Kỳ 3: Thay đổi để phát triển sau tái cơ cấu
Để vượt qua khó khăn và phát triển, Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) đã đặt ra định hướng với công tác đầu tư hạ tầng, mở rộng thị trường, đa mảng ngành… nếu phương án tái cơ cấu được phê duyệt. Đây được xem là những bước đi mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nắm bắt cơ hội để vực dậy DQS.

Phát triển dù còn nhiều khó khăn

Tháng 7/2010, DQS chính thức được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tiếp nhận chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), bước ngoặt mới cho một đơn vị từng được định hướng trở thành nhà máy có quy mô thuộc top những nhà máy đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á. Vượt qua những gian khó, DQS trải qua hành trình hồi sinh từ đống đổ nát.

Từ khi được chuyển giao đến nay, DQS đã thực hiện hơn 182 đơn hàng, đem về doanh thu hơn 9.200 tỷ đồng. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với sự đoàn kết của Ban lãnh đạo DQS cùng tập thể người lao động (NLĐ), DQS đã phấn đấu thực hiện các đơn hàng đáp ứng về thời gian và chất lượng, được nhiều đối tác, chủ tàu trong và ngoài nước đánh giá cao.

Kỳ 3: Thay đổi để phát triển sau tái cơ cấu

Dock sửa chữa của DQS hiện đang trong tình trạng hoạt động ổn định với các hợp đồng bảo dưỡng, sửa chữa… đã được đặt lịch đến hết năm 2023

Doanh thu giai đoạn 2016 - 2020 của DQS đạt từ 380 - 400 tỷ đồng/năm và từ 2020 đến nửa đầu năm 2023 doanh thu đã tăng lên từ 750 - 800 tỷ đồng/năm. Kết quả sản xuất kinh doanh của DQS cũng được duy trì đảm bảo với số lượng tàu thuyền sửa chữa, bảo dưỡng trung bình 50 - 60 tàu/năm. Từ đây, thu nhập của NLĐ cũng được tăng lên, từ 2 triệu đồng/người/tháng lên gần 12 triệu đồng/người/tháng.

Tổng Giám đốc DQS Nguyễn Anh Minh chia sẻ: “Sau nhiều năm thực hiện đảm bảo chất lượng trong công tác sản xuất kinh doanh, hầu hết các chủ tàu lớn nhất Việt Nam như Công ty vận tải biển Vinalines, Việt Thuận, An Hải… đều tin tưởng lựa chọn DQS trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa tàu thuyền. Ngoài ra, DQS cũng tích cực quảng bá, mở rộng thị trường nên đã thu hút và được nhiều chủ tàu nước ngoài như Anh, Hy Lạp hay Đức… tin tưởng lựa chọn sửa chữa, bảo dưỡng”.

Tháng 4/2023, trong chuyến đi kiểm tra, khảo sát thực tế tại DQS, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đánh giá cao và ghi nhận các kết quả, nỗ lực của DQS. Phó Thủ tướng đã đề nghị các cấp lãnh đạo, các ban chuyên môn phối hợp cùng Petrovietnam thực hiện lên các phương án, đề xuất để xử lý các vấn đề của DQS.

Kỳ 3: Thay đổi để phát triển sau tái cơ cấu

Hoạt động SXKD dần ổn định, thu nhập của NLĐ DQS được cải thiện và nâng cao

DQS là một đơn vị nằm trong chuỗi liên kết giá trị của Petrovietnam. Trong nhiều năm qua, ngoài việc bảo dưỡng, sửa chữa tàu thuyền, DQS còn tham gia vào lĩnh vực chế tạo kết cấu, cấu kiện… và thực hiện nhiều đơn hàng quy mô lớn trong và ngoài ngành.

Đầu tư hạ tầng, mở rộng nhiều mảng ngành sau tái cơ cấu

Với sự hiệu quả, thế mạnh, tiềm năng DQS đạt được trong thời gian qua, định hướng tái cơ cấu DQS được nhiều cấp lãnh đạo đánh giá là phương án khả thi và hạn chế tổn thất. Hiện Petrovietnam và DQS đã trình lên Chính phủ phương án tái cơ cấu doanh nghiệp với nhiều định hướng mới cho tương lai của đơn vị.

Tổng Giám đốc DQS Nguyễn Anh Minh cho biết, khi phương án tái cơ cấu DQS được phê duyệt, đơn vị sẽ được đưa ra khỏi 12 dự án kém phát triển của ngành Công thương. Từ đây, DQS sẽ thực hiện đầu tư, hoàn thiện một số hạng mục hạ tầng phục vụ việc sản xuất. Cụ thể, DQS sẽ triển khai thực hiện xây dựng cầu tàu trang trí để tăng công suất của đơn vị từ 50 - 60 tàu/năm lên 90 - 100 tàu/năm. Đến năm 2025, 2026 sẽ thực hiện việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng cầu tàu trang trí. Dự kiến đến năm 2027, DQS sẽ có thêm hạng mục phá dỡ tàu cũ và tham gia chế tạo linh kiện điện gió cho các khách hàng trong và ngoài nước.

Kỳ 3: Thay đổi để phát triển sau tái cơ cấu

Khu vực được DQS quy hoạch sẽ xây dựng dock sửa chữa số 2

“Hiện tại, quy mô, tiềm năng của thị trường rất lớn, nhưng do một số hạn chế về cơ sở hạ tầng làm giảm đi năng lực của DQS. Dock sửa chữa của DQS hiện luôn trong tình trạng kín tàu, nhưng chỉ có thể thực hiện được khoảng 50 - 60 tàu/năm. Dựa vào hiệu quả sản xuất kinh doanh, DQS sẽ nghiên cứu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu và tăng tính cạnh tranh. Nếu thực hiện được, doanh thu của DQS có thể sẽ tăng lên ít nhất 3 lần so với hiện tại”, Tổng Giám đốc Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.

Với việc định hướng phát triển DQS có quy mô lớn, nguồn nhân lực của DQS cũng sẽ được tăng từ 700 người lên khoảng 2.000 người. Nhiều năm qua, đơn vị đã thực hiện việc tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực để sẵn sàng cho giai đoạn sau tái cơ cấu. Các nhân lực sẽ được đào tạo chuyên sâu và rèn luyện tay nghề, đáp ứng các yêu cầu trong sản xuất kinh doanh của DQS.

Kỳ 3: Thay đổi để phát triển sau tái cơ cấu

Giàn Tam Đảo 01 khi mới được đưa vể DQS bảo dưỡng, sửa chữa.

Bên cạnh đó, DQS định hướng sẽ phát triển theo 2 mảng, gồm sửa chữa, đóng mới, bảo dưỡng tàu thuyền và thi công kết cấu, cấu kiện… Ngoài ra, thực hiện 3 cụm đầu tư quan trọng gồm xây dựng cầu tàu trang trí số 1, 2 và xây dựng nhà máy phá dỡ tàu cũ. Đối với cầu tàu trang trí số 2, ngoài phục vụ cho xuất nhập hàng, DQS còn thực hiện cho Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất thuê để tận dụng triệt để chức năng, giúp tăng doanh thu cho DQS.

Trong năm 2022, nhờ thực hiện tốt công tác quảng bá hình ảnh, tích cực mở rộng thị trường và hoàn thành nhiều đơn hàng khủng, tầm cỡ nên uy tín của DQS dần được tăng cao trên thị trường quốc tế. Với các thành tựu đạt được, kết quả sản xuất kinh doanh của DQS đạt 137% kế hoạch chỉ tiêu. Với mục tiêu, định hướng rõ ràng, cộng thêm thị trường đang có nhu cầu lớn, việc tái cấu trúc sẽ góp phần giúp DQS cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ bằng năng lực sẵn có. Từ đó sẽ giúp DQS dần vượt qua những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại, nhanh chóng “trở lại đường đua”, phát triển trở thành một trong những đơn vị vững mạnh có sức cạnh tranh lớn trong nước và quốc tế.

Kỳ 1: Hồi sinh từ đổ nát

Kỳ 2: Lợi thế và năng lực cạnh tranh của DQS

Thành Linh


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​