Shell và lộ trình chuyển dịch năng lượng (Kỳ IV)
Hãng Shell tiếp tục đầu tư vào sản xuất hydrogen, tìm cách mở rộng công nghệ và giảm chi phí để nó trở thành một lựa chọn có hàm lượng carbon thấp và giá cả phải chăng cho tương lai.

Trạm điểm sạc xe điện EV

Hãng Shell có vị thế tốt để trở thành công ty dẫn đầu về lợi nhuận trong lĩnh vực sạc điện công cộng cho xe điện EV, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của những người lái xe điện EV cần sạc khi đang di chuyển. Vào cuối năm 2023, hãng Shell sở hữu khoảng 54.000 trạm điểm sạc công cộng cho xe điện EV tại các bãi đỗ của bản hãng, trên đường phố và tại các địa điểm như siêu thị với số lượng gia tăng từ 27.000 trạm điểm sạc (2022). Hãng Shell hiện đang kỳ vọng sẽ có khoảng 70.000 trạm điểm sạc công cộng (2025) và khoảng 200.000 trạm điểm sạc (2030). Hiện Shell Recharge, mạng lưới sạc công cộng của hãng Shell hiện đang hoạt động ở khoảng 33 quốc gia khác nhau trên thế giới.

Hãng Shell cũng đã khai trương các trạm điểm sạc xe điện EV lớn nhất thế giới tại Trung Quốc- thị trường xe điện EV lớn nhất thế giới (9/2023), trong đó bao gồm 258 trạm điểm sạc nhanh tại Trạm xe điện Shell Recharge đặt tại Sân bay Thâm Quyến, giúp phục vụ hàng nghìn tài xế xe ô-tô mỗi ngày. Hiện các trạm điểm sạc được cung cấp năng lượng một phần bằng các tấm pin mặt trời áp mái với công suất tạo ra 300.000 kilowatt giờ điện tái tạo mỗi năm. Trạm điểm sạc liên doanh giữa hãng Shell và nhà sản xuất xe ô-tô điện lớn nhất Trung Quốc BYD (sở hữu 80%), có tỷ lệ sử dụng gấp 2,5 lần mức trung bình ở địa phương. Trung Quốc hiện là một trong những thị trường tăng trưởng quan trọng nhất đối với hoạt động kinh doanh mảng di chuyển của hãng Shell. Tháng 3/2023, hãng Shell đã hoàn tất việc mua lại Công ty Volta Inc. (Hoa Kỳ). Hãng Shell hiện đang vận hành một trong những mạng lưới sạc xe điện công cộng lớn nhất Hoa Kỳ với hơn 3.000 trạm điểm sạc đặt tại 31 tiểu bang và hơn 3.400 điểm sạc bổ sung hiện đang được tiếp tục phát triển trên toàn quốc.

Vị thế của điện tích hợp

Hoạt động kinh doanh năng lượng của hãng Shell tập hợp chuyên môn về sản xuất, kinh doanh và tiếp thị khi mà đang đầu tư có chọn lọc vào điện tái tạo, pin và các công nghệ linh hoạt khác của lưới điện để cung cấp các giải pháp carbon thấp cho khách hàng thương mại và công nghiệp, đồng thời loại bỏ carbon cho hoạt động của chính bản hãng. Hãng Shell kỳ vọng sẽ cung cấp nhiều giải pháp năng lượng tái tạo hơn một cách có lợi nhuận bằng cách phát triển danh mục đầu tư của mình tại các thị trường chọn lọc như Australia, châu Âu, CH Ấn Độ và Hoa Kỳ. Vào cuối năm 2023, hãng Shell có khoảng 2,5 gigawatt (GW) công suất tái tạo đang hoạt động, 4,1 GW đang được phát triển và có công suất tiềm năng khoảng 40 GW trong quy trình kế hoạch của hãng Shell trên toàn cầu, bao gồm các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió tích hợp quy mô lớn. Năm 2023, hãng Shell đã bán được khoảng 279 terawatt giờ (TWh), một công suất điện quá đủ để đáp ứng nhu cầu hàng năm của Australia.

Tại Hoa Kỳ, Công ty năng lượng mặt trời, gió và pin Savion mà hãng Shell đã mua lại (2021) đã bắt đầu phát triển các nhà máy năng lượng mặt trời mới. Sau khi đi vào hoạt động, chúng sẽ tạo ra khoảng 500 megawatt (MW) công suất năng lượng tái tạo. Hãng Shell cũng đang đầu tư phát triển năng lực năng lượng tái tạo ở những nơi khác trên thế giới. Năm 2022, hãng Shell đã mua lại Spring Energy (CH Ấn Độ) và vào năm 2023, hãng Shell cũng đã mua lại Isemaren (CH Tây Ban Nha). Hãng Shellcũng đang phát triển các vị thế của riêng mình, chẳng hạn như Trang trại năng lượng mặt trời Pottendijk và Koegorspolder (CH Hà Lan). Năm 2023, tại CH Hà Lan, Trang trại gió ngoài khơi Hollandse Kust Noord (Shell sở hữu 79,9%), có công suất phát điện 759 MW, đã đi vào hoạt động, dự kiến cuối cùng sẽ sản xuất tương đương gần 3% nhu cầu điện ở CH Hà Lan. Ecowende (Shell sở hữu 60%), liên doanh của hãng Shell với Eneco cũng đã công bố kế hoạch phát triển một trang trại gió Hollandse Kust West 760 MW công suất.

Hãng Shell cũng đang tích cực phát triển hệ thống lưu trữ pin quy mô tiện ích ở một số thị trường chọn lọc. Tháng 3/2023, hãng Shell đã ký kết hợp tác để cung cấp hệ thống lưu trữ pin tại Australia với quyền tiếp cận 100% lượng tiêu thụ của hệ thống pin trong khoảng thời gian 20 năm với dự kiến ​​hoàn thành dự án vào cuối năm 2024.

Hydrogen

Hãng Shell tiếp tục đầu tư vào sản xuất hydrogen, tìm cách mở rộng công nghệ và giảm chi phí để nó trở thành một lựa chọn có hàm lượng carbon thấp và giá cả phải chăng cho tương lai. Để phát huy hết tiềm năng phát thải carbon thấp của hydrogen, hãng Shell tiếp tục tìm kiếm về những nơi có thể phát thải khí thải, bao gồm cả khí methane trong quá trình sản xuất và sử dụng. Hãng Shell cũng đang xác định các cơ hội để giải quyết chúng bằng cách cộng tác với những đối tác khác. Hãng Shell nhận thấy vai trò của hydrogen là nguyên liệu thô, chẳng hạn như để tạo ra nhiên liệu tổng hợp và là chất mang năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và giao thông vận tải.

Vào cuối năm 2022, hãng Shell đã bắt đầu xây dựng dự án Holland Hydrogen 1(CH Hà Lan). Đây sẽ là một trong số những nhà máy hydrogen tái tạo lớn nhất ở châu Âu khi đi vào hoạt động vào nửa cuối thập kỷ này. Máy điện phân 200 MW công suất sẽ được cung cấp năng lượng tái tạo từ Trang trại gió ngoài khơi Hollandse Kust (Noord). Holland Hydrogen 1 sẽ giúp loại bỏ carbon trong quá trình sản xuất nhiên liệu xăng, dầu diesel và hàng không của hãng Shell đặt tại Công viên năng lượng và hóa chất Shell Rotterdam. Về lâu dài, nhà máy này cũng có thể cung cấp hydrogen để giúp cắt giảm lượng khí thải trong các lĩnh vực giao thông vận tải và công nghiệp.

Tại Oman, hãng Shell đã mua được 35% cổ phần trong Công ty năng lượng xanh Oman, công ty sẽ sản xuất hydrogen từ nước biển, được cung cấp năng lượng mặt trời và gió lên tới 25 GW công suất với hãng Shell là đối tác điều hành chính. Dự án dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào đầu thập kỷ tới và đặt mục tiêu sản xuất hết công suất khoảng 1,8 triệu tấn hydrogen mỗi năm.

Với tư cách là thành viên sáng lập của tập đoàn Tăng tốc H2, Shell tiếp tục hợp tác với các đối tác để cho phép sử dụng hydrogen để loại bỏ carbon trong vận tải đường bộ đường dài trên khắp châu Âu. Liên minh đang cố gắng phát triển một chương trình biến hydrogen thành nhiên liệu thương mại khả thi cho lĩnh vực vận tải đường bộ.

Thu hồi và lưu trữ carbon (CCS)

Hãng Shell tiếp tục hợp tác với chính phủ các nước, khách hàng và đối tác để khai thác tiềm năng của công nghệ CCS nhằm cắt giảm lượng khí thải ở những nơi có ít giải pháp thay thế carbon thấp. Công nghệ CCS là cần thiết để đáp ứng các mục tiêu về giữ nhiệt độ của Trái đất không nóng lên theo Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, ở nhiều nước, công nghệ CCS còn thiếu mô hình kinh doanh một cách rõ ràng. Để giải quyết những thách thức này, hãng Shell ủng hộ các cơ chế chính sách và hỗ trợ các mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực này nhằm phát triển các dự án CCS khả thi về mặt thương mại.

Đến cuối năm 2023, cơ sở Quest CCS tại cơ sở nâng cấp Scotford ở Canada (Shell sở hữu 10%) đã thu hồi và lưu trữ an toàn hơn 8,8 triệu tấn CO₂ kể từ khi cơ sở này bắt đầu đi vào hoạt động (2015). Hãng Shell hiện đang khám phá khả năng tăng công suất CCS ban đầu tại cơ sở Quest lên 750.000 tấn/năm. Dự án Northern Lights CCS của hãng Shell (Shell sở hữu 33,3%) tại CH Na Uy đã ký hợp đồng (2023) để vận chuyển và lưu trữ an toàn 1,2 triệu tấn CO₂ mỗi năm. Hiện CO₂ sẽ được vận chuyển từ hai nhà máy điện sinh khối của Ørsted (Vương quốc Đan Mạch) và nhà máy phân bón và ammonia Yara (CH Hà Lan), sau đó, nó sẽ được lưu trữ ở độ sâu 2.600 mét dưới đáy biển ở Biển Bắc.

Tại Australia, dự án Gorgon CCS (Shell sở hữu 25%,) do hãng Chevron vận hành, đã báo cáo lưu trữ được hơn 9 triệu tấn CO₂ tương đương tính đến cuối năm 2023. Ngoài việc cắt giảm nguồn phát thải đáng kể này, hãng Chevron xác nhận họ đã mua và đã từ bỏ các khoản tín chỉ carbon để giải quyết tình trạng thiếu hụt lượng khí thải trước đây. Dự án bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2019 và là hoạt động CCS lớn nhất trên thế giới.

Việc xây dựng dự án Porthos, cơ sở CCS lớn nhất châu Âu, sẽ bắt đầu tại cảng Rotterdam (2024). Shell sẽ là khách hàng lớn nhất, cung cấp 1 triệu tấn CO₂ mỗi năm. Lượng CO₂ thu được sẽ được vận chuyển đến các mỏ khí trống rỗng dưới đáy Biển Bắc cách bờ biển CH Hà Lan khoảng 20 km. Điều này sẽ cắt giảm lượng khí thải CO₂ hàng năm của CH Hà Lan khoảng 2% trong 15 năm kể từ năm 2026.

Năm 2023, hãng Shell và hãng Esso đã cùng được trao ba giấy phép trong vòng đấu thầu cấp phép lưu trữ carbon đầu tiên của Vương quốc Anh. Liên doanh (Shell sở hữu 50%) sẽ đánh giá ba địa điểm ở Biển Bắc về tiềm năng lưu trữ CO₂ được thu hồi và vận chuyển từ các cơ sở công nghiệp ở Vương quốc Anh. Cũng trong năm 2023, công nghệ thu hồi carbon CANSOLV® của hãng Shell đã thắng thầu triển khai tại nhà máy CCS ở Abu Dhabi (UAE), nơi sẽ thu hồi và lưu trữ vĩnh viễn 1,5 triệu tấn CO₂ mỗi năm.

Thu giữ khí trực tiếp

Hiện các chương trình nghiên cứu của hãng Shell đã và đang phát triển công nghệ loại bỏ trực tiếp carbon khỏi khí quyển trong nhiều năm. Năm 2023, hãng Shell đã quyết định xây dựng thiết bị trình diễn thu khí trực tiếp (DAC) tại trung tâm nghiên cứu công nghệ của hãng Shell đặt tại Houston (tiểu bang Texas, Hoa Kỳ). Mục đích của dự án dự kiến ​​sẽ khởi động vào năm 2025 nhằm chứng minh khả năng tồn tại của công nghệ hấp thụ rắn của hãng Shell khi mà thiết bị này đang được phát triển bởi một nhóm gồm các nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật của hãng Shell trên toàn cầu.

Các trung tâm năng lượng tích hợp

Là một phần trong phương cách tiếp cận quá trình chuyển đổi năng lượng, hãng Shell đang phát triển các trung tâm năng lượng tích hợp để cắt giảm lượng khí thải của chính bản hãng và của các sản phẩm hàng hóa bán ra cho khách hàng. Ví dụ như tại Công viên năng lượng và hóa chất Rotterdam ở Hà Lan, hãng Shell đang tích hợp nhiên liệu sinh học, hydrogen và CCS vào các cơ sở hiện có của mình. Hãng Shell cũng đã bắt đầu xây dựng dự án Holland Hydrogen 1 để giúp sản xuất nhiên liệu loại bỏ carbon tại khu công viên năng lượng và hóa chất nằm gần đó sau khi chính thức đi vào hoạt động. Nhà máy hydrogen này sẽ được cung cấp năng lượng tái tạo từ Trang trại gió ngoài khơi Hollandse Kust (Noord).

Một số lượng khí thải từ trung tâm năng lượng sẽ được hai dự án CCS thu hồi và lưu trữ của Holland Hydrogen 1 nằm dưới đáy Biển Bắc khi chúng đi vào hoạt động. Đó chính là Porthos, nơi hãng Shell là khách hàng lớn nhất và Aramis, một liên doanh của bản hãng. Khi thị trường phát triển, hãng Shell sẽ tìm kiếm cơ hội cho các dự án trong tương lai và sử dụng mối quan hệ khách hàng của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về các giải pháp carbon thấp.

Tín chỉ carbon

Tín chỉ carbon có thể đóng góp quan trọng vào mục tiêu của hãng Shell trở thành doanh nghiệp năng lượng net-zero và chúng có thể được hãng Shell và khách hàng của bản hãng sử dụng để đền bù lượng khí thải phù hợp với hệ thống phân cấp giảm nhẹ gồm tránh, giảm thiểu và đền bù (avoid, reduce and compensate). Hãng Shell hiểu rõ tín chỉ carbon cần phải đem lại lợi ích carbon mạnh mẽ và tác động tích cực đến hệ sinh thái và cộng đồng. Hãng Shell còn hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương để đảm bảo các dự án tín chỉ carbon mà hãng Shell đầu tư đều có chất lượng cao.

Hãng Shell lựa chọn các dự án được chứng nhận theo tiêu chuẩn tín chỉ carbon độc lập và đáng tin cậy, bao gồm Tiêu chuẩn carbon đã được xác minh, Tiêu chuẩn Vàng và Cơ quan đăng ký carbon của Hoa Kỳ. Hãng Shell thực thi được điều này nhằm đảm bảo các khoản tín chỉ carbon là có thật và có thể kiểm chứng được, đồng thời các vấn đề như tính lâu dài, tính bổ sung và sự rò rỉ đã được xem xét đầy đủ. Hãng Shell cũng giúp phát triển và mua bán tín chỉ carbon được tạo ra bởi các dự án dựa vào thiên nhiên và bởi công nghệ đổi mới sáng tạo. Hãng Shell còn cẩn trọng tìm nguồn và sàng lọc các khoản tín chỉ mà hãng Shell mua và rút khỏi thị trường. Năm 2023, cường độ carbon ròng (net carbon intensity-NCI) của hãng Shell sở hữu 20 triệu tín chỉ carbon, trong đó 4 triệu tín chỉ carbon có liên quan đến việc bán các sản phẩm năng lượng. Trong số 20 triệu tấn ngừng hoạt động tín chỉ carbon được đưa vào chỉ số NCI của hãng Shell (2023), 85% số này được chứng nhận bởi Verra, 9% bởi Cơ quan đăng ký carbon của Hoa Kỳ, 6% theo Tiêu chuẩn Vàng và dưới 1% thông qua Đơn vị tín chỉ carbon của Australia.

Theo dõi SAF bằng công nghệ blockchain

Hãng Shell hiện đang sử dụng các công nghệ mới để cung cấp năng lượng cho tài sản thượng nguồn và hạ nguồn, cải thiện hoạt động giao dịch và cung ứng, đồng thời cung cấp các vật liệu và phân tử mới hấp dẫn. Avelia, một mô hình kinh doanh được phát triển với sự hợp tác của Accenture và American Express Global Business Travel, sử dụng blockchain để giúp khách hàng của hãng Shell theo dõi việc giảm phát thải và các thuộc tính môi trường của nhiên liệu hàng không bền vững SAF mà họ thu được một cách an toàn và minh bạch, đồng thời truy tìm nó từ quá trình sản xuất đến phân phối vào lĩnh vực hàng không cho mạng lưới tiếp nhiên liệu.

Công nghệ và đổi mới

Được xây dựng hơn 125 năm đổi mới công nghệ sáng tạo, hiệu quả hoạt động trong tương lai của hãng Shell phụ thuộc vào sự phát triển thành công, trình diễn các mô hình và triển khai thương mại các công nghệ đổi mới sáng tạo và sản phẩm mới. Năm 2023, chi tiêu đầu tư cho nghiên cứu và phát triển dành cho các dự án dầu khí góp phần loại bỏ carbon là khoảng 628 triệu USD, tăng từ khoảng 440 triệu USD (2022). Hiện các khoản đầu tư năm 2023 chiếm khoảng 49% tổng chi tiêu đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của hãng Shell, tăng từ khoảng 41% (2022). Danh mục công nghệ và đổi mới sáng tạo của hãng Shellgiúp thực hiện chiến lược bằng những phương cách: (i) Đạt được nhiều giá trị hơn với ít khí thải hơn trong các hoạt động kinh doanh cốt lõi hiện nay. Ví dụ như Hệ thống chỉ cần bổ sung thêm nước do hãng Shell phát triển khi sử dụng hệ thống phần mềm để cắt giảm chi phí nhiên liệu cho các tàu biển và lượng khí thải GHG mà chúng thải ra. (ii) Tạo ra các sản phẩm và giải pháp ít carbon của ngày mai, chẳng hạn như công nghệ thu giữ carbon CANSOLV® sẽ được triển khai tại nhà máy CCS lớn nhất thế giớiđặt tại Abu Dhabi (UAE). (iii) Khám phá các công nghệ chuyển đổi trong tương lai, chẳng hạn như hydrogen tái tạo, thu hồi không khí trực tiếp cũng như các giải pháp lưu trữ nhiệt và năng lượng. Hiện các công nghệ và mô hình kinh doanh mà hãng Shell đang phát triển sẽ định hình các sản phẩm và dịch vụ mà bản hãng Shell cung cấp cho khách hàng trong các lĩnh vực giao thông vận tải và công nghiệp.

Tại nhà máy Chu Hải của hãng Shell ở Trung Quốc, nơi sản xuất dầu nhờn và mỡ bôi trơn, hãng Shell cũng đã giới thiệu hệ thống lưu trữ năng lượng nhiệt giúp thay thế nhiên liệu diesel bằng điện tái tạo để tạo ra hơi nước cần thiết cho quá trình sản xuất chất bôi trơn. Hệ thống lưu trữ này sẽ tối ưu hóa việc sản xuất hơi nước và dự kiến ​​sẽ cắt giảm mức sử dụng dầu diesel khoảng 300 tấn và lượng khí thải CO₂ hơn 900 tấn mỗi năm. Bằng cách chứng minh những lợi ích của loại hệ thống này tại các cơ sở của bản hãng, hãng Shell có thể khuyến khích và hỗ trợ quá trình loại bỏ carbon cho khách hàng của mình. Hãng Shell còn đầu tư vào các công nghệ năng lượng mới nhất thông qua quan hệ đối tác với các công ty khởi nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, học thuật hàng đầu. Ví dụ như hãng Shell đang hợp tác với Imperial College London (Vương quốc Anh) để phát triển các công nghệ mới, đặc biệt tập trung vào xe điện EV, chất bôi trơn, bộ lưu trữ năng lượng, CCS và vật liệu.

Can dự chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu

Hiện các chính sách toàn diện, minh bạch và nhất quán là một phần quan trọng trong hành trình hướng tới mục tiêu net-zero của hãng Shell. Với chính sách và điều kiện pháp lý phù hợp, hãng Shell có thể tăng cường đầu tư một cách có lợi thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như ủng hộ các chính sách, luật pháp và quy định mạnh mẽ trong các lĩnh vực mà hãng Shell có thể hỗ trợ tốt nhất cho quá trình loại bỏ carbon của khách hàng và cắt giảm lượng khí thải của chính mình. Sự vận động hành lang chính sách của hãng Shell trực tiếp với chính phủ các nước và gián tiếp thông qua các hiệp hội và liên minh trong lĩnh vực dầu khí luôn là một phần quan trọng trong chiến lược của bản hãng. Hiện hãng Shell đang tích cực hợp tác với chính phủ các nước, cơ quan quản lý và nhà hoạch định chính sách theo nhiều phương cách khác nhau để giúp định hình chính sách, luật pháp và quy định.

Hiện lập trường về chính sách công của hãng Shell đóng vai trò là khuôn khổ cho sự vận động hành lang của bản hãng với chính phủ các nước, tổ chức quốc tế, hiệp hội lĩnh vực dầu khí và các bên liên quan khác trên toàn cầu, khu vực và tại từng quốc gia. Khi tận dụng các vị trí và vị thế, hãng Shell nhận thấy tốc độ chuyển đổi năng lượng sẽ khác nhau trên khắp thế giới. Do vậy, hãng Shell sẽ tập trung vào bốn lĩnh vực chính quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng và sẽ giúp hỗ trợ chiến lược của hãng Shell tiếp tục phát triển.

Vận động hành lang bằng hành động cụ thể

Việc vận động các chính sách khuyến khích nhu cầu và khuyến khích đầu tư vào các giải pháp carbon thấp là một phần quan trọng trong sự can dự của hãng Shell với chính phủ và cơ quan quản lý các nước. Ví dụ như ở Hoa Kỳ, hãng Shell ủng hộ việc cấp phép cho các dự án nhanh hơn và ít rào cản hơn. Sự chậm trễ, một phần do kiện tụng kéo dài, đã gây tác động tiêu cực đến việc bàn giao mặt bằng dự án. Hãng Shell kỳ vọng việc cải cách hệ thống cấp phép sẽ giúp thực hiện các dự án mới liên quan đến đạo luật Việc làm và đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như đạo luật Giảm thiểu lạm phát của Hoa Kỳ. Để đạt được những cải cách này, hãng Shell cũng đã tham gia mang tính xây dựng vào các cuộc đàm phán về mặt lập pháp tại Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ để thúc đẩy các giải pháp lập pháp lưỡng đảng.

Tại EU, hãng Shell hiện đang ủng hộ các chính sách cho phép đầu tư thương mại vào quá trình chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là tạo ra nhu cầu về các giải pháp carbon thấp. Hãng Shell ủng hộ gói “Fit for 55”, bao gồm các mục tiêu ràng buộc về việc sử dụng hydrogen tái tạo và nhiên liệu sinh học tiên tiến, đồng thời cũng ủng hộ các chính sách nhằm đẩy nhanh quá trình điện khí hóa vận tải đường bộ và các khuôn khổ hỗ trợ hoạt động kinh doanh trong việc giảm thiểu và loại bỏ carbon. Tại CH Brazil, hãng Shell cũng ủng hộ việc thành lập hệ thống mua bán khí thải quốc gia (ETS) là một hình thức định giá carbon quốc gia. Hãng Shell cũng kỳ vọng điều này sẽ khuyến khích quá trình loại bỏ carbonvới chi phí thấp nhất và hỗ trợ sự phát triển lâu dài của thị trường carbon toàn cầu. Hiện ETS Brazil đang chờ Thượng viện Liên bang xem xét lần cuối, sau đó dự kiến ​​nó sẽ được thông qua, ban hành thành luật. Tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, hãng Shell cũng đang làm việc với chính quyền các địa phương và quốc gia để phát triển các khuôn khổ chính sách và quy định cho công nghệ CCS. Việc thiết lập các trung tâm CCS xuyên biên giới trong khu vực này có thể đem lại lợi ích cho nhiều lĩnh vực công nghiệp trong khu vực này. Năm 2024, hai hãng Shell và ExxonMobil đã được lựa chọn để hợp tác với Cính phủ Singapore với tư cách là nhà phát triển chính cho dự án CCS xuyên biên giới có thể lưu trữ ít nhất 2,5 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm (2030).

Link nguồn:

https://www.developmentaid.org/api/frontend/cms/file/2024/03/shell-energy-transition-strategy-2024.pdf

Tuấn Hùng

DevelopmentAid

Shell và lộ trình chuyển dịch năng lượng (Kỳ III)

Shell và lộ trình chuyển dịch năng lượng (Kỳ II)

Shell và lộ trình chuyển dịch năng lượng (Kỳ I)



Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​