giữa các thành viên EU. Mức giá trần đối với khí đốt đường ống Gazprom đang được EC đề xuất mức 536 USD/1000m3 hoặc 50 EUR/MWh, chỉ bằng khoảng 20% giá thị trường.

Ngoài ra, EC cũng đang nghiên cứu khả năng đưa ra mức trần giá đối với LNG (bao gồm cả nhập khẩu từ Mỹ) nhưng lo ngại sẽ khiến nguồn cung chuyển hướng sang các thị trường khác với mức giá cạnh tranh hơn. Trước đó, EC từng thất bại trong nỗ lực đề nghị Na Uy hỗ trợ giảm giá bán khí đốt. Một trong những thành viên EU, ủng hộ chính sách thù địch LB Nga – CH Czech đã tuyên bố muốn loại bỏ vấn đề hạn chế giá khí đốt Gazprom khỏi chương trình thảo luận EC như một biện pháp chính trị, thay vì giải quyết bản chất khủng hoảng năng lượng. Vừa qua tại thủ đô Praha đã diễn ra cuộc biểu tình quy mô 70.000 người chống lại đường lối thù địch LB Nga.

Với việc đường ống dẫn khí Nord Stream 1 (167 triệu m3/ngày, từng đảm bảo tới 40% nhu cầu nhập khẩu khí đốt EU) buộc phải dừng hoạt động sau khi đường ống Yamal-Europe (90 triệu m3/ngày) chấm dứt hoạt động từ tháng 03/2022 và trung chuyển khí đốt qua Ukraine giảm trên 60% xuống còn 42 triệu m3/ngày, Mỹ coi như hoàn thành mục tiêu loại bỏ yếu tố lợi thế cạnh tranh chủ yếu của EU như nguồn cung dầu khí, kim loại ổn định giá rẻ, cũng như hàng loạt các nguyên liệu thô LB Nga khác. Đồng thời vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu LNG và dầu mỏ số 1 thế giới. 

Chính nhờ nguồn nguyên liệu thô giá rẻ, ổn định và khoảng cách vận chuyển ngắn, không cần phải xây dựng hệ thống kho tích trữ lớn trong nhiều thập kỷ qua đã giúp các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là Đức, có nguồn lực tái đầu tư vào phát triển, đổi mới công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa Mỹ, châu Á (đòn bẩy sản xuất hàng hóa GTGT bằng nguyên liệu LB Nga lên tới 100 lần, Đức sản xuất khoảng 2.000 tỷ USD hàng hóa GTGT, tương đương 55% GDP từ nguồn khí đốt nhập khẩu trị giá 20 tỷ USD). Khủng hoảng năng lượng lần này có thể sẽ đánh sập nền sản xuất công nghiệp EU. Vấn đề giá năng lượng cao mới chỉ là điểm mở đầu, việc buộc phải hạn chế sử dụng điện/khí đốt trong thời gian tới mới là đòn đánh chí mạng vào kinh tế châu Âu. 

Năm 2022, mặc dù khó khăn nhưng EU vẫn dự trữ được trên 80% hệ thống kho chứa khí đốt ngầm (UGS), cho phép chật vật sống sót qua mùa đông, tuy nhiên, đối với sản xuất công nghiệp, năm 2023 mới là thời gian thử thách khả năng chịu đựng, khi dự trữ cạn kiệt, giá khí đốt tăng cao, nguồn cung LNG hạn chế. Chi phí thay thế khí đốt LB Nga bằng LNG Mỹ đối với EU ước tính lên tới 500 tỷ EUR. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán kéo theo sản xuất điện (thủy điện, điện hạt nhân) sụt giảm, đẩy giá điện và chi phí vận chuyển hàng hóa đường thủy nội địa lên cao càng tạo thêm gánh nặng lên kinh tế EU. Toàn bộ 60 TWh sản lượng điện các nhà máy thủy điện sụt giảm phải thay thế bằng nhiên liệu hóa thạch (than đá, khí đốt).

Mặc dù vậy, chính quyền hầu hết các quốc gia EU vẫn tích cực ủng hộ đường lối thù địch chống lại LB Nga. Gói lệnh trừng phạt thứ 8 đang được xem xét song song cùng những biện pháp cô lập kinh tế như áp trần giá dầu thô, khí đốt sẽ càng khiến khủng hoảng thêm trầm trọng. Phía LB Nga tuyên bố khóa đường ống Nord Stream 1 đến khi EU dỡ bỏ lệnh trừng phạt, cho phép sửa chữa thiết bị. Ngoài ra, LB Nga sẽ không giao dịch dầu mỏ với các quốc gia ủng hộ quyết định G7 áp giá trần. Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Viễn Đông (EEF), Tổng thống LB Nga V. Putin cho biết, các lệnh trừng phạt Phương Tây đang đe dọa toàn bộ thế giới, bắt nguồn từ việc vị thế thống trị của Mỹ bị lung lay, Phương Tây chỉ mong muốn duy trì trật tự thế giới có lợi cho họ và liên tục thay đổi các quy tắc, đồng thời vi phạm chúng. 

Khả năng cạnh tranh doanh nghiệp EU ngày càng giảm, thị phần bị chiếm bởi đối thủ cạnh tranh Mỹ dưới danh nghĩa đồng thuận NATO, trong khi niềm tin vào các ngoại tệ dự trữ chủ yếu thế giới (USD, EUR, GPB, CHF) không còn. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu khí đốt Gazprom 8 tháng đầu năm 2022 sụt giảm gần 50 tỷ m3 xuống còn 82,2 tỷ m3 (ngoài khối CIS), thị phần tại thị trường châu Âu đã giảm từ 41% năm 2021 xuống còn 9%. Khối lượng này được thay thế chủ yếu bằng LNG Mỹ.

Ngày 06/09, bà Liz Truss đã chính thức trở thành nữ Thủ tướng Anh thứ 3 sau khi chiến thắng cựu bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak (gốc Ấn Độ). Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, trước khi bước chân vào chính trị năm 2010, bà L. Truss đã từng công tác tại tập đoàn Shell. Trong chương trình tranh cử vừa qua, tân Thủ tướng hứa hẹn sẽ hỗ trợ ngành dầu khí và điện hạt nhân, sẽ cấp phép khoan mới 130 lô tại biển Bắc, dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng công nghệ nứt vỉa thủy lực và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, bà Truss có kế hoạch chi 130 tỷ GPB từ nguồn vốn vay (phát hành trái phiếu chính phủ) hỗ trợ các doanh nghiệp năng lượng không tăng giá bán lẻ điện, khí đốt và dịch vụ tiện ích cho người dân.

DẦU THÔ

OPEC+ tại cuộc họp ngày 05/09 đã quyết định cắt giảm 100.000 bpd sản lượng khai thác trong tháng 10 tới nhằm đối phó với tình trạng dư thừa nguồn cung và giữ giá dầu thế giới. Các thành viên có thể nhóm họp bổ sung bất cứ lúc nào, nếu cần thiết, kỳ họp định kỳ tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 05/10. Giá dầu thế giới ngay sau đó phản ứng tích cực, Brent tăng gần +4% lên 97 USD/thùng (tuy nhiên đến thời điểm đăng bài này đã giảm xuống gần 87 USD/thùng, đáy dưới của VPĐD đã dự báo vào đầu tuần).

Động thái cắt giảm tượng trưng này có thể được xem như phản ứng đáp trả quyết định G7 áp trần giá dầu mỏ LB Nga và kêu gọi các nhà cung cấp khác tăng sản lượng khai thác. Bên cạnh đó, hy vọng vào nguồn cung Iran bổ sung (1-1,4 triệu bpd) chưa thể sớm hiện thực hóa khi Mỹ và Iran không đạt được thỏa hiệp JCPOA, trong khi dự trữ dầu thô chiến lược Mỹ  (SPR) đã đến lúc cạn kiệt, cần phải phục hồi trở lại sau thời gian dài bán ra can thiệp thị trường. Quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới – Trung Quốc đã thẳng thừng từ chối tham gia liên minh áp trần giá dầu mỏ LB Nga, còn Ấn Độ cho biết sẽ cân nhắc, tuy nhiên, khả năng ủng hộ khá thấp. Nếu không có sự hậu thuẫn của cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ, sáng kiến áp trần giá dầu mỏ LB Nga không khả thi. Bên cạnh đó, LB Nga đang chuẩn bị các biện pháp đối phó nhằm mở rộng khả năng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu dầu mỏ như: sử dụng dịch vụ bảo hiểm vận tải biển từ các quốc gia thân thiện hoặc doanh nghiệp bảo hiểm nội địa, tạo dựng chỉ số giá dầu tiêu chuẩn trên sàn giao dịch hàng hóa Saint-Petersburg (SPIMEX) vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ cho biết, trong thời gian tới, nước này sẽ ưu tiên nhập khẩu dầu thô Trung Đông, bao gồm KSA và Iraq sau khi đã tăng đáng kể (lên gần 1 triệu bpd) nhập khẩu dầu thô LB Nga với mức giá tương đối rẻ. Tuyên bố này được chính phủ Ấn Độ đưa ra trong bối cảnh nước này đang cân nhắc có ủng hộ quyết định áp trần giá dầu mỏ LB Nga từ phía G7 hay không. Ấn Độ đã chính thức vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Trong điều kiện thiếu hụt năng lượng cho sản xuất công nghiệp, kinh tế Đức trong mùa đông này có thể tụt hậu xuống vị trí thứ 5 sau Ấn Độ. Số liệu tháng 8 của Vortexa cho thấy, nhập khẩu dầu thô LB Nga của Ấn Độ giảm 18% so với tháng 7 và giảm 25% so với tháng 6 xuống còn trung bình 730.000 bpd, trong khi nhập khẩu dầu thô KSA và Iraq đều tăng lên 843.000 bpd và 840.000 bpd tương ứng. Như vậy, sau đợt tăng chiết khấu chiếm thị phần lớn nhất (tháng 4-6), kết thúc tháng 8, LB Nga đã tụt xuống vị trí thứ 3 với 18,2%, đứng sau Iraq – 20,6% và KSA – 20,8%. Nhìn chung, nhập khẩu dầu thô Ấn Độ tháng 8 giảm 13% so với tháng 7 và giảm 15% so với tháng 6 xuống 4,04 triệu bpd.

Saudi Aramco cắt giảm giá bán (OSP) tháng 10 gần -4 USD/thùng đối với loại dầu thô xuất khẩu chủ đạo – Arab Light cho khách hàng châu Á lần đầu tiên trong vòng 4 tháng gần đây, giảm mạnh nhất -4,5 USD/thùng đối với loại dầu Extra Light, trong khi tăng 0,5 USD/thùng cho khách hàng Mỹ.

KHÍ ĐỐT & LNG

Nhà điều hành hệ thống đường ống xuất khẩu khí đốt Na Uy Gasco cho biết, công ty có kế hoạch tăng gần 5 tỷ m3 nguồn cung khí đốt sang thị trường châu Âu trong năm nay lên 117 tỷ m3. Na Uy đã chính thức vượt LB Nga trở thành nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất tại châu Âu khi Gazprom liên tục cắt giảm khối lượng trung chuyển qua các đường ống (Nord Stream 1, quá cảnh Ukraine). Gassco hiện đang phân phối khí đốt qua hệ thống đường ống nối với Anh, Đức, Bỉ và Pháp, ngoài ra, trong tháng 10 tới, dự kiến đường ống Baltic Pipe (10 tỷ m3/năm) kết nối với Ba Lan, Đan Mạch sẽ đi vào hoạt động.

XĂNG & ĐIỆN

Goldman Sachs dự báo, hóa đơn tiền điện người dân EU vào đầu mùa đông 2023 (cao điểm tiêu thụ năng lượng) sẽ tăng thêm khoảng 2.000 tỷ USD, chiếm khoảng 15% GDP – hậu quả và quy mô khủng hoảng năng lượng lần này còn nặng nề hơn cả cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970. Goldman Sachs khuyến nghị các công ty năng lượng EU mua bảo hiểm mất khả năng thanh toán từ phía người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Equinor dự báo thị trường năng lượng EU trong điều kiện giá biến động mạnh cần bổ sung thanh khoản 1.500 tỷ USD để duy trì hoạt động, nếu không, thị trường có thể sụp đổ.
Kazakhstan đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm diesel, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Nước này dự kiến nhập khẩu khoảng 100.000 tấn từ LB Nga trong quý IV/2022. Tại châu Á, Myanmar chuẩn bị đón nhận lô hàng diesel đầu tiên nhập khẩu trực tiếp từ LB Nga và sẵn sàng thanh toán bằng RUB.
Hàng nghìn người dân Indonesia đã xuống đường biểu tình tại các thành phố lớn yêu cầu chính phủ hủy ngay quyết định tăng 30% giá nhiên liệu từng được trợ giá.

LB NGA

Bộ trưởng Năng lượng LB Nga N. Shulginov cho biết, sản lượng khai thác dầu thô cả năm có khả năng giảm khoảng 2% xuống 514 triệu tấn, tinh chế giảm 8% xuống còn 262 triệu tấn, khai thác khí đốt giảm 7% xuống 710 tỷ m3 do xuất khẩu đường ống sang thị trường châu Âu sụt giảm, trong khi LNG dự kiến vẫn duy trì mức năm 2021. Khai thác than đá có thể giảm 6% so với năm 2021 xuống còn 412 triệu tấn.

Nguồn thu ngân sách LB Nga từ dầu khí bắt đầu bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến khí đốt với EU. Mặc dù thu thực tế vẫn cao hơn dự toán, nhưng con số trong tháng 8 vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2021. Theo số liệu bộ Tài chính, thu ngân sách từ dầu khí tháng 8 đạt 672 tỷ RUB (11 tỷ USD), cao hơn dự toán khoảng hơn 1,4 tỷ USD, nhưng sụt giảm gần -1,63 tỷ USD so với tháng 7, chủ yếu do thuế khai thác tài nguyên (NDPI) và thuế xuất khẩu giảm.
Rosneft và Mông Cổ đã thống nhất được các điều khoản xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ sang thị trường nước này tại Diễn đàn kinh tế Viễn Đông (EEF). 
Gazprom và CNPC đã ký phụ lục chuyển thanh toán khí đốt xuất khẩu qua đường ống Siberia sang RUB và CNY với tỷ lệ 50/50. Sau khi đi vào hoạt động từ cuối năm 2019, khối lượng khí đốt xuất qua đường ống Siberia năm 2021 đạt 10,4 tỷ m3. Theo kế hoạch, sau 5 năm hoạt động đường ống sẽ đạt công suất thiết kế 38 tỷ m3/năm.

Gazprom có kế hoạch đưa dây chuyền thứ 3 nhà máy chế biến khí đốt Amur (42 tỷ m3/năm, bao gồm 6 dây chuyền) vào hoạt động đến cuối năm 2022, theo báo cáo tổng thầu EPC – NIPIGAZ, nhà máy Amur đến cuối tháng 8 đã hoàn thành trên 86,5%. Sau khi đi vào hoạt động hết công suất vào năm 2025, nhà máy chế biến khí Amur có khả năng cung cấp 38 tỷ m3 khí đốt thương mại cho thị trường Trung Quốc, cung cấp tới 60 triệu m3 heli, 2,4 triệu tấn etan và khoảng 1 triệu tấn propan mỗi năm.

Gazprom bắt đầu xuất lô LNG 30.000 tấn đầu tiên sản xuất trên 2 dây chuyền kỹ thuật nhà máy hóa lỏng khí đốt cạnh trạm bơm Portovaya (đường ống Nord Stream 1). Công suất cả khu phức hợp Portovaya lên tới 1,5 triệu tấn/năm, bao gồm cả terminal nước sâu và terminal xuất LNG đường bộ.

Chính phủ LB Nga đã cấp cho GazpromNeft lô tài nguyên Ust-Yenisei tại biển Kara không cần qua đấu giá, công ty cần thực hiện công tác tìm kiếm và thẩm định trữ lượng (tiềm năng ước tính 64 triệu tấn dầu và 146 tỷ m3 khí). Gazprom Neft sẽ được cấp phép khai thác sau khi trả khoản phí thu một lần.

Hoạt động khai thác tại mỏ dầu khí lớn nhất thềm lục địa LB Nga – Sakhalin 1 đã dừng hoàn toàn sau thời gian dài sụt giảm sản lượng. Nhà điều hành dự án PSA vẫn đang là ExxonMobil, sở hữu 30% cùng Sodeco (Nhật Bản, 30%), ONGC Videsh (Ấn Độ, 20%) và Rosneft (20%). ExxonMobil từng tuyên bố rút khỏi Sakhalin 1 vào tháng 3 và từ 26/04 bắt đầu đơn phương cắt giảm sản lượng từ 220.000 bpd xuống còn vẻn vẹn 10.000 bpd. Trong điều kiện bình thường, Sakhalin 1 có khả năng sản xuất hơn 11 triệu tấn dầu thô mỗi năm.

Kim ngạch XNK giữa LB Nga và Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2022 đã tăng gần 30% (y/y) lên 97,7 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu LB Nga sang Trung Quốc tăng 49%. Hợp tác kinh tế - chính trị 2 nước ngày càng được đẩy mạnh: công ty xây dựng lớn nhất Trung Quốc – China State Construction Engineering Corporation có kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại thị trường LB Nga, trong khi Gazprom và CNPC đã chốt được các thông số chính (khối lượng lên tới 50 tỷ m3/năm, giá) hợp đồng cung cấp khí đốt qua đường ống Siberia – 2 đang trong quá trình thiết kế - xây dựng đi qua Mông Cổ. Nhập khẩu dầu thô Trung Quốc tháng 8 theo số liệu sơ bộ giảm 9,4% (y/y), tương đương 9,5 triệu bpd, nhưng bắt đầu tăng 700.000 bpd so với tháng 7. Tính chung cả 8 tháng đầu năm, khối lượng nhập khẩu giảm nhẹ gần 5% (y/y) xuống trung bình 9,92 triệu bpd, tương ứng 330,2 triệu tấn. 

Tuy nhiên, nhìn chung, kim ngạch XNK Trung Quốc tháng 8 bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu chỉ tăng 7,1% so với 18% tháng 7, nhập khẩu tăng 0,3% so với 2,3% và thặng dư cán cân thương mại giảm hơn 20 tỷ USD xuống còn 79 tỷ USD. Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến xuất khẩu bao gồm: dịch bệnh tái bùng phát, thời tiết nóng khắc nghiệt và thiếu hụt năng lượng dẫn đến đóng cửa nhà máy tại tỉnh Tứ Xuyên.

PHÁT TRIỂN

Công ty năng lượng Rethink Energy mới đây đã công bố một báo cáo về triển vọng xây dựng các nhà máy sản xuất máy điện phân trên thế giới. Theo đó, công suất điện phân toàn cầu dự kiến sẽ được bổ sung thêm 40 GW trong vòng 5 năm tới. Mười bốn nhà sản xuất máy điện phân khác nhau trên thế giới hiện có kế hoạch xây dựng các tổ hợp điện phân quy mô GW tại nhiều quốc gia. Theo tính toán, các tổ hợp này mất khoảng 2 năm để xây dựng và sẽ bắt kịp với nhu cầu điện phân trong vòng 10 năm tới. Sự xuất hiện của các tổ hợp điện phân sẽ đóng vai trò quan trọng để đạt được quy mô kinh tế cần thiết để sản xuất hydro hiệu quả. Đến năm 2024, một số nhà sản xuất sẽ có thể cung cấp các hệ thống sản xuất hydro “xanh” với chi phí thấp hơn hydro “xám” được sản xuất từ khí thiên nhiên. Theo Rethink Energy, chi phí vốn cho máy điện phân sẽ giảm từ 1400 USD/kW xuống còn 340 USD/kW vào năm 2030 khi công suất sản xuất máy điện phân toàn cầu tăng lên gần 100 GW mỗi năm. Báo cáo của Rethink Energy cũng cho biết, hydro đã được xác định là công nghệ khử carbon quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Đến năm 2050, nhu cầu hydro toàn cầu được dự báo sẽ tăng 10 lần, lên 735 triệu tấn và hầu hết sản lượng hydro sẽ đến từ phương pháp điện phân. 

Nhà sản xuất xe ô tô BMW (Đức) mới đây cho biết, hãng đã bắt đầu sản xuất pin nhiên liệu hydro tại trung tâm năng lực hydro ở Munich nhằm phục vụ dự án phát triển xe chạy pin nhiên liệu hydro BMW i Hydrogen NEXT dựa trên mẫu xe X5. Mẫu xe iX5 Hydrogen sẽ sử dụng một hệ thống pin nhiên liệu cung cấp công suất cao liên tục 125 KW/170 mã lực. Nó sẽ được kết hợp với một động cơ điện sử dụng công nghệ BMW eDrive thế hệ thứ 5 và một pin hiệu suất cao được thiết kế dành riêng cho xe, cho công suất 275 KW/374 mã lực. Đầu năm 2022, mẫu xe iX5 Hydrogen đã được thử nghiệm thành công trong điều kiện nhiệt độ mùa đông ở Thụy Điển. BMW mua các pin nhiên liệu riêng lẻ cần thiết từ hãng xe Toyota. Hai công ty đã hợp tác trong lĩnh vực pin nhiên liệu từ năm 2013. Theo BMW, hệ thống pin nhiên liệu của hãng được sản xuất theo hai giai đoạn. Ngăn xếp pin nhiên liệu được lắp ráp từ các tế bào nhiên liệu Toyota riêng lẻ. Sau đó, tất cả các thành phần khác được cài đặt. Hai giai đoạn được thực hiện tại nhà máy của hãng ở Landshut, Đức. Triển vọng thị trường đối với ô tô chở khách chạy bằng pin nhiên liệu hydro vẫn là một dấu hỏi lớn. Tính đến đầu tháng 02/2022, thị trường mới chỉ có hai mẫu xe là Toyota Mirai và Hyundai Nexo. Các nhà sản xuất ô tô khác vẫn đang thử nghiệm công nghệ này. 


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​